Ở thành phố hay về quê? Câu hỏi này không đặt ra với người ngụ cư, vì công việc làm ăn sinh sống họ mới bỏ về quê lên phố, mà với cậu tôi, khi ông kinh doanh thành công, đã có tiền, nhưng không gian chật chội khói bụi của trung tâm đã làm cho đời sống không còn như đúng nghĩa phải có.
Về quê? Có thể không phải quê nội, quê ngoại xa lắc xa lơ. Về quê ở đây là quê mới lập nên – một vùng ven nào đó dễ thở, có nhà vườn, cây xanh, bên một dòng sông yên ả, hay là chút đồi cao với bầu trời trong. Quê ở đây không phải là nơi “chôn rau, cắt rốn”, mà là nơi chính cậu tôi bằng đồng tiền làm nên.
Mẹ tôi hài lòng: Làm thế là hay, chứ về tận quê chắc gì đã ổn. Họ hàng gần xa tất nhiên là tốt, nhưng rồi cũng phức tạp. Ðối xử thế nào, giỗ tết mời ai, không mời ai… đều phải động não mới không bị chê trách.
Còn nếu mình chọn một làng quê lạ hẳn, sống giữa làng xóm không quen thuộc thì cũng nhiều nỗi phiền lắm. Ðóng góp các khoản, nếu hăng hái quá, người ta bảo mình giàu và cứ thế mà gánh vác. Nếu đóng góp nghèo nàn, người ta sẽ chê trách mình keo kiệt. Tóm lại là sẽ bị đụng chạm bởi lối sống ở quê, “lòng người như cuốn sách mở”. Cái lối đi ra đi vào đóng chặt cửa riêng tư như ở thành phố cũng có thể vận dụng, nhưng chưa phải là phổ biến. Ở quê nhà, người ta thuộc cả con chó, con mèo, con gà của nhà hàng xóm.
Bởi vậy, cậu mợ tôi quyết định tạo ra một vùng quê mới, nghĩa là nơi có môi trường quê, nhưng quan hệ xã hội thì lại kiểu thành phố. Ðiều này thường tìm thấy ở vùng ven.
Xu hướng của thế giới, như có người nhận xét, sẽ cư ngụ theo ba vòng: vòng trong cùng nơi trung tâm đô thị sẽ là trung tâm tài chính, ngân hàng, hành chính, giao dịch với đầy nhà cao ốc. Bao xung quanh vòng một này là các khu ổ chuột của người nghèo, đó là vòng hai. Còn vòng ba là vùng ven, nơi có các trang trại và lâu đài, biệt thự của giới giàu có, đi lại bằng ô tô, vào trung tâm làm việc xong thì “rút” về. Ở quê này, đủ các tài năng kiến trúc sẽ được thi thố. Chỉ cần đi xa xa chút nữa là những cánh rừng hoặc vùng đồi với không khí hoàn toàn trong sạch.
Tất nhiên, cậu mợ tôi chưa phải loại giàu nhanh như một lớp người trẻ tuổi dễ mất định hướng, vung vãi chi tiêu. Ông bà cũng chẳng mơ tới giấc mơ thế giới như mua nhà trên núi, du thuyền kiểu Mỹ. Vốn xuất thân vất vả, làm việc cật lực và trước đây không dư giả gì, cậu mợ tôi bình tĩnh trước cám dỗ của vật chất cũng chưa giàu đến mức phải tìm cách tiêu bớt tiền đi hay phải bối rối đi tìm ý nghĩa của cuộc sống cho đỡ buồn chán. Ông bà thực tế hơn: làm ra tiền, lo phát triển sản xuất – kinh doanh và cải thiện đời sống, trong đó tìm nơi ở là một việc được xem trọng. Nhà quê nhưng xã hội phố. Nhà như một vùng thanh sạch, có thiên nhiên hoang sơ, nhưng tiện nghi trong nhà phải đầy đủ, đại loại như tivi màn hình phẳng, DVD đời mới, kỹ thuật số với dáng gọn đẹp và hình ảnh, âm thanh rõ hơn, rồi điện thoại loại “thông minh”.
Và dù có bị thiên hạ đe dọa “nạn kẹt xe Bangkok sắp diễn ra”, cậu mợ tôi vẫn quyết định mua xe để có thể chạy ra “quê” cho dễ thở. Không để tiền ngân hàng, không mua cổ phiếu, không đầu cơ đất đai, dù cho diễn ra đều đặn có đóng băng kiểu nào đi nữa thì các hoạt động vẫn diễn ra đều đặn chứng tỏ rõ “một thí dụ về kỹ năng kinh doanh bẩm sinh của người Việt…” như lời một vị khách phương Tây nhận xét. “Các giá trị châu Á” như tìm sự hòa hợp với môi trường xung quanh và coi trọng các giá trị tinh thần cũng được chú ý.
Vậy là con người với cung cách kinh doanh, cung cách mơ ước sống hiện đại, một con người mới hoàn toàn đang sống trong ngôi nhà ở… “quê”. Ðó có phải một giấc mơ lớn của hôm nay!