Trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc, hạt mà chúng ta ăn ngày nay đều có nguồn gốc từ các loại cây dại được thuần hóa, trồng trọt và cải thiện giống trong nhiều thiên niên kỷ.
Các kết cấu, hương vị, hình dáng và giống khác nhau đã được con người điều chỉnh để trông hấp dẫn hơn, ăn ngon hơn và mang đến nhiều hiệu quả nông nghiệp hơn. Có cách nào để biết phiên bản nguyên thủy của chúng trông ra sao?
Trong nhiều thập kỷ, các nhà di truyền học thực vật đã nghiên cứu các thành phần di truyền theo thời gian của các loại thực phẩm hiện đại theo nhiều cách khác nhau, làm nổi bật một số đột biến di truyền gây ra các biến đổi về hình dáng. Tuy nhiên, những cách tiếp cận này không giúp ích nhiều lắm trong việc tìm ra hình dáng ban đầu của các loại thực vật dùng làm thực phẩm ngày nay.
Một nhà di truyền học thực vật và một nhà sử học nghệ thuật người Bỉ, trong một lần cùng đi bảo tàng, tin rằng có thể tìm thấy câu trả lời từ những tác phẩm hội họa xưa cũ.
Hoa quả lạ trong tranh xưa
Ive De Smet làm việc tại Trung tâm Sinh học hệ thống thực vật VIB-UGent (Bỉ), còn David Vergauwen là giảng viên lịch sử văn hóa tại Amarant, một viện văn hóa của Bỉ. Dù hoạt động nghiên cứu ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, cả hai vẫn duy trì tình bạn từ thời trung học cho đến nay đã hơn 30 năm.
Vài năm trước, bộ đôi thăm Bảo tàng Hermitage (Nga) và đứng mãi trước bức Fruit Stall (Quầy hoa quả, vẽ năm 1618) của họa sĩ Bỉ Frans Snyders, vì không tài nào nhận ra các loại trái cây được vẽ trong đó. Cả hai tự hỏi liệu các loại trái cây ở thế kỷ 17 và ở thì hiện tại có giống nhau không, hay Snyders chỉ là một họa sĩ tồi?
- Xem thêm: Nguồn gốc của ‘món tráng miệng’
Trên chuyến tàu đến Tsarkoe Selo – một bảo tàng khác ở Nga, câu hỏi đó đã làm dấy lên cuộc thảo luận sâu hơn về việc các loại thực phẩm khác có rơi vào tình huống tương tự hay không. Vậy là cuộc điều tra đa ngành nhằm tìm hiểu cội nguồn thực phẩm thực vật ra đời. Với sự hỗ trợ từ nghệ thuật, họ đã có những khám phá liên quan đến việc thuần hóa cà rốt và màu sắc của chúng, việc tạo ra lúa mì hiện đại, trồng dâu tây và nguồn gốc của dưa hấu.
“Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến câu chuyện đằng sau những bức tranh, ví dụ như củ cà rốt khởi đầu khiêm tốn là một loài cỏ dại rồi tiến hóa dần đến hình dạng phổ biến và màu cam như hiện nay” – De Smet chia sẻ trên CNN hồi tháng 7.
Phân tích gene của các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cổ đại có thể giúp chúng ta hiểu loài thực vật này thời xưa trông như thế nào – ví dụ: màu sắc dựa trên các con đường hoạt hóa protein tạo ra các màu khác nhau, và những đặc điểm mà nó có thể sở hữu chẳng hạn như vị ngọt. “Kết hợp phân tích gene với quan sát tranh vẽ tĩnh vật từ nhiều thế kỷ trước giúp chúng tôi xác định chính xác sự xuất hiện của các đặc điểm nhất định theo dòng thời gian” – De Smet nói.
Một ví dụ cho sự kết hợp giữa phân tích gene và bằng chứng thị giác. Các nghệ sĩ Ai Cập cổ vẽ quả dưa hấu với các sọc xanh lá cây đậm và nhạt, tương tự như ngày nay. Phân tích gene trên lá dưa hấu tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy tiền thân hàng ngàn năm trước của quả dưa hấu thời hiện đại có vị như dưa leo, theo một bài báo khoa học Vergauwen và De Smet công bố năm 2019.
Tính nghệ thuật có thể là rào cản
Nghiên cứu đi kèm với một rủi ro cao: Nghệ thuật mang đầy tính ngẫu hứng, vậy các tác giả của dự án này sẽ lý giải như thế nào về việc một bức tranh có đáng tin cậy hay không? “Nếu bạn nhìn vào một tác phẩm lập thể của Picasso để tìm hiểu một quả lê trông như thế nào vào đầu thế kỷ 20, bạn sẽ thất vọng” – De Smet nói. Tương tự, tác phẩm của họa sĩ quá cố người Hà Lan Hieronymus Bosch có thể cho thấy cấu trúc sinh học chính xác của quả dâu tây, nhưng quả này… cao hơn những người được vẽ bên cạnh.
Esther van der Knaap – giáo sư tại khoa khoa học nông nghiệp và môi trường của Đại học Georgia, người không tham gia dự án ở Bỉ – cho biết: “Việc nghiên cứu, tìm kiếm thông qua các bức tranh và các hình thức nghệ thuật khác chắc chắn là một con đường đáng để theo đuổi. Dù không hoàn hảo nhưng lịch sử nghệ thuật cung cấp thêm những hiểu biết về các đặc điểm quan trọng của nhiều thế kỷ trước”.
Theo De Smet, để giải quyết những sai lệch như vậy phải kiểm tra độ tin cậy của nguồn tin sau đó tin tưởng vào bằng chứng. Nếu ông và đồng sự nghiên cứu có thể xác minh rằng một họa sĩ mô tả quần áo hoặc nhạc cụ một cách chính xác thì họ có thể cho rằng họa sĩ đó cũng chính xác khi vẽ trái cây và rau quả.
Bên cạnh đó tần số xuất hiện cũng có thể là một dẫn chứng thuyết phục. Nếu một món thực phẩm nào đó được miêu tả một lần thì có thể không đáng quan tâm lắm, nhưng nếu nó lặp đi lặp lại nhiều lần thì nhiều khả năng nó đã từng phổ biến trong quá khứ và được đưa lên tranh vẽ.
Trong nghiên cứu này, hoa hồng được xem là yếu tố đáng tin cậy dùng để đánh giá tính hiện thực của một bức tranh vì chúng có lịch sử nhân giống lâu đời và những mô tả kỹ càng trong nhiều thế kỷ. Nếu nghệ sĩ cũng vẽ hoa hồng trong một bức tranh thực vật, điều đó có thể giúp xác định xem liệu bức tranh của người ấy có đáng tin cậy về tính hiện thực hay không.
Cơ sở dữ liệu từ cộng đồng mạng
Mặc dù đi bảo tàng là thú tiêu khiển lâu năm của De Smet và Vergauwen, họ không thể tự mình đi du lịch và tham quan đây đó cho dự án này. Cả hai cũng có nguy cơ bỏ lỡ bất kỳ phát hiện tiềm năng nào từ các phòng trưng bày tư nhân hoặc các bộ sưu tập cá nhân kín tiếng. Tra cứu các danh mục trực tuyến, thường chỉ có tên, mô tả ngắn gọn, hình ảnh nhỏ cho một số tác phẩm nghệ thuật nhất định, không phải lúc nào cũng khả thi. “Một bức tranh có thể vẽ 20 củ cà rốt trông rất kỳ lạ, nhưng chỉ cần có… một con ếch trên đó là tác phẩm sẽ được đặt tên là “Tĩnh vật với ếch”” – De Smet giải thích.
Vì vậy, hai nhà nghiên cứu đang mở rộng lời kêu gọi tìm kiếm tranh ảnh không chỉ ở Bỉ và Hà Lan mà còn tìm sự trợ giúp từ cả những người yêu thích lịch sử, nghệ thuật hoặc làm vườn trên toàn cầu. Họ lưu ý những người đam mê nghệ thuật để mắt đến thực phẩm thực vật khi đến thăm các viện bảo tàng và chia sẻ để dự án có thể thu thập thêm dữ liệu về đề tài nghiên cứu này.
Trước tháng 7-2020, những tình nguyện viên tham gia góp ảnh được yêu cầu gửi qua email, nhưng De Smet và Vergauwen đang phát triển một ứng dụng để sắp xếp và hiển thị cơ sở dữ liệu công khai. Bộ đôi nhà khoa học Bỉ đặt tên cho chiến dịch huy động cơ sở dữ liệu từ cộng đồng này là #ArtGenetics – hashtag này xuất hiện trên nhiều mạng xã hội lớn như Twitter, Facebook và Instagram.
“Việc nghiên cứu giờ đây trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Các công cụ tập hợp dữ liệu từ cộng đồng cho phép chúng tôi tiếp cận nhiều dữ liệu nhanh hơn trước đây, khi phải đi thăm từng bảo tàng một” – De Smet nói.
De Smet và Vergauwen cho rằng những phát hiện về sự tiến hóa của thực phẩm thực vật cũng có thể làm sáng tỏ các vấn đề như nơi xuất hiện của những loại thực phẩm đó, mức độ phổ biến của chúng và mối liên hệ giữa thói quen tiêu thụ thực phẩm, các tuyến đường thương mại và các vùng đất mới chinh phục.
Ví như cà chua được biết đến ở châu Âu vào những năm 1530, nhưng phải đến thế kỷ 17 loại cây này mới được trồng như một loại cây ăn quả. Mãi đến thế kỷ 19, cà chua mới trở thành một loại nguyên liệu thực vật không thể thiếu trong những căn bếp Ý.
De Smet cho rằng khoảng thời gian thích nghi với thực vật kéo dài như vậy chỉ có thể được giải thích bởi thói quen văn hóa. “Cả cà chua và khoai tây đều từng bị coi là nguy hiểm và thậm chí là độc hại. Tôi đoán rằng dòng điều tra của chúng tôi không chỉ giới hạn trong di truyền và lịch sử nghệ thuật, mà còn bao gồm cả lĩnh vực nhân chủng học văn hóa và lịch sử xã hội”.