Dù chỉ thịnh hành trong 30 năm, nhưng hệ thống xe cáp tại San Francisco, Mỹ, đánh dấu một bước phát triển của giao thông công cộng được yêu thích trong lịch sử phát triển, là niềm tự hào của người dân và họ đã bảo vệ thành công di sản đô thị này trước làn sóng phát triển của công nghệ hiện đại.
Bất cứ du khách nào đến thăm San Francisco đều muốn trải nghiệm xe cáp, loại hình giao thông được sử dụng cách nay hơn trăm năm, ngắm nhìn dọc hai bên tuyến, cảm nhận và tìm hiểu những thăng trầm của thành phố trong lịch sử hình thành.
Biểu tượng của San Francisco
San Francisco gồm hơn 40 ngọn đồi với độ cao thấp, nghiêng dốc khác nhau bên bờ Vịnh San Francisco nối ra Thái Bình Dương. Như một cục nam châm hút di dân nhờ làn sóng khai thác vàng tại California, thành phố từ thế kỷ XIX đã quy tụ dân nhập cư, đặc biệt từ châu Âu. Một trong số đó đã góp phần lớn vào việc tạo ra hệ thống xe cáp cho thành phố, nhanh chóng trở nên phổ biến và lan ra nhiều thành phố khác tại Mỹ.
Công dân Scotland Andrew Smith Hallidie di cư sang San Francisco năm 1852, làm việc trong những hầm mỏ khai thác vàng. Tận dụng một số sáng chế tại Anh của cha ông về “xe dây cáp”, mang áp dụng trong hầm mỏ để chuyên chở quặng sắt, cũng như xây dựng cầu treo, năm 1869, ông nảy ý tưởng xây dựng hệ thống xe cáp chở người tại tuyến đường Clay Street Railway.
Tất cả các tài liệu về Hallidie và xe cáp đều ghi lại cảm hứng cho ông thực hiện dự án xe cáp nhờ một lần chứng kiến những con ngựa vất vả kéo xe thồ đi lên một con đường dốc. Vận dụng kinh nghiệm và kỹ thuật trong ngành khai thác hầm mỏ, Hallidie áp dụng nhiều phần trong thiết kế hệ thống vận hành xe cáp, như kỹ thuật vận hành hệ thống băng chuyền làm khung cơ bản cho hệ thống ròng rọc của cáp.
Khi đưa vào vận hành, hiểu một cách đơn giản, một vòng cáp khép kín chạy khắp một tuyến, phía dưới mặt đường giúp kéo – đẩy những toa xe bên trên dọc theo hệ thống đường ray. Hệ thống đường ray này có rãnh, cho phép những thanh kẹp và thắng của toa xe bắt vào hệ thống cáp xoay vòng liên tục phía dưới, đẩy toa xe di chuyển.
Chuyến xe cáp chở hành khách đầu tiên được ghi nhận vào một sáng đầu tháng 8.1873. Xe cáp trở thành lựa chọn phù hợp và tối ưu kết nối một thành phố với rất nhiều ngọn đồi, thu hút sự yêu thích của cả người dân và du khách, được đánh giá an toàn và tiện lợi hơn so với xe ngựa thồ. Bốn năm sau, từ tuyến đầu tiên, hệ thống bắt đầu được mở rộng, thành phương tiện giao thông công cộng chính của thành phố trong 30 năm. Thời đỉnh cao, có 8 công ty vận hành 22 tuyến đường xe cáp, với tổng chiều dài hơn 80 km, kết nối tất cả những điểm quan trọng quanh thành phố.
- Xem thêm: WePark, sáng kiến văn phòng mở
Hiện nay ba tuyến xe cáp đang vận hành phục vụ cả người dân lẫn khách du lịch, có các trạm lên xuống ở nhiều vị trí quan trọng như bảo tàng, cảng cá, vịnh, quảng trường, kết nối với trung tâm thành phố. Khách du lịch là chính với giá 7 USD/tuyến (so với xe buýt là 3 USD).
“Quý bà xe cáp” Friedel Klussmann
Để người dân và du khách còn được trải nghiệm loại hình giao thông mang đậm tính lịch sử và phát triển của địa phương cách đây hơn trăm năm, cần cám ơn một phụ nữ mang tên Friedel Klussmann.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hệ thống xe điện bắt đầu được phát triển tại Mỹ và dần trở thành một lựa chọn kinh tế hơn cho giao thông công cộng đô thị. Tại San Francisco, xe điện bắt đầu được lựa chọn thay thế vì có thể đi xa hơn và nhanh hơn, tuy nhiên xe cáp vẫn còn thế mạnh là leo các con dốc cao tốt hơn. Vào năm 1912, thành phố chỉ còn lại 8 tuyến xe cáp, chủ yếu thuộc các tuyến đường phải leo lên các đỉnh đồi có độ dốc cao.
Công nghệ kỹ thuật tiên tiến phát triển sau Thế chiến thứ nhất dần giúp xe điện và xe hơi khắc phục những bất lợi khi leo dốc. Nhiều thành phố tại Mỹ, trong đó có San Francisco, cũng lên kế hoạch tháo bỏ các tuyến xe cáp. Năm 1947, một năm tưởng chừng đánh dấu việc khai tử xe cáp khỏi San Francisco, bắt đầu từ một tin tức bóng gió về việc “thời của xe cáp chỉ còn đếm từng ngày”.
Sau đó thị trưởng San Francisco, Roger Lapham, gửi thông điệp tới ủy ban kiểm soát của thành phố, khẳng định “sẽ xóa bỏ toàn bộ hệ thống xe cáp khỏi thành phố càng sớm càng tốt”. Ông lý luận, những người có tình cảm với hệ thống xe cáp không phải trả chi phí vận hành và sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu rủi ro sợi dây cáp bị đứt khi xe đang ở lưng chừng ngọn đồi nào đó.
Ông còn cho rằng chi phí vận hành hệ thống xe cáp tốn kém hơn các phương tiện hiện đại và thành phố nên dần thay thế hệ thống kỹ thuật cũ. Sau đó nhiều tờ báo đã đăng bài về việc thành phố bắt đầu đặt hàng các xe buýt và các xe mới, máy móc hiện đại, hiệu quả, sẽ là tương lai.
Nhiều cuộc tranh luận về việc liệu xe cáp có còn là một phương tiện cần thiết cho người dân thành phố hay không?
Thời điểm tranh luận nổ ra, dưới sự chứng kiến của văn phòng thị trưởng, Liên đoàn Nghệ thuật San Francisco và Hiệp hội Hoa dại và Hoa mùa xuân của California đã tổ chức một cuộc họp với 27 nữ lãnh đạo của các tổ chức dân sự bàn về việc giữ lại di sản này.
- Xem thêm: 15 thành phố lâu đời nhất nước Mỹ
Tại sự kiện, một Ủy ban Công dân cứu các xe cáp đã được bà Friedel Klussmann, cũng là Chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật San Francisco thành lập. Ủy ban này thực hiện hàng loạt hoạt động tuyên truyền, khẳng định giá trị của những chiếc xe cáp đối với thành phố lớn hơn chi phí vận hành.
Hoạt động đã gây được tiếng vang, thu hút báo chí tham gia làm những chuyên đề về hệ thống xe cáp, công chúng cũng lên tiếng ủng hộ bảo tồn xe cáp, các nhân vật nổi tiếng đến chụp hình với xe cáp, nhiều người thậm chí tuyên bố sẽ không trở lại thành phố nếu xe cáp không còn. Thơ, văn, truyện và các tác phẩm hội họa về loại hình giao thông này nối tiếp nhau ra đời.
Ủy ban bảo vệ xe cáp tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu và công bố cho thấy thời điểm đó, xe cáp vẫn là lựa chọn tốt, thua lỗ của hệ thống xe cáp rất nhỏ so với thua lỗ của hệ thống xe điện và xe khác. Không những thế, trong khi tai nạn liên quan đến các loại hình phương tiện giao thông khác tăng liên tục thì xe cáp lại không để xảy ra trường hợp nào. Đặc biệt, trong khoản tiền lớn đóng góp cho thành phố hàng năm, du lịch chiếm con số không nhỏ và thứ thu hút du khách số một chính là trải nghiệm xe cáp.
Nỗ lực của những người đấu tranh bảo vệ di sản đô thị đã được đền đáp: 2/3 người dân bỏ phiếu ủng hộ giữ lại xe cáp. Cuối cùng, thành phố phải sửa lại quy định nhằm bảo tồn và tiếp tục vận hành một số tuyến xe cáp nhất định. Năm 1964, hệ thống xe cáp tại San Francisco được nhận danh hiệu là biểu tượng lịch sử quốc gia. Friedel Klussmann được tặng danh hiệu “Quý bà xe cáp”.
“Một tiếng nói có thể thay đổi thế giới, chỉ cần một người tạo cảm hứng cho bạn bè quanh mình, đó chính là điều Friedel Klussmann đã làm”, Darcy Brown, một nhà hoạt động thuộc tổ chức San Francisco xinh đẹp, nhận định về việc làm của Klussmann.