Một doanh nghiệp mới được thành lập thường dễ dàng tạo ra cho nhân viên một môi trường làm việc vui vẻ. Lý do là số lượng nhân viên của doanh nghiệp trong giai đoạn này còn ít và các thành viên trong một nhóm làm việc nhỏ tuy có thể phải chịu một áp lực công việc khá lớn và mỗi người kiêm nhiệm nhiều việc nhưng có thể dễ dàng trao đổi thông tin, hỗ trợ và hợp tác với nhau.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và số nhân viên tăng lên đáng kể thì việc tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ sẽ là một thách thức lớn. Cùng với sự phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn, các xung đột trong tổ chức cũng bắt đầu phát sinh nhiều hơn. Kết quả là các nhân viên có thể chỉ tập trung vào lợi ích cục bộ của cá nhân hay nhóm của mình và quên đi mục tiêu, sứ mệnh lớn hơn của doanh nghiệp.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng nói trên và xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ, từ đó cải thiện năng suất lao động khi doanh nghiệp phát triển ở quy mô lớn? Theo Ken Lin, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc của Credit Karma, tổ chức được thành lập với sứ mệnh thay đổi ứng xử của con người với các vấn đề tài chính, một môi trường làm việc “hạnh phúc” cần phải hội đủ những yếu tố sau.
1. Gắn bó
Theo Lin, doanh nghiệp cần phải tạo cho các nhân viên, nhất là những người mới gia nhập tổ chức, niềm tin vào sứ mệnh của công ty. Họ phải có được niềm tự hào rằng bản thân họ đang góp phần vào việc thực hiện một điều gì đó có ý nghĩa. Khi đó, nhân viên sẽ có cảm giác hài lòng với công việc của mình, làm việc chủ động và gắn bó lâu dài với tổ chức. Tại Credit Karma, khi số lượng nhân viên vượt quá con số 300 người, ban giám đốc đã rất chú trọng việc định hướng cho nhân viên ngay từ ngày gia nhập đầu tiên.
Theo đó, trong toàn bộ ngày làm việc đầu tiên, nhân viên sẽ được giới thiệu về sứ mệnh của công ty và tạo điều kiện để làm quen, kết thân với các đồng nghiệp mới. Bên cạnh đó, truyền thông mở luôn được khuyến khích và duy trì tại tổ chức này. Lin cho rằng, tất cả các nhân viên cần phải biết được mọi mặt trong hoạt động của doanh nghiệp.
Để thể hiện văn hóa này, Credit Karma tổ chức một cuộc họp với toàn thể nhân viên mỗi tháng. Tại cuộc họp này, nhân viên có thể đưa ra bất cứ câu hỏi nào liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sau khi nghe phần báo cáo của ban giám đốc.
2. Kết nối
Những nhân viên hài lòng không chỉ hiểu và tôn trọng những gì doanh nghiệp đang làm mà còn cảm thấy vui vẻ và tự hào khi mình góp phần hiện thực hóa những điều ấy.
Để được như vậy, Lin khuyên các doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường văn hóa tôn trọng lẫn nhau. Sau khi rời công sở, nhân viên luôn cảm thấy vui vẻ với cảm giác những ý kiến của mình luôn được lắng nghe.
Credit Karma thường ưu tiên tuyển dụng những nhân viên có khả năng làm việc hòa đồng, vui vẻ với các đồng nghiệp xung quanh, có tinh thần đồng đội cao và sẵn sàng chia sẻ những công việc khó khăn. Để nhân viên có nhiều cơ hội kết nối với nhau, Credit Karma thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ dành riêng cho nhân viên.
3. Tin tưởng
Lin khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần thể hiện cho nhân viên biết rằng họ đang được tin tưởng và khuyến khích họ làm việc độc lập. Nhân viên nên được tạo điều kiện để tự do thực hiện công việc của họ, dù điều đó có thể rủi ro và khiến họ thất bại. Credit Karma thường tuyển những nhân viên có năng lực tốt ở một lĩnh vực nào đó và có quyết tâm đạt được thành công cao.
Để cho nhân viên được tự do thử nghiệm cũng là một cách kích thích sự sáng tạo của họ. Kin cho biết, nhờ chủ trương này mà các nhân viên tại Credit Karma thường đưa ra được nhiều đề xuất cải tiến chất lượng công việc cũng như nhiều chương trình mới có giá trị.
4. Sức khỏe
Lin khuyên các doanh nghiệp không nên xem thường sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên vì điều đó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn. Nhân viên cần phải được tạo điều kiện về thời gian và sự tự do để chăm lo cho cuộc sống cá nhân của mình. Khi có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Credit Karma hiện đang áp dụng chế độ nghỉ ốm không giới hạn cho nhân viên, tổ chức các buổi tư vấn về chế độ dinh dưỡng do các chuyên gia thực hiện, các khóa học về yoga, thiền, các lớp thể dục hay tư vấn chăm sóc sức khỏe cá nhân.
5. Đền bù
Doanh nghiệp không nên chỉ nói suông rằng đang quan tâm và tôn trọng nhân viên mà cần hiện thực hóa điều ấy bằng sự đền bù và tưởng thưởng xứng đáng. Dù cho môi trường làm việc có cởi mở và thú vị đến mấy, nếu doanh nghiệp không đãi ngộ thỏa đáng cho nhân viên, họ sẽ khó thể gắn bó lâu dài với tổ chức.
Tuy nhiên, Lin cũng khuyến cáo rằng nếu các doanh nghiệp chỉ trả lương cạnh tranh, tạo ra các chính sách phúc lợi hay các ưu đãi cổ phiếu hấp dẫn thì điều ấy chưa chắc đã làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc. Điều quan trọng hơn là sự công bằng trong việc chia sẻ những thành quả mà doanh nghiệp có được cho mỗi thành viên.