Là vựa nông thủy sản lớn nhất nước với kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến thực phẩm, tính chế sâu để tăng giá trị các loại nông thủy sản. Thế nhưng, tình hình đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Trước tình hình biến đổi khí hậu đe dọa nuôi trồng nông thủy sản, việc chuyển đổi sản xuất từ số lượng sang chất lượng là điều cấp thiết, vì thế, rất cần những chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến sâu có hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư.
Nhiều tiềm năng, nhưng…
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam thu hút vốn FDI được gần 290 tỉ USD và giải ngân gần 160 tỉ USD. Thế nhưng, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ được 7,6 tỉ USD với 521 dự án. Điều đáng nói, FDI trong chế biến thực phẩm chỉ tập trung ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Hầu hết các tỉnh ĐBSCL dù có tài nguyên và lao động dồi dào nhưng vẫn chưa tạo sự đột phá trong hoạt động thu hút FDI, trừ một số tỉnh có vị trí giao thông thuận tiện hoặc có cư dân đông đúc như Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ…
Bên cạnh đó, FDI đổ vào công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay cũng chủ yếu tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thô; sản xuất bia rượu đồ uống; chế biến thủy hải sản… Các nước đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm nước ta chủ yếu từ các nước châu Á có công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc chứ chưa có sự đầu tư từ các nước có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh như: Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU.
Theo đánh giá của các chuyên gia, FDI vào ĐBSCL không có những ngành nổi bật, chủ yếu là gia công, chế biến, thiếu ngành dẫn dắt, chỉ giải quyết được lao động việc làm, trong khi kỳ vọng của FDI là chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI ít hoặc chưa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chưa tập trung vào công nghệ cao, do vậy các ngành hỗ trợ cho chế biến thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi chưa được phát triển theo mô hình hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Do đó, rất cần những chính sách đột phá, đúng trọng điểm để thu hút FDI vào ngành chế biến thực phẩm cũng như một kế hoạch triển khai hiệu quả.
Nhà đầu tư cần gì?
Thời gian qua, nhiều địa phương tại các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI), có ba tỉnh thuộc ĐBSCL được xếp hạng trong danh mục 10 môi trường đầu tư hàng đầu trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước. Gần như tất cả các tỉnh thuộc ĐBSCL đều xếp hạng trên mức trung bình cả nước, và hơn 50 khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, với dân số 18 triệu dân, lớn hơn dân số Hà Lan hay các nước láng giềng như Campuchia hoặc Lào, ĐBSCL không chỉ có lực lượng lao động dồi dào mà còn là thị trường tiêu dùng tiềm năng cho các nhà sản xuất. Tuy vậy, những yếu kém từ cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động và thiếu những chính sách riêng biệt để phát triển ngành chế biến thực phẩm nên vẫn chưa tạo ra đột phá trong việc thu hút đầu tư. Những năm gần đây, ĐBSCL đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá để kêu gọi, thu hút đầu tư, thế nhưng sự rời rạc, thiếu liên kết đã khiến các chính sách trở nên kém hấp dẫn.
Trong một hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, một doanh nghiệp hỏi về chính sách ưu đãi nếu họ mở khách sạn và nhà máy bia tại Hậu Giang, thế nhưng UBND tỉnh này không trả lời trực tiếp mà cho biết các đơn vị có liên quan sẽ liên lạc để gặp và trao đổi với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho rằng, nếu các chính sách thu hút đầu tư được công bố công khai, dễ dàng tra cứu sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tìm hiểu và đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm nơi đặt nhà máy có kết nối thuận tiện với các tỉnh, thành khác hay không, cơ sở vật chất hạ tầng tại từng địa phương có phát triển không, sự liên kết, hỗ trợ qua lại của các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, đối với ngành chế biến thực phẩm, không thể thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất với các nhà cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và tạo thuận lợi trong sản xuất.
Theo ông Koji Takimoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, hiện doanh nghiệp Nhật chưa quan tâm đến việc đầu tư vào ĐBSCL vì thiếu thông tin. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật đều không biết nhiều về thế mạnh của ĐBSCL và các chính sách thu hút đầu tư. Hiện nay, JETRO đang phối hợp với cơ quan quản lý các tỉnh thành tại khu vực này thực hiện một báo cáo riêng biệt về tiềm năng và các chính sách ưu đãi đầu tư của ĐBSCL để thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu.
Trong báo cáo “ĐBSCL – điểm đến đầu tư mới nổi tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện, các chuyên gia cũng nhận định ĐBSCL nhận được đầu tư FDI ít hơn các vùng khác do nhà đầu tư thiếu thông tin. Báo cáo cũng nêu rõ những thách thức mà nhà đầu tư phải đối mặt, trong đó, có cơ sở hạ tầng. Hiện việc kết nối giao thông giữa ĐBSCL với TP.HCM và các nước khác tại châu Á vẫn chưa hoàn thiện, một số vùng sâu vùng xa còn thiếu các tuyến giao thông lớn, hệ thống cảng còn yếu, đặc biệt là phục vụ cho container và tàu hàng lớn, sẽ khiến chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tăng lên và các chính sách ưu đãi không còn hấp dẫn nữa. Chất lượng lao động cũng là điều khiến các doanh nghiệp lo lắng bởi rất khó tìm được các cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản tại khu vực này. Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp chọn các tỉnh lân cận TP.HCM để đầu tư vì dễ thu hút quản lý cấp cao và chuyên gia làm việc. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ yếu kém cũng là điều khiến các nhà đầu tư chùn bước khi có ý định vào khu vực này.
Tạo sự đột phá, bằng cách nào?
Gần đây, các tỉnh ĐBSCL đã bắt đầu đẩy mạnh việc quảng bá để thu hút các nhà đầu tư. Số lượng nhà đầu tư biết đến khu vực này ngày càng nhiều, tỷ lệ đầu tư vào ĐBSCL tăng lên hằng năm, tuy nhiên các chuyên gia nhận định, chính sách thu hút đầu tư hiện nay còn rời rạc, bị cắt khúc, thiếu đồng bộ nên hiệu quả thu hút vốn FDI chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương thiếu sự phối hợp trong liên kết vùng, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau. Bên cạnh đó, tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, thay đổi chính sách thường xuyên khiến doanh nghiệp gặp khó và không kịp trở tay.
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp FDI chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là do nguồn nguyên liệu nông – thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu. Song song đó, hiện chưa có chính sách ưu đãi riêng cho lĩnh vực này mà nằm rải rác ở các quy định khác nhau, trong các chính sách nông nghiệp nông thôn, tín dụng và phụ thuộc vào từng địa bàn cụ thể nên chưa thật sự “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng chưa có chính sách đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, nhất là liên kết vùng. Nhiều năm qua, ĐBSCL còn bị vướng bởi sự hợp tác liên kết trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chưa có sự quy hoạch đồng bộ nguồn nguyên liệu tập trung tại một số địa phương, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến, một số địa phương có lợi thế cho giao dịch thương mại, hậu cần (logistics) chưa được phát huy do chưa có mối liên kết cụ thể thông qua những chính sách từ Chính phủ. Điều này dẫn đến 13 tỉnh ĐBSCL đều giống nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Những tồn tại này cần phải giải quyết để việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL được thuận lợi, nhanh chóng. Ngoài ra, một số địa phương cũng cho rằng cần thực hiện cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, trong đó quan tâm đến các chính sách cho các doanh nghiệp đầu tàu, ngành, sản phẩm chủ lực tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm cho ĐBSCL, rõ ràng, cần có một chính sách tổng thể nêu rõ trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đồng thời phải thể hiện được sự liên kết vùng để chia sẻ các giá trị từ việc nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu, tận dụng cơ sở hạ tầng, tập trung sức mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, phân phối cho các sản phẩm chung, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị cho nông thủy sản. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là việc cần làm đồng thời với việc thu hút các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Nhà nước cần ban hành danh mục ngành nghề công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi trong từng giai đoạn để có chính sách ưu tiên phát triển nhằm phục vụ nhu cầu thực tế của các nhà sản xuất. Trong đó, cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp để các doanh nghiệp có sự tương hỗ, tránh chồng chéo, cạnh trạnh lẫn nhau, đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực tại chỗ.
- Lê Quân
Xem thêm:
Doanh nghiệp TP.HCM cần thâm nhập sâu thị trường Đồng bằng sông Cửu Long