Về chuyện này, đã có người nổi cáu, hét lên: “Tôi là nhà tuyển dụng đây, tôi đã từng từ chối nhiều người du học về đến công ty tôi dự tuyển”.
Nhiều người ồ lên, phải vậy mới được, cũng phải có người nói lên sự thật, làm gì mà về một cái là đòi lương cả ngàn đô. Bộ người học trong nước là… rác cả sao? Nhưng rồi lại rộ lên ý kiến phản bác: “Ngu sao không đòi lương cao? Đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức học hành, muốn thu nhập tương xứng là không đúng sao?
“Các người” chửi nền giáo dục trong nước tan nát, ca ngợi các nền giáo dục Anh Mỹ hằng ngày đó. Vậy giờ đây “sản phẩm” của hai nền giáo dục chất lượng khác nhau lại đòi trả như nhau sao?”.
- Xem thêm: Chớ nói tùy tiện về du học
Nếu đem lòng yêu nước ra mà tranh cãi thì còn lớn chuyện nữa. Người ta sẽ lấy chuyện du học sinh Hàn đã làm bừng sáng nền kỹ nghệ thông tin và các sản phẩm công nghệ cao của trong nước ra sao. Thời buổi trí thức toàn cầu hóa làm việc khắp nơi, mà nói chuyện “về giúp nước” nghe buồn cười quá. Muốn giúp nước thì ở đâu mà chẳng giúp được?
Có người nói, muốn đất nước thay đổi thì chính mình hãy về mà thay đổi. Có khó mới cần người tài. Một quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia cho rằng tư duy “không gặp nhau với nền giáo dục Việt Nam”, lập tức có người nói lại ngay, vậy thành tích học hành để trở thành quán quân Olympia đó từ đâu ra, giáo dục Anh – Mỹ vào các trường phổ thông để đào tạo giúp à?
Nếu nói điều kiện làm việc và phát triển nghề nghiệp thì còn chấp nhận được. Chẳng hạn như nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn mà về nước chỉ chơi nhạc cổ điển, liệu có… sống nổi không?
Dạo anh ấy mới giành giải nhất cuộc thi âm nhạc thế giới đó, anh về nước biểu diễn báo cáo, bao nhiêu “tiêu chuẩn” chọn lọc toàn trí thức tinh hoa và quan chức mới có vé mời. Vậy mà chỉ được lúc đầu hào hứng, sau rồi có vài vị bắt đầu ngủ gật, vì hiểu được nghệ thuật đỉnh cao đâu phải dễ? Người nghệ sĩ phải sống ở những môi trường có trình độ thưởng thức cao, nền nghệ thuật biểu diễn phát triển…
Còn tính toán cá nhân thì… ai cấm? Chạy tiền, gian lận kết hôn giả đánh lừa cả pháp luật, chỉ để ở lại nhập cư bằng mọi giá, đi làm thuê, làm móng chân tay… thì cũng đầy ra. Cũng là lựa chọn cá nhân, hy sinh để con cái sau này có tương lai chắc chắn. Cái đó tùy tính toán của mỗi người.
“Ở bển” mọi thứ đều hơn. Phải chịu đánh đổi nhớ nhà xa quê xa người thân. Bao nhiêu du học sinh đang khổ công rèn tài năng, cố gắng đáp ứng hòa nhập xứ người. Tất cả đều có giá của nó. Lòng ham muốn nghề nghiệp, chịu thách thức cao của chuyên môn mình yêu, nghĩ cảnh sống mòn mỏi làm thuê ở trong nước mà nản… Thôi thì đủ các lý do chính đáng.
Vì vậy mà tranh luận chẳng bao giờ ngã ngũ vấn đề. Ai cũng đầy chứng cứ và lập luận sắc bén, không ai thuyết phục được ai, vấn đề vẫn còn nguyên đó.
- Xem thêm: Có con du học là…
Trách nhiệm của ai? Rõ ràng mỗi cá nhân không thể không có trách nhiệm. Rồi trách nhiệm xã hội. Đất nước mà phát triển thì đâu đến nỗi mỗi năm ky cóp tới 3 tỉ USD cho du học? Và bao nhiêu tài năng đã một đi không trở lại?
Ngồi chờ cho đất nước phát triển, có đầy đủ điều kiện để du học xong là về, hay là cứ về xây dựng và chia sẻ khó khăn với đất nước?
Trong khi tất cả còn đang suy nghĩ các câu hỏi khó ấy, thì chuyện đi hay ở lại vẫn là chuyện toan tính và giải bài toán cá nhân.
Làm sao phân thắng bại mà tranh cãi dữ vậy?
Cuối cùng thì sau tranh cãi, đất nước này vẫn chỉ được nhờ từ những người thầy cô hằng ngày thương khó cùng đàn em, trong đó có những người lặn lội trèo đèo lội suối vùng xa xôi hẻo lánh, dạy trẻ trong những ngôi trường tứ bề trống hoác gió thổi…