“Con người ta trong đời ai cũng có nỗi đau, có nỗi đau thoáng qua, cùng có nỗi đau kéo dài. Có người đau vì thể xác, có người đau vì tinh thần, cũng có người muốn đau để được chiều chuộng”, BS Nguyễn Anh Tuấn – chuyên gia Điều trị đau Bệnh viện Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn thường nói về nghề của mình một cái hài hước như vậy.
“Bác sĩ điều trị đau là nghề vừa khó làm, vừa khó kiếm tiền, người ta sẵn sàng bỏ rất nhiều cho một ca phẫu thuật nhưng họ sẽ cảm thấy đắn đo khi phải bỏ tiền ra để điều trị đau. Tôi chọn nghề này vì thấy lĩnh vực này là tương đối mới ở nước ta và tôi cũng đam mê theo đuổi nó nhiều năm qua chứ không phải để kiếm nhiều tiền”.
___Trên Facebook cá nhân, bác sĩ thường chia sẻ những hình ảnh vui tươi về chuyện ẩm thực, âm nhạc, hội họa… khiến người đọc nghĩ đến một bác sĩ khá nhàn nhã và yêu đời?
Tôi sử dụng facebook với nhiều mục đích, trong đó mục đích chủ yếu là để làm việc chứ không chỉ thuần để giải trí. Đau là một cảm xúc tổng hợp của não bộ, là sự tương tác rất phức tạp của tổn thương sinh học với hệ thần kinh của cơ thể con người, và liên quan chặt chẽ với môi trường xã hội – tự nhiên ở xung quanh. Đau là một biểu hiện chung cho hầu hết các loại bệnh tật, nhưng đau cũng mang dấu ấn cá nhân. Nguyên nhân đau rất phức tạp và không phải lúc nào cũng tìm được đúng nguyên nhân. Có những tổn thương đã lành vẫn gây đau, có những cơn đau không tìm ra nguyên nhân, hoặc không liều morphin nào giải quyết được. Thế nên mô hình điều trị đau là mô hình điều trị đa mô thức tức là phải kết hợp rất nhiều biện pháp dùng thuốc cũng như không dùng thuốc, trong đó các liệu pháp điều trị về tâm lý – tinh thần rất quan trọng.
“Bác sĩ điều trị đau phải có kỹ năng tiếp bệnh nhân theo nhiều hướng, giúp họ nói ra nỗi đau và giúp ích rất nhiều trong việc điều trị.”
Tôi thường dùng facebook của mình để nói nên các mặt tích cực của cuộc sống tinh thần ngoài những câu chuyện liên quan đền nghề nghiệp. Điều này cũng là một cách truyền tải những thông điệp tích cực cho mọi người thấy yêu đời hơn. Thông tin xấu bây giờ nhiều, nhất là thông tin trên mạng xã hội vì thế tôi thấy không cần thiết phải đưa thêm những thông tin tiêu cực nữa.
Mặt khác, không có một phương pháp điều trị đau nào như một “cây gậy thần” dành cho tất cả. Đau mang tính cá nhân, phụ thuộc vào gene, môi trường xã hội, không ai giống ai. Mỗi người có ngưỡng đau khác nhau, như ông bà ta có câu: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Việc cảm nhận và mô tả nỗi đau của mỗi người khác nhau nên việc xác định và điều trị cũng không giống nhau. Bác sĩ điều trị đau phải có kỹ năng tiếp bệnh nhân theo nhiều hướng, giúp họ nói ra nỗi đau và giúp ích rất nhiều trong việc điều trị. Những hiểu biết về văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo… giúp cho tôi và người bệnh gần gũi hơn dễ trò chuyện hơn.
___Tôi cứ nghĩ đau là triệu chứng của một bệnh nào đó, chỉ cần điều trị dứt bệnh thì hết đau, không cần phải điều trị đau. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn?
Nhiều người cũng nghĩ là đơn thuần là triệu chứng, nên họ chỉ quan tâm tới việc tìm ra nguyên nhân và mong muốn điều trị dứt điểm. Đau đúng là triệu chứng chung của hầu hết các loại bệnh, phản ánh tổn thương sinh học của cơ thể, nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra được nguyên nhân. Đau không có những xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Y học chia ra hai loại đau là đau cấp và đau mạn tính. Đau cấp tính thường dễ thấy và cũng có thể nhận biết và điều trị dễ dàng hơn. Khi đau kéo dài quá ba tháng thì gọi là đau mạn tính và đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp là một loại bệnh từ năm 2010.
Đau nhất là đau mãn tính gây ra rối loạn nhiều hệ thống tổ chức như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch…nhất là ảnh hường đến hệ tinh thần kinh. Những rối loạn tâm thần như mất ngủ, lo âu, trầm cảm thậm trí là ý định tự tử thường gặp ở những bệnh nhân đau mạn tính. Các rối loạn về tâm thần này không những ảnh hưởng tiêu cực tới người bệnh mà còn ảnh hưởng đến ngững người thân trong gia đình và xã hội.
Tất cả các bệnh đều có thể gây ra bệnh lý đau mãn tính như: cơ xương khớp, thần kinh, bệnh lý tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, nhiễm khuẩn, nhiễm virus (đau do zona), nhiễm ký sinh trùng, ung thư…Việc điều trị đau đúng là cần phải tìm ra nguyên nhân để điều trị. Nhưng tìm được nguyên nhân gây ra đau không phải lúc nào cũng dễ dàng và thường đau không do một nguyên nhân gây ra. Kể cả khi có biết được nguyên nhân gây ra thì việc điều trị cũng không hề đơn giản nên phải coi việc điều trị đau mạn tính cũng giống như các bệnh mạn tính khác như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, hô hấp. Ta không thể nào điều trị khỏi các bệnh mạn tính được mà chỉ giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng bằng các phương pháp điều trị thì điều trị đau cũng giống như vậy.
“Đến 90% số bệnh nhân đến khám bệnh là vì lý do đau nên chuyên khoa nào cũng gặp các bệnh nhân đau. Tuy thế, hiểu biết về đau thực sự còn rất hạn chế mặc dù y học ngày này đã có những tiến bộ vượt bậc.”
___Nếu đau mãn tính do những nguyên nhân trên thì tôi nghĩ bác sĩ chuyên khoa điều trị cũng khá hiệu quả?
Như tôi đã nói đau là một biểu hiện chung của hầu hết các loại bệnh. Đến 90% số bệnh nhân đến khám bệnh là vì lý do đau nên chuyên khoa nào cũng gặp các bệnh nhân đau. Tuy thế, hiểu biết về đau thực sự còn rất hạn chế mặc dù y học ngày này đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhưng càng đi sâu vào bệnh lý thì người ta càng thấy đau không đơn giản. Có thể nói đau là một con voi khổng lồ mà mỗi một chuyên khoa chỉ nhìn và sờ thấy một phần của con voi ấy. Tôi có may mắn là được đào tạo nhiều khóa học chuyên sâu về đau nên có thể có một cái nhìn bao quát hơn. Và tất nhiên khi điều trị đau tôi cũng phải cố gắng tìm ra được nguyên nhân để điều trị. Tôi vốn là một bác sỹ gây mê hồi sức làm lâu năm trong nghề nên cũng phát huy được thế mạnh của mình mà không phải các chuyên khoa nào cũng có thể làm được.
___Công việc của bác sĩ điều trị đau liệu có “dẫm chân” bác sĩ chuyên khoa không?
Hoàn toàn không, mà ngược lại, để giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thì một người hay một chuyên khoa nào đó sẽ là không đủ. Tất nhiên khi tôi mới bắt đầu làm công việc này thì nhiều người cũng nghi ngờ về khả năng của tôi vì ở nước ta chủ yếu các bác sỹ gây mê hồi sức làm việc trong phòng mổ và hồi sức phục vụ cho các ca mổ. Bản thân tôi cũng trước khi bắt đầu công việc bây giờ cũng đã chuẩn bị nhiều kiến thức của các chuyên khoa khác mới có thể làm việc được. Làm gì cũng cần phải có thời gian và kết quả điều trị của người bệnh sẽ nói lên tất cả. Tôi vẫn thường xuyên phối hợp, học hỏi kinh nghiệm và kiến thức từ các đồng nghiệp trong nước và ngoài nước của các chuyên khoa khác nhau để nâng cao chất lượng điều trị. Ngày càng có nhiều các bác sỹ ở các chuyên khoa khác gửi bệnh đến cho tôi, nhất là những ca bệnh lý đau phức tạp.
“Đời người ai cũng có những nỗi đau, có nỗi đau thể chất cũng có nỗi đau tinh thần. Chọn một công việc có ý nghĩa, giúp ích cho mọi người là cách để tôi sống đời mình nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.”
___Bác sĩ đã có những tiếng vang đáng kể lĩnh vực Gây mê Hồi sức, vì sao không tiếp tục đi con đường thuận lợi đó mà rẽ trái vào lĩnh vực điều trị đau?
Chuyên ngành Gây mê hồi sức có ba giá trị cốt lõi là vô cảm (mất ý thức, mất cảm giác) giảm đau, bảo tồn chức năng sống và hồi sinh bệnh nhân. Vì vậy, điều trị đau với bác sĩ gây mê không có gì xa lạ. Trên thế giới, bác sĩ gây mê là người đi đầu trong lĩnh vực điều trị đau kể cả cấp tính và mạn tính
Hơn nữa, làm bác sĩ đau điều trị thú vị hơn, bạn được trò chuyện với bệnh nhân, chọn cách điều trị phù hợp. Bác sĩ gây mê hồi sức là nghề vất vả, luôn “đi trước về sau”, ít được bệnh nhân biết đến. Chúng tôi âm thầm làm việc trong phòng mổ, phòng hồi sức và khi bệnh nhân tỉnh, ổn định thì lại chuyển ra chỗ khác thành ra cũng không có cơ hội nói truyện nhiều với họ. Làm nghề gây mê một thời gian dài rất dễ “mất lửa”, vì vậy rẽ sang lĩnh vực điều trị đau cũng là một cơ hội cho tôi lấy lại niềm vui trong nghề.
Bây giờ, hạnh phúc của tôi đơn giản là giúp cho nhiều bệnh nhân không còn bị hành hạ bởi những cơn đau. Niềm vui của họ cũng là niềm vui chính mình. Đời người ai cũng có những nỗi đau, có nỗi đau thể chất cũng có nỗi đau tinh thần. Chọn một công việc có ý nghĩa, giúp ích cho mọi người là cách để tôi sống đời mình nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.
___Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ trên.