Chiều tối nay 25-12 bão Tembin (bão 16) vào đất liền các tỉnh miền Tây Nam bộ, trọng điểm là Cà Mau với cường độ cấp 8-10, giật 11-12 – tương đương cơn bão Linda năm 1997.
Sáng sớm 25-12, ông Lê Thanh Hải – Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay rạng sáng nay bão Tembin đã quần thảo trên đảo Huyền Trân và các nhà giàn DK với cường độ gió mạnh cấp 11-12, giật 13-14.
Ông Hải nhận định chiều nay bão sẽ quét qua Côn Đảo với sức mạnh dự kiến cấp 9-10, giật 12-13. Càng vào gần bờ khu vực ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng rõ hơn.
Theo đó, dự báo khoảng tối và đêm nay, bão sẽ vào bờ biển miền Tây Nam bộ (từ Tiền Giang đến đất mũi Cà Mau), trọng tâm có thể quét qua khu vực mũi Cà Mau, ít khả năng vào trực tiếp Đông Nam bộ.
Về cường độ bão khi chạm bờ, ông Hải nhận định khi vào bờ cường độ bão sẽ giảm ở mức cấp 8-9 hoặc cấp 9-10, giật 11-12. Với cấp độ này tương đương với cấp độ bão Linda đổ bộ vào Cà Mau năm 1997. Vì vậy mức độ rủi ro do bão Tembin gây ra ở mức cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó với bão Tembin tại Kiên Giang – Video: Nguyễn Triều
Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh – chính trị viên Tiểu đoàn DK1 – cập nhật choTuổi Trẻ Online từ hiện trường: “Hiện nay sóng vô cùng lớn tại nhà giàn 1/2 và 1/15. Sóng đánh trùm qua nhà nhỏ”.
Đại úy Trịnh Trọng Nghĩa – chỉ huy trưởng nhà giàn Quế Đường – thì cho biết sáng nay gió có lúc lên cấp 13, 14 giật cấp 15. Nhà giàn bị rung lắc mạnh. Nhưng may mắn là nhà và người đều an toàn.
Cũng trong sáng sớm 25-12, ghi nhận tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã có mưa nhỏ, mưa mỗi lúc nặng hạt hơn nhưng chỉ gió nhẹ.
Trước đó, tối 24-12, có khoảng 3.200 người dân trong tổng số 5.000 người dân được di dời đến các địa điểm an toàn, dự kiến sáng hôm nay, các lực lượng chức năng huyện Cần Giờ tiếp tục di dời những người dân còn lại.
Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), ông Lê Phong – Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết tính đến tối qua (24-12), đã di dời gần 500 người già và trẻ em ở những khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Những điểm được chính quyền địa phương huy động dân vào ở tránh bão là đồn biên phòng 692, chùa bà Thiên Hậu, chùa Tịnh Độ…
Tuy nhiên, theo ông Phong tâm lý người dân tại cửa biển Sông Đốc vẫn còn chần chừ nên đã gây ít nhiều khó khăn cho lực lượng địa phương đến vận động vào nơi trú ẩn.
Hiện tại tại khu vực cửa biển Sông Đốc có 1.279 tàu với 8.799 thuyền viên đã vào tránh bão. Vẫn còn 588 tàu, với 4.053 thuyền viên chưa kịp vào bờ. Trong đó, 125 tàu với 916 thuyền viên đang xin vào trú ẩn ở vùng biển Thái Lan và Malaysia.
Lực lượng biên phòng cho biết vẫn giữ được liên lạc với tất cả các tàu đang trú tránh bão ở vùng biển nước ngoài. Hiện các tàu này vẫn an toàn.
Vũng Tàu: Hàng trăm tàu hàng đã vào nơi trú ẩn
Sáng 25-12, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam khẳng định đến thời điểm này, tại Bà Rịa – Vũng Tàu không còn một chiếc tàu nào đậu ở vùng neo phao số 0 Vũng Tàu cũng như vịnh Gành Rái.
Theo đó, hơn 100 tàu ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã được đưa vào những vùng neo, vùng đậu trú ẩn an toàn là sông Gò Da, sông Thị Vải, sông Dinh. Đây là những khu vực neo đậu, trú ẩn rất tốt.
“Hiện chỉ có hai tàu chứa dầu trọng tải trên 100.000 tấn và chúng tôi cùng chủ tàu cũng đã có phương án và chủ tàu đã đưa tàu lai ra túc trực ở bên hai con tàu này”, ông Sang cho biết.
Trong khi đó, tại TP.HCM, tàu bè cũng đã được sắp xếp, đưa về neo ở Thiềng Liềng, Nhà Bè, Soài Rạp.
Ngay trong sáng 25-15, Cục Hàng hải sẽ đi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khu vực neo đậu nói trên cũng như tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các tàu không được lơ là, chủ quan.
Cũng trong ngày hôm nay, Cục Hàng hải sẽ tổ chức cho hơn 20 tàu lai chốt chặn ở các điểm xung yếu để khi có sự cố trôi neo, đứt neo hay sự cố gì là tàu này ứng cứu ngay. Đồng thời hai tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 và SAR 272 chốt ở cửa biển.
Ngoài ra, Cục Hàng hải cũng huy động tất cả các hoa tiêu trực ngay ở các cảng, để có sự cố thì hoa tiêu lên đường ứng cứu sự cố.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương trong bản tin phát lúc 6g sáng 25-12, tối và đêm qua, bão Tempin đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Vị trí tâm bão lúc 5g sáng 25-12: cách Huyền Trân khoảng 110km về phía tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100 – 135km/g), giật cấp 14.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ nhanh 20 – 25km/g.
- Theo Tuổi Trẻ