Vụ tai tiếng về tranh giả mới đây đã gây bão dư luận trong nước là trường hợp bức tranh chép ngớ ngẩn một tác phẩm hội họa Tây Ban Nha thế kỷ XVII nhưng ký tên nhà danh họa Việt Nam Tô Ngọc Vân, được đưa lên sàn đấu giá của nhà Christie’s Hongkong ngày 28-5-2017. Và qua đó, cái tên nhà tư vấn – chuyên gia người Pháp Jean François Hubert một lần nữa được nêu như thủ phạm của vụ việc; đây cũng chính là người “bảo chứng” cho loạt tranh giả được đưa ra triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7-2016. Thế nhưng không chỉ tranh ký tên Tô Ngọc Vân được giới am hiểu mỹ thuật trong nước khẳng định là đồ giả.
Kiệt tác Em bé ăn xin hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre ở Paris, được Bartolomé Esteban Murillo vẽ khoảng những năm 1645-1650. Sinh năm 1617, mất năm 1682, Esteban Murillo là một họa sĩ trào lưu Baroque, rất nổi tiếng với tranh đề tài tôn giáo. Ông có rất nhiều học trò và người nối nghiệp; ảnh hưởng của ông không chỉ giới hạn trong xứ Tây Ban Nha mà lan rộng khắp châu Âu thời đó, thậm chí bước sang thế kỷ XIX Esteban Murillo vẫn còn được biết đến rộng rãi hơn bất kỳ họa sĩ Tây Ban Nha nào. Tranh của ông có trong sưu tập của nhiều bảo tàng như Museo del Prado ở Madrid; Hermitage ở Saint Petersburg (Nga), Bảo tàng Mỹ thuật Timken ở San Diego và Bảo tàng Mỹ thuật Krannert ở Illinois (Mỹ)…
Ngoài mảng tranh tôn giáo, Esteban Murillo còn vẽ rất nhiều tranh về phụ nữ và trẻ em đương thời: những thiếu nữ và hoa, những trẻ bụi đời, trẻ ăn xin; có thể nói không họa sĩ nào chú ý đến những cảnh đời bất hạnh nhiều như ông. Em bé ăn xin ở trong số những tác phẩm lừng lẫy của Esteban Murillo, đặc biệt bởi tranh được trưng bày tại một bảo tàng danh tiếng bậc nhất thế giới như Louvre. Tự điển online Wikipedia khi giới thiệu Bartolomé Esteban Murillo, phần tác phẩm tuyển chọn (selected works) cũng có Em bé ăn xin. Nên thật đáng kinh ngạc khi mà nhà đấu giá quy mô toàn cầu như Christie’s lại có thể khinh xuất tới mức đưa một bức tranh chép rất vụng từ kiệt tác đó, được kẻ làm giả đặt cái tên rất mỹ miều là Mơ về ngày mai (Dream of the Following Day) và ký tên Tô Ngọc Vân!
Chưa hết, trong vựng tập tác phẩm đấu giá ngày 28-5-2017 của nhà Christie’s, bức Mơ về ngày mai được chép thật vụng ấy còn được Jean François Hubert “tán” với những lời hoa hòe hoa sói như sau: “Với xu hướng hiện thực và chủ nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, bức tranh “Le Songe du Lendemain (Mơ về ngày mai)” khác nào một bản tóm tắt những suy tư của Tô Ngọc Vân: rồi sẽ có đổi thay và hy vọng. Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp, Claude Mahoudeau, đã sớm nhận ra phẩm chất của các tác phẩm của Tô Ngọc Vân và đã mua lại bức tranh đầy cảm xúc và rung động này trực tiếp từ họa sĩ” (xin mở ngoặc: người viết bài này đã thử truy tìm “nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng Claude Mahoudeau trên Google và các trang mạng khác nhưng không thấy bất kỳ tên tuổi nào như thế, chỉ có Claude Mahoudeau thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới – Médecins sans frontières).
Trong khi đó, Tô Ngọc Vân được tôn vinh là một trong “tứ trụ” của hội họa Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1926, tốt nghiệp khóa 2 năm 1931, thuộc thế hệ đầu tiên của trường, là tác giả của những bức tranh được coi là tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Thiếu nữ bên hoa huệ (1943), Thiếu nữ bên hoa sen (1944), Hai thiếu nữ và em bé (1944, tác phẩm được xếp hạng bảo vật quốc gia, hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Nên bức tranh chép thô thiển cả về hình lẫn màu được đặt tên Mơ về ngày mai không thể nào là của một danh họa như ông.
Cũng trong phiên đấu giá ngày 28-5-2017 của nhà Christie’s Hongkong, người ta còn đưa ra hai bức tranh sơn mài được cho là của Nguyễn Gia Trí và được giới thiệu là “có nguồn gốc từ gia đình Nguyễn Gia Trí”, song so với các tác phẩm của nhà danh họa đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là bức Vườn xuân Trung – Nam – Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thì dễ nhận thấy có sự khác biệt đáng kể về tạo hình cũng như bảng màu. Và khá nhiều tranh Nguyễn Gia Trí đã được đưa đấu giá tại nhà Christie’s trong thời gian qua, không hiểu là từ nguồn gốc nào, sở hữu của ai, có khi chỉ ghi chung chung là “thuộc sở hữu tư nhân”.
Tranh Việt Nam, nhất là tranh của các tác giả thời kỳ đầu của mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu… đang được nhiều nhà sưu tập săn tìm, trong đó có những nhà sưu tập trong nước còn ẩn danh. Tranh Lê Phổ đã cán mức 1 triệu USD, gần đây có những kỷ lục mới được thiết lập như bức tranh sơn mài Trung du (khổ 100 x 150cm, được hai họa sĩ Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung vẽ chung năm 1942, cùng ký tên) đã bán được với giá gần 600.000 USD cũng tại phiên đấu giá ngày 28-5-2017 tại nhà Christie’s Hongkong, mà theo một nguồn tin của giới am hiểu hội họa và của một nhà sưu tập có máu mặt tại Hà Nội thì người mua bức tranh đó đến từ Việt Nam.
Người Việt đang mua tranh Việt, kể cả không qua đấu giá quốc tế mà trực tiếp từ nhiều họa sĩ, là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, trong cơn say tranh Việt hiện nay, sẽ có những kẻ bất lương thao túng thị trường, đưa ra những tranh giả, tranh chép như trường hợp bức Mơ về ngày mai. Đã đến lúc cần đến sự có mặt và tiếng nói của những nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà sử học nghệ thuật uy tín trong nước bảo chứng cho tranh Việt, thay vì để những người nước ngoài như Jean François Hubert múa gậy vườn hoang!
- Nguyệt Cầm