Theo dữ liệu vừa được Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), công bố, vào tháng 10 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro (eurozone) giảm xuống còn 9,8%, thấp nhất kể từ năm 2011. Tỷ lệ này vẫn còn cao hơn mức thất nghiệp 7,2% vào tháng 3-2008, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những nước châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là Cộng hòa Séc (3,8%) và Đức (4,1%); cao nhất là hai nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ nần: Hy Lạp (23,4%) và Tây Ban Nha (19,2%). Nếu so với tỷ lệ thất nghiệp bình quân của EU với 28 nước thành viên vào tháng 10-2016 là 8,3% thì số người thất nghiệp tại eurozone vẫn còn cao hơn. Cụ thể, hiện nay số người thất nghiệp ở eurozone là 15,9 triệu người, giảm 190 ngàn người so với tháng 9-2016 và giảm 1,8 triệu người so với tháng 10-2015. Hai thành phần bị tác động nhiều nhất trong các cuộc khủng hoảng nhân dụng tại châu Âu là những công nhân lao động cao tuổi và phụ nữ.
Trước hiện tình kinh tế EU nói chung và khu vực đồng euro nói riêng đang chậm phát triển, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục nỗ lực tung ra những biện pháp khẩn trương nhằm kích thích kinh tế toàn bộ châu lục. Tháng Ba năm nay, ECB đã cắt giảm lãi suất chính từ 0,05% xuống còn 0% và lãi suất tiền gửi từ -0,3% xuống -0,4%. Cơ quan này cũng tiến hành một chương trình nới lỏng định lượng qua việc mua vào mỗi tháng một lượng trái phiếu trị giá 80 tỉ euro. Tuy nhiên, hiện nay, điều mà ECB đang phải quan tâm là sự bất ổn về chính trị đang đe dọa nền kinh tế châu Âu, với cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Ý vào ngày 4-12-2016 và các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức vào năm tới.
- LHCT theo BBC, IPS