Rất nhiều tác giả Hy Lạp, Ả Rập, La Mã và vào thời Trung cổ đã kể lại sự khám phá ra các ngọn đèn đó xuyên suốt các thế kỷ, phần lớn là trong những hầm mộ, nhưng chúng cũng hiện diện trong các lăng tẩm thời cổ đại.
Sự mô tả những ngọn đèn vĩnh cữu có từ thời cổ đại. Chẳng hạn sách Xuất hành của kinh Cựu ước có nói đến một tủ chứa bánh thánh cùng một ngọn đèn vĩnh cữu. Nhiều tác giả, nhà tu, nhà giả kim thuật và những kẻ hiếu kỳ rất quan tâm đến các ngọn đèn đó. Một số người cho rằng đó là tác phẩm của quỷ dữ, cho dù các nhà tu sĩ chỉ xem đó như là những ngọn đèn với tính chất đáng ngạc nhiên, bí ẩn nhưng không có gì là ma thuật. Số khác thì lại tin rằng đó chỉ là trò lừa gạt vì nếu họ không thể chế tạo ra chúng tức là chúng không thể hiện hữu. Một vài người hiếm hoi cố tìm kiếm một cách giải thích hoặc lùng tìm tri thức đã mất đó. Trong khi tìm cách chứng minh sự thật về những ngọn đèn vĩnh cữu, nhà giả kim thuật Đức Brand de Hambourg đã khám phá ra chất phosphore vào năm 1669. Nhiều giả thuyết được đưa ra về bản chất của các ngọn đèn kỳ bí đó: đa số cần có không khí để cháy, ngược lại số khác lại tắt đi khi tiếp xúc với không khí; một số phát ra ngọn lửa, số khác lại phát lân quang; bấc của chúng dường như là amiante hay kim loại. Chất dầu vẫn là một bí ẩn và nhiều người cho rằng dầu có gốc hắc ín, số khác lại nghĩ rằng nó có gốc là vàng đã trải qua một phương cách hóa học bí mật, hoặc có nguồn gốc thực vật (chẳng hạn dầu trích từ một loại đậu độc hại của Ai Cập).
Các phát hiện đèn vĩnh cửu qua những thế kỷ
Trong một chuyến du hành đến Heirapolis ở Syria, tác giả Hy Lạp Lucian (120-180) đã thấy trên trán của một bức tượng thần Hera một khối đá quý sáng rực chiếu sáng cả ngôi đền vào ban đêm. Trong một ngôi đền khác tại Baalbek thờ thần Jupiter cũng có một viên đá quý đỏ rực phát sáng.
Numa Pompolius, vị vua thứ nhì của Roma, cũng có một ngọn đèn vĩnh cữu trên vòm đền thờ của ông.
Plutarque kể lại rằng ở lối vào một ngôi đền thờ thần Jupiter-Ammon có một ngọn đèn mà theo lời các tu sĩ, đã cháy từ thời cổ đại.
Nhà tự nhiên học La Mã Pliny (thế kỷ 1) đưa ra giả thuyết cho rằng một ngọn đèn chứa dầu tinh khiết nhất với cái bấc bằng amiante có thể cháy mãi mãi. Ý tưởng tương tự cũng được Hero ở Alexandrie lặp lại sau đó một thế kỷ.
Pausanius (thế kỷ 2) trong tác phẩm Atticus có mô tả một ngọn đèn lộng lẫy màu vàng trong đền Minerve Polias ở Athènes do Callimachus chế tạo, có thể cháy trong hơn một năm. Bàn thờ trong đền Apollon Carnesu và đền Aberdain ở Armenia cũng có các ngọn đèn tương tự.
Thánh Augustin (354-430) đã mô tả một ngọn đèn tuyệt đẹp trong ngôi đền thờ thần Isis tại Ai Cập mà cả gió hay mưa cũng không thể làm tắt. Cây đèn này cũng được Fortunius Licetus mô tả.
Dưới triều đại Justinien de Byzance năm 527, khi trùng tu một tòa nhà cổ ở Edessa (Syria), người ta tìm thấy một cái hốc được che giấu và bít miệng, một thập giá và một ngọn đèn đã cháy trong suốt 500 năm.
Vào năm 600, trên hòn đảo núi lửa Nesis gần Napoli, trong một ngôi mộ bằng đá hoa cương người ta phát hiện ra một cái bình chứa một cây đèn mà ngọn lửa cháy sáng bên trong chiếc ống bằng thủy tinh; ngọn lửa tắt đi khi ống bị vỡ. Ngôi mộ có từ trước Công nguyên.
Đến năm 1300, Marcus Graecus viết trong quyển Liber Ignium (Quyển sách về lửa) rằng người ta có thể chế tạo một cây đèn vĩnh cữu với loại bột làm từ đom đóm.
Gần thành phố Roma vào năm 1401, người ta tìm thấy hầm mộ của Pallas, con trai của vua Evandre thành Troie, được chiếu sáng bởi một cây đèn lồng vĩnh cữu. Muốn tắt nó, người ta phải đập vỡ nó, nhưng theo nhiều lời kể, phải đổ hết chất lỏng bên trong đèn vốn đã cháy trong suốt 2.600 năm.
Giám mục thành Verona là Ermalao Barbaro (1410-1471), nổi tiếng qua các bản dịch truyện ngụ ngôn của Esope, cũng mô tả nhiều khám phá về đèn, nhất là chiếc đèn làm vào năm 1450 bởi một nông dân gần Padoue (Ý). Trong khi cày ruộng, ông ta tìm thấy một chiếc hòm to bằng đất nung với 2 cái lọ kim loại, một bằng vàng, một bằng bạc. Trong 2 cái lọ có một chất lỏng màu sáng thành phần không biết, được gọi là “chất lỏng giả kim thuật”, còn trong cái hòm có một cái lọ thứ 3 bằng đất nung trong đó có một cây đèn đang cháy. Cây đèn này được Franciscus Maturantius cất giữ và mô tả trong một bức thư gởi cho người bạn Alphenus. Trong chiếc hòm có những ghi chú bằng tiếng La tinh cảnh báo bọn trộm cắp phải tôn trọng vật thờ cúng của Maximus Olybius dâng lên thần Pluton.
Tháng 4.1485, tại Aspienne gần thành phố Roma, người ta khai quật ngôi mộ của Tullia, con gái của Ciceron, qua đời năm 44 trước Công nguyên. Có một ngọn đèn cháy yếu ớt khiến những người khám phá thật kinh ngạc nên đã đập vỡ nó. Nó đã cháy trong suốt 1.500 năm. Quan tài chứa một chất lỏng sẫm màu đã bảo quản tốt thi hài của Tullia. Sau đó thi hài được đưa về Roma để trưng bày.
Năm 1610, trong một ghi chép về Thánh Augustin, Ludovicius Vives, nói rằng vào thời của cha ông năm 1580, người ta tìm thấy một cây đèn trong một ngôi mộ nhưng nó đã bị vỡ khi người ta cố lấy nó. Một ghi chú cho biết cây đèn đó đã có tuổi 1.500 năm.
Sử gia Anh Cambden trong ghi chép về vùng Yorkshire năm 1586 có nhắc đến một cây đèn vĩnh cửu được tìm thấy trong ngôi mộ của Constantius Chlorus, cha của Constantin Đại đế, qua đời năm 306 tại Anh. Cambden cũng kể rằng nhiều cây đèn khác cũng được phát hiện vào thời kỳ đó sau khi Giáo hội Thiên Chúa giáo cùng nhiều tu viện lớn bị giải thể bởi vua Henri VIII vào năm 1539. Tài sản của Giáo hội bị cướp bóc và những cây đèn vĩnh cữu kia bị khinh bỉ vì bị xem như là tàn tích của quyền hành của Đức Giáo hoàng.
Trong quyển Oedipus Aegyptiacus viết năm 1652, linh mục dòng Tên Kirscher có nhắc đến những ngọn đèn vĩnh cửu được tìm thấy trong các hầm mộ ngầm dưới đất tại Memphis do nhiều người đương thời khám phá ra.
Vào năm 1681, gần Grenoble, một người lính Thụy Sĩ tên Du Praz tìm thấy một cây đèn kỳ lạ bằng thủy tinh trong một hầm mộ bị niêm chặt. Cây đèn vẫn còn đỏ rực được đưa đến một tu viện gần đó, và nó vẫn tiếp tục cháy trong suốt nhiều tháng cho đến khi một tu sĩ già bất cẩn làm nó bị vỡ.
Người ta còn tìm thấy một cây đèn khác trong một ngôi mộ cổ của La Mã tại Tây Ban Nha, gần Cordoue vào năm 1846.
Linh mục Evariste-Régis Huc (1813-1860) đi du lịch rất nhiều tại châu Á và đã mô tả một cây đèn vĩnh cửu mà ông từng thấy tại Tây Tạng.
- Xem thêm: Nguồn sáng từ những ngọn đèn