Sắp hết quý II-2019, dòng tiền đầu tư vào bất động sản (BĐS) các khu công nghiệp và các ngành thủy sản, dệt may trong nước tiếp tục tăng.
Trên thực tế, trước đó thị trường đã ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất ngày càng mạnh từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.
Theo số liệu của Công ty CBRE Việt Nam, hiện nay giá đất công nghiệp tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc đang vào khoảng 180 USD/m2, trong khi đó giá đất công nghiệp tại Việt Nam chỉ khoảng 100-140 USD/m2.
Với sự chênh lệch đáng kể và nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam đang “được mùa” khách thuê.
Sở Kế hoạch – Đầu tư TP. Hải Phòng xác nhận từ đầu 2018 đến nay đã có gần 30 công ty Trung Quốc đến thuê đất tại các khu công nghiệp, với số vốn đăng ký trên 63 triệu USD.
Riêng tại khu công nghiệp Đồ Sơn, hiện 80% doanh nghiệp thuê hạ tầng phát triển các dự án may mặc, da giày, linh kiện điện tử… đến từ Trung Quốc.
Trong quý I-2019, hãng Universal Alloy Corporatiion đã đầu tư 170 triệu USD để phát triển nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn tại Đà Nẵng.
Tập đoàn TTI, Inc. của Hoa Kỳ vừa hoàn tất đăng ký đầu tư 150 triệu USD vào khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh để phát triển hệ thống nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác đến từ Hàn Quốc như: Changshin, Hanwha Aero Engines… cũng đã đẩy mạnh thuê đất tại các khu công nghiệp thuộc Đồng Nai, Bình Dương nhằm phát triển các dự án sản xuất giày dép và phụ tùng ngành hàng không.
Trong ngành thủy sản, hiện một số doanh nghiệp lớn hầu như đã vượt qua được khó khăn của thời điểm giữa năm 2018 – khi Mỹ áp dụng các rào cản thuế chống bán phá giá với sản phẩm từ tôm.
Thông tin từ các sàn HNX và HoSE cho thấy hiện tại, những mã cổ phiếu lớn trong ngành thủy sản như: ALC (của Công ty cổ phần (CTCP) xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long – An Giang), CMX (của Camimex Group), ANV (của CTCP Nam Việt)… đều có mức tăng từ 175% – 275% so với đầu năm 2018.
Những mã khác như VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, NGC của Thủy sản Ngô Quyền cũng tăng từ 72 – 86% trong quý I-2019. Trong khi đó, báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận lãi lớn.
Chẳng hạn, ACL lợi nhuận sau thuế 2018 đạt 230 tỉ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2017; CMX lãi sau thuế 81 tỉ đồng, ANV lãi hơn 600 tỉ đồng, lần lượt tăng gấp 3-4 lần so với năm trước.
Việc các nhà máy lớn ở Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam cũng như hệ quả của việc Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa Trung Quốc lại đang tạo ra lợi thế cho một số doanh nghiệp thủy sản Việt.
Bởi một mặt chi phí nhập khẩu nguyên liệu được tiết giảm (do phần lớn hợp đồng nhập khẩu đều thanh toán quy đổi bằng USD). Trong khi đó đa số các doanh nghiệp thủy sản có lượng vay USD không đáng kể và ít chịu rủi ro về tỷ giá.
Bên cạnh đó, ở ngành dệt may, diễn biến dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng khả quan không kém. Từ đó, các mã cổ phiếu: MPT (của CTCP Tập đoàn Trường Tiền), GMC (của May Sài Gòn), TNG (của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG), TVT (Tổng công ty Việt Thắng), FTM (của CTCP Đức Quân)… trong quý I-2019 đều có mức tăng trưởng trên 20%.
Có thể thấy trái với những dự báo khó khăn hồi đầu năm, tới hết 2019 ngành dệt may sẽ tiếp tục nằm trong top các ngành dẫn đầu về thu hút FDI.