Một nhà báo kể lại chuyện nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh khi còn sống, vừa gặp mặt nhà báo, chưa nói gì về chủ đề sẽ thảo luận, cụ than ngay thay cho câu chào: “Không có gì điêu (xạo) bằng… cái bánh mì Sài Gòn”. Lúc ấy cụ đang ăn sáng, nhân tiện nhận xét như vậy.
Thật ra, nói vậy vừa oan vừa không. Là vì ra chợ mua bánh mì thì khi về đến nhà giở ra, cái bánh mì đã mềm xèo bẹp dúm, mà lúc mới mua có vẻ nóng giòn hẳn hoi. Không hiểu họ làm bằng cái bột gì mà bánh trở nên dai ngoanh ngoách, cắn không cẩn thận có khi lôi theo cả… răng giả của các cụ.
Rồi có thể nói hồi xưa “Tây mới sang” cái bánh mì rất… tử tế, vừa tay cầm, nóng giòn thơm phức cho công chức ăn sáng với sữa hoặc kẹp pâté. Không nhiều loại to dài như “cái đòn gánh” trong các siêu thị bây giờ.
- Xem thêm: Ăn… mẫu
Nói vậy thôi, chứ oan lắm. Bà xã tôi nói, mua bánh mì ở chợ hay ngõ hẻm thì mới vậy, chứ vào các tiệm bánh Tây nổi tiếng xem, thiếu gì bánh ngon, vàng rộm thơm phức, nhìn no con mắt. Tiền nào của nấy, giống như cà phê cũng vậy.
Ngồi quán cóc mười ngàn đồng một ly thì chỉ có bột đậu bột bắp chế biến đen xì không ai biết có xíu bột cà phê nào không (lạ thật, xứ sở cà phê của thế giới, lên Tây Nguyên vụ thu hoạch xem, phơi đầy sân như phơi thóc, người ta trèo cả lên đống cà phê cao như đống rơm, có thiếu thốn gì đâu sao mà phải làm giả kia chứ, không hiểu nổi).
Còn vào các quán lớn xem, nào Starbucks hay Highlands xem, xem tới xem lui cuốn sổ hoành tráng bìa cứng cũng chưa biết gọi món gì ấy chứ.
Thế nên đừng chê cái bánh mì, vốn đã đi được cả một đoạn đường “lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng”. Đành rằng nguồn gốc bánh mì do Tây (người Pháp) đem đến (làm bằng bột lúa mì, kể gì).
Nhưng nay thì “bánh mì” có tên trong từ điển Oxford nổi tiếng và được xếp là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Bánh mì Việt lên ngôi đầu tiên là tại Úc, sau mới lan sang châu Âu.
Loanh quanh thế nào bây giờ Tây lại mê bánh mì Việt Nam, gọi là món tuyệt tác quá rẻ. Họ còn nói bánh mì Việt có ba chữ: Ngon, bổ, rẻ. Lại còn nói đến Việt Nam mà chưa ăn hai thứ là phở và bánh mì thì chớ có vội về nước.
Ngay ở Mỹ, những xe tải nhỏ Nom Nom chạy bán thực phẩm ở Los Angeles, San Francisco cũng nổi tiếng nhờ bánh mì Việt. Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đem tới Việt Nam bánh mì với bơ và pâté, nay nhờ sáng tạo ẩm thực cân bằng âm dương của người Việt, bánh mì được ăn kèm với thịt, rau, pâté, nước xốt…
Các ông Tây ngày nay nghiên cứu còn giải thích từng “công đoạn ăn” và giải thích vì sao bánh mì Việt lại quyến rũ như thế. Đây này, ngon vì “cắn miếng đầu tiên có nhiều bánh và là miếng nhạt nhất” để không thể không tiến đến cắn miếng thứ hai, là lúc mùi rau thơm hòa quyện với thịt và tiếp theo là lúc nước xốt “phát huy công năng vĩ đại” của nó.
Nghe sợ chưa, cứ như là bố trí một trận đánh “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” vậy nhé, còn chối vào đâu được. Bà con ở Mỹ ai mà không biết gia đình Lê Chiêu từ một xe bán bánh mì dạo làm thành chuỗi cửa hàng thành công. Đó, chưa kể hết sự “cách mạng” lừng danh của bánh mì đâu nhé.
Bà xã thở dài, chắc cụ Võ An Ninh chưa kịp ăn thử hết đó thôi. Cụ nói đúng, cái điêu của bánh mì vẫn còn chứ đã hết đâu. Ra các chợ thì thấy đủ mọi cung bậc bánh mì. Vẫn còn thứ dai nhanh nhách.
- Xem thêm: Ăn uống… “Tây hóa”
Rồi tên gọi bánh mì thì không đổi, nhưng khi cãi nhau lại lôi nó ra làm “đơn vị” để so sánh biểu diễn. Bằng chứng đây: “Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không là sự thật” (thấy chưa, cãi nhau lớn về chính trị nhé). Khi cần chứng minh mình bị rẻ rúng không được đền bù trả công xứng đáng cũng lôi bánh mì ra so sánh, có cái tít đăng báo hẳn hoi nhé: “Mỗi ca trực cảnh sát giao thông chỉ mua nổi cái bánh mì”…
Rõ nhé, bà xã tôi cười, giục cha con ngồi vào bàn ăn sáng khi thằng con phụng phịu: “Lại bánh mì à. Con thích pizza…”. Chắc lúc nào rảnh sẽ kể nó nghe, thú vị hơn học môn lịch sử, là lịch sử cách mạng của cái bánh mì…