Ban đầu khi đến với Facebook , có lẽ nhiều người chỉ xem đây là nơi giao lưu, tương tác với bạn bè, rất khó mà để “kiếm chác” được gì. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Nếu biết tận dụng, Facebook không còn là nơi để bạn “câu” like đơn thuần mà đó sẽ là “mỏ vàng” thực sự.
Kiếm tiền không khó!
Theo kết quả nghiên cứu của Socialbakers & SocialTimes.Me – 2013, đến tháng 8-2013, tại Việt Nam đã có 19,6 triệu người dùng Facebook, chiếm 21,42% dân số và chiếm tới 71,4% người sử dụng internet. Với số lượng người dùng Facebook lớn như vậy, đồng nghĩa với độ phủ sóng và sức lan tỏa cũng vô cùng lớn. Và đây chính là “mỏ vàng” cho cả người dùng cũng như cho những công ty, doanh nghiệp.
Nhiều công ty đã nhanh chóng vào cuộc bằng cách lựa chọn những Hot Facebook-er (những Facebook được nhiều người quan tâm) để truyền thông cho sản phẩm của mình thay bằng quảng cáo trên một tờ báo nào đó. Điều đáng nói là bạn hoàn toàn có thể trở thành Hot Facebook-er nếu biết xây dựng một cách đúng đắn. Khi đó, chỉ cần đăng một status (trạng thái), notes (ghi chú) hay một hình ảnh về sản phẩm và đảm bảo về số lượng like, comment như đã thỏa thuận thì tài khoản của bạn sẽ có thêm một số tiền không phải là nhỏ. Một Facebook-er tiết lộ, thông thường một status có nhắc đến tên sản phẩm với khoảng 50 likes và 30 comments, chị sẽ nhận được 2-3 triệu đồng. Số tiền này có thể sẽ tăng lên nếu khách hàng muốn lượt like và comment cao hơn hoặc khi khách hàng yêu cầu với hình thức viết notes.
Hội sách TP.HCM lần 8 năm nay chứng kiến một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục của các cây viết trẻ như Iris Cao, Anh Khang, Hamlet Trương, Jun Phạm… Trong đó, đáng kể phải kể đến cuốn sách Buồn làm sao buông của tác giả Anh Khang khi đã giữ vị trí đầu tiên trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất, vượt qua cả những tựa sách của các tác giả đình đám như Dan Brown, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư.
Chứng kiến buổi giao lưu của tác giả trẻ Anh Khang trong dịp hội sách vừa rồi, sẽ có nhiều người khó tin và cảm thấy xa lạ trước hình ảnh các fan vây xung quanh để xin chữ ký tác giả, vì cảnh tượng này thường diễn ra với các ca sĩ, diễn viên. Theo tổng kết của đơn vị phát hành, chỉ trong một đêm, Buồn làm sao buông của Anh Khang đã bán được 1.500 bản. Hiện tại, cuốn sách này gần chạm mốc 40.000 bản được phát hành. Một nhân viên của Phương Nam tiết lộ, nhuận bút cho cả ba tựa sách mà Anh Khang nhận được từ công ty này (gồm cả bản in đầu và những lần tái bản sau này) cũng xấp xỉ… nửa tỉ đồng!
Một gương mặt cũng từng tạo nên hiện tượng trong làng văn bởi số lượng phát hành “khủng” là nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt. Trong thời buổi mà mọi người vẫn ta thán “thơ in ra để tặng” thì tập thơ Đi qua thương nhớ của anh tính đến thời điểm này đã đạt đến 35.000 bản in. Thành công từ tập thơ đầu tiên, Nguyễn Phong Việt nhanh chóng ra mắt tập thơ thứ hai – Từ yêu đến thương với số lượng cũng ấn tượng không kém – 20.000 bản. Số lượng phát hành này từng khiến không ít người “ngã ngửa”; thậm chí bản thân tác giả cũng có vẻ như chưa dám tin.
Điểm chung giữa các tác giả có sách bán chạy chính là nhờ Facebook. Nguyễn Phong Việt thừa nhận: “Theo cách nào đó, những cuốn sách của tôi thành công thì công của Facebook chiếm đến 40%”.
Ngoài những cách kiếm tiền trên, khoảng thời gian gần đây cộng đồng cũng chứng kiến những cuộc “đổ bộ” của hàng hoạt thương hiệu được khai sinh từ Facebook như: Hàng Xuất Khẩu, Kim Chỉ Corner, Chợ Tình Của Boo, Quán Gì Đó, Tiệm Lạc Xoong… Thông thường, cách mà chủ nhân của các thương hiệu trên sử dụng là tạo thương hiệu trên Facebook, giới thiệu sản phẩm của mình tới đông đảo mọi người và khi đã có một chỗ đứng nhất định thì họ mới mở cửa hàng hoặc shop. Đây được xem là hướng đi hiệu quả và tiết kiệm nhất so với việc mở cửa hàng ngay từ đầu, sau đó lại bỏ ra một số tiền không nhỏ để làm công tác truyền thông, quảng bá.
Nhưng cũng không phải dễ
Theo Yến Linh – cô chủ của Hàng Xuất Khẩu, Facebook là một kênh bán hàng rất tốt, có thể truyền thông cho sản phẩm của mình mà không mất tiền. Bên cạnh đó, khách có thể cập nhật và xem sản phẩm một cách nhanh nhất trước khi đến shop. Ngoài ra, việc bán hàng qua mạng có thể tiết kiệm một khoản phí không nhỏ cho việc thuê mặt bằng, thuê nhân viên hay các dịch vụ phát sinh. Hiện tại, Yến Linh đã có hai shop bán hàng xuất khẩu cho cả nam và nữ. Mỗi tháng, ngoài việc đảm bảo lợi nhuận của cửa hàng, chị còn đảm bảo lương cho năm nhân viên của mình.
Tuy nhiên, cái gì dễ ăn, dễ làm sẽ có nhiều người muốn “xí phần”. Theo một Facebook-er, thị trường trên Facebook đã trở nên bé nhỏ hơn vì nhiều người cũng có thể kinh doanh. Và giống như thị trường thật, sự cạnh tranh trên Facebook giờ đây còn gay gắt hơn vì đôi khi không biết đối thủ của mình là ai! Facebook-er này kể, có những đối thủ, hễ thấy chị có sản phẩm nào lại mang về y chang sản phẩm đó để bán. Khách hàng than phiền vì hàng thật không “lung linh” hay chất lượng như giới thiệu trên mạng, giao hàng không đúng hẹn, đối thủ thì canh chuyện “hở sườn” để giành khách… là chuyện thường gặp của kinh doanh online. Vì vậy, một Facebook-er cho biết: “Tâm lý khách hàng là vấn đề mà người kinh doanh online phải lưu tâm. Khách hàng dễ bị tác động từ nhiều phía khi nhận hàng, chê, khen đủ kiểu. Khi ấy, tôi luôn dùng sự mềm mỏng để giải quyết nhằm giữ chân khách hàng, dù chỉ là một khách hàng”.
Điều quan trọng làm nên sự thành công khi kinh doanh trên Facebook, theo Yến Linh là mình phải thật với bản thân mình. Chị lý giải: “Mình bán hàng gì phải biết cái hay, cái đẹp hay cái hồn của sản phẩm để giới thiệu. Không ít người định kiến về kinh doanh online vì quảng cáo quá sự thật. Mình có thể lừa khách được lần một, lần hai chứ không thể kéo dài”. Ngoài ra, cũng theo Yến Linh khi đã xác định hướng kinh doanh lâu dài trên Facebook thì trách nhiệm với công việc, với sản phẩm cũng không thua kém chủ shop, chủ hiệu. Một khi lòng tin được xây dựng thì khách hàng đến với mình cũng nhanh như Facebook.
Chị Thanh Xuân – chủ tài khoản Chợ Tình Của Boo, tổng kết: “Chỉ cần một tài khoản, post hình ảnh sản phẩm và nói những lời có cánh là người ta có thể trở thành một nhà phân phối. Nếu kinh doanh thực tế bạn cần đạo đức và trung thực bao nhiêu thì trên Facebook cần gấp đôi gấp ba chừng ấy. Vì chỉ cần một chi tiết không thật lòng, lươn lẹo, gian manh thì gần như sẽ mất trắng”.
Dù phải vất vả và tốn không ít công sức để gầy dựng thương hiệu, nhưng phải thừa nhận Facebook đang là kênh đầy tiềm năng cho các bạn trẻ ôm mộng kinh doanh. Như nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Tôi nghĩ ảo hay thật là quan điểm của mỗi người, có những người nhờ Facebook mà thành công thì nó là thật, và ngược lại. Cá nhân tôi cho rằng Facebook dù là một “kênh ảo” nhưng những điều nó mang lại là thật hoàn toàn, vấn đề là người dùng có biết cách điều khiển nó hay không”.
-Huy Sơn