Là nghiêm túc nhất, không bao giờ dám trễ hạn… “bơm tiền cho Obama”. Bà xã cười bảo vậy khi đọc báo thấy có cô cậu nào viết bài “Du học là gì”. Trong đó nói nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất là ở nhà gửi tiền sang trễ. Sợ đến nỗi vào siêu thị nhấc hàng lên chọn lại bỏ xuống.
Còn sợ hơn cả những ngày tuyết rơi hay tuyết tan, sợ hơn cả trong lớp đọc bài bị bọn bạn bản xứ… cười rầm rộ.
Nghĩ mà thương, cứ bảo đi Tây du học sung sướng nữa đi. Sáng không dậy nổi, lao đến trường bụng đói, nhớ thức ăn Việt… này nọ. Chẳng thế mà tiễn con đi, các mẹ khóc như mưa thương con, bị người ta mắng, đi đến nơi sung sướng bao người mơ, còn khóc khóc gì. Bày đặt. Ngày xưa bao mẹ tiễn con ra trận không biết sống chết, tin tức thì sao. Bây giờ tối ôm điện thoại nói cười hi ha, nhìn nhau, có gì mà khóc.
Vậy mà không hẳn nhé. Biết hết mọi thứ. Nào là trải nghiệm nền giáo dục tốt, nào là mở ra cơ hội, nào là tự lập trưởng thành. Biết hết, đừng có ai dạy. Khi chuẩn bị cho con đi, gia đình đã “tiến hành nghiên cứu tổng thể” ngang với một cái… luận án tiến sĩ rồi. Bỏ tiền tỉ chứ có ít đâu, không “nghiên cứu” sao được.
- Xem thêm: Đặt hy vọng vào con…
Ấy vậy mà, có con du học là… khóc thầm thương con. Dù biết “cơm niêu nước lọ” là… lọ Mỹ, nhưng nó thuê nhà, ở một mình, ra trường tìm việc đâu có dễ. Bao lần trông chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng hả con?
Thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin kiểu “20 thành phố ở Mỹ vào danh sách đắt đỏ nhất thế giới”, có cái thành phố con mình đang sống. Họ còn ác thế này, thống kê mức sống tối thiểu một năm ở cái thành phố đó phải hơn 44 ngàn đô, gần tỉ đồng.
Một tháng chi tằn tiện cũng bằng cả một gia đình sống ở Việt Nam, mà đó là tối thiểu nhé, con ta sống dưới mức nghèo khổ. Sao không khóc? Đừng có kể ra là bao nhiêu con nhà nghèo vùng xa không cơm ăn áo mặc này nọ. Biết rồi. mà còn biết chắc các bậc cha mẹ ấy làm gì còn nước mắt mà khóc?
Nó không có ôtô, mùa đông băng tuyết đi bộ ra bến tàu xe. Thành phố Mỹ chọc trời ơi, nhà cửa như rừng ơi, con tôi không một mái nhà.
Có con du học là biết hết, đừng ai dạy, nhưng nhiều lúc sợ phát điên khi con bên kia đang xin visa ở lại thêm, tìm cơ hội việc làm.
Khổ một kiểu khác so với dân tỵ nạn Trung Đông khâu miệng, xô hàng rào trong họng súng và roi vọt tìm cơ hội sống? Những đất nước văn minh hắt hủi với đầy lý lẽ chính đáng. Những ứng viên tổng thống đang vận động tranh cử còn củng cố sự ích kỷ của dân bản địa.
Người ta vẫn bảo dân Mỹ ích kỷ, thế mà đúng. Nào là tôi mà lên, ông bà bầu tôi đi, tôi sẽ đuổi không cho người đạo Hồi bén mảng. Bầu tôi lên, tôi sẽ đòi lại công ăn việc làm từ tay người Việt cho người Mỹ (khốn khổ khốn nạn, đa số người Việt sang Mỹ chỉ làm cái việc “rửa móng chân” thôi chứ có làm nên vương tướng gì). Ghét Mỹ dễ sợ.
Có con du học là nhìn đồng hồ thì bảo, giờ bên đó đang là đêm, con đang vùi đầu máy tính, chỉ có máy tính làm bạn. Cố lên con ơi. Cha mẹ luôn bảo không gây áp lực. Nhưng nỗi hy vọng, nỗi nhớ thương, sự vét tiền bạc gửi đi… chính là áp lực lên con đang bơ vơ xứ người. Không khóc thương sao được.
- Xem thêm: Áp lực phải thành công
Có con du học là biết hết, đừng ai dạy nào là học kiến thức mới, trải nghiệm văn minh. Biết rồi. Người bỏ tiền đứt ruột cho con đi lại không tìm hiểu kỹ, không biết hơn quý vị sao mà phải dạy phải khuyên?
Nhưng nhiều lúc, có con du học là tự hỏi: Mình có sai không khi để đứa con chịu quá nhiều thử thách, xa cha mẹ quê hương. Con ơi hay là quay về đi. Xứ người đâu có tình thương?…
Đó, có con du học mà… chướng thế đó, nhưng mà đừng ai lên giọng dạy họ nhé, họ biết hết lý sự của các vị rồi… Chẳng lẽ đây là thời “sống kiểu gì cũng khổ”?