Mấy ngày nay, nhà mụ Cống rối tinh như canh hẹ. Đến hạn nằm ổ mà chồng lại bỏ đi mất biệt nên con gái mụ xin về ở chung với cha mẹ, cốt nương nhờ miếng ăn lúc khốn khó. Rồi trên nửa tá đứa trẻ lít nhít ra đời, cái hang ẩm mốc đã chật càng chật như nêm.
Vài hạt cơm thiu, ít vụn khoai khô mà lão Cống tha về không tạo đủ sữa cung cấp cho lũ trẻ háu đói, chưa mở mắt đã mở mõm, ngo ngoe chin chít không ngừng. Lúc nào cũng thấy chúng mò mẫm tìm để tranh nhau rúc bằng được vào những núm vú lép kẹp của mẹ mà nhai, mà ngấu nghiến, đâu cần biết mẹ chúng cũng đang đói ăn đến run rẩy, lông rụng xác xơ.
Thức ăn ngày càng khan hiếm, các thùng rác đều có nắp đậy kiên cố, xe rác thu gom từ lúc trời chưa tắt nắng, thời điểm lũ chuột chưa dám ló mặt ra khỏi hang. Và ngôi nhà nào cũng kín cổng cao tường, cửa sắt sập xuống kín mít không hở một khe nhỏ để có thể dễ dàng xâm nhập.
Nhìn con cháu đói mờ mắt, vợ chồng mụ Cống rớt nước mắt. Lão Cống thì thào:
– Bà nó ạ, tối nay tôi thử liều vào quán cơm… May ra…
Mụ Cống nhảy dựng lên, không chịu. Đã biết quán cơm thường có nhiều đồ ăn rơi vãi nhưng chẳng dễ dàng gì. Ở đó đã có hàng đàn hàng đống chuột lắt, chuột cống, chuột chù… chia nhau chiếm lĩnh từ lâu, kẻ lạ mặt lơ ngơ xâm phạm lãnh thổ nhất định ốm đòn! Chưa kể nguy hiểm hơn, còn không ít lũ chó lũ mèo hung ác lẩn quẩn kiếm ăn. Nhưng mặc vợ can ngăn, lão Cống vẫn đi. Không liều sao tìm ra miếng ăn mà nuôi con cháu?
Hai tháng trước, mụ Cống xui xẻo sa vào móng vuốt gã Mun tưởng đã bỏ mạng, may mà mụ nhanh trí lăn ra giả ngất xỉu rồi nhân một tích tắc gã Mun lơ đãng, mụ vùng dậy lủi vội vào một bụi rậm đầy gai nhọn. Đúng là “tìm đường sống trong chỗ chết”. Gã Mun sợ gai không dám chui vào tìm, đành hậm hực đứng nhìn. Mụ Cống trốn thoát với thương tích đầy mình, một chân bị hàm răng sắc như dao của gã Mun ngoạm gãy lìa xương, thành thương tật vĩnh viễn. Từ đấy, mụ không còn tự đi kiếm ăn được nữa, cũng phải nằm nhà đợi chồng nuôi.
Ngay đêm đầu tiên lò dò đến quán cơm, lão Cống đã lôi về nửa ổ bánh mì, thêm miếng sườn nướng thơm nức. Ôi, đúng là một bữa tiệc thịnh soạn hiếm hoi! Cũng nhờ lão Cống gặp vận may, ở nơi đấy có một ả Cống góa bụa thương hoàn cảnh lão nên nhận làm anh họ, để lão được chính thức gia nhập lãnh thổ quán cơm.
Mấy ngày sau lão Cống còn “thó” được ba quả trứng gà, dĩ nhiên với sự trợ giúp đắc lực của chị đồng loại góa chồng tốt bụng. Món mỹ vị béo ngậy, thơm tho và bổ dưỡng này là đặc sản vô cùng quý hiếm khiến mẹ con mụ Cống rất ngưỡng mộ. Tất cả thay đổi nhanh chóng, những bầu vú căng sữa vỗ béo lũ trẻ con sắp đến kỳ mở mắt, múp míp, mỡ màng.
Tuy thế, khi trời sập tối, thấy chồng chuẩn bị rời hang đi kiếm ăn là mụ Cống lo lắng không yên. Từ thời trai tráng, lão Cống nổi tiếng hào hoa đa tình bậc nhất, đến tuổi già rồi thì tính phong lưu chỉ bớt chứ chẳng mất đi, vẫn khiến mụ Cống lao đao “lên bờ xuống ruộng” lắm phen. Lão đi tới đâu, mụ bám đuôi tới đó, một tấc không rời. Lúc nào mụ cũng căng thẳng giữ chồng và lăm lăm tư thế sẵn sàng… bắt ghen!
Nhưng đó là chuyện của hai tháng về trước chứ từ ngày mang thương tật, mụ Cống đành chịu chết dí một chỗ, còn bám theo chồng làm sao được nữa? Rúc sâu tận đáy hang, mụ suy diễn lung tung để thêm ghen tuông ngờ vực. Mấy ai dưng không tốt bụng đến thế, giúp đỡ kẻ xa lạ vô vị lợi? Ả Cống góa chồng từ lúc vừa chớm mang thai lứa con đầu tiên, đang sống vò võ đơn chiếc, giờ có xáp vào chồng mụ cũng chẳng có gì khó hiểu. Còn lão Cống thuộc dạng “già không bỏ, nhỏ không tha”, dại gì từ chối miếng ngon đong đưa trước mũi? Cũng có thể chỉ là một sự đổi chác sòng phẳng: Ả góa cần tấm chồng còn lão Cống cần thêm kẻ trợ giúp kiếm ăn, đôi bên cùng có lợi!
Từ khi ý nghĩ u ám ấy nảy sinh, mụ Cống thường nhìn chồng bằng đôi mắt khác hẳn: cứ tưởng tượng lão Cống trở về sau khi vừa thỏa thuê ôm ấp ả góa ấy là mụ phát… buồn nôn! Nhưng làm sao giữ riệt chồng ở nhà được khi mà ngay bản thân mụ cũng sống nhờ vào phần ăn lão nhặt nhạnh tha về, nói chi lũ con cháu yếu đuối?
Mụ ấm ức tiếc không còn đủ sức khỏe ra ngoài cùng lão. Mụ rủa thằng rể nhẫn tâm bỏ rơi vợ lúc bụng mang dạ chửa. Mụ mong thời gian qua nhanh để con gái cứng cáp lại và lũ cháu bé bỏng lớn lên, tự đi kiếm ăn được. Mụ sẽ phái chúng kè kè theo lão Cống, vừa học cách sinh tồn vừa canh phòng lão thay mụ.
Nhiều lần vừa ăn, mụ Cống vừa âm thầm gạt nước mắt, món ngon đến mấy cũng chẳng khác nhai rơm rạ. Con người vẫn bảo “miếng ăn là miếng nhục”, chẳng sai!
- Xem thêm: Mưa rơi rất chậm
***
Trời hửng sáng, xao xác gần xa rộn tiếng gà mà lão Cống vẫn mất dạng. Suốt đêm qua, lão đi biệt, không một lần đảo về tiếp tế lương thực, khác hẳn mọi tối.
Mụ Cống sốt ruột quá, thập thò ở cửa hang, ngong ngóng. Thoạt đầu mụ nghi ngờ lão mê mệt ả góa nên quên giờ về, sau thì mụ lo lắng có thể xảy ra chuyện gì ghê gớm hơn thế. Trời sáng là lúc loài chuột rúc kỹ vào hang, không dám thò đầu ra ngoài, sao lão Cống chưa về? Lão đa tình ấy đi đâu? Làm gì? Hay lão bị ả góa níu chân nên mềm lòng ở lại hú hí với ả chăng?
Đàn chuột con bụng lép kẹp, nháo nhác kêu khóc như ri, đòi ăn. Chúng đâu biết bà và mẹ chúng cũng đói cồn cào, đến mờ mắt, không lết dậy nổi. Bởi mấy ngày nay, lương thực lão Cống đem về thất thường và rất ít ỏi, không lấp đầy được từng đó cái bao tử luôn kêu réo đòi hỏi không mỏi mệt. Nhìn tình cảnh con cháu, mụ Cống nơm nớp sợ hãi, nếu lão chồng đa tình của mụ bỏ đi luôn theo ả góa, mụ biết làm sao? Cả nhà chỉ trông cậy vào tài xoay xả của lão, dù ít dù nhiều, bữa đói bữa no thì cũng cầm cự được qua ngày.
Thương con xót cháu, mụ Cống lại hậm hực chửi rể. Nếu nó đừng bỏ rơi con gái mụ… Nếu nó có trách nhiệm với lũ con nhỏ nhít… Nếu mụ đừng vướng móng vuốt gã Mun thành tật nguyền… Ôi, nhiều cái “nếu” quá, cái nào nghĩ đến cũng làm mụ nhói tim.
Đến trưa, lão Cống mới thậm thụt về đến. Nhanh như cắt, lão chui tọt vào hang, nằm run cầm cập như lên cơn sốt rét, hơi thở hổn hển, không nói ra lời. Nhìn bộ dạng lão thật thê thảm, vừa hoảng hốt vừa bi thương, từ mỏm đầu xuống chóp đuôi rất dơ bẩn và ướt át.
Thấy lão về, cả nhà mừng quá nhưng rồi ỉu xìu tuyệt vọng ngay vì không nhìn thấy thứ mà tất cả đang chờ đợi. Lão Cống về không, chẳng đem theo tí đồ ăn nào.
Mụ Cống tức đến run rẩy khi suy diễn rằng lão vừa bị… đánh ghen. Mụ đoán một thằng Chuột nào đó hẳn đang tòm tem ả góa, đã nổi điên “tẩn” cho lão một trận ra trò! May hắn còn tử tế chưa nghiến mất của lão một khúc đuôi, mẩu tai hay ống chân đấy… “Hừ, đáng đời lão già đa tình!”. Mụ uất ức, lẩm bẩm thế.
Nằm thở lâu lắm, lão Cống mới từ từ ngóc dậy nhìn lũ cháu nằm thoi thóp rên rỉ xung quanh. Mắt nhòe nước, lão thều thào bảo vợ:
– Bà nó ạ… Thôi, ráng đi!… Tối nay…
Mụ Cống gườm gườm mắt, nghiến răng cướp lời:
– Cả đêm qua ông rúc ở nhà ả góa ấy, phải không?
Giọng lão Cống ngậm ngùi:
– Chị ta… chết rồi…
Mụ Cống trố mắt ngạc nhiên nhưng không giấu được tiếng thở ra, cảm thấy vừa vứt bỏ được một gánh nặng. Hừ, kể ra ả góa chết thì cũng đáng thương cho lũ nhỏ nhà ả thật, nhưng lão Cống có cần thiết phải tỏ ra đau lòng thế không? Hay lão sợ thiếu sự giúp đỡ nhiệt tình của ả, từ nay lão sẽ gặp vô vàn khó khăn lúc mưu sinh?
Mặc vợ mỉa mai chì chiết, lão Cống nằm xụi lơ, tứ chi co quắp, không trả lời. Mụ đâu biết đêm qua lão cũng vừa chết hụt, còn lê được thân xác trở về là phúc đức lắm rồi. Cái chết của ả góa ám ảnh lão không thôi.
***
Càng ngày binh đoàn nhà Chuột càng phá hoại ghê quá. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh đến chóng mặt, chí chóe cả ngày lẫn đêm. Trời sập tối cho đến rạng sáng là thời gian chúng thả sức hoành hành, không phân biệt giới hạn nào. Đâu chỉ moi móc trong thùng rác hay cống rãnh, chúng như không còn biết sợ là gì, tấn công vào thẳng mâm bát, nồi chảo để ngang ngược tha đi từ con cá, miếng thịt. Thậm chí, rổ trứng đêm nào cũng bị mất cắp khá nhiều.
Dĩ nhiên, lộng hành quá quắt thế thì người ta phải tìm cách diệt trừ.
- Xem thêm: Cơn say cuối cùng
Mù quáng vì mùi thơm hấp dẫn của mẩu sườn nướng dẫn dụ, lão Cống chui tọt vào lồng bẫy lúc nào không hay. Khi cửa lồng sập mạnh xuống bít chặt đường ra, lão mới hiểu nguy cơ. Lão cuống cuồng lên, nháo nhào chạy vòng quanh như kiến bò trên chảo nóng.
Đến lúc trời sáng, một nhân viên quán đến sớm, đi một vòng thu những cái bẫy đêm qua đã đặt rải rác nhiều nơi. Phân nửa số bẫy có dính chuột.
Lão Cống sững sờ khi nhìn thấy trong số có cả ả góa. Ả không lọt vào bẫy lồng như lão mà đau đớn hơn, vướng phải một bẫy kẹp, đang bị gọng sắt nặng nề chẹt ngang lưng, nằm chết dí không sao nhúc nhích được. Còn thoi thóp thở nhưng ả kiệt sức lắm rồi, đôi mắt mờ đục ngấn nước, thất thần, tuyệt vọng. Ả rin rít thều thào những lời than thân trách phận, xót đàn con nhỏ từ nay mất mẹ.
Anh nhân viên xách lão Cống ra “xử” đầu tiên. Một tay anh lăm lăm con dao chẻ củi nặng trịch sẵn sàng chờ bổ xuống, tay kia từ từ rút cửa lồng lên. Không ngờ lão Cống già nua vô cùng tinh khôn: lão thu rút người cho nhỏ lại, nín thở đợi. Cửa vừa he hé, lão đã nhanh như cắt lách ngay ra chạy biến mất, khi anh nhân viên còn chưa kịp mở xong. Đến khi hiểu vừa vô ý để sổng lão Cống, anh lấy đó làm kinh nghiệm, tìm một que sắt dài và nhọn thọc vào qua các mắt lưới “xử tử” lũ chuột ngay từ bên trong bẫy chứ chẳng dại gì mở cửa lồng ra nữa.
Lão Cống chỉ chú ý đến tình trạng của ả góa. Núp kỹ trong xó tối kín đáo, chứng kiến ả bị chết rồi mà còn đập nát bét đầu theo sự tức giận của con người. Lão kinh hoàng rơi nước mắt. Lão còn đau lòng hơn khi thấy sau đó, anh nhân viên túm đuôi từng đồng loại xấu số của lão, hồn nhiên quăng ra giữa lòng đường cho bánh xe ôtô chạy qua cán dẹp như miếng bìa mỏng. Như thể là cách anh trút hận vì đã để sổng mất lão vậy.
Lão Cống không dám kể sự việc với vợ vì biết mụ vốn nghi kỵ ghen tuông, sẽ chẳng tin. Thật oan ức cho lão. Chạy ăn nuôi cả một gia đình đông đúc đủ mờ mắt xụi râu rồi, còn tâm trạng đâu “đa tình” được nữa? Có là tố nữ mỹ miều thì lão cũng chẳng màng, huống gì ả góa xấu xí, gầy trơ xương, lông rụng xác xơ?
Đúng là ả Cống góa ấy có ưu ái cho lão thật nhưng hoàn toàn trong sáng. Đã trải qua những ngày nặng nề thai nghén rồi vất vả một mình nuôi con nên ả thấu cảm tình cảnh lão. Người khôn của khó, kiếm được miếng ăn đâu có dễ dàng? Vừa mắt trước mắt sau canh chừng người ta, vừa phải nhanh chân chạy trốn lũ chó mèo dữ tợn, lại vừa căng sức đối phó với đủ trò ma bùn bẩn thỉu của chính đồng loại đấu đá tranh ăn, ả bao phen “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Cái trò “mạnh được yếu thua” bao giờ chẳng thế? Do “đồng bệnh tương lân” mà ả thương hại giúp đỡ lão Cống chứ có yêu đương nhăng nhít như mụ vợ lão tưởng tượng đâu. Mục đích của ả chỉ là làm sao nuôi được đàn con đến lớn khôn, lúc này chúng nó còn bé dại lắm.
Lão Cống biết từ nay, công việc mưu sinh của lão sẽ gian nan gấp bội. Chẳng phải chỉ vì ở đâu cũng bị người ta tìm cách tận diệt, cũng chẳng phải lão bơ vơ đơn độc một mình do mất trợ thủ đắc lực, mà quan trọng hơn, vì lão đã tự nhận trách nhiệm nuôi đàn con dại của ả góa, cho đến khi chúng có thể tự lập được.
Lão đã nghe người ta vẫn khuyên nhau “nghĩa tử là nghĩa tận”. Chẳng phải sao?