Theo báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc (LHQ), chính quyền Mỹ bí mật tài trợ hàng chục triệu USD cho các đơn vị cảnh sát dân sự và bán quân sự – bao gồm Lực lượng Phản ứng Đặc biệt (FES) và tiếp đến là đơn vị mới thành lập Jaguars – của El Salvador nhằm hỗ trợ chương trình chống tội phạm có tổ chức của quốc gia Trung Mỹ này gọi là “Mano Dura” (“Bàn tay Rắn”) được khởi động lần đầu tiên vào năm 2003 và được tăng cường vào năm 2014. Các đơn vị cảnh sát bán quân sự của El Salvador đã bị buộc tội giết người hàng loạt.
Từ FES đến Jaguars
Theo báo cáo LHQ, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, FES đã giết chết 43 người được cho là thành viên băng nhóm tội phạm. Đầu năm 2018, FES bị giải tán do hứng chịu quá nhiều chỉ trích, nhưng sau đó các sĩ quan đơn vị này tiếp tục gia nhập lực lượng bán quân sự thay thế mới thành lập gọi là Jaguars (Những con báo đốm) cũng gây tranh cãi không kém. Theo một số tài liệu hiếm hoi được công khai của chính quyền El Salvador, lực lượng cảnh sát nước này được Mỹ tài trợ tổng cộng 67,9 triệu USD năm 2016 và tăng đến 72,7 triệu USD năm 2017.
Ngoài ra, El Salvador còn được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) cung cấp chuyên gia cố vấn và huấn luyện quân sự. Khoản tiền tài trợ khổng lồ của Mỹ nhằm hỗ trợ cảnh sát El Salvador chống các băng nhóm tội phạm có tổ chức như là MS-13. Theo hồ sơ FBI, MS-13 có đến hàng chục ngàn thành viên cốt cán ở El Salvador.
Chính quyền Mỹ mô tả MS-13 là “mối đe dọa xuyên quốc gia” còn Tổng thống Donald Trump gọi các thành viên băng nhóm là “những con thú”. Các “mara” hay băng nhóm đường phố của El Salvador là cỗ máy tội phạm vô cùng phức tạp có tầm ảnh hưởng lan ra cả thế giới. Bọn chúng được coi là đối tác chính của các cartel ma tuý bạo lực của Mexico như Los Zetas – tổ chức tội phạm cực kỳ nguy hiểm biến vùng đất Trung Mỹ thành hành lang lý tưởng giữa các quốc gia sản xuất ma tuý ở Nam Mỹ và các quốc gia tiêu thụ giàu có ở phía bắc.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ, các cartel ma tuý Mexico kiểm soát 90% lượng hàng cocaine Nam Mỹ vận chuyển bất hợp pháp đến Mỹ, dẫn đến tình trạng vô chính phủ và gieo kinh hoàng cho khắp eo đất Trung Mỹ vốn vô cùng hỗn độn. Cuộc xung đột đẫm máu giữa quân đội chính phủ và phe cực tả nổi loạn trong thập niên 1980 thế kỷ trước đã biến El Salvador thành vùng đất chết chóc với 75.000 người bị giết chết và đẩy một phần tư dân số vào cảnh sống lưu vong.
Thanh niên El Salvador chạy sang Mỹ để lánh nạn và bắt đầu thành lập băng nhóm trên đường phố Los Angeles trước khi mở rộng hoạt động tội phạm ra khắp nước này. Điển hình là băng nhóm MS-13, với khẩu hiệu “Cưỡng bức, Kiểm soát và Giết người”, vươn vòi bạch tuộc đến vùng ngoại ô Washington D.C. Phạm vi gây tội ác của bọn tội phạm đường phố El Sanvador rất rộng, từ buôn trẻ em hành nghề mại dâm, giết người theo hợp đồng cho đến buôn người nhập cư trái phép vào Mỹ với chi phí rất cao.
Sau khi bị FBI bắt giữ và trục xuất về nước, hàng ngàn tên ác ôn thậm chí mang theo đủ loại vũ khí hiện đại, tiền mặt và cả một mạng lưới tội phạm quốc tế. Sự trở về nước của bọn chúng không chỉ gây rối loạn an ninh trật tự mà còn tác động tiêu cực đến các nền dân chủ còn non trẻ trong khu vực. Theo báo cáo LHQ, chính quyền Mỹ không chỉ bơm tiền cho El Salvador chống MS-13 mà còn ra sức trục xuất thành viên băng nhóm trở về quốc gia Trung Mỹ này khiến cho tình hình chống tội phạm càng trở nên phức hợp hơn.
Trước chỉ trích của LHQ, người phát ngôn cho Đại sứ quán Mỹ ở El Salvador lần đầu tiên chính thức thừa nhận Mỹ cung cấp sự hỗ trợ về tài chính lẫn khí tài quân sự cho đơn vị FES nhưng nhấn mạnh rằng “chính quyền Mỹ xem xét một cách nghiêm túc cáo buộc về những vụ giết người ngoài pháp luật đồng thời bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hành vi lạm quyền của lực lượng an ninh El Salvador”.
Người phát ngôn cũng cho biết nếu mọi đơn vị cảnh sát El Salvador muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ thì phải cam kết hành động theo đúng luật pháp và “tôn trọng nhân quyền”. Tình trạng vô chính phủ trong lực lượng cảnh sát ở El Salvador cũng bị phơi bày trong một loạt những cuộc trò chuyện qua ứng dụng WhatsApp, trong đó các sĩ quan cùng nhau bàn luận về chiến thuật che giấu những vụ giết người ngoài luật pháp và những thành viên băng nhóm nào sẽ trở thành mục tiêu.
Những thông điệp như thế được một sĩ quan cảnh sát trở thành “người tố giác” gửi đến hãng tin CNN hồi tháng 5.2017 và lần đầu tiên được đăng tải trên tờ báo Factum của El Salvador. Được biết, người sĩ quan “thổi còi” này (cũng nằm trong nhóm trò chuyện trên WhatsApp) còn tiết lộ câu chuyện đồng nghiệp của ông đánh đập dã man một thành viên băng nhóm tội phạm trước khi giết chết và sau đó đặt vũ khí tại hiện trường để giả cảnh một vụ đấu súng.
Cuối năm 2017, FES buộc phải giải tán trước một loạt cáo buộc giết người ngoài luật pháp và thay vào đó là lực lượng mới gọi là Jaguars được thành lập đầu năm 2018. Đại sứ quán Mỹ ở El Salvador thừa nhận thành viên Jaguars cũng chính là các sĩ quan FES. Sĩ quan chỉ huy Cesar Ortega cho biết Jaguars cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính và huấn luyện từ chính quyền Mỹ nhưng không nhận vũ khí sát thương.
Agnes Callamard, nữ chuyên gia báo cáo đặc biệt về những vụ giết người ngoài luật pháp của LHQ, tuyên bố 92% các vụ điều tra chống lực lượng cảnh sát El Salvador đều bị hủy bỏ trong vòng 72 giờ đầu tiên và sau đó chỉ có rất ít sĩ quan bị buộc tội. LHQ chỉ trích chính quyền El Salvador thực ra chỉ thay đổi tên gọi của lực lượng cảnh sát “tử thần” và các sĩ quan được chuyển từ đơn vị giải tán sang đơn vị mới thành lập.
Những cuộc săn đuổi chết người
FES bị buộc tội giết chết 2 thành viên băng nhóm – trong đó bao gồm một đối tượng tên là Samuel Antonio Avelar Carpio với biệt danh “Eclipse” – trong một căn nhà ở quận Italiano thuộc thủ đô San Salvador của El Salvador hồi tháng 3.2017. Các nhân chứng cho biết mặc dù cả hai tên tội phạm đã đầu hàng nhưng sĩ quan FES vẫn nổ súng giết chết họ. Sau đó, vụ việc được điều tra song không sĩ quan nào bị buộc tội.
Trong khi đó, FES tuyên bố họ chiến đấu chống “những phần tử khủng bố” và họ được “huấn luyện về các vấn đề như tôn trọng nhân quyền và không sử dụng bạo lực” đồng thời “cam kết loại trừ khỏi hàng ngũ những người vi phạm luật pháp”. Theo báo cáo LHQ, 103 thành viên băng nhóm tội phạm bị giết chết trong những cuộc đấu súng với cảnh sát vào năm 2014 và con số tăng đến 591 năm 2016.
El Salvador – bên cạnh Guatemala và Honduras – được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Với 66 vụ giết người trong 100.000 dân, El Salvador là nơi có tỷ lệ án mạng cao gấp 3 lần so với Mexico (18 vụ trong 100.00 dân). Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, một thành viên cấp cao của MS-13 cho biết những vụ giết người hàng loạt mới đây buộc băng nhóm phải nghĩ đến chuyện thương lượng “hòa giải” với chính quyền El Salvador.
Thành viên MS-13 giấu tên phát biểu sự thực với hãng tin CNN: “Chúng tôi sẵn sàng từ bỏ vũ khí trên khắp đất nước, nhưng chính quyền không hề quan tâm đến điều đó. Thực ra, họ không muốn giải quyết bạo lực mà chỉ muốn tiêu diệt chúng tôi và trả tiền cho cảnh sát chỉ để giết chúng tôi. Thế nên chúng tôi luôn để ngỏ khả năng các nhà đàm phán giúp đỡ chúng tôi”. Trong quá khứ, những cuộc đàm phán đều thất bại và giới chuyên gia phân tích cho rằng biện pháp cứng rắn của các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm như Jaguars chỉ khiến cho bạo lực thêm gia tăng.
Mới đây, chính quyền El Salvador đã sửa đổi luật nhằm giảm nhẹ tội cho hành vi cảnh sát khi tiến hành chiến dịch triệt phá các băng nhóm tội phạm. Ví dụ như hiện nay, các sĩ quan không bị buộc tội giết người trong vòng 72 giờ có thể quay trở lại với nhiệm vụ – một yếu tố bị chỉ trích là tạo điều kiện cho cảnh sát giết người mà không phải gánh hậu quả. Theo những thông điệp trao đổi giữa các sĩ quan trên nền tảng WhatsApp, bất cứ vụ giết người nào cũng không xảy ra một cách ngẫu nhiên mà thực ra có sự mưu tính từ trước đó. Ví dụ như trong một cuộc trò chuyện hồi tháng 5.2017, một sĩ quan FES thúc giục người chỉ điểm cung cấp hình ảnh một thành viên băng nhóm tội phạm có biệt danh là “Shadow” (Bóng tối) mà cảnh sát muốn tiêu diệt.
Chương trình hỗ trợ nguy hiểm của Mỹ
Chương trình hỗ trợ tài chính trị giá hàng triệu USD cho các lực lượng cảnh sát dân sự lẫn bán quân sự của EL Salvador là vấn đề gây lúng túng cho giới chính khách Mỹ. Vấn đề là những khoản tiền tài trợ khổng lồ của Mỹ bị chỉ trích là có nguy cơ dẫn đến hàng loạt vụ giết người ngoài luật pháp nhưng nếu không được trợ giúp tài chính thì lực lượng cảnh sát El Salvador sẽ hoạt động kém hiệu quả trong cuộc chiến chống tội phạm băng nhóm, buôn lậu ma túy cũng như tội phạm buôn người.
Trong khi đó, cả hai chính quyền tổng thống Barack Obama và Donald Trump đều nhận thức rõ mối đe dọa khủng khiếp của MS-13. Tháng 2.2016, chính quyền tổng thống Barack Obama tiết lộ bản đề xuất ngân sách năm 2017 bao gồm hàng ngàn trang, trong đó đề cập đến số tiền yêu cầu lên đến gần 600 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc! Khoản tiền khổng lồ này được dành cho một loạt những dự án lớn – ví dụ như 1,8 triệu USD dùng để mua sắm trang thiết bị quân sự cho Bộ chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ (SOCOM), và 1,2 tỷ USD dành cho chương trình quốc phòng nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hóa học và sinh học.
Trong mỗi trường hợp, chính quyền Mỹ đều cẩn thận giải trình về mục đích của yêu cầu ngân sách. Trong đề xuất ngân sách không bao gồm khoản tiền khổng lồ 10 tỷ USD viện trợ quân sự nước ngoài mà Lầu Năm Góc quản lý hàng năm dành cho chương trình có tên gọi khá mỹ miều là Xây dựng Năng lực Đối tác (BPC). Thực ra, khó có thể tính toán chi phí cho mỗi chương trình viện trợ riêng biệt cũng như khó xác định được các chương trình BPC có hiệu quả hay không.
Đó là điều đáng lo ngại bởi vì đôi khi BPC khiến cho những vấn đề trở nên rối rắm hơn là giải quyết chúng. Ngày 16.3.2016, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tổ chức buổi điều trần về những chương trình này. Song, theo các chuyên gia đánh giá thì hành động giám sát này diễn ra quá chậm. Và, Quốc hội Mỹ cần có trách nhiệm giải trình công khai về hoạt động quản lý các chương trình BPC trước khi chúng vô tình gây tổn hại thêm cho các lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.
Vào thập niên 1990, Quốc hội Mỹ bắt đầu cho phép Bộ Quốc phòng nước này cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp cho quân đội nước ngoài nhằm phản ứng trước mối lo ngại tăng cao về sự sử dụng ma túy ngay trên đất Mỹ. Sau đó, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai nhiều chương trình huấn luyện và trang bị khí tài quân sự cho các lực lượng cảnh sát cũng như quân đội ở Tây bán cầu đồng thời giám sát chặt chẽ mạng lưới cartel ma túy. Hành động này dẫn đến quyền lực mới đáng kể cho Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD).
Trước hết, ngân sách Bộ Ngoại giao Mỹ dành gần một nửa khoản tiền cho mọi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Kể từ sau ngày 11.9.2001, những chương trình BPC bắt đầu gia tăng gấp đôi về quy mô cũng như số lượng. Theo tổ chức nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận RAND Corporation, Lầu Năm Góc hiện nay có ít nhất 70 thẩm quyền khác nhau nhằm giúp BPC đối đầu với nhiều thách thức đang tăng trên khắp thế giới.
- Xem thêm: Lịch sử đối đầu giữa CIA và FBI