Khi thời tiết lạnh kéo dài, cơ thể dễ bị thiếu sắt, vì thế người ta thường bị mệt mỏi, uể oải, trầm uất và hay bị cảm lạnh. Làm trắc nghiệm dưới đây, bạn sẽ biết có bị thiếu sắt không và nếu thiếu thì nên bắt đầu áp dụng những biện pháp thích hợp.
- Bạn có cảm thấy chóng mệt mỏi và không chịu được những công việc quen thuộc không?
- Khả năng làm việc của bạn có bị giảm sút không?
- Bạn có thấy mình hay quên, lơ đãng và khó tập trung tư tưởng không?
- Bạn có hay bị chóng mặt và đau đầu không?
- Sau khi leo cầu thang, đi bộ nhanh, bạn có thấy nhịp thở và tim đập nhanh hẳn không?
- Bạn có hay nổi nóng và bị mất ngủ không?
- Bạn có bị tối xầm mắt mũi và trước mắt thấy xuất hiện những chấm đen không?
- Bạn có thấy tê chân tay và cảm giác như có hàng ngàn mũi kim châm vào đó không?
- Bạn có dễ bị cảm lạnh không?
- Da bạn có bị khô và xanh xao với sắc thái màu vàng, má và môi có bị nhợt nhạt không?
- Bạn có bị chốc mép hoặc nứt da tay chân không?
- Tóc bạn có bị khô, chẻ và rụng không?
- Móng tay có dễ gãy và xuất hiện những đường gạch ngang dọc không?
- Kinh nguyệt hàng tháng của bạn có bị kéo dài không?
- Bạn có bị thay đổi vị giác và khứu giác như khi mang thai: thích ăn vôi, than, hạt khô, thích hít mùi keo dán, sơn, xăng, dầu hoả và khí thải không?
- Bạn có ít ra ngoài trời để hít thở không khí trong lành không?
- Bạn có kiêng sữa thực vật không?
- Bạn có bị viêm, loét dạ dày và trĩ không?
Nếu trả lời “có” đối với 3-5 câu:
Bạn có dấu hiệu hơi thiếu sắt. Hãy tăng cường ăn thịt bò, gan bò, lòng đỏ trứng, nấm, quả hồ đào, táo, rau xà lách, bắp cải, củ cải, cà rốt, cam, quýt, đậu phộng. Trong những ngày có kinh nên uống thêm viên sắt.
Nếu bạn trả lời “có” đối với 5-10 câu:
Rõ ràng là bạn bị thiếu sắt. Bạn nên đi xét nghiệm máu. Nhu cầu về sắt của nam giới là 10mg/ngày, của phụ nữ là 10-18mg/ngày (trong lúc mang thai lên tới 35-40mg/ngày; trong thời kỳ cho con bú càng cao hơn: 30-35mg/ngày). Khi bị rối loạn kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ cũng phải nhiều sắt hơn.
Vì vi chất này được hấp thụ tốt nhất trong môi trường acid, do đó nên dùng nước ép các loại quả chua như bưởi, cam, táo, lựu để uống thuốc bổ sung sắt. Tuyệt đối không dùng nước khoáng có kiềm hay sữa để uống thuốc.
Nếu bạn trả lời “có” đối với 11-18 câu:
Bạn có tất cả những dấu hiệu của bệnh thiếu máu và hãy nhanh chóng tới bác sĩ khám bệnh. Ngoài việc được phân tích huyết cấu tố, bạn còn cần phải xét nghiệm dịch vị dạ dày, nước tiểu, phân và khám dạ dày, ruột cũng như phụ khoa. Khi bị một số bệnh, cơ thể khó hấp thụ sắt. Chất sắt thấm vào cơ thể qua hệ tiêu hoá và tự đào thải khỏi cơ thể.
Để quá trình hấp thụ sắt tốt hơn, bác sĩ khuyên nên uống dung dịch acid clohydric hay nước khoáng có acid. Đồng thời, uống mật ong và một số thuốc bổ sung vitamin như B5, B6, C cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.