Đa số phụ huynh hiện đều than phiền rằng con mình học nhiều quá, kín hết giờ, học xanh xao, gầy còm… Nhưng đặt ngược vấn đề, nếu không dành thì giờ cho việc học, bọn trẻ sẽ làm gì, chắc cũng không ít phụ huynh phải giật mình. Không khó tìm thấy đám trẻ 14-16 tuổi ra vào các quán cà phê, ngồi đồng quán net… Như vậy, trong cách xấu nhất, chọn cách… ít xấu hơn là thà vùi đầu vào bài học vì còn… có tương lai! Và như thế, trong bối cảnh cha mẹ không có điều kiện bên con suốt ngày, khi mà mọi cám dỗ ngoài đường đều là hiểm họa thì không còn cách nào khác muốn con nên người là phải học, học nữa, học mãi, học đến khờ người!
Mang tiếng học nhiều vậy, nhưng nghĩ lại, bọn học trò chỉ có nhét chữ/số… vào đầu chứ “hành” thì không bao nhiêu. Một ông kể chuyện, môn kỹ thuật lớp 9, có những bài về nông nghiệp như ghép cây, học về các loại rong. Thấy con học nhiều quá, ông làm giúp con bài tập ghép cây. Công sức bỏ ra không ít, vậy mà cô giáo chấm chỉ có bảy điểm, còn bị con trách là bố ghép sai. Rồi đến bài về rong, ông phải đi tìm khắp nơi trong thành phố mà không kiếm được loại rong đuôi chó như bài học. Hỏi, sao không để con tự làm, ông nói, mình kiếm còn không ra, sao con kiếm ra được.
Một ông khác than thở, con học lớp bảy, phải đi khắp các cửa hàng tìm mua đủ các loại phân bón đem nộp cho cô giáo. Ông cho rằng, may mà con được học ở trường có đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất rộng rãi, có vườn sinh vật để học sinh có thể tự trồng cây, bón phân cho cây theo bài học, hay có các phòng thí nghiệm để tự làm những môn công nghệ như muối cà, muối dưa, nấu cơm… Những điều tưởng là quá bình thường vậy mà bây giờ lại thành mơ ước của bao nhiêu người. Trường học không có sân chơi, thầy cô giáo mải chạy theo bài học, lấy đâu ra buổi ngoại khóa với trồng cây, cuốc đất… Phải học “chay” gần cả hai chục năm, các bài học trong sách giáo khoa thì xáo lên, trộn xuống gọi là cải cách. Nặng cặp mang sách vở đến trường, sách tham khảo cha mẹ mua cho đến cuối năm học vẫn còn mới tinh. Lại đổ lỗi cho công nghệ làm hư các cháu bởi suốt ngày lang thang trên mạng ảo, chuyện gì cũng biết mà lại không biết xách nước tưới chậu cây nữa chứ nói gì đến nấu cơm canh… Những thứ đó giờ đây mới thiệt là… vĩ mô!
Có bà mẹ hồ hởi khoe với bạn bè, kết thúc năm thứ nhất đại học, con trai bà biết đi chợ chọn mua thịt và rau, nấu cơm, kho thịt, nhất là nấu canh thì… chuyên nghiệp luôn. Bà cho rằng đó là niềm vui, thành công trước mắt mà không cần phải đợi con xong năm năm đại học. Miễn chúng sống được là tốt rồi! Mà thật ra, lý thuyết về nấu cơm, kho cá, nấu canh lũ học trò đã “học” từ những năm cấp hai. Cậu này còn được “hành” vào năm thứ nhất đại học, khá hơn nhiều cô cậu vào đại học là cứ ôm khư khư laptop… Siêng thì đi mua cơm hộp, lười thì mì gói, miễn có internet! Một bà mẹ khác lại “mừng rơn” khi cậu con trai năm thứ nhất đại học biết sửa xe máy – môn đã được học từ năm lớp 11 ở trường dạy nghề, trong chương trình phổ thông trung học.
Mới thấy cuộc sống/học hành cũng giống như thời trang, đi một vòng rồi quay trở lại. Thập niên 1970, đã có một lớp thanh niên lao vào đời sớm, vừa học vừa làm, không chỉ giỏi học mà còn giỏi hành. Ba mươi năm sau, lớp “thanh niên” đó lại mơ ước con cái… được như mình ngày xưa, vừa vững lý thuyết vừa bản lĩnh thực tế. Nếu phản biện, thời ấy chưa có công nghệ, mạng ảo, con người ít thú vui giải trí hơn bây giờ thì xin thưa, các cụ đã từng cảm thán, ngày chơi không đủ, phải thắp đèn đi chơi đêm… Mỗi thời mỗi khác nhưng có khác thế nào thì con người cũng phải ăn (phải biết tự nấu ăn), phải sống (phải biết tổ chức cuộc sống).
Bởi vậy, có lẽ, ước muốn chung của đa phần cha mẹ bây giờ là “cải cách giáo dục” đừng đao to búa lớn làm gì, học ít thôi, dạy sao cho hay, hấp dẫn, tăng cường ngoại khóa, có thời gian sinh hoạt (chơi) nhiều một chút, học phải có hành. Chỉ cần thế thôi!
- Kim Duy