Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thì tiếp thị, đặc biệt là tiếp thị thông qua mạng xã hội, luôn là một thách thức.
Bởi ở doanh nghiệp khởi nghiệp, hai lĩnh vực sản xuất và bán hàng luôn được ưu tiên hơn so với việc xây dựng chiến dịch tiếp thị bài bản, tạo được dấu ấn.
Dù khó khăn là vậy, nhưng vẫn có những cách đơn giản mà hiệu quả trong việc khai thác tài nguyên từ mạng xã hội mà doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng, để tạo ra những điều kỳ diệu cho thương hiệu của mình.
Hướng tới cảm xúc
Một trong những sai lầm của doanh nghiệp khởi nghiệp đó là họ thường không đánh trúng được tâm lý khách hàng. Keith A. Quesenberry, chuyên gia tiếp thị người Mỹ, hiện đang giảng dạy tiếp thị tại Messiah College (Mỹ) cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay đang sử dụng mạng xã hội như một nơi đăng thông tin họ muốn, hơn là đăng những thông tin khách hàng cần.
Cụ thể, công thức bài đăng mà Keith A. Quesenberry khuyên doanh nghiệp nên sử dụng, đó là phải kết hợp được các nội dung vừa mang tính giải trí (Entertainment) vừa mang tính giáo dục (Education).
Giải trí, ở đây có thể là những bức hình, những câu nói vui nhộn, giúp người đọc cảm thấy thích thú, vui vẻ. Còn giáo dục, tức là những bài đăng mang một nội dung có chủ đích, nhằm cung cấp một thông tin quan trọng của doanh nghiệp cho khách hàng.
Bằng cách kết hợp cả giải trí và giáo dục, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ vừa hạn chế tối đa sự lãng phí tài nguyên, vừa tăng mức độ gắn kết của khách hàng với thương hiệu.
“Tôi không có ý xúc phạm hay lên lớp khách hàng, nhưng từ giáo dục ở đây nên được hiểu là hướng dẫn cho khách hàng của bạn chú tâm vào một điểm nào đó mà thương hiệu muốn hướng tới.
Bởi mặc cho nội dung của bạn có chất lượng và tuyệt vời đến thế nào, nếu không tạo ra được cảm xúc và mang theo một thông điệp của thương hiệu, thì nội dung đó là vô nghĩa” – Keith A. Quesenberry chia sẻ.
Ngoài ra, không chỉ những bài đăng tập trung vào điểm cảm xúc vui vẻ, mà những câu chuyện gợi lên cảm xúc khác, như nỗi buồn, sự ngưỡng mộ, khâm phục… cũng là sự lựa chọn tốt cho thương hiệu. Bởi những nội dung tạo ra điểm cảm xúc mạnh thường sẽ được người dùng chia sẻ, đồng nghĩa với việc giúp thương hiệu tăng khả năng tương tác, tiếp cận với khách hàng.
Xác định thế mạnh của từng mạng xã hội
Điểm tiếp theo mà doanh nghiệp khởi nghiệp nên chú ý, đó là tùy vào từng mục tiêu của doanh nghiệp, từng thị trường khách hàng đặc thù doanh nghiệp đang hướng tới, mà sẽ có những mạng xã hội khác nhau phù hợp. Bởi ở mỗi mạng xã hội sẽ có những đặc thù, đối tượng khách hàng, nhu cầu khách hàng khác nhau.
Đơn cử, một nghiên cứu gần đây được công ty nghiên cứu Millward Brown Digital thực hiện đã chỉ ra rằng, 93% người dùng Pinterest lên kế hoạch mua hàng ngay trên nền tảng này và 87% người dùng mua hàng sau khi nhìn thấy sản phẩm họ thích.
Trong khi đó, các nền tảng khác, chẳng hạn như Snapchat, là nơi lý tưởng để tiếp cận các khách hàng trẻ, năng động, cá tính hơn so với Facebook.
Và để xác định mạng xã hội nào phù hợp với chiến dịch của doanh nghiệp, chúng ta nên tự hỏi mình những câu hỏi như: Đối tượng truy cập chính của mạng xã hội đó là ai? Nhu cầu của họ cụ thể như thế nào? Bạn muốn gì khi tiếp cận mạng xã hội đó? Bạn đánh giá thành công của mình như thế nào?…
- Xem thêm: Những điều nên làm trên mạng xã hội
“Mục tiêu của chiến lược tiếp thị có thể thay đổi rất nhiều, từ việc tăng doanh số bán hàng, tạo lượng khách hàng tiềm năng, hoặc tăng cường sự hài lòng của khách hàng để nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đóng góp… Và ứng với mỗi mục tiêu, hãy tìm ra những mạng xã hội phù hợp nhất. Hãy tiết kiệm nguồn lực, bằng cách tập trung” – Keith A. Quesenberry nhìn nhận.
Đặt ra những mục tiêu phù hợp
Trong tâm lý học hành vi, có một quy luật tâm lý được gọi là quy luật Goldilocks, hiểu đơn giản đó là con người nhìn chung đều yêu thích việc đối đầu với các thử thách, nhưng chúng ta chỉ có thể giữ được sự bền bỉ, lòng nhiệt huyết, cũng như đạt được hiệu quả ở mức cao nhất, nếu thử thách đó không vượt quá độ khó tối đa mà chúng ta có thể chịu đựng được.
Cụ thể, hãy hình dung bạn đang tham gia một trận đấu quần vợt. Nếu đối thủ của bạn là một đứa trẻ tám tuổi, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán. Bởi trận đấu quá dễ dàng.
Ngược lại, nếu bạn phải đối đầu với một vận động viên hàng đầu như Rafael Nadal, tay vợt chuyên nghiệp người Tây Ban Nha, hiện đang giữ vị trí số 1 thế giới, hẳn bạn sẽ cảm thấy mất động lực bởi mọi thứ quá khó khăn.
Tuy nhiên, nếu đó là một trận đấu với một tay vợt cân tài cân sức, hoặc nhỉnh hơn bạn một chút, thì bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn tập trung cả sức lực và tinh thần vào trận đấu, bởi đó là một thử thách bạn có thể vượt qua, nếu thực sự nỗ lực.
Theo các chuyên gia tâm lý, những thử thách vừa tầm chính là thứ giúp chúng ta duy trì động lực dài lâu nhất.
Với chiến dịch tiếp thị của doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta cũng nên đặt ra những mục tiêu vừa sức và có thể kiểm soát như vậy.
Cụ thể, Brian Peters, chuyên gia tiếp thị số (Digital marketing) người Mỹ, đã đưa ra bốn cột mốc mà chúng ta có thể hướng tới trong quá trình phát triển mạng xã hội, đó là từ 0 đến 1.999 người tương tác/bài đăng. Sau đó là từ 2.000 tới 4.999 người, tiếp theo là 5.000 tới 19.999 người và cuối cùng là trên 20.000 người tương tác.
“Nếu là doanh nghiệp khởi nghiệp, hãy duy trì lịch đăng bài, tối thiểu một vài bài mỗi ngày và hướng tới các mục tiêu có thể hoàn thành được.
Bởi xây dựng một mạng lưới những người thực sự hâm mộ bạn, dù là trên mạng xã hội hay bên ngoài thương trường, đều đòi hỏi thời gian và sự bền bỉ” – Brian Peters kết luận.