Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981) vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một bước leo thang mới trong tham vọng khống chế Biển Đông, nối tiếp việc bắt giữ trái phép, xua đuổi, đối xử vô nhân đạo với ngư dân chúng ta hoạt động trong ngư trường truyền thống hàng trăm năm nay ở quần đảo Hoàng Sa.
Hành vi ngang ngược này không chỉ đang làm dấy lên một làn sóng công phẫn trong người dân, đòi hỏi Nhà nước có thái độ thích ứng bảo vệ chủ quyền sau một thời gian quá dài nhẫn nhục tìm giải pháp giải quyết tranh chấp nhưng bất thành do thái độ hung hăng nước lớn của Trung Quốc mà còn là nỗi lo cho các nước khu vực.
Quan hệ hữu nghị không còn trong thực tế, phương thức 16 chữ vàng và bốn tốt trong những trường hợp trên đây chỉ là khẩu hiệu suông nay đã thuộc về quá khứ. Vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đang bị xâm phạm nghiêm trọng khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.
Người phát ngôn Lê Hải Bình chủ trì cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đặt giàn khoan
trái phép trong vùng biển Việt Nam chiều 7/5.
Trung Quốc ngày càng hung hăng trong thanh chấp Biển Đông
Trong việc thăm dò dầu khí chưa bao giờ và không có nước nào kéo theo cả tàu chiến, đem máy bay yểm trợ như Trung Quốc đang làm. Hành động này không đơn thuần chỉ là thăm dò khai thác dầu khí mà là hành vi có tính xâm lược. Việc thiết lập vùng bán kính 10 hải lý cấm đi lại trong vùng biển là sự cản trở hoạt động hàng hải quốc tế trên toàn bộ hành lang hàng hải ở Biển Đông, trái với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982.
Tại cuộc họp báo quốc tếở Hà Nội chiều 7-5, các bằng chứng gồm ảnh và video được đưa ra cho thấy tàu và máy bay Trung Quốc đã chủ động uy hiếp các tàu của Việt Nam. Tàu Trung Quốc cũng nhiều lần dùng vòi rồng tấn công và đâm vào các tàu Việt Nam, khiến một số tàu bị hỏng nặng và nhiều thuyền viên bị thương.
Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã điều 80 tàu tham gia bảo vệ, phục vụ cho giàn khoan HD-981, trong đó có bảy tàu quân sự cùng nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá… Ngoài ra hằng ngày còn có hàng chục máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự thậm chí đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50-60 hải lý.
Khi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam ra ngăn chặn thì tàu bảo vệ của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của máy bay tầm thấp, đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công. Đáng chú ý, theo ông Thu, trong khi Việt Nam chưa sử dụng bất kỳ một tàu quân sự nào để phản đối hành động trên, thì phía Trung Quốc đã đưa các tàu đã được trang bị đầy đủ vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.
“Chúng tôi đang làm công việc của mình, đó là bảo vệ lãnh thổ và tài nguyên của đất nước. Chúng tôi đã đưa tàu dân sự ra theo đúng luật, nhưng Trung Quốc đã sử dụng tàu quân sự để yểm trợ các tàu dân sự” – ông Thu nói với Reuters hôm 8-5.
Thế nhưng phía Trung Quốc trong cuộc họp báo sau đó đã đưa ra những tuyên bố đổi trắng thay đen về vấn đề này. Ông Yi Xianliang, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tráo trở đổ lỗi cho phía Việt Nam về các cuộc đụng độ tại khu vực đặt giàn khoan HD-981 và nói phía Trung Quốc đã “kiềm chế tối đa” trong việc sử dụng vòi rồng.
Phía Trung Quốc còn ngang ngược nói rằng hai nước có thể đàm phán giải quyết vấn đề khi Việt Nam rút hết các tàu ra khỏi vùng biển có giàn khoan HD-981. Đây là một đòi hỏi buồn cười khi giàn khoan của Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ấy vậy mà Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc – còn xấc xược đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Trước thái độ ngang ngược và khiêu khích của Trung Quốc, chúng ta vẫn đang cố kiềm chế để chứng minh chân lý và chính nghĩa thuộc về mình qua vận động và tranh thủủng hộ của quốc tế.
Về việc tranh thủ dư luận quốc tế, chúng ta đã có được bước đầu thuận lợi khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 10-5 đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung về tình hình tại Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra tại NayPyTaw, thủ đô của Myanmar, nơi diễn ra Hội chị Quan chức cao cấp ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của tổ chức này.
Đây là động thái đặc biệt vì thông thường các hội nghị cấp cao ASEAN chỉ có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo. Trước đó đã có những lo ngại rằng khối không dễ dàng thống nhất ra tuyên bố về Biển Đông, thậm chí chia rẽ trước vấn đề phức tạp đang diễn ra, do lợi ích của các bên khác nhau cũng nhưảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc tại khu vực.
Tuyên bố các ngoại trưởng khẳng định lại tầm quan trọng của “duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Tuyên bố cũng kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 và thực hiện kiềm chế tránh các hành động có thể phương hại hòa bình.
Tuyên bố còn kêu gọi các bên tham gia DOC (Tuyên bố vềứng xử của các bên ở Biển Đông) thực hiện đầy đủ DOC và sớm đi đến thỏa thuận về COC (Bộ quy tắc ứng xửở Biên Đông).
Tàu Trung Quốc chủ động gây hấn, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Nên đưa sự việc ra tòa án quốc tế
Tuy vậy giải pháp tích cực hơn được các chuyên gia trong nước cũng như các nhà quan sát quốc tế nghĩ đến là Việt Nam cần sớm đưa sự việc này ra tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc về thực hiện công ước luật biển.
Theo Điều 121 trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, với các đảo (vùng đất nhô lên mặt nước) có đời sống kinh tế độc lập thì sẽ được một vùng đặc quyền bao quanh bên ngoài lãnh hải 12 hải lý. Còn với những bãi cạn, nửa chìm nửa nổi thì luật pháp quốc tế chỉ cho một vùng “an toàn” quanh đó khoảng 500m. Công ước này cũng quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chỉ tính từ nơi có dân cư sinh sống. Do vậy, khu vực hạ giàn khoan
HD-981 cách bãi cạn Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý nằm ở vị trí hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc không có quyền gì cả.
Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Dương Danh Huy, nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông nói: “Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về chủ quyền. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý”.
Theo ông, ngay cả khi tòa án hay tòa trọng tài không có thẩm quyền để phán quyết địa điểm của giàn khoan HD-981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào, thì hai loại hành động trên của Trung Quốc cũng vẫn vi phạm luật quốc tế, bởi (1) các bên trong tranh chấp không được đơn phương khoan dầu khí trong vùng tranh chấp và (2) luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng không cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp, mà đâm tàu là hành vi bạo lực.
Luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ hôm 9-5 tại buổi công bố tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khẳng định Việt Nam đang nắm giữ thế mạnh về pháp lý, do đó chúng ta hoàn toàn có thể giành thắng lợi nếu kiện Trung Quốc về việc họ đã giải thích và vận dụng sai Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Đừng lo ngại bị trả đũa kinh tế
Cũng có ý kiến lo ngại rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc tại quốc tế thì trước mắt sẽ phải đối phó với sự trả đũa về kinh tế của nước này mà lâu nay đã cho thấy không phải là người láng giềng tốt bụng. Trả đũa trước tiên có thể là hạn chế giao dịch thương mại, làm ngưng trệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong ngắn hạn nhưng nếu kéo dài sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta giải quyết dứt điểm các vấn đề, các điểm yếu trong mối quan hệ lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc.
Các mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc lâu nay có nhiều hàng nông sản, 40% là các hàng hóa cơ bản, thâm dụng tài nguyên và công nghệ thấp. Căng thẳng thương mại với Trung Quốc sẽ là cơ hội giúp chúng ta quay về với các sản phẩm nông sản cơ bản và của chính mình.
Trong cơ cấu hàng nhập từ Trung Quốc, hàm lượng sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị rất cao nhưng chủ yếu là do các nhà thầu hay các dự án FDI từ nước này mà không tuân thủ các chỉ tiêu sử dụng sản phẩm và nhà thầu Việt Nam. Nếu biện pháp trả đũa nhắm vào sản phẩm này thì Trung Quốc là bên bị thiệt hại trước.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, chiếm tỷ trọng FDI nhỏ (thứ 13) so với các nước khác như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa, thì việc Trung Quốc cắt giảm các nguồn đầu tư cũng không thể tạo thành một sức ép đối với kinh tế Việt Nam. Ngược lại kẻ bị thiệt hại là các doanh nghiệp Trung Quốc đang trúng thầu đến 90% công trình trọng điểm của chúng ta, đó là lợi ích lớn mà Trung Quốc có được.
Việc trả đũa nếu xảy ra là dịp chúng ta chấm dứt được tình trạng nhân công Trung Quốc tràn lan thành cả làng, cả phố ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Các công ty Trung Quốc lại kéo theo những máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu sang làm việc.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng không phải là đối tác thương mại duy nhất, và khó có thể là một đối tác tốt, ổn định, bình đẳng và tuân thủ các giá trị công bằng, bảo vệ môi trường, ít nhất nếu tình hình tiếp tục diễn tiến như hiện nay. Các khoản nợ vay dù lớn đến bao nhiêu cũng có thể giải quyết thông qua sự trợ giúp của các định chế tài chính.
Việc kiện Trung Quốc cho thấy đã đến lúc không thể nhập nhằng giữa kinh tế và chính trị và đó là cơ hội để Việt Nam hướng đến những bạn hàng bình đẳng hơn, với cán cân thương mại thăng bằng hơn cho Việt Nam, giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc.
Hoàng Hải tổng hợp