Ước tính từ năm 2013 đến nay, các công ty nhập khẩu nước ngoài không thanh toán hoặc thanh toán chậm cho các công ty xuất khẩu của Việt Nam khoảng 6 tỉ USD, tăng khá nhiều so với những năm trước đó. Đây là số liệu được công bố tại hội thảo Quản lý rủi ro và phòng tránh nợ trong thương mại tự do diễn ra ngày 22-12 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay còn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận diện các yếu tố rủi ro, nhất là rủi ro về tín dụng, bên cạnh đó việc cập nhật kiến thức để khắc phục hậu quả gây ra bởi rủi ro phát sinh cũng chưa được coi trọng đúng mức.
Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết gần đây có trường hợp doanh nghiệp Việt tìm thấy thông tin nguồn mua nhôm trên internet, dù đã trao đổi rất kỹ với đối tác nước ngoài nhưng vì thủ đoạn của kẻ lừa đảo tinh vi nên doanh nghiệp này đã bị mất một khoản tiền trả trước khá lớn. Hay có doanh nghiệp trong nước vì ham mối lợi mua dầu từ Malaysia với giá giảm 25% so với giá thị trường, đặt cọc tiền mua và cũng mất luôn.
Theo ông Christopher McNabb, Giám đốc Assurance Global tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình cụ thể để thẩm định về quy mô, lịch sử hoạt động và khả năng thanh toán của đối tác trước khi quyết định hợp tác. Các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng trong từng điều khoản của hợp đồng, cụ thể như phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, thời gian kiểm tra hàng hóa, thời gian thương lượng nếu có khiếu nại…
Nếu trong trường hợp trả chậm thì doanh nghiệp xuất khẩu nên yêu cầu số tiền thanh toán trước cũng như đàm phán rút ngắn thời gian thanh toán. Đồng thời nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty quản lý nợ thương mại uy tín để kiểm tra tín dụng và thẩm định công ty, xác minh kỹ các văn bản giao dịch và thu hồi nợ các khoản thanh toán trễ hạn cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Khắc Lễ cho rằng đối với các giao dịch thương mại, nếu chưa an tâm, doanh nghiệp xuất khẩu nên nhờ sự tư vấn của các luật sư, trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) để xem xét các điều khoản thanh toán, hợp đồng, hóa đơn rõ ràng, xác minh kỹ các văn bản giao dịch.
Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên cảnh giác với các đối tác đưa ra giá bất thường như bán với giá quá thấp hoặc mua với giá rất cao so với thị trường. Trong trường hợp đã phát hiện rủi ro thì cần giải quyết sớm nhất có thể, thông qua thương lượng trực tiếp hoặc các kênh trung gian như trọng tài thương mại, công ty thu hồi nợ hay tòa án để tăng tỷ lệ thành công.
Ông Ngô Khắc Lễ cũng cho biết thêm: các thủ đoạn trộm cắp hàng trong container hay thủ thuật giả mạo email lừa đảo chuyển tiền ngày càng tinh vi. Doanh nghiệp cần phòng tránh bằng cách lựa chọn điều kiện vận chuyển hàng phù hợp, lưu ý vận đơn đích danh, lựa chọn điều kiện Incoterm phù hợp, cẩn thận với các nội dung trong thư bảo lãnh tín dụng L/C.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nên có điều khoản về hợp đồng độc lập (không bù trừ) và khi có tranh chấp, nên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bên cạnh đó, việc điều tra thương nhân là một trong những khâu quan trọng nhất trong giao dịch. Các doanh nghiệp có một số cách điều tra thương nhân như tìm số điện thoại, trao đổi hoặc tiếp xúc trực tiếp qua bạn hàng, tham khảo thương vụ các sứ quán tại nước của thương nhân cần giao dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên trao đổi trong các hiệp hội ngành hàng để nắm thêm thông tin vì thực tế đã có trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng bị lừa bởi một kịch bản.