TP. Hồ Chí Minh đang là nơi đi đầu trong việc thu thuế từ các hoạt động kinh doanh qua mạng internet (bán hàng qua mạng) với thông báo sẽ đánh thuế tất cả các hoạt động bán hàng online đã “râm ran” từ mấy tháng nay. Đầu tháng 6 vừa qua, Chi Cục Thuế quận Bình Thạnh cũng đã có thông báo mời một số chủ tài khoản bán hàng trên Facebook đến làm việc.
Đã thu thì phải thu đều
Không thể phủ nhận, khoảng năm năm nay, hoạt động bán hàng qua mạng phát triển rầm rộ và dự báo những năm sắp tới sẽ còn tăng mạnh do số người sử dụng internet sẽ còn tăng (hiện có khoảng trên 40 triệu người Việt Nam đang sử dụng internet). Hai hình thức thương mại điện tử hiện nay đang được Việt Nam thừa nhận và quản lý là website thương mại điện tử bán hàng (người bán hàng tự mở trang web có chức năng bán hàng) và sàn giao dịch thương mại điện tử (người bán đăng sản phẩm/dịch vụ của mình trên một trang web khác không phải do họ lập ra).
Ở hình thức thứ nhất, người bán hàng phải thông báo và phải có được xác nhận thông báo của Bộ Công thương và ở hình thức thứ hai, người bán phải đăng ký tên website mà mình có đăng tin bán hàng và phải được Bộ Công thương xác nhận.
Với mạng xã hội, người kinh doanh loại hình này hiện không phải chịu sự quản lý chặt chẽ như hai hình thức trên mặc dù Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử có đề cập đến việc thu thuế và quản lý kinh doanh qua mạng xã hội. Chẳng hạn, người kinh doanh qua mạng xã hội sẽ bị thu thuế khi mạng xã hội đó cho phép người tham gia được mở các gian hàng, lập các website nhánh hoặc có chuyên mục mua bán trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ… Đến lúc đó, người bán hàng trên các mạng xã hội này phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin như hai hình thức thương mại điện tử trên. Tuy nhiên, hình thức quản lý này được cho là chỉ có tác dụng với những mạng xã hội “made in Vietnam”, không có tác dụng với các mạng xã hội có tính toàn cầu như Facabook hoặc Twitter bởi họ không có đại diện thương mại tại Việt Nam, không có chức năng cung cấp thông tin cho Nhà nước Việt Nam (trừ khi liên quan đến pháp luật quốc tế)…
Hiện tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết đang sàng lọc số lượng tài khoản mạng xã hội có hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, tuy nhiên không phải tài khoản nào bán hàng cũng đều bị thu thuế, chỉ những tài khoản hoạt động thường xuyên và có doanh thu lớn mới bị đánh thuế, cụ thể là những tài khoản có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên theo đúng quy định của ngành thuế, mới bị đánh thuế.
Tuy nhiên, đã thu thì phải thu thuế đều trên mọi tài khoản bán hàng qua mạng có doanh thu từ 100 triệu trở lên, không thể chỗ thu chỗ không, sẽ gây nên sự bức xúc và bất công bằng. Có nhiều đề xuất dạng đường vòng cho việc quản lý và thu thuế bán hàng qua mạng xã hội. Ví dụ, khi xác định một tài khoản nào đó có đăng tin bán hàng, nhà quản lý có thể thông qua việc kiểm soát các giao dịch ngân hàng, dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh… để xác định doanh thu của chủ tài khoản hằng tháng. Tuy nhiên, cách này sẽ không có tác dụng khi người mua dùng tiền mặt mua hàng, hoặc người bán thuê người đi chuyển hàng và thu tiền trực tiếp của khách. Một cách khác là yêu cầu tính tự giác và thượng tôn pháp luật từ phía người bán bằng cách yêu cầu họ tự giác khai báo thông tin, nhưng điều này không dễ. Chính vì vậy, mặc dù Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tiến hành các bước để tiến hành thu thuế, song nhiều người vẫn chưa tin cậy vào hiệu quả của chính sách mới này.
Có cơ chế bảo vệ người đóng thuế
Khi thực thi một chính sách chung và có tính nền tảng như thu thuế kinh doanh, cái quan trọng nhất là chính sách đó phải được thực hiện công bằng, không ưu tiên, không bỏ sót, bởi nó thể hiện tính công chính của pháp luật.
Trên thực tế, nhiều người bán hàng qua mạng xã hội cho biết họ không ngại phải đóng thuế, song lại không muốn chấp nhận những bất công nếu người đóng, người không. Nếu không có đủ nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trình độ quản lý cao… thì chính sách này khi áp dụng rất dễ phát sinh trường hợp có những chủ tài khoản trên mạng xã hội có doanh thu rất cao, song cơ quan quản lý vẫn khó lòng nắm được doanh thu và hoạt động của họ để thu thuế, trong khi đó lại “tận thu” hoặc gây phiền nhiễu cho những tài khoản bán hàng doanh thu không lớn.
Thêm một lo ngại nữa, là những người kinh doanh qua mạng xã hội nói riêng và kinh doanh online nói chung cũng cần được pháp luật bảo vệ như những người kinh doanh truyền thống khác. Đi kèm với việc thu thuế, Nhà nước cũng cần có những chính sách để bảo vệ những người đóng thuế của mình. Chẳng hạn, có chính sách chống cạnh tranh không lành mạnh trên mạng xã hội, chống các thủ đoạn bôi nhọ và nói xấu lẫn nhau giữa các đối thủ kinh doanh, chống hàng gian, hàng giả, hàng trái pháp luật… Mặc dù tất cả đều được quản lý và chế tài bằng các bộ luật chung như Luật Hình sự, Luật Dân sự… song phải thừa nhận, với trình độ công nghệ thông tin cao, Nhà nước cũng phải chuẩn bị đầy đủ các cơ sở hạ tầng về luật pháp, trình độ, công nghệ, nhân lực… để đối phó với các chiêu trò kinh doanh không chân chính trên mạng, để tạo những hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động này nhằm khuyến khích những người đóng thuế.