Trong lịch sử chiến tranh, có một điều dễ thấy là các kỹ thuật và chiến thuật phòng thủ thường đi trước các loại vũ khí công thành.
Một bức tường thành vững chắc đã đủ ngăn cản bước tiến của đối phương. Điều này cũng có nghĩa là lịch sử chiến tranh đầy rẫy những cuộc bao vây thành lũy. Để chiếm được thành phố hay lâu đài hoặc để ngăn chặn bước tiến của kẻ xâm lược, con người đã vận dụng tất cả sự khéo léo của họ vào việc sáng chế ra nhiều loại vũ khí – hoặc để thủ thành, hoặc để công thành.
Đi kèm với chúng là những chiến thuật công hoặc thủ thành để hỗ trợ việc sử dụng các loại vũ khí đó. Dưới đây là những vũ khí và chiến thuật công, thủ thành kỳ lạ đã được dùng cho các cuộc tấn công và bao vây thành trì trong lịch sử.
1. Những con heo nhiều mỡ
Vua John được coi là vị vua tồi tệ nhất trong lịch sử Anh. Sự bất tài của ông cùng với việc xem thường các lãnh chúa đã làm họ nhiều lần nổi dậy. Sau một cuộc nổi dậy, họ buộc nhà vua phải ký bản Hiến chương về nhân quyền (Magna Carta), theo đó cam kết bảo vệ quyền lợi của Giáo hội, bảo vệ các lãnh chúa và cá nhân họ sẽ không bị bắt giam bất hợp pháp… và những điều khoản này sẽ được triển khai thông qua một hội đồng 25 nhà quý tộc. Nhưng vua John đã bội ước. Sau khi chấp thuận Magna Carta, ông lại đổi ý và tuyên bố bản Hiến chương này không có giá trị. Do vậy, các lãnh chúa đã nổi loạn một lần nữa.
Trong cuộc nội chiến lần thứ nhất do các nhà quý tộc khơi mào, một trong những lâu đài chống lại vua John nằm ở thành phố Rochester. Nhà vua đã dùng nhiều cách để chiếm tòa lâu đài: ngoại giao, bắn phá và hối lộ. Ông đã chiếm được sân ngoài của lâu đài, nhưng quân nổi dậy tập trung phòng thủ và không chịu đầu hàng. Vì vậy, nhà vua đã dùng những… con lợn để tấn công.
Vua John ra lệnh cho quân lính đào đường hầm bên dưới lâu đài. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, ông ra lệnh dùng “40 con lợn béo nhất” để đốt dầm đỡ của đường hầm. Lửa bùng cháy dữ dội đến nỗi đường hầm sụp xuống cùng với một phần tháp nằm bên trên đường hầm. Những người nổi dậy đã kiên cường bảo vệ lâu đài thêm một thời gian nữa, nhưng cuối cùng phải đầu hàng vì bị đói.
2. Tấn công bằng xác chết
Khi đội quân tấn công không thể tiến vào thành và máy bắn đá cũng trở nên vô dụng, họ sẽ dùng những cách thức “phi truyền thống” để làm cho đối phương bị mất tinh thần. Vào năm 1346, khi tấn công vào thành phố Caffa, Crimea, quân Mông Cổ đã tìm thấy những thứ bắn vào trong thành có hiệu quả hơn là những viên đạn đá.
Vào lúc đó, bệnh dịch hạch (còn được gọi là “Cái chết Đen”) chưa tàn phá châu Âu, nhưng quân Mông Cổ đã mang căn bệnh này theo cùng với họ. Thay vì rút lui và chăm sóc những người hấp hối, họ dùng xác của người mắc bệnh làm vũ khí tấn công.
Các xác chết được máy bắn đá ném qua các bức tường thành với hy vọng “mùi hôi thối không thể chịu nổi này sẽ giết chết mọi người bên trong”. Hàng đống xác chết được đưa vào máy bắn đá, nhưng dân trong thành không chết vì ngửi mùi mà chết vì dịch bệnh lây lan. Người ta cho rằng những chiếc tàu chạy trốn khỏi thành phố Caffa có thể đã làm cho bệnh dịch lan truyền vào châu Âu.
Những người bị bao vây cũng đã từng nghĩ đến việc sử dụng vũ khí sinh học. Vào thế kỷ 17, khi cuộc bao vây thành phố Candia Canavese của Ý kéo dài đến năm thứ 21, cư dân thành phố đã đề nghị tạo ra một loại dung dịch độc hại nhằm lây bệnh cho đội quân bao vây. Nó được chiết xuất từ lá lách và vết loét của nạn nhân bệnh dịch hạch. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ.
3. Tia nhiệt
Khi người La Mã cố gắng chiếm lĩnh thành phố Siracusa của Hy Lạp, họ không những phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ của cư dân trong thành mà còn với những vũ khí do nhà bác học thiên tài Archimedes chế tạo. Archimedes đã chế tạo một loại máy móc có thể nâng các tàu chiến La Mã lên khỏi mặt nước, rồi thả xuống và đánh chìm chúng. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng ông là người đã tìm ra cách đốt các tàu chiến trước khi chúng tiến đến gần hơn.
Theo các sử gia, Archimedes đã dùng gương hoặc những cái khiên được đánh bóng để tập trung ánh sáng mặt trời và chiếu nó lên tàu. Sức nóng được tạo ra sẽ đốt cháy lớp gỗ (đã trét nhựa) dùng để đóng thân tàu và phá hủy tàu. Một số người đã bác bỏ giả thuyết này, nhưng một số người khác đã thử nghiệm lại việc đốt tàu theo cách thức mà Archimedes đã sử dụng và thấy rằng có thể đốt cháy tàu theo cách này. Ngay cả khi chúng không đốt cháy được các tàu chiến La Mã, những chiếc gương phản chiếu ánh sáng đó chắc chắn sẽ làm thủy thủ trên tàu bị lóa mắt.
4. Mèo tên lửa
Franz Helm là một bậc thầy về pháo binh của Đức vào thế kỷ 17 đã viết một cuốn sách về vũ khí hãm thành. Trong sách có một đoạn mô tả cách sử dụng một con mèo để tiêu diệt kẻ thù: “May một cái túi nhỏ và nhét vào đó những chất dễ cháy. Nếu bạn muốn tấn công vào một thị trấn hoặc lâu đài, hãy tìm bắt một con mèo sống ở nơi đó. Sau đó, buộc chặt cái túi vào lưng con mèo, đốt nó và thả cho con mèo đi. Con mèo sẽ chạy đến lâu đài hoặc thị trấn gần nhất và vì sợ hãi, nó sẽ đi tìm nơi ẩn mình trong chuồng cỏ khô hoặc rơm. Lửa từ túi sẽ lan ra và đốt cháy cả tòa lâu đài”.
Điều đầu tiên đập vào mắt của hầu hết các nhà nghiên cứu là những bức tranh minh hoạ đi cùng với kế hoạch này: chúng làm cho người ta nghĩ rằng con mèo sẽ được đẩy qua các bức tường thành bằng một tên lửa. Dù cho rằng “mèo tên lửa” có lẽ không bao giờ được sử dụng trong chiến tranh, sử sách có lưu lại những tài liệu đề cập tới “lợn lửa”.
Khi thành phố Megara bị bao vây, những người bên trong thành đã tìm cách thoát ra ngoài bằng cách tưới mỡ lợn vào những con voi và đốt cháy trước khi thả chúng ra. Bọn voi hoảng sợ tột độ đã lao ra khỏi thành và theo sau chúng là những người dân.
5. Cát nóng
Trong bất kỳ bộ phim nào khi đề cập đến các cuộc bao vây thành trì ở thời Trung cổ thường sẽ có cảnh quân lính giữ thành đổ dầu hoặc nước nóng xuống đầu những kẻ tấn công khi họ cố trèo lên tường thành. Nhưng nếu nước hoặc dầu quá có giá trị, không thể để lãng phí trong tình trạng thiếu lương thực, những thứ có thể làm nóng khác sẽ được đổ xuống thay cho dầu và nước. Trong cuộc vây hãm lâu đài Caen năm 1346, hiệp sĩ Edward Springhouse của Anh đã bị đẩy ra khỏi thang, và những người phòng thủ ngay lập tức ném những bó cỏ khô đã đốt cháy xuống người ông, nướng chín Edward trong bộ áo giáp của mình.
Những người bị bao vây khác đã phải sáng tạo hơn. Khi Alexander Đại đế tấn công thành phố Tyre, quân lính của ông phải đối mặt với một thứ còn tệ hại hơn cả dầu sôi. Những người bảo vệ thành phố đã lấy cát mịn trong vùng, đun nóng cho đến khi nó đỏ rực. Sau đó, chúng được đổ xuống đầu những kẻ tấn công. Cát mịn sẽ chui vào những kẻ hở trên áo giáp và nằm lại ở đó. Quân lính bị điên lên vì đau đớn, sẽ trút bỏ áo giáp của họ và trở thành mục tiêu cho các cung thủ đang bảo vệ thành. Cát cũng có thể được gió mang theo đến các tàu chiến của đối phương và gây ra cảnh hổn loạn trên tàu.
6. Lửa Hy Lạp
Lửa Hy Lạp là một loại vũ khí gây ra sự khủng khiếp và được sử dụng qua hàng trăm năm. Đó là một loại chất lỏng có thể bốc cháy khi tiếp xúc với nước và đốt cháy bất cứ thứ gì nó chạm vào. Nó được phun ra từ các máy phun đặt trên tàu và cũng được dùng làm vũ khí công thành. Không ai biết chính xác công thức chế tạo lửa Hy Lạp, nhưng nó được cho là có chứa hóa chất ăn da, hắc ín và nhựa thông. Cách duy nhất để dập tắt lửa Hy Lạp là dùng cát, muối hoặc nước tiểu. Một chiến binh thập tự chinh từng đối mặt với vũ khí “lửa Hy Lạp” cho rằng cách phòng thủ duy nhất là quỳ xuống và cầu nguyện để được giải thoát!
Cũng có một loại vũ khí “lửa Hy Lạp” sử dụng bằng tay, gọi là cheirosiphon, có thể dùng để tấn công một thành phố. Cheirosiphon được đặt trên một cái tháp có gắn bánh xe và được đẩy đến gần các bức tường thành. Thiết bị này sẽ bắn các luồng lửa Hy Lạp vào lính phòng thủ và vào các tòa nhà bên trong thành.
7. Nhà vệ sinh
Vào thời Trung cổ, bồn cầu của các nhà vệ sinh bên trong lâu đài có thể chỉ đơn giản là một tấm ván được khoét lỗ để chất thải rơi tự do xuống bên dưới. Mặc dù bạn cho rằng chúng có thể rơi xuống đầu những kẻ vây hãm, nhưng nhà vệ sinh, trên thực tế, có thể là một cách để kẻ thù xâm nhập vào bên trong.
Lâu đài Gaillard được vua “Richard tim sư tử” xây dựng và được coi là bất khả xâm phạm. Nhưng nó đã bị chiếm lấy sau khi được xây dựng chưa tới 10 năm. Vua Philip II của Pháp đã chiếm giữ phần bên ngoài của lâu đài, nhưng không thể tiến vào bên trong. Nhưng lính của ông đã tìm thấy một nhà vệ sinh của lâu đài (hoặc phòng ngủ), có thể giúp họ thâm nhập vào bên trong. Một người lính được đưa lên một khoảng trống hẹp, với phân vung vãi xung quanh và dẫn đến nhà vệ sinh. Anh ta bò lên, mở cửa sổ vào bên trong nhà nguyện của lâu đài, và quân Pháp đã tràn vào tòa lâu đài được xem là bất khả xâm phạm này.
8. Bom làm từ “bánh xe cối xay”
Vào năm 1552, lực lượng Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bao vây lâu đài của Eger ở Hungary. Lâu đài này có vị trí phòng ngự tốt vì nằm trên một ngọn đồi, giúp cho các khẩu pháo chiếm được lợi thế hơn kẻ thù bên dưới. Tuy nhiên, hàng chục ngàn binh lính Ottoman, với ưu thế về số lượng lớn hơn đã tiến đến sát lâu đài dưới sự bắn phá gần như liên tục. Các bức tường bên ngoài của lâu đài bắt đầu sụp đổ dưới lửa đạn và các khẩu pháo phòng vệ bị hư hại, không thể gây tổn thương cho những người bao vây.
Bên trong lâu đài, một người tên là Gergely Bornemissza đã chế tạo một thứ vũ khí có thể tiếp cận được những kẻ tấn công. Ông lấy những chiếc bánh xe cối xay, vốn là những tảng đá nặng dùng để nghiền nát hạt thành bột, và nhồi thuốc súng vào chúng. Bởi vì lâu đài của Eger nằm ở đỉnh đồi, những tảng đá được nhồi thuốc súng này có thể nhận được một động năng lớn khi chúng lăn vào trong trại của kẻ thù và phát nổ, bắn tung tóe củi đốt và mảnh đá vào quân lính Ottoman.
9. Cõng… chồng trên lưng
Vào thế kỷ 12, nước Đức là một bức tranh xếp hình gồm những lãnh địa nhỏ được giữ một cách lỏng lẻo trong đế quốc La Mã thần thánh. Do vậy, không có gì là bất thường khi mà các lãnh địa luôn gây chiến với nhau. Năm 1140, Conrad III (vị vua Đức đầu tiên của triều đại Hohenstaufen) tuyên chiến với công tước Welf và bao vây thành phố Weinsberg. Trong một thời gian dài, người dân thành phố đã tổ chức cầm cự. Conrad III công bố với cư dân rằng ông sẽ đốt sạch thành phố và giết tất cả mọi người bên trong nếu họ không đầu hàng.
Khi Weinsberg vẫn tiếp tục kháng cự, Conrad III đã quyết tâm thực hiện những lời đe dọa của mình. Cuối cùng, những công dân của Weinsberg phải đầu hàng vì đói khát. Conrad III đã ra lệnh cho tất cả mọi người tụ tập ở một nơi và chuẩn bị đối mặt với cái chết. Những người đàn ông ở Weinsberg, như họ nói, sẵn sàng chấp nhận cái chết, nhưng cầu xin một ân huệ là để cho phụ nữ trong thành phố được tự do ra đi. Là một người hào hiệp, Conrad đã cho phép phụ nữ rời khỏi thành phố với bất cứ thứ gì mà họ có thể mang theo.
Khi đến lúc mở cổng thành cho những người phụ nữ ra đi, đội quân bao vây đã giật mình khi nhìn thấy họ đang cõng những người đàn ông ra khỏi thành phố. Một số võ quan nghĩ rằng đây là một trò gian lận, nhưng vua Conrad III đã cười lớn và cho phép phụ nữ ra đi tự do cùng với những người đàn ông của họ.
10. Bầy ong ra trận
Tường thành có công dụng là che chở cho bên thủ thành trước sự tấn công của kẻ thù, và họ có thể sử dụng độ cao của nó để thả dầu sôi, đá tảng xuống đầu kẻ thù. Tuy nhiên đội quân bao vây không phải là những kẻ ngu ngốc. Họ sẽ không tạo cơ hội để cho bên giữ thành phản công bằng cách đào hầm hoặc dùng khiên để che chở bản thân. Khi người Viking tấn công thành phố Chester của Anh vào thế kỷ 10, họ sử dụng những cái khiên bằng gỗ để ngăn các loại vũ khí ném đá của quân lính giữ thành khi họ cố phá hủy các bức tường. Nhưng bên phía thủ thành đã có những sáng tạo để bảo vệ thành.
Đầu tiên, họ lấy hết bia trong thành phố và đun sôi nó trong những cái nồi trước khi đổ xuống đầu những người Viking. Gỗ đã chặn được đá, nhưng bia thì lọt qua và làm bỏng những kẻ tấn công, lột da của họ ra. Người Viking chống trả bằng cách phủ da thú lên những chiếc khiên của họ để bia nóng văng sang hai bên. Nhưng các cư dân Chester còn giấu một cú đánh hiểm hóc khác trong tay áo của họ. Họ lấy những tổ ong và ném chúng xuống đầu những người Viking. Những con ong bị vỡ tổ đã ùa ra tấn công vào những người Viking. Người Viking buộc phải rút lui và từ bỏ ý định chiếm thành.