Thiên hạ nói nhiều về lợi ích của việc du học, nào là con người trưởng thành độc lập và quan trọng là về nước có tấm bằng danh giá hơn đại học trong nước, hy vọng đi làm cho công ty nước ngoài… Vậy mà có vị viết hẳn lên báo và được hưởng ứng rầm rộ, nào là những rủi ro khi đi du học, nào là ước gì con tôi không phải đi du học… Cứ làm như khổ sở lắm mới phải đi du học. Xa nhà, nhiều đứa ở Mỹ khổ như “tù khổ sai”, vậy tại sao? Tại sao?
Bà xã tôi nói, giờ ở Việt Nam, ai cũng có thể trả lời câu hỏi, vì sao muốn con du học. Bây giờ thử làm cuộc điều tra nói thật xem, các bậc cha mẹ cho con đi du học thì nguyện vọng thầm kín có ai dám nói thật không? Đó là họ cho con “mở đường máu” đi tìm tương lai mà thấy ở Việt Nam mịt mù?
Bao nhiêu quý vị muốn con học xong trở về? Có phải họ hy vọng con ở lại xin việc làm và định cư luôn hay không? Đó có phải động lực chính để cả nhà tích cóp tài chính cho con du học không?
- Xem thêm: Du học – về hay ở, chuyện của ai?
Thử trả lời thật thà mới rõ bức tranh du học. Yếu tố thứ nhất là ghê sợ nền giáo dục Việt Nam mà họ đã nếm trải khi cho con học hết trung học trong nước rồi. Họ thấm đòn đưa đón chạy trường chương trình gãy cổ. Yếu tố thứ hai, ngoài kinh sợ nền giáo dục ra, họ kinh sợ cả môi trường sống và giờ đây họ muốn đời con hãy thoát ra, tìm một nơi sống văn minh. Có phải hai yếu tố chính đó không?
Bà xã tôi vui mừng vì mình đã “bóc mẽ”, đã “đọc vị” được chính xác vấn đề du học. Nói trắng ra, đó là con đường di dân cao cấp dùng tri thức để nhập cư. Họ không thể vượt biển, cũng chẳng chấp nhận trốn chui nhủi trong rừng ngoại ô Paris như phóng sự dạo nào. Càng không thể chui trong xe lạnh đến chết để nhập cư lậu. Họ ra đi bằng con đường trí thức toàn cầu hóa. Con họ thành con người quốc tế. Đó là ước mơ.
Thế nên, quý ông quý bà nào nói và viết báo kiểu “ước gì” đang gây tranh cãi đó, chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Ao ước sao nền giáo dục trong nước tiến bộ đạt chuẩn quốc tế cho con họ học vì không phải ai cũng có tiền nhiều góp cho nước ngoài hưởng.
Cái đó khỏi bàn cãi, rõ rồi. Nhưng nếu giáo dục có cải tiến tốt đi, con họ ra trường có thể dễ dàng xin việc làm, hoặc họ đi làm ở các nước với cái bằng của giáo dục Việt, thì lúc đó mới không còn cái lý do thứ nhất của du học để tỵ nạn giáo dục.
Nếu học hành ở Việt Nam tốt rồi, mà cứ thất nghiệp dài dài thì vẫn cứ phải du học thôi. Lúc đó giáo dục không còn là vấn đề, mà chính là nhu cầu tìm nơi sống tốt mới là vấn đề.
Bà xã nói, thế nên có người “còm” lại, sửa cái tít thành “Ơn trời, con tôi được đi du học”. Nhưng cuộc chiến đấu thực sự vẫn còn ở phía trước. Gom tiền đủ rồi, thót tim xin visa rồi, phập phồng cho đến khi con ăn ở nhập học yên ổn rồi, tạm qua một cửa ải.
Sau đó phải “cày” thật lực để “bơm cái vù”, lo gửi tiền. Đứa nào kiếm việc làm thuê tạm đỡ gánh nặng. Học xong, cửa ải thứ ba to đùng, là xin việc làm nơi xứ người kẻo hết visa thì phải về nước.
- Xem thêm: Có con du học là…
Chạy hết bờ Đông bờ Tây, xin việc khắp nơi. Trừ chuyện ở lại bằng mọi giá, kết hôn thật kết hôn giả, làm nail chạy bàn, còn thì con đường ở lại hợp pháp như một trí thức có lương tốt, có chuyên môn thực sự. Đó mới là cửa ải to nhất, chưa thấy ai bàn.
Sau khi hả hê tự tin phân tích vậy, bà xã tôi nói tiếp, chưa ai kể hết gian truân cay đắng mà cứ mơ về một thiên đàng. Người nói ước gì con ở nhà học, người thì ơn trời con được đi du học, tất cả mới chỉ là các khía cạnh không toàn vẹn của vấn đề. Ca ngợi giáo dục Mỹ chẳng hạn, so sánh phê giáo dục Việt chẳng hạn, đều… cũ rích, biết từ tám đời, chẳng có gì mới. Bà xã kết luận: “Chớ nói một chiều”.