Tuổi tác, tình trạng béo phì và hằng ngày ít vận động, nhất là thường ngồi lâu tại một vị trí làm việc là những nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ – tình trạng căng giãn các tĩnh mạch trong ống hậu môn. Ở Mỹ, khoảng 40% dân số bị trĩ, đa số trong độ tuổi từ 20 đến 50. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, theo kết quả của đợt điều tra dịch tễ học và lâm sàng mới đây, tỷ lệ bệnh trong cộng đồng trên 50 tuổi là 45,39%, mà triệu chứng chủ yếu là sa trĩ (chiếm khoảng 49,5%).
Về nguyên nhân của bệnh trĩ, PGS-TS Dương Văn Hải, hiện đang công tác tại khoa Hậu môn – Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân, cho biết: Thông thường, các mô trong hậu môn chứa đầy máu, có tác dụng như tấm đệm, giúp chúng ta kiểm soát hoạt động của cơ quan này. Khi bị tiêu chảy hoặc táo bón, động tác rặn sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch trong các mô, khiến mô sưng phồng lên, nhiều lần lặp lại gây ra bệnh trĩ.
Bệnh trĩ được chia thành hai loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là tình trạng các tĩnh mạch nhỏ bị giãn nằm ở thành ống hậu môn. Vị trí này có ít dây thần kinh cảm giác nên người bị trĩ thường không có cảm giác đau nhiều. Trĩ ngoại xảy ra khi các tĩnh mạch lớn bị giãn, sa hẳn ra khỏi hậu môn, nằm gần lỗ hậu môn hoặc bên dưới lớp da quanh hậu môn.
Búi trĩ sa thường gây đau đớn do thành hậu môn có nhiều thần kinh cảm giác, đặc biệt là khi cơ vòng hậu môn siết mạnh, làm tắc mạch máu dẫn đến búi trĩ, gây ra tình trạng trĩ tắc mạch. Khi búi trĩ sa ra ngoài, bệnh nhân có thể thấy chất nhầy trên giấy toilet hoặc phân. Trĩ ngoại có thể bị kích thích và tạo thành cục máu đông dưới da, hình thành một khối cứng, màu xanh hoặc thâm tím, khi đó gọi là trĩ ngoại tắc mạch. Một người có thể mắc cả hai loại trĩ.
Cảm giác đau khi đại tiện có phải là triệu chứng thường gặp nhất của trĩ không, thưa bác sĩ?
Đúng, nhưng đó chỉ là một triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp khác là chảy máu khi đi cầu, ngứa và đau hậu môn. Khi bị trĩ nội, bệnh nhân thường thấy máu tươi trên giấy toilet, trong bồn cầu hoặc trên bề mặt phân.
Nghe nói hầu hết các bệnh nhân đi khám bệnh trĩ đều đã ở giai đoạn muộn, phải không bác sĩ?
Cũng đúng! Bệnh trĩ thường không gây cảm giác đau nhiều, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống không nặng nề nên người bệnh dễ dàng chấp nhận. Hơn nữa, bệnh ở vùng kín nên người bệnh thường ngại đi khám, nhất là bệnh nhân nữ. Đa số bệnh nhân trĩ chỉ đi khám khi bệnh đã diễn biến nặng, do đó phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Có một số trường hợp hiếm là khi để quá muộn thì xảy ra biến chứng như thiếu máu do mất máu mãn tính hoặc trĩ nội tắc mạch, rất đau và có nguy cơ bị hoại tử mô.
Người lớn tuổi dễ mắc bệnh trĩ do các mô nâng đỡ tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị suy yếu và nhão theo tuổi tác. Phụ nữ có thai có thể bị trĩ trong sáu tháng cuối của thai kỳ do có hiện tượng tăng áp lực mạch máu vùng chậu. Động tác rặn trong chuyển dạ có thể làm bệnh trĩ nặng hơn. Ngoài ra, tình trạng béo phì, khi làm việc phải ngồi lâu (doanh nhân, tài xế, nhân viên văn phòng, thợ may…), thói quen ngồi lâu trong toilet (để kết hợp đọc sách, báo…), giao hợp qua đường hậu môn đều dễ gây ra bệnh trĩ. Y khoa cũng ghi nhận có vai trò của di truyền trong bệnh trĩ.
Liệu bệnh nhân có thể tự điều trị bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống không?
Trường hợp bị trĩ nhẹ (độ 1 và độ 2) thì có thể điều trị tại nhà bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống để tránh táo bón, uống nhiều nước, dùng thuốc làm mềm phân, dùng thuốc bôi để làm giảm các triệu chứng đau, ngứa. Các thuốc bôi không nên dùng quá một tuần nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây ra phản ứng phụ như viêm, phát ban, làm mỏng da… Nếu điều trị như vậy không đạt kết quả thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị bằng các phương pháp ít xâm hại. Ví dụ người bị trĩ ngoại tắc mạch sẽ được lấy cục máu đông bằng một đường rạch đơn giản sau khi gây tê. Nếu trĩ gây đau nhiều hoặc chảy máu kéo dài thì người bệnh có thể được chích xơ, thắt trĩ, làm đông máu bằng tia hồng ngoại, tia laser, điện lưỡng cực…
Các trường hợp trĩ nặng hơn (độ 3, độ 4) thì cần phải được phẫu thuật cắt trĩ. Phẫu thuật phải đạt các yêu cầu là lấy hết các búi trĩ, không gây biến chứng và không tái phát. Cắt trĩ không phải là phẫu thuật lớn nhưng cũng không hề đơn giản. Vì vậy, việc phẫu thuật trĩ thường do các phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hóa có kinh nghiệm thực hiện.
Xin bác sĩ giới thiệu thêm về các phương pháp phẫu thuật trĩ phổ biến hiện nay?
Hiện có hai lựa chọn về phương pháp phẫu thuật trĩ. Thứ nhất là phương pháp cổ điển, có thể cắt cả trĩ nội và trĩ ngoại. Phương pháp này có thể thực hiện theo nhiều kỹ thuật và bệnh nhân thường được gây tê vùng tủy sống hoặc gây mê. Đây là cách hiệu quả nhất để cắt bỏ các búi trĩ, nhưng cũng là phương pháp có tỷ lệ biến chứng cao nhất. Bệnh nhân phải chịu đau nhiều ngày, rất đau trong những ngày đầu, đặc biệt là những khi đi cầu vì vùng cắt trĩ có rất nhiều thần kinh cảm giác, rồi phải băng vết thương và mất ít nhất từ bốn đến sáu tuần mới bình phục hoàn toàn được.
Hơn hai thập niên về trước, khoa học đã chứng minh rằng các đám rối tĩnh mạch trĩ là thực thể giải phẫu và sinh lý bình thường, tạo nên lớp đệm ở ống hậu môn, giúp kiểm soát sự tự chủ hậu môn. Phát hiện này đưa đến một quan niệm mới về điều trị trĩ là cố gắng bảo tồn lớp đệm đó, làm thể tích búi trĩ nhỏ lại theo sinh lý bình thường và đưa về đúng vị trí giải phẫu của nó. Do đó, một phương pháp mới đã được bác sĩ người Ý tên là Antonio Longo đi đầu thực hiện hồi năm 1993, sau này được vận dụng rộng rãi và gọi là phương pháp Longo.
Người ta dùng dụng cụ cắt và khâu một khoanh niêm mạc trực tràng sa khoảng hai, ba phân ở bên trên các búi trĩ (độ 2, 3, 4, kể cả trĩ vòng). Các kim bấm của máy khâu vòng làm giảm dòng máu, đồng thời khâu cố định trĩ, hay còn gọi là treo trĩ, vào vùng có áp lực thấp của ống hậu môn, cho phép máu lưu chuyển lên trên tốt hơn và làm teo các búi trĩ. Cắt và khâu như vậy giúp cho búi trĩ không còn chảy máu và không sa ra ngoài hậu môn.
Đường khâu vòng được đặt trên niêm mạc trực tràng, nơi không có thần kinh cảm giác, do đó không gây đau sau khi mổ. Hiện nay, phương pháp Longo được nhiều bệnh nhân quan tâm vì thời gian hồi phục cũng nhanh, nhưng dụng cụ mổ vốn chỉ dùng một lần lại khá đắt tiền, khoảng chín triệu đồng. Ở Bệnh viện Bình Dân, người bệnh có bảo hiểm y tế chỉ phải trả 20% chi phí đó.
Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp điều trị trĩ, trong đó có cách bôi thuốc, đắp thuốc. Nhược điểm của các phương pháp này là bệnh nhân rất đau vì thuốc tác dụng lên vùng niêm mạc vốn rất nhạy cảm của hậu môn. Hơn nữa, sau nhiều tháng hoặc nhiều năm dùng thuốc, niêm mạc ống hậu môn mất dần, rồi sẹo hiện ra chiếm hết chu vi ống hậu môn nên làm cho lỗ hậu môn bị hẹp lại. Bệnh nhân sẽ rất khổ sở khi đi cầu, phải rặn nhiều và chịu đau đớn.
Vậy để tránh phải phẫu thuật trĩ, lời khuyên của bác sĩ đối với các bệnh nhân là…
Bệnh nhân nên đi khám ngay khi đi cầu ra máu nhiều lần vì đây là triệu chứng thường gặp nhất của trĩ và các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư đại tràng, trực tràng và hậu môn. Ngoài ra, nếu các triệu chứng của trĩ đi kèm với các thay đổi rõ rệt về tập quán của ruột (thói quen đi cầu), đi cầu phân đen, phân như bã cà phê, có máu lẫn trong phân… thì đó là dấu hiệu báo rằng một lượng máu lớn bị chảy ra ở nơi khác của ống tiêu hóa và cũng cần đi kiểm tra ngay. Trường hợp đi cầu ra máu nhiều kèm cảm giác chóng mặt hoặc ngất xỉu thì phải đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Cần lưu ý là có một số bệnh lý khác ở vùng hậu môn trực tràng như polyp trực tràng, sa trực tràng cũng có triệu chứng giống như sa trĩ. Bệnh nhân thường không thể tự phân biệt, mà cần bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán để có phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể chỉ ra cách phòng bệnh trĩ mà mọi người đều có thể dễ dàng thực hiện?
Việc phòng bệnh khá đơn giản. Nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ như trái cây, rau quả và uống nhiều nước, từ hai đến ba lít mỗi ngày. Chịu khó vận động để làm giảm áp lực tĩnh mạch và giúp ngừa táo bón, tránh ngồi lâu hoặc đứng lâu. Có thể bổ sung chất xơ, từ 25 đến 36 gam mỗi ngày, vì nhiều nghiên cứu cho thấy các chất xơ bổ sung như Metamucil, Citrucel… làm dịu các triệu chứng của trĩ, giúp đi cầu đều đặn.
Ngay khi có các dấu hiệu khó chịu hoặc bất thường ở vùng hậu môn, cụ thể là đau, rát, ngứa, rỉ dịch, đi cầu ra máu, cảm giác mót rặn… thì nên sớm đến bệnh viện có khoa hậu môn – trực tràng để khám và được điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn bác sĩ!