Giải thích điều này, Thạc sĩ – Bác sĩ Phan Hữu Phước, Giám đốc Phòng khám Lão khoa Med-Vie TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Bộ môn Lão khoa, khoa Y Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết:
Tình trạng rối loạn mỡ trong máu đang ngày càng phổ biến và là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ mỡ động mạch… Nhiều người nghĩ họ có thể phòng tránh rối loạn mỡ trong máu bằng cách không ăn mỡ, tránh xa các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol hoặc ăn chay trường, nhưng thực tế, người gầy vẫn bị mắc bệnh.
Mỡ trong máu có hai dạng chính là cholesterol và triglyceride, được vận chuyển theo máu nhờ kết hợp với một chất có tên là lipoprotein. Cụ thể, lipoprotein HDL và LDL có chức năng vận chuyển cholesterol, còn VLDL vận chuyển triglyceride. Cholesterol kết hợp với LDL (ký hiệu là LDL-c) là dạng cholesterol có hại vì khi di chuyển, cholesterol thấm vào thành mạch máu, gây ra quá trình hình mảng xơ mỡ động mạch. Cholesterol kết hợp với HDL (ký hiệu là HDL-c) là dạng cholesterol có lợi vì có khả năng chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa, ứ đọng trong thành mạch máu trở về gan. Sự tăng cao thành phần triglyceride trong máu cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch.
Như vậy, tình trạng rối loạn mỡ máu không thể gọi là bệnh tăng cholesterol hay tăng mỡ trong máu vì thực chất, đây là sự tăng thành phần mỡ có hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ hoặc không tăng thành phần gây hại nhưng giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể.
Xin được nói thêm, cholesterol không phải là thành phần chỉ gây hại cho cơ thể. Chúng ta không thể sống được nếu thiếu cholesterol vì nó là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật, giúp tiêu hóa thức ăn. Cholesterol có từ hai nguồn: Thứ nhất, 20% nhu cầu cholesterol trong cơ thể được cung cấp từ thức ăn hằng ngày (thịt, mỡ, trứng…), 80% còn lại là do gan tổng hợp từ những chất khác như đường, đạm…
Điều này lý giải vì sao nhiều người gầy ốm hoặc ăn chay trường vẫn bị rối loạn mỡ trong máu?
Đúng vậy. Trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa hai quá trình tạo mỡ gây hại và bảo vệ. Những người không ăn mỡ từ thức ăn vẫn bị rối loạn mỡ máu do sự rối loạn chức năng tạo cholesterol ở gan.
Muốn phát hiện tình trạng rối loạn mỡ trong máu, bệnh nhân cần làm xét nghiệm đánh giá đầy đủ bốn thành phần trong máu là cholesterol toàn phần, LDL-c, HDL-c và triglycerid. Kết quả nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi cholesterol toàn phần tăng cao hơn 240mg% thì nguy cơ bị bệnh mạch vành tăng lên từ hai đến ba lần. Lượng LDL-c càng tăng thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim càng cao. HDL-c giảm thấp sẽ làm tăng nguy cơ tai biến về mạch máu và xơ mỡ động mạch. Triglyceride tăng cao, đặc biệt ở bệnh nhân bị tiểu đường, thì nguy cơ xơ mỡ động mạch cũng cao hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng cholesterol toàn phần giảm 23mg% ở người 40 tuổi thì nguy cơ bệnh tim mạch sẽ giảm 54%, ở người 70 tuổi thì nguy cơ bệnh tim mạch giảm 20%. Khi lượng HDL-c tăng 1,2mg% thì giảm được 3% nguy cơ bệnh tim mạch. Người ta cũng đã chứng minh được rằng, việc giải quyết rối loạn mỡ trong máu là cần thiết để hạn chế bệnh tai biến mạch vành, tai biến mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.
Như vậy, việc điều trị rối loạn mỡ trong máu là vô cùng cần thiết. Được biết, bệnh có thể điều trị không dùng thuốc đúng không thưa bác sĩ?
Chế độ điều trị không dùng thuốc sẽ được áp dụng cho bệnh nhân từ ba đến sáu tháng tùy theo tình trạng bệnh. Sau thời gian này, nếu bệnh vẫn không cải thiện, đặc biệt là lượng LDL-c vẫn còn cao thì bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu. Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ trong máu như: nhóm Fibrate, nhóm Statin, nhóm Resin, nhóm Niacin. Mỗi nhóm có tác dụng hạ mỡ theo những cơ chế khác nhau nên chỉ có bác sĩ mới xác định được nhóm thuốc sử dụng phù hợp với từng bệnh nhân. Hơn nữa, hầu hết các thuốc hạ lipid máu đều có tác dụng phụ nhất định cho cơ thể, bệnh nhân không nên tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Cần lưu ý là hầu hết các thuốc này khá đắt tiền và thời gian điều trị có thể kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, điều trị ít nhất ba tháng mới cho kết quả.
Trở lại với câu hỏi, chế độ điều trị không dùng thuốc nếu thực hiện tốt có thể giảm được từ 15 – 20% cholesterol toàn phần. Điều trị không dùng thuốc gồm: ngừng hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia, thay đổi thói quen ăn uống và tập thể dục thể thao.
Thuốc lá là yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại LDL. Thói quen uống nhiều rượu mỗi ngày cũng sẽ làm tăng hàm lượng triglyceride trong máu. Vì vậy, ngưng hút thuốc lá và bỏ dần rượu bia là việc vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân rối loạn mỡ trong máu.
Đa số những người bị rối loạn mỡ trong máu là người dư cân. Do đó, họ cần có chế độ ăn uống giảm cân bằng cách giảm ăn nhiều chất béo, nạp vào cho cơ thể không quá 30% nhu cầu năng lượng và gần như giới hạn ăn tất cả các loại chất béo như dầu, kem, mỡ, bơ… Nếu không buộc phải ngưng tuyệt đối thì bệnh nhân không nên ăn quá 1/3 lượng mỡ bão hòa cho nhu cầu chất béo hằng ngày. Mỡ bão hòa có trong thành phần mỡ heo, bò, gà, bơ, phô mai, kem, chocolate, dầu dừa, ngay cả hai thành phần shortening và margarine (thường được sử dụng trong chế biến các loại kem bánh) cũng nên hạn chế vì chúng cũng làm tăng cholesterol. Vì lượng cholesterol từ thức ăn mà cơ thể bệnh nhân có thể dung nạp không quá 300mg cholesterol/ngày nên cần tránh ăn các loại thức ăn như sữa, kem, trứng, gan, lưỡi, thận…
Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng tích cực đối với việc chữa bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ điều trị sẽ đề nghị bệnh nhân hình thức tập thể dục, chơi thể thao phù hợp với sức khỏe của từng người. Các bài tập nhẹ nhàng, không cần gắng nhiều sức như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe… khá phù hợp với bệnh nhân dư cân. Điều khó khăn nhất là bệnh nhân cần quyết tâm tập ít nhất ba lần/tuần và tập đủ 30-45 phút/lần, đặc biệt là những bệnh nhân béo phì, quen với lối sống thụ động và không tập thể dục nhiều năm qua. Với những đối tượng này, bác sĩ và người thân nên cùng bệnh nhân xây dựng thời khóa biểu tập thể dục thể thao hằng tuần. Bản thân bệnh nhân nên xem việc tập luyện là một niềm vui, có thể xây dựng nhóm cùng tham gia chương trình thể dục để tạo không khí vui vẻ, thân thiện.
Chúng ta có thể phòng ngừa rối loạn mỡ trong máu bằng các cách điều trị không dùng thuốc mà bác sĩ mới đưa ra hay không?
Hoàn toàn có thể và nên thực hiện càng sớm càng tốt để phòng tránh bệnh.
Thực tế, chúng ta không nên quá lo lắng và sợ hãi khi phát hiện ra mình bị rối loạn mỡ trong máu vì bệnh không gây ra những biến chứng tức thời và phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng cho hiệu quả đáng kể. Chỉ khi để tình trạng này quá lâu thì mới gây ra những mối nguy lớn cho sức khỏe nên việc phòng ngừa và phát hiện sớm qua kiểm tra, xét nghiệm là rất quan trọng.
Bệnh nhân nên thực hiện tốt việc điều trị không dùng thuốc theo hướng dẫn, không tự ý sử dụng thuốc khi không có sự kiểm soát của bác sĩ vì các thuốc hầu hết đều có hại cho gan và gây nhiều tác dụng phụ khác.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.