1. Công việc làm ăn mà vậy hả?
Không phải tự nhiên mà cô ấy hẹn anh ăn trưa. Nếu ăn trưa bình thường thì đã nhắn kiểu khác. Ðàng này cô ấy lại có vẻ ép buộc. Anh bận. Bận gì thì trưa cũng phải có lúc đi ăn chứ. À, hôm nay sinh nhật công ty.
Có vẻ “lòi đuôi” nói dối, vì hình như cách nay vài tháng đã có sinh nhật công ty rồi. Phải theo lao bằng cách nói dối lần nữa: Lần trước là sinh nhật công ty mẹ, nay sinh nhật công ty con.
Nhưng người vợ càng thêm tò mò. Chị tới công ty tìm, người ta bảo anh đi vắng. Lúc anh về tới, thấy vợ còn chờ ở công ty thì bực lắm. “Thôi em về!”. Vợ chào xong, anh tưởng đã thoát nạn, nghĩ tiếp cách chiều nay về sẽ “trị” cho một phen. Không ngờ, cái xảy nảy cái ung. Một cô nhân viên bảo: “Anh ơi, có chị ở đây anh không mời chị đi dự cùng cho vui!”. Hóa ra là anh không nói dối, đúng là sinh nhật công ty thật. Vấn đề ở chỗ anh không muốn vợ mình can dự vào cuộc vui của anh với bạn bè! Thế là cuộc chiến chuyển sang pha khác. Ăn uống xong, đến tiết mục karaoke, lẽ ra người vợ nên cáo lui, nhưng trong suy nghĩ của chị thì mọi tình ý nội ngoại thường bộc lộ mạnh mẽ nhất lúc hát hò thoải mái này. Anh bực quá, bèn tháo lui: “Tụi bay vui chơi nhé, anh có công việc!”.
Câu chuyện có vẻ “vớ vẩn” thế thôi. Nếu anh không có vấn đề gì thì dễ bỏ qua ngay. Người vợ thám tử đã xuất hiện không thu được hết quả gì, chỉ làm cho chồng cảnh giác.
Người chồng sai hay vợ sai? Nhiều ý kiến khác nhau lắm. Nhưng lý lẽ của ông chồng thường được coi là “chính đáng”: Việc làm ăn của người ta mà để vợ tham dự được à? Cứ “can thiệp sâu vào nội bộ” như thế thì còn gì vui vẻ nữa!
2. Những kẻ hay đi…
Anh ấy hay đi khuya, ngày nghỉ cũng đi. Không biết làm thế nào cho anh ấy ở nhà thì lại sinh chuyện. “Kiếp sau không bao giờ tôi lấy kẻ ham chơi. Lập gia đình là để có gia đình, chứ lập xong rồi một mình chèo chống, cô độc suốt đời thế này thì thà ở vậy cho xong”. Ðàn ông hình như không thể thiếu bạn bè. Họ thà để vợ cằn nhằn chứ không thể thiếu bạn bè tụ tập, ăn nói, cười hát để thoát khỏi xì-trét. Hình như chỉ có hai nguồn gây căng thẳng là công việc và gia đình. Chỉ có đi với bạn mới cảm thấy vui và… không phải suy nghĩ, lo buồn… Nhưng chẳng phải chỉ có đàn ông hay đi. Ðàn bà cũng đi! Không kể những phụ nữ tất tả lo kinh doanh, mà có nhiều bà, nhiều chị cũng ham vui chẳng thua cánh đàn ông. Ði công việc, đi mua sắm, đi du lịch, đi hội họp. Mà bây giờ rất lắm hội đoàn, đồng hương, đồng khóa học, đồng nghiệp và còn đồng… sở thích nữa. Cứ thấy réo mời gọi luôn luôn. Có bà đi mua sắm, đi nhảy đầm, vào quán cà phê cho quên một chuyện khó giải quyết. Con hư chẳng hạn, dạy nó không được, buồn rồi… đi! Hình như thời đại ngày nay không còn chỗ cho người ta ở nhà. Ở nhà bây giờ có chăng chỉ mấy cụ hưu trí! Người ta còn đi du lịch, ra tận nước ngoài, đến nỗi gặp sóng thần bỏ mạng nơi đất khách. Ai còn lếch thếch ba lô trở về, tới sân bay được đón mừng như gặp phước lớn… Ði! Ði! Ði! Thế giới mở cửa, ai còn ngồi trong nhà? Vậy phải nghĩ tới một thứ cần để xây đắp tình cảm gia đình trong thời đại mới, trong trạng thái người thân yêu luôn luôn xê dịch, vắng nhà? Ðịnh nghĩa về tổ ấm nay đã khác xa? Tổ ấm bây giờ không còn là mái nhà, mà là khoảng trời, là đám đông quán xá, là những ba lô Delay, Cancel to đùng trên lưng?
3. Cái điện thoại di động…
Bị phát hiện có tình cảm ngoài luồng bây giờ không phải là cảnh “giặt đồ trong túi có lá thư”, mà là các cuộc gọi điện thoại di động, các tin nhắn.
“12 giờ đêm còn nhắn tin. Tôi bấm số cô đó, giả vờ tiếng đứa con gái: Cô ơi, ba xỉn quá, mời cô đến… Thế sao cháu biết? Máy của ba có số của cô…”.
“Tôi gọi cho anh, vì biết anh đang ở chỗ cô đó”… Nghe có tiếng léo nhéo của đứa trẻ bên cạnh. “Không lẽ họ có con?”.
“A lô! Vợ em có sang đó không?… Cậu này hay nhỉ, từ nay đừng gọi hỏi tôi như vậy nghe. Nửa đêm vợ cậu sang tôi làm gì?”.
“A lô! 1080 ạ? Cho tôi hỏi số điện thoại của thám tử tư. Không có ạ? Sao nghe có nhiều dịch vụ này lắm?”.
Có lẽ các nội dung điện thoại trên đây không thấm vào đâu với những nội dung sinh động đang truyền qua sóng của cuộc sống. Chiếc điện thoại di động giờ đây chứng kiến và “đồng lõa” với khá nhiều sự thật được che giấu. Theo một nghiên cứu mới, ngoài việc nói dối người thân, không ít cặp tình nhân còn không nói thật với nhau. Họ hay tỏ ra lịch sự, tế nhị hơn trên thực tế, phóng đại uy tín và tầm quan trọng của mình nơi “chỗ làm”.
Ðiện thoại di động là một thành tựu công nghệ mà người ta ghét nhưng không thể thiếu. Nhiều chức năng mới đang được bổ sung cho nó và người ta coi đó là biểu tượng của thế giới mới, của nền văn hóa “ngón tay cái và ngón tay út”.
Có hãng quảng cáo đã nhanh nhẹn và sáng tạo đưa ra hình ảnh ông Táo đang nghe điện thoại di động với câu bình: “Tết này ông Táo không cần cưỡi cá chép nữa!”.
Các tay chơi tem không biết mừng hay buồn? Buồn vì có thư điện tử, có tin nhắn nên thư sẽ ít dần đi. Mừng vì càng ít sử dụng thư từ, tem của mình càng có giá!
Chiếc điện thoại di động có giúp thêm cho hạnh phúc không? Có 51% đàn ông và 61% phụ nữ được hỏi trong cuộc điều tra ở Phillipines trả lời là thường dùng cách nhắn tin để tỏ tình. Vậy là điện thoại di động làm “ông mai bà mối” rồi. Liệu nó có phép màu làm sáng tỏ sự thật một cách nhanh chóng nhất để ngăn chặn các cuộc “đại chiến” trong nhà hay không?