Bây giờ vẫn còn người… vượt biên đó. Truyền hình quốc gia đưa hẳn hoi chứ không phải lập luận “phản động” gì.
Bà xã nói thế, là vì dù nhà đã xây, tuổi không còn trẻ, tiếng Tây tiếng u không biết, nhưng bà con bạn bè hễ ai nói chuyện cho con cái ra đi định cư ở nước ngoài là bà ấy ủng hộ liền. Lý lẽ là, nước ta không có sự an toàn về mọi phương diện, cho nên cuộc đời không chỉ cần cái nhà, mà là… môi trường.
Mà thật ra, từ “môi trường” ấy người ta nói ra rả từ lâu, nay mới “rớt xuống đầu” rõ rệt: Hè đến, dự định đi biển thì giờ… “bỏ chạy lên núi”. Đi Phú Quốc, Kiên Giang thì không có nước máy dùng. Miền Tây có nơi phải dùng xà lan chở nước ngọt về đổ vào hồ rồi xử lý bơm nước máy cho dân sử dụng.
- Xem thêm: Tôi sẽ… dời đô
Cà phê chết khô thành củi ở Tây Nguyên. Được ngày nghỉ thì than ôi, đường kẹt kinh khủng, từ Sài Gòn về Kiên Giang đi hết 13 tiếng. Lên xe ngủ hết đêm tỉnh dậy mới “bò” qua Tiền Giang.
Các bãi biển thì có nguy cơ như… Giỗ Tổ Vua Hùng dạo nào, người ken dày đặc chẳng còn thấy nước biển đâu nữa. Khi ra về thì rác chất như núi. Nhìn mà gớm ghiếc.
Đó, bà xã nói, môi trường – hai chữ nghe xa xa kiểu thế giới kêu gọi bảo vệ môi trường hay nghe trên tivi, nay đã ập đến tận cửa từng nhà rồi.
Không còn là chuyện ngồi đọc tin tức các ông Tây chấm điểm cho Sài Gòn hay Hà Nội nơi đâu đáng sống hơn, “ông” thì cho Sài Gòn 2 điểm, do Sài Gòn cởi mở và nhiều cơ hội làm ăn hơn, còn Hà Nội 1 điểm và phải mười năm nữa mới đuổi kịp Sài Gòn. “Ông” khác lại chê cả Hà Nội lẫn Sài Gòn đều… xấu xí như nhau về kiến trúc, cơ sở hạ tầng và môi trường sống. Có “ông” thì cho Hà Nội 9 điểm, Sài Gòn chỉ được 7…
Bây giờ sống ở đâu cũng không còn là chuyện “nghe Tây chấm điểm” nữa, mà chính bản thân thấm thía, bức xúc.
Thế nên, bà xã vẫn nghe xầm xì bạn bè “cho con kết hôn giả” để nhập cư, rất ghét “cái ông Trâm” (Donald Trump) tranh cử với tiêu chí sẽ đuổi những phụ nữ Trung Quốc đến Mỹ giả danh du lịch rồi sinh con, lấy quốc tịch Mỹ.
Trong khi đó người Philippines có xu hướng “chảy ngược về nước” vì kinh tế nước này đang phát triển, về nhà thôi, về có cha mẹ anh em vợ chồng con cái, có công ăn việc làm, không phải “đi cày osin” nơi xứ người. Hạnh phúc biết bao.
Có người nói với bà, ai kia mới bức xúc chứ bà có villa ở Thảo Điền, mà còn bức xúc cái gì. Bà liền xổ ra một tràng dài. Rằng dân nhà giàu đổ tiền của ra xây bao nhiêu villa bát ngát, nhưng cái cơ sở hạ tầng thì “tệ nhất Sài Gòn”.
Phố bé xíu, không có cái vỉa hè nào. Cứ sáng ra là xe kẹt cứng ở một góc hẻm nhỏ. Mà toàn xe không. Chỉ có ông lái xe chạy về sau khi đã đưa các cô chủ, cậu chủ nhỏ vào trường quốc tế.
Nói đến trường học là bà lại nổi giận. Học hành gì mà một đứa nhóc con, có đứa vào trường bản ngữ Tây “nguyên chất” học phí đến hơn 40 triệu đồng một tháng. Tiền đâu ra? Bọn “đế quốc hút máu” là đây chứ đâu nữa? Tức ói máu ra với nền giáo dục nước nhà.
- Xem thêm: Cho sang… Nhật
Kể một hồi, bà nói, môi trường còn nhiều thứ nữa, an ninh, ngộ độc, con người dữ tợn… Đâu chỉ có cơm ăn áo mặc, không lẽ suốt ngày “nấp trong biệt thự”?
Đúng thật rồi, môi trường sống nhiều thứ quá, nhân loại còn cảm thấy chật chội, làm sao có một nơi thật sự đáng sống đây?