Sau không gian, đại dương và internet, đến lượt Nam cực và Bắc cực được Trung Quốc đưa vào kế hoạch chinh phục. Tham vọng của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng được ông Tập Cận Bình đưa vào dự án “Vành đai và Con đường” gồm một xuyên qua Trung Á bằng đường bộ và một trên biển đến Đông Phi và châu Âu thông qua kênh đào Suez.
Vào tháng 6 vừa qua Trung Quốc chính thức bổ sung vào tham vọng của mình một Con đường tơ lụa thứ ba, đó là con đường xuyên qua vùng băng đá Bắc cực. Dự kiến trước về tình trạng băng tan, Trung Quốc chuẩn bị cho tương lai với một mục tiêu rất dài hạn. Malte Humpert, người sáng lập Viện nghiên cứu Bắc cực tại Washington, cho rằng “Bắc cực là một ván cờ vua, nơi ta phải nghĩ đến 20 “nước đi” trước, và Trung Quốc vốn rất giỏi về sự tính toán này. Còn châu Âu và Mỹ lại quá tập trung vào những gì ngắn hạn do bị chi phối bởi các cuộc bầu cử chọn người lãnh đạo cứ bốn hoặc năm năm một lần cùng những đòi hỏi là phải mang lại lợi ích ngay”. Theo chuyên gia này, nước Mỹ đã quên bài học rất quan trọng, đó là vào thời kỳ chinh phục miền Viễn Tây, không hề có ai đặt vấn đề về lợi nhuận trước mắt của tuyến đường sắt giữa Saint Louis và San Francisco, vậy mà người ta vẫn xây dựng tuyến đường sắt này. Hơn 300 năm sau, bài học thời lập quốc của Mỹ được Trung Quốc vận dụng. Trong vòng chưa đầy năm năm, họ đã đầu tư 89 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng ở các nước vùng Bắc cực. Lượng tiền này tương đương với gần 20% GDP hằng năm của các nước nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 66.
Trong một bài viết về tham vọng của Trung Quốc đối với Nam cực và Bắc cực vừa được Nhà xuất bản Đại học Cambridge tại Anh quốc phát hành, nhà nghiên cứu Anne-Marie Brady cho biết chiến lược này được phác họa từ đầu năm 2000, nhưng trong suốt 10 năm sau đó vẫn không được chú ý, phải đợi đến khi Tập Cận Bình nắm toàn bộ quyền lực tại Trung Quốc mới được đẩy mạnh.
Biểu hiện rõ hơn của chính sách này là trong năm nay, chín chiếc tàu buôn Trung Quốc của hãng Cosco sử dụng tuyến đường xuyên Bắc cực theo ngã Đông Bắc, chủ yếu để vận chuyển vật liệu xây dựng đến nhà máy khí đốt Yamal ở miền Bắc nước Nga. Vào năm ngoái, đã có năm chiếc dùng tuyến đường này.
Các tuyến đường biển xuyên Bắc cực đã có thể dùng được vài tháng mỗi năm. Tuy nhiên, các con tàu chở container cỡ lớn muốn đi qua vùng Bắc cực vì mục đích thương mại sẽ còn phải đợi thêm vài thập niên nữa, cho đến khi nào người ta hoàn chỉnh được công nghệ xuyên băng đá vốn rất nguy hiểm và tốn kém.
Cho đến nay, Trung Quốc chỉ có một chiếc tàu phá băng hạng nặng là Tuyết Long, mua lại của Ukraina vào năm 1993 dành cho việc nghiên cứu và đã bắt đầu tập hợp thông tin về các tuyến đường tương lai. Một tàu phá băng lớn khác, chiếc Tuyết Long 2, đang được đóng tại xưởng Giang Nam gần Thượng Hải. Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển một đội tàu phá băng có kích thước trung bình.
Trong số ba tuyến đường xuyên Bắc cực, tuyến trung tâm tương lai đi qua vùng biển quốc tế là tuyến đường mà Trung Quốc đặt kỳ vọng nhiều nhất, như chuyên gia Malte Humpert nhận định: “Mọi thứ mà Trung Quốc nhập vào hay xuất đi hiện nay đều phải đi qua những eo biển phức tạp như Malacca, hay qua những kênh đào như Suez và Panama, cho nên tuyến hàng hải Bắc cực sẽ giải quyết sự phức tạp này”.
Đối với Bắc Kinh, việc tỏ rõ mối quan tâm đến các tuyến đường xuyên Bắc cực mới cũng cho phép họ tham gia vào việc soạn thảo các quy tắc sẽ điều hành các tuyến đường này.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc có những động thái mới thể hiện tham vọng tại Bắc cực đang khiến không chỉ Mỹ mà cả Nga cũng bắt đầu lo ngại.
Mới đây, Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc chính phủ nước này chú ý nhiều hơn đến ảnh hưởng từ các động thái gia tăng hoạt động tại Bắc cực của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.
Trong bản tài liệu “Báo cáo về chính sách Bắc cực”, các nhà khoa học lưu ý rằng hiện tượng băng tan do biến đổi khí hậu khiến nhiều nước muốn tìm kiếm vai trò nhiều hơn trong việc phát triển Bắc cực, nhằm tiếp cận với các mỏ dầu khí trong khu vực.
ISAB khẳng định, Trung Quốc vốn cách xa Bắc cực về mặt địa lý nhưng nước này đang tuyên bố là một quốc gia cận Bắc cực để phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn, đó là theo đuổi phát triển kinh tế và tăng trưởng ở khu vực này.
Nghiên cứu của ISAB cho thấy việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn năng lượng hoàn toàn đi ngược với nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
ISAB nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu ở Bắc cực ảnh hưởng tới các điều kiện khí hậu tại Trung Quốc, gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt, trong đó có các đe dọa lũ lụt tới các thành phố ven biển của Trung Quốc”.
Theo nghiên cứu của ISAB, mười năm qua các hoạt động của con người tại Bắc cực tăng gần 400% trong các lĩnh vực vận chuyển, khai thác, thăm dò năng lượng, đánh bắt và du lịch.
Báo cáo nêu rõ các cơ hội kinh tế ở Bắc cực rất quan trọng với Trung Quốc trong ngắn hạn, chẳng hạn như các tuyến đường biển và hàng không sẽ cho phép nước này mở rộng hoạt động vận chuyển tới các thị trường ở châu Âu và Bắc Phi.
Về dài hạn, Trung Quốc có thể tìm kiếm lợi ích từ việc tiếp cận các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, các hydrocarbon khác, khoáng sản và cả nguồn thủy hải sản, cũng như mở rộng du lịch và các công nghiệp khác tới khu vực.
Từ kết quả nghiên cứu này, ISAB cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động tại Bắc cực nhằm đạt được mục đích của mình, trong đó không loại trừ khả năng xảy ra tranh chấp.
Việc Mỹ lo ngại do hoạt động của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở bởi sau những bước đi mới thể hiện tham vọng của Bắc Kinh tại cực Bắc của trái đất này. Đặc biệt là việc đội tàu chiến của Hải quân nước này lần đầu thực hiện chuyến thăm tới Bắc Âu.
Theo dự đoán của các chuyên gia, quốc gia nào sở hữu Bắc cực thì người đó sẽ sở hữu thị trường dầu mỏ và khí đốt. Ước tính, nguồn tài nguyên tiềm năng ở khu vực này trị giá khoảng 30.000 tỉ USD. Sự giàu có của Bắc cực khiến nhiều nước bộc lộ tham vọng thống trị khu vực này, trong đó có Trung Quốc.
Nga, một cường quốc Bắc cực lâu nay, không có nhiều thiện cảm với các ý đồ của Trung Quốc vói tay đến Bắc cực. Tổng thống Nga Putin luôn cho rằng Bắc cực là phần mở rộng tự nhiên của nước Nga. Vậy mà gần đây Bắc Kinh đã dùng tiền qua các dự án đầu tư và thương mại chiêu dụ Moscow.
Vào tháng 3-2017, tại một diễn đàn về Bắc cực, Tổng thống Putin phấn khởi nói về lợi ích Nga có thể thu được nhờ hiện tượng băng Bắc cực tan chảy nhanh chóng: “Hiện tại đã có 1,4 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển bằng tàu dọc theo tuyến đường phía Bắc. Vào năm 2035 sẽ là 30 triệu. Điều đó cho thấy đà tăng trưởng đang nhanh đến chừng nào!”.
Thế nhưng lấy đâu ra tiền khi mà từ năm 2014 Nga đã bị châu Âu và Mỹ trừng phạt kinh tế và không còn trông cậy vào đầu tư phương Tây được nữa. Vậy là họ phải quay sang Trung Quốc và Bắc Kinh đã khai thác triệt để điểm yếu đó của Nga để có được các điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ứng tương lai của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai khoáng ở Greenland, nhưng các nguồn tài nguyên dưới đáy biển ở Bắc cực phần lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Bắc cực (đặc biệt là Nga). Do đó, nếu Trung Quốc muốn năng lượng thì phải khai thác chung.
Nước Nga của ông Putin cũng đang đẩy mạnh công việc khai thác ở Bắc cực và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu, đầu tàu phát triển kinh tế. Quốc gia này đang có ý định chuyển các hoạt động khai thác dầu và khí đốt đến đây trong tương lai, cũng là để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Như vậy, để bảo vệ lợi ích quốc gia, Nga sẽ chẳng dại gì mà thỏa hiệp với Trung Quốc tại Bắc cực và nếu Trung Quốc muốn có phần ở khu vực giàu tài nguyên này thì ắt phải tính đến phương án tranh chấp với Nga.