Dù dành đến vài giờ trong một ngày cho mạng xã hội nhưng khoảng thời gian đó sẽ hoàn toàn bị lãng phí nếu bạn chỉ mải mê quan tâm đến việc truyền bá thông tin về doanh nghiệp của mình mà quên mất đối tượng người xem muốn gì.
Do đó, một khi đã xem các website cộng đồng là nơi bắt đầu những cuộc trò chuyện để từng bước tiếp cận với khách hàng tiềm năng, bạn nên lưu tâm thực hiện những việc cần làm sau đây.
Tạo ra tiếng nói truyền thông xã hội mà mọi người muốn lắng nghe và tham gia. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều muốn thấy một cá nhân đăng tải thông tin về một thương hiệu hơn là theo dõi một thương hiệu tự quảng bá.
Khi yêu thích một thương hiệu, người ta thích trò chuyện với một con người cụ thể nhờ tính thân thiện, gần gũi và thực tế hơn so với việc tìm hiểu những thông tin về thương hiệu với những nội dung đã chuẩn bị sẵn vốn cứng nhắc, khô khan.
Cùng đội ngũ nhân viên xuất hiện trước công chúng. Khách hàng có thể không biết nhiều về doanh nghiệp của bạn, nhưng họ biết chắc một điều là không ai trong tổ chức của bạn có tên gọi “Admin” (nhà quản trị mạng).
Do đó, hãy đăng tên và hình ảnh của những cá nhân tại phương tiện truyền thông và gắn kèm các bài blog được đăng tải.
Tất nhiên, cần chọn lựa những người đại diện một cách cẩn thận, bởi lẽ những người vận hành bộ máy truyền thông xã hội của doanh nghiệp đóng vai trò phát ngôn viên và nếu bất cẩn hoặc vì một động cơ không trong sáng nào đó, họ có thể hủy hoại danh tiếng của doanh nghiệp chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Tìm hiểu khách hàng. Cố gắng nắm bắt rõ những công việc họ đang làm, vì sao họ đưa ra lựa chọn mua hàng, họ trải nghiệm ra sao với sản phẩm và dịch vụ mà bạn cung ứng. Tiếp đó, hãy tìm cách giúp họ giải quyết những vấn đề họ đang phải đối mặt hoặc tạo thêm những kết nối gắn bó với những mối quan tâm của họ trong cuộc sống lẫn công việc.
Bố trí thời lượng thích hợp cho truyền thông xã hội. Hãy thử điểm lại lượng thời gian bạn đã đầu tư cho việc tìm hiểu và học hỏi một vấn đề chuyên môn để từ đó chọn một lượng thời gian tương xứng, thỏa đáng dành cho hoạt động truyền thông xã hội.
Tránh những nội dung quảng cáo giống như thông cáo báo chí. Những nội dung quảng cáo phải được chăm chút, có tính sáng tạo và được cập nhật đúng lúc thì mới tạo được sự quan tâm của người theo dõi.
Muốn sử dụng truyền thông xã hội để quảng cáo một cách hiệu quả, bạn nên tìm nhiều cách gắn kết nội dung quảng cáo với nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân chứ không phải tung ra một vài tin tức được xem là mới mẻ, có tác động đến thị trường một cách đơn thuần.
Tôn trọng người theo dõi. Không nên để xảy ra bất kỳ hành vi “khiếm nhã trực tuyến” nào (ví dụ gửi tin rác hoặc đính kèm hình ảnh quảng cáo không xin phép trước). Nên hỏi ý kiến của người theo dõi trước khi đăng tải thông tin. Hành động ấy khiến bạn trở nên lịch thiệp và đáng tin cậy hơn trong mắt mọi người.
- Xem thêm: Thách thức tới từ mạng xã hội
Dẫn nguồn thông tin khi cần thiết. Một yếu tố nên được xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông chính là các đường truyền dẫn đến trang tin gốc hoặc chỉ dẫn nguồn tư liệu. Nếu thông tin do chính bạn đưa ra, hãy nói rõ điều ấy để không xảy ra tình trạng ngộ nhận.
Đánh giá đúng vai trò và ảnh hưởng của những người theo dõi. Có thể lượng chia sẻ ý kiến, lời bình luận, download, đăng ký nhận tin, nói chung là số lượng người xem thông tin của bạn khá lớn nhưng bạn chưa thể biết chắc được đâu là nguyên nhân thúc đẩy họ đến hành động cuối cùng là mua hàng.
Vì thế bạn phải cất công tìm hiểu sâu hơn, khảo sát kỹ hơn những số liệu thu thập được và qua phân tích mới có thể phát hiện ra nguyên nhân.