Thử một ngày không bức xúc một chuyện gì, thật khó. Thử một ngày tĩnh tại để tập trung cho một điều gì thật thấu đáo, cũng thật khó. Sống chậm và thưởng thức cuộc sống chỉ là những nét vẽ vời hoa mỹ trên chiếc hộp đựng đầy chất liệu của trầm cảm, mỏi mệt. Chiếc hộp đó đang muốn vỡ tung qua các cuộc gây hấn…
“Con người tài khoản”
Không chấp nhận một thực tế trái với bình thường trong suy nghĩ hay cảm xúc chủ quan, nhiều người đã rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Và cuộc khủng hoảng đó có xu hướng chuyển hóa qua việc theo dõi, tham gia vào những tranh cãi, xung đột diễn ra trên những màn hình.
“Con người tài khoản” của thời công nghệ được bơm đầy bằng thời gian rỗng rỗi, bằng nỗ lực vùng vẫy chống lại vô vị, bằng sự khuếch đại của tính ái kỷ để bù đắp cho sự nhàm chán của một đời sống cộng đồng giãn cách không gian vật lý, thiếu vắng các giao tiếp và sinh hoạt xã hội bình thường. Nhưng nó, “con người tài khoản” thì có thay thế được con người của những tương tác trong “thời bình thường cũ” không? Chắc chắn là không thể.
Cách tham gia xã hội của “con người tài khoản” lệ thuộc vào vốn liếng ngôn ngữ viết và thể hiện hình ảnh, các phương tiện số như máy quay phim, chụp ảnh và kể cả luật chơi của những trang cung cấp dịch vụ cộng đồng trực tuyến miễn phí, ở đó, ngay cả việc diễn tả cảm xúc đôi khi cũng chỉ được quy giản vào các biểu tượng (icon) cố định và đồng dạng cho mọi người.
Trên màn hình điện thoại thông minh, những anh hùng mang sứ mệnh nói điều hay lẽ phải khai sáng thế giới được sinh sôi quá mức cần thiết, nhưng theo đó, những lời nhục mạ, thiếu bao dung và trách nhiệm với nhân phẩm người khác cũng không tính xuể.
Cho nên, trong khi “con người tài khoản” lầm tưởng mình tự do hơn, cởi mở hơn, giao tiếp nhiều hơn thì cũng chính là lúc anh ta đang bị chi phối nhiều hơn bởi (cho cùng là) máy móc và sự giới hạn của biểu đạt bản thân trong thế giới số. Đó là chưa kể các quy ước, “mặc định ngầm” hình thành một cách tự nhiên của nhóm đồng nhất mà anh ta tham gia. Anh ta có xu hướng phải chọn ngôn ngữ phù hợp để người khác trong nhóm kết bạn đồng tình hưởng ứng và cũng có xu hướng sẽ chọn lặng im hay phải biết tấn công những gì mà những bạn trong nhóm đang sôi sục chống lại.
Người ta vẫn nói về sự dân chủ và tinh thần tôn trọng khác biệt, nhưng ngược lại, cũng thường thấy cái kết của những cuộc tranh luận nảy lửa bởi khác biệt là… nút block.
Những cuộc chiến
Văn hóa đã tạm thời bị lấy mất để đổi lấy mục tiêu sinh tồn. Các thiết chế văn hóa làm nên đời sống cộng đồng đô thị: rạp phim, bảo tàng, sân khấu, những buổi hòa nhạc, nhà sách, phòng tranh… đóng cửa, cuộc sống tinh thần con người trong giãn cách xoay quanh các màn hình.
Trên màn hình, “con người tài khoản” được thể hiện qua nhiều hình thái mục đích, có khi đơn giản chỉ là thông tin, phô trương điều kiện – lối sống và cũng có thể tích cực hơn, là liên kết trách nhiệm xã hội (như kêu gọi thiện nguyện). Nhưng ngay cả trong các việc tưởng chừng tốt lành đó, trong một bối cảnh mà mỗi người đều có thể là bệnh nhân trầm cảm, thì xung đột đều có thể phát sinh và tiềm tàng.
Các triết gia có thể đã quá tháp ngà khi cho rằng giãn cách sẽ kéo con người trở về với những không gian sống chật hẹp, tối giản, căn bản và đầy cô đơn, như thế thì con người sẽ được một dịp thanh lọc tinh thần để sống điềm tĩnh và vị tha hơn. Nhưng đó là khả năng lý tưởng chỉ dành cho những đan sĩ trong các hang động hay sa mạc, còn với con người của đời sống đô thị đã đang đánh mất tập tính xã hội phong phú, không loại trừ những chấn động dẫn dắt họ đi đến một thái cực khác của tình trạng tổn thương tâm lý, kéo theo những hệ lụy của sự chia rẽ.
Trên màn hình điện thoại thông minh, những anh hùng mang sứ mệnh nói điều hay lẽ phải khai sáng thế giới được sinh sôi quá mức cần thiết, nhưng theo đó, những lời nhục mạ, thiếu bao dung và trách nhiệm với nhân phẩm người khác cũng không tính xuể. Trong lúc ấy, một cỗ máy truyền thông khỏe mạnh, sản lượng cao liên tục cung cấp các sự kiện gây tranh cãi, cung ứng chất liệu cho biết bao nỗ lực xông pha quan điểm, bản năng kéo phe lập cánh và thế là các trận ẩu đả ngôn từ kéo dài vô tận. Nhiều người dễ dàng lao vào cuộc chiến bất tận để bồi đắp cho một bản ngã phía sau một tài khoản và nuôi tham vọng, ảo tưởng về sự ảnh hưởng tinh thần lên kẻ khác.
Tham gia vào những cuộc xung đột, con người tìm cách giải thoát những u uất, mệt mỏi tích lũy, dồn tụ bên trong nhưng cũng đồng thời tiếp nhận những nỗi u uất mới. Các mối quan hệ thân ái xây dựng nhiều năm trong đời thực bỗng chốc tan rã chỉ vì một sự bất đồng nào đó về một vấn đề chẳng phải quan thiết, nhiều tương quan đời sống tan rã chỉ vì một sự nóng vội phán xét và phản công trước cái khác biệt mà sau đó không còn kịp vãn hồi,… Trong đám đông hỗn loạn của những cuộc tranh cãi, hình dạng tha nhân cũng méo mó theo sự hưng cảm hay diễn dịch chủ quan.
Một đám đông hàng trăm nghìn người xem một cuộc livestream và hả hê tô đậm những lời lăng mạ cá nhân thì đang nói lên điều gì, nếu không phải là sự nghèo nàn của một thế giới tinh thần thất thủ trước virus.
Triết gia, nhà văn Byung-Chul Han trong bài trả lời phỏng vấn tờ SZ-Magazin, cho rằng con người đang từ bỏ nhà thờ và những buổi cầu nguyện để đến với Facebook, vì ở đó, người ta nghĩ rằng mình được chạm tới người khác gần hơn qua các tin nhắn. Nhưng không phải. Các tin nhắn càng nhiều, khoảng cách con người trong đời sống thực càng lớn. “Một giáo hội mới đã xuất hiện, nhưng nó không tạo ra ý nghĩa. Trên Facebook ta không thể né tránh cái chết. Và vì cảm nhận được điều đó nên con người giao lưu ngày càng nhiều hơn và ngày càng nhanh hơn”, ông nói. Trong một tiểu luận khác bàn về con “virus mệt mỏi” mà COVID-19 sinh ra, triết gia này nói về sự khủng hoảng văn hóa mà giãn cách thời đại dịch tạo ra, con người bị đẩy vào một cuộc selfie vô tận trước màn hình. Có thể thêm vào: một giáo hội thánh chiến bằng màn hình.
– Vậy, sau hơn ba tháng giãn cách, thử nhìn lại, đời sống giải trí của chúng ta là gì?
– Mở YouTube lên và theo dõi một chị đại gia livestream lật tẩy, bới móc từ chuyện làm từ thiện đến đời tư của những ngôi sao giải trí, và nằm trong bóng tối chờ một anh showbiz đáp trả bằng một cuộc livestream lúc một hai giờ sáng? Cùng nhau ném đá ông trọng tài bên Trung Đông bằng những ngôn từ khiếm nhã nhất của một thứ tiếng giàu và đẹp chỉ bởi ông ấy không cho đội tuyển quốc gia hưởng quả phạt đền? Tranh cãi đạo đức và thẩm mỹ về ngôi sao hình xăm trên gáy một cô giáo? v.v..
Thử tưởng tượng trong đời thực, nếu suốt ngày chỉ kéo nhau đi xem hết đám nọ đến đám kia cãi lộn, thì sẽ bị ông bà gán nhãn là “nhiều chuyện”, “rỗi hơi hóng hớt” nhưng trên màn hình điện thoại thông minh, chẳng ông bà đáng kính nào có mặt để nhắc nhở ta điều đó cả. Một đám đông hàng trăm nghìn người xem một cuộc livestream và hả hê tô đậm những lời lăng mạ cá nhân thì đang nói lên điều gì, nếu không phải là sự nghèo nàn của một thế giới tinh thần thất thủ trước virus.
Thử nghĩ đến một viễn cảnh lý tưởng là đại dịch kết thúc. Mai này, khi quay lại đời sống như cũ, bên cạnh những người đã hóa thành tro chóng vánh đến nỗi ta chưa quen ý niệm về sự vắng mặt của họ trong đời, còn có những người đã bị ta làm cho vô hình sau những bờ chiến tuyến mà ta vừa kịp xây lên đầy kiên cố trong những ngày làm tù binh của phe trầm cảm.