Chưa ai thống kê được tỷ lệ công chức làm việc thực sự và bộ phận chỉ giữ chỗ ăn lương. Người bi quan cho rằng tỷ lệ người làm gánh phần người ngồi chơi là 50-50. Phó trưởng ban Dân vận Nguyễn Thế Trung đã từng phát biểu như vậy trong một cuộc hội thảo vào đầu năm nay do Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia tổ chức. Theo ông, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về độ cồng kềnh của bộ máy hành chính, số lượng các cán bộ công chức, từ cấp xã đến cấp trung ương quá nhiều. Ngân sách mỗi năm phải chi một khoản quá lớn cho việc trả lương cho bộ máy mà cuối cùng, mức lương cho mỗi người lại quá thấp.
Về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thì đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận chỉ giữ chỗ ăn lương “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
Mới đây, vào ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm định về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đã nêu ra khá nhiều câu hỏi hóc búa liên quan đến vấn đề này.
Lãnh lương hưu tại xã Anh Sơn, Nghệ An
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ con số 30% công chức không đạt yêu cầu như dư luận thường nêu ra.
Liên quan đến câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật, đại diện cho đoàn giám sát, nói đoàn giám sát cũng muốn tìm câu trả lời xem có đúng “1/3 công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hay không. Nhưng các địa phương đều bảo chưa có tiêu chuẩn chung của Chính phủ nên rất khó xác định được chính xác bao nhiêu phần trăm không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Không né tránh đây là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm, song Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình Liên phân trần rằng vừa qua chưa có dữ liệu đầy đủ để tổng hợp về trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện, do đó chưa có được sự thống nhất về số liệu để đánh giá, phân loại nhưng qua tổng hợp sơ bộ, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%.
Liệu có ai trong chúng ta tin được con số này không?
Trong một diễn biến khác liên quan đến người công chức, mới đây Bộ Nội vụ công bố kết quả thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp, với 30% công chức dự thi không đạt điểm để xét. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm yêu cầu.
Kết quả trên không khiến nhiều người bất ngờ, vì chất lượng công chức hiện nay ai cũng biết.
Nhận định này làm rõ thêm phát biểu thẳng thắn của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ khác cho thấy, chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm (phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, ngày 26-3).
Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức, kể cả lực lượng vũ trang, như vậy sẽ có khoảng 840.000 người chỉ ngồi chơi xơi nước và hằng tháng hưởng lương hoặc trợ cấp. Có thể nói, một số lượng lớn công chức đang ăn bám xã hội. Nếu tính bình quân mỗi người nhận lương 2 triệu đồng/tháng, mỗi tháng ngân sách nhà nước mất hơn 1.680 tỉ đồng, mỗi năm mất hơn 20.160 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ trong tình hình ngân sách hạn hẹp và bội chi ngày càng cao. Vậy mà gần đây, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) lại đề xuất hai phương án tăng tuổi hưu của cán bộ công chức. Theo đó, phương án 1 là tăng ngay thêm năm năm làm việc – tức tuổi hưu của nam sẽ là 65 và nữ là 60, phương án 2 là thực hiện việc tăng tuổi hưu theo lộ trình. Lý do được đưa ra hoàn toàn không thuyết phục: nhằm đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Là người đã từng cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ hưu trí từ hai năm trước, ông Giang Thanh Long – Phó viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân – cho rằng tăng tuổi về hưu không thể giải quyết hiệu quả việc cân đối quỹ, hơn nữa lại gây ra tác động bất lợi cho xã hội.
Tăng tuổi về hưu ngay, như đề xuất của phương án 1, sẽ khiến hàng triệu người phải sắp xếp lại công việc, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý. Chẳng hạn người ta đã chuẩn bị sẵn tư tưởng chỉ muốn đóng góp thêm vài năm nữa, nhưng lại buộc phải kéo dài thời gian làm việc thì rõ ràng tâm lý bịảnh hưởng, năng suất lao động kém đi.
Hiện tại cơ chế của chúng ta là thu tiền của người lao động đổ hết vào một rổ, sau đó trích tiền ra để trả cho những người được hưởng. Do đó nó sẽ phụ thuộc rất lớn vào số lượng người đóng và số lượng người hưởng.
Khi dân số già đi, người hưởng lương hưu tăng lên và thời gian hưởng lâu hơn, trong khi số người đóng tăng chậm lại, gây mất cân đối giữa đầu ra đầu vào. Chưa kể mất cân đối giữa việc đóng và việc hưởng. Hiện mỗi người đóng 6% tiền lương nhưng có thể hưởng cỡ 75% tiền lương sau khi về hưu. Sự chênh lệch quá lớn giữa người đóng – người hưởng và mức đóng – mức hưởng sẽ làm cho quỹ thâm hụt nhanh.
Phân tích tới nơi tới chốn sẽ nhận ra rằng đề xuất này rõ ràng mang tính cục bộ. Người ta chỉ nghĩ đến việc tăng quỹ bảo hiểm nhưng không quan tâm đến hậu quả là thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì lương của các vị thuộc đối tượng này thường rất cao (bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp tính từ hệ số lương). Khi các vị về hưu, dù các khoản phụ cấp bị cắt nhưng họ lại được hưởng tối đa 75% lương. Phần chênh lệch các khoản này còn cao gấp đôi lương phải trả cho một sinh viên đại học mới ra trường.
Tăng tuổi về hưu phân tích trên phương diện chung quả thật chẳng thấy có lợi gì cho xã hội. Thứ nhất, hạn chế cơ hội có việc làm cho lớp trẻ hiện nay được học hành bài bản hơn so với trước đây; thứ hai, dù sao cán bộ trước đây vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp là bước cản tiến bộ.
Tăng tuổi hưu, đối với không ít người là cơ hội tăng thời gian tham nhũng, tăng thời gian làm giàu bất chính, tăng thời gian hưởng bổng lộc không đáng có, tăng thời gian lộng quyền, kéo dài sự trì trệ phát triển của xã hội.
Thật không thuyết phục khi một mặt chúng ta đòi hỏi trẻ hóa bộ máy hành chính, một mặt lại đòi tăng tuổi nghỉ hưu.
Hồ Văn (Quận 1)