Vũ khí gây tổn hại cho tàu chiến Mỹ nhiều nhất trong suốt 60 năm qua không phải là ngư lôi, súng máy, tên lửa chống hạm hay tấn công khủng bố, mà chính là mìn biển! 50 chiến hạm của Mỹ bị đánh chìm hay hư hại do mìn từ Thế chiến thứ hai, cao gấp 4 lần các loại vũ khí khác. Nhưng hầu hết không ai nói đến mìn, ngoại trừ cộng đồng chuyên gia chống mìn bẫy MCM.
Trong số các lý do, mối đe dọa của mìn chìm khuất sau những tranh cãi ồn ào về con ma tên lửa chống tàu giống như loại DF-21D của Trung Quốc, mà chưa ai nhìn thấy nó hoạt động ra sao, ngoại trừ hai hố sâu trong sa mạc Gobi, nằm gần một mô hình tàu chiến! Văn hóa giấu giếm mìn biển bị rỉ sét dần dần, khác hẳn với “em họ” của nó là ngư lôi hay những bãi mìn trên mặt đất. Có thể là do mìn đã xuất hiện quá lâu trong thế giới hải quân.
Mìn biển phát triển ngay sau khi thuốc súng ra đời, cách nay mấy trăm năm, mặc dù đã được người Trung Quốc lập ra lý thuyết lần đầu tiên vào thế kỷ 14. David Bushnell – nổi tiếng với phát minh chiếc tay quay cung cấp điện cho tàu ngầm Con Rùa trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ (chiến tranh giành độc lập), cũng là người đầu tiên chế tạo ra mìn biển. Ông chất đầy thuốc nổ trong một cái thùng rượu cho quân Mỹ thả trôi ngầm trên sông Delaware với hy vọng đánh chìm tàu của Anh.
Theo một cuộc điều tra về mìn biển của Viện Báo chí Hải quân Hoa Kỳ, sáng kiến của Brushnell được xem là rất vô đạo đức! Năm 2001, bài báo về mìn biển của một sinh viên tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hàng hải viết: “Mấy năm sau đó, mìn biển được mô tả là “ một vũ khí hiểm độc” chỉ được các quốc gia “tiểu nhân” hen hạ sử dụng”.
Chiếc tàu chiến đầu tiên bị mìn biển đánh chìm là USS Cairo, một chiến thuyền Anh đậu ở cuối dòng sông Yazzo vào năm 1862, khi trúng phải mìn của quân Mỹ. Nó cũng có nhiều thành ngữ trong tiếng Anh của hải quân. Khi thiếu tướng hải quân Mỹ hét lên với chiếc tàu bị sa lầy vào bãi mìn trong trận chiến Vịnh Mobile: “Mẹ kiếp ngư lôi! Cứ vọt thẳng về phía trước!” là ông muốn liều mạng thoát khỏi vòng vây.
Đến thế kỷ 20, mìn biển đóng vai trò quan trọng trận hải chiến Nga-Nhật kéo dài 18 tháng. Mìn Nhật Bản đã đánh chìm tàu đô đốc Nga Petropavlovsk ở ngoài khơi cảng Arthur và phá hỏng một chiếc khác, khi người Nga dùng mìn để tách đôi hai chiếc tàu của Nhật.
Suốt Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, mìn trở nên dữ dội và thông minh hơn, trong khi các chiến hạm phải học cách đối phó với một đối thủ ngày càng phức tạp. Tàu ngầm U-Boat của Đức đã rải 327 quả mìn biển ở ngoài khơi Bắc Mỹ, từ Nova Scotia đến Mississippi. Ngươi Đức đã thành công khi chặn đứng được đoàn tàu của Hoa Kỳ và Canada tiếp tế cho các đạo quân tại châu Âu. Một báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ viết: “Phải đóng cửa nhiều hải cảng suốt 40 ngày liền và có đến 11 chiếc tàu bị đánh chìm”.
Hoa Kỳ đảm nhận chiến dịch rải mìn ồ ạt trong Thế chiến thứ hai với 250.000 quả mìn để bao vây các con đường huyết mạch của Nhật Bản vào năm 1945 trong Chiến dịch “Cắt lương thực” (Operation Starvation). Kết quả là đã đánh chìm được 50 chiếc tàu của Nhật và chặn đứng hầu hết các con đường tiếp tế cho đảo quốc Nhật Bản cho đến khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Hải quân Hoa Kỳ nhanh chóng quên mất bài học xương máu của Thế chiến thứ hai và giải thể lực lượng quét mìn sau chiến thắng. 5 năm sau, họ phải hối hận khi lực lượng 250 tàu chiến của Liên Hiệp Quốc đổ bộ vào bờ biển Wonsan của Nam Triều Tiên đã bị bãi mìn của quân Bắc Triều Tiên chận lại! Thiếu tướng Hải quân Allen E. Smith, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, kể lại: “Chúng tôi mất quyền kiểm soát bờ biển vào tay một quốc gia chẳng hề có lực lượng hải quân, sử dụng vũ khí từ trước Thế chiến thứ nhất và dùng thuyền chèo để rải mìn vào thời Chúa Jesus mới giáng sinh!”.
Bắc Triều Tiên sử dụng mìn vào năm 1950 là một bài học lớn cho thấy mìn quan trọng đến mức nào trong chiến tranh hàng hải. Mìn được gọi là “vũ khí chống tiếp cận” A2/AD (anti-access/area denial) cực kỳ lợi hại trong phòng thủ.
Mìn có thể được rải bằng nhiều cách: tàu chuyên dụng, cải tiến, tàu ngầm hay máy bay. Cũng có thể chỉ rải mìn bằng thuyền chèo thủ công. Tính cơ động và giá rẻ của nó hấp dẫn các quốc gia nghèo trong một cuộc chiến không cân sức. Chi phí cho rải mìn chỉ bằng 0,5% – 10% so với dọn dẹp nó! Thời gian dọn một bãi mìn dài gấp 200 lần thời gian rải mìn! Nhiều bãi mìn biển trong Thế chiến thứ hai cho đến nay vẫn còn nguyên vì chi phí dọn dẹp quá cao và trải dài trên một diện tích quá rộng. Nhiều khu vực gài mìn trong thập niên 1940 cho đến nay vẫn còn nguyên.
Công ước Hague lần thứ 8 vào năm 1907 buộc các quốc gia phải công bố khi rải mìn trên một vùng đất để cho các tàu dân sự dễ dàng tránh né. Nhưng cảnh báo thường rất mơ hồ. Chẳng hạn, trong Thế chiến thứ hai, Anh chỉ nói đơn giản là đã rải mìn trên eo biển Manche, Biển Bắc và bờ biển nước Pháp.
Mìn từ thời nhà Minh đến ngày nay
Đi tiên phong trong việc chế tạo mìn là một người Trung Hoa dưới triều đại nhà Minh. Đó là viên sĩ quan pháo binh tên Jiao Yu, viết trong quyển sách khảo luận vào thế kỷ 14 mang tên Huolongjing, dạy cách chế tạo mìn trên bộ. Người chế tạo mìn đầu tiên ở phương Tây là Ralph Rabbards, đã đệ trình thiết kế chi tiết lên cho Nữ hoàng Elizabeth I của Anh vào năm 1574. Tại Hoa Kỳ, David Brushnell chế tạo mìn cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh với đế quốc Anh để giành độc lập.
Năm 1812, kỹ sư người Nga Pavel Shilling cho nổ một quả mìn dưới nước, với ngòi nổ là một dòng điện. Vào thế kỷ 19, mìn biển được gọi là ngư lôi (torpedo), dường như do Robert Fulton đặt tên theo con cá torpedo có khả năng phóng ra dòng điện từ 8 đến 220 volt để bắt mồi, tùy theo loại. Sau năm 1865, Hoa Kỳ xem mìn là loại vũ khí ưu tiên để phòng vệ bờ biển. Năm 1868, thiếu tá Henry Larcom Abbot chế tạo loại mìn thả neo có thể nổ ngay khi tàu địch chạm vào hay áp sát. Hải quân của Đế quốc Nga cũng đi tiên phong chế tạo mìn để đánh bại Hải quân Ottoman trong trận chiến Crimea (1877-1878).
Trong cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa đoàn (1899-1901), quân Nhà Thanh đã gài một bãi mìn lớn tại cửa sông Peiho, phía trước pháo đài Dagu, để ngăn chặn tàu chiến của Liên quân Bát quốc. Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) cũng sử dụng mìn đại trà. Hai quả mìn nổ tung làm chìm chiếc soái hạm Petropavslovsk ở ngoài khơi cảng Arthur, giết chết Đô đốc Stepan Makarov và toàn bộ thủy thủ đoàn. Hải quân Nhật bị mất hai tàu chiến, 4 tuần dương hạm, 2 khu trục hạm, và một tàu rải mìn. Nổi tiếng nhất là ngày 15.5.1904, tàu rải mìn Amur của Nga rải 50 quả mìn ở ngoài khơi cảng Arthur, đánh chìm hai tàu Hatsuse và Yashima của Nhật Bản.
Sau cuộc chiến khốc liệt này, nhiều quốc gia tìm cách cấm sử dụng mìn trên biển tại Hội nghị Hòa bình Hague (1907) bằng cách buộc các nước phải công bố những nơi đã rải mìn, nhưng chẳng có bao nhiêu hiệu quả.
Đầu thế kỷ 20, mìn chìm đóng vai trò chủ lực trong việc phòng thủ các cảng biển của nước Mỹ. Chúng được kiểm soát từ xa và đặt dưới đáy nước của các hải cảng, kích nổ từ các pháo đài trên bờ biển. Đến Thế chiến thứ nhất, mìn càng được sử dụng ồ ạt hơn để phòng thủ các bờ biển và hải cảng trên khắp thế giới. Người Đức thả mìn theo hàng dọc trên biển để nhấn chìm tàu buôn cung cấp hàng hóa cho nước Anh và tàu chiến. Quân Đồng minh lại nhắm vào tàu ngầm U-boat của Đức tại eo biển Dover và Hebrides với “Hàng rào mìn Biển Bắc”. Trong vòng 5 tháng của năm 1918, đã có 70.000 quả mìn được rải xuống Biển Bắc. Tổng số mìn được rải tại Biển Bắc, bờ biển phía Đông nước Anh, eo Dover và Heligoland Bight là 190.000 quả và toàn bộ mìn trong Thế chiến thứ nhất là 235.000 quả! Để dọn sạch chúng sau chiến tranh, phải huy động 82 tàu làm việc 24/24 giờ suốt 5 tháng. Trong trận chiến này, Anh có chiếc tàu bệnh viện khổng lồ HMHS Britannic, chị em đồng cỡ với chiếc RMS Titanic, bị đánh chìm.
Trong Thế chiến thứ hai, đội tàu ngầm U-boat của Đức làm bá chủ Đại Tây Dương trong giai đoạn đầu. Hoạt động chủ lực của chúng là rải mìn trên các tuyến đường hàng hải và bao vây các hải cảng của Anh. Chúng cũng tung hoành trên Địa Trung Hải, biển Caribê và dọc theo bờ biển nước Mỹ.
Đầu tiên, người ta sử dụng mìn tiếp xúc (chạm vào mới nổ) thả lơ lửng dưới mặt nước bằng sợi dây cáp nối từ đáy biển. Đến đầu Thế chiến thứ hai, mìn được thả xuống biển từ máy bay, nổi bồng bềnh trên mặt nước, dễ dàng phong tỏa các hải cảng của đối phương. Có thể dùng lưới để dọn sạch chúng, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Sau đó, quân Đức sử dụng một loại mìn mới: tàu chỉ cần chạy đến gần cũng đủ làm cho phát nổ. Với loại này, nhiều chiếc tàu có thể cố lết về đến hải cảng mới chìm. Nhưng số tàu hư hỏng bị tăng vọt, không kịp thay thế. Thủ tướng Anh Churchill đã ra lệnh cho các nhà khoa học phải gấp rút nghiên cứu về nó. May mắn đến với họ khi vào tháng 11-1939, một quả mìn của Đức bị rơi từ máy bay xuống một bãi bùn tại Shoeburyness nằm trong khu vực quản lý của quân đội Anh. Các chuyên gia được gởi đến ngay để nghiên cứu. Họ phát hiện ra quả mìn được trang bị thêm bộ cảm ứng từ trường! Chính người Anh cũng đã từng tạo ra mìn từ trường trong Thế chiến thứ nhất, nhưng chưa khai thác đại trà. Một vật bằng sắt to lớn đi qua sẽ tập trung từ trường trái đất vào trong bản thân nó. Bộ cảm ứng với độ nhạy rất cao (đến cấp miligauss) của quả mìn nhận được tín hiệu này và kích nổ.
Từ đó sản sinh ra một phương pháp quét mìn mới. Thoạt tiên, người ta dùng nam châm điện lớn lôi theo phía sau chiếc tàu để làm cho phát nổ từ xa. Nhưng hiệu quả không lớn. Về sau, người ta lại dùng sợi dây điện giăng ngang giữa hai chiếc tàu, kéo đi để quét sạch chúng. Những chiếc tàu chiến lớn được trang bị cuộn dây đồng giải từ (degaussing coil) quấn chung quanh thân tàu, được cung cấp năng lượng bằng hệ thống điện trên tàu khi đi qua những vùng nghi ngờ có mìn từ trường. Chẳng hạn những con tàu khổng lồ HMS Ark Royal, RMS Queen Mary, RMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh.
Tuần dương hạm HMS Belfast là một tấm gương điển hình bị mìn từ trường đánh trúng. Ngày 21-11-1939, một quả mìn nổ vào sống lưng của nó làm hỏng máy và phòng đốt hơi nước, giết chết 47 thủy thủ. Trong Thế Chiến thứ hai, Đức và quân Đồng minh cũng chế tạo ra loại mìn âm thanh để tiêu diệt các loại tàu thân gỗ, đặc biệt là tàu vớt mìn. Khi chiến tranh kết thúc, hơn 25.000 quả mìn mà quân Mỹ rải xuống vẫn còn nguyên, không thu hồi được. Họ chỉ có thể chỉ ra một vài khu vực để tàu bè tránh đi qua. Sau gần một năm dọn dẹp, vào tháng 5-1946, Hải quân Mỹ phải bỏ cuộc với 13.000 quả mìn còn thất lạc. Kết quả là 30 năm sau, có đến 500 tàu quét mìn bị trúng phải chúng, bị hư hại nặng hay bị chìm.
Sau Thế chiến thứ hai, mìn lưu lạc vẫn còn làm hư hại đến 14 tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ. Trong chiến tranh Triều Tiên, mìn do Bắc Triều Tiên gài gây thiệt hại cho 70% lực lượng này. Trong chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), cả hai bên đều gài mìn dày đặc tại Vinh Persic. Ngày 24-7-1987, chiếc tàu chở dầu siêu hạng SS Bridgeton của Kuwait bị trúng mìn của Iran gần đảo Farsi. Ngày 14-4-1988, chiến hạm USS Samuel B. Roberts trúng một quả mìn khác của Iran trong Vùng Vịnh, làm cho 10 thủy thủ bị thương. Mùa hè năm 1984, mìn từ trường đã đánh trúng ít nhất 19 chiếc tàu tại Biển Đỏ. Hoa Kỳ quy tội cho Libya là thủ phạm gài mìn. Để đáp trả Mỹ, Anh, Pháp và 3 nước khác mở chiến dịch quét mìn Intense Look, huy động hơn 46 tàu càn quét Biển Đỏ.
Năm 1984, theo lệnh của Tổng thống Ronald Reagan, CIA đã phong tỏa cảng Sandino của Nicaragua bằng mìn để hỗ trợ cho quân du kích Contra. Một chiếc tàu chở dầu của Liên Xô đã trúng phải mìn trong chiến dịch này. Năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế công bố chiến dịch này đã vi phạm luật quốc tế!
Trong chiến tranh Vùng Vịnh, mìn của Hải quân Iraq đã làm hư hai nặng hai chiếc USS Princeton và USS Tripoli của Hoa Kỳ. Khi chiến tranh kết thúc, 8 nước trong Liên quân đã phải tiến hành vét mìn.