“Tôi chưa thấy ai… ẩu tả như anh. Làm gì cũng đại khái. Mỗi lần nhờ chuyện gì, chưa nói hết câu, chưa nghe xong, chân đã bước đi rồi, không thèm nghe hết câu. Nói điện thoại cũng thế, còn đang dặn dò là cúp máy. Cái thằng cha này, hết thuốc chữa”.
Bà xã tôi hay than phiền như vậy về tính đại khái của tôi. Cô ấy còn rút ra kết luận là khi yêu nhau, ai cũng… mù dở, cứ tưởng hiểu nhau thế này thế kia, hóa ra sai bét cả. Cô gái thì hy vọng mình tìm được người bù đắp cho những thiếu sót của mình.
Ví dụ, cô ở thành phố, không biết lao động chân tay nên thấy anh con trai nhà nông rành cái cây cái vườn, biết chêm cái cán cuốc, biết nuôi con gà… là phục lắm. Hy vọng rằng anh sẽ bù đắp những khiếm khuyết của mình sau này.
- Xem thêm: Trai… ế
Nào ngờ anh chồng ham chơi, làm gì cũng qua loa đại khái, không ra một người ham lao động. Đến lúc sinh hoạt trong gia đình ở thành phố đòi hỏi tổ chức gia đình phải chi li, rồi nuôi dạy con cái, tiêu pha tiền bạc… mới thấy anh chồng tồn tại nhiều vấn đề quá.
Ừ, sao tính nết bầy hầy như vậy mà khi tìm hiểu nhau cô không thấy gì nhỉ? Cô ghét nhất cái thói ích kỷ, tiêu pha bạt mạng và chẳng coi trọng những nhức nhối khổ sở của người khác. Nói gì cũng bỏ ngoài tai, chỉ chuồn đi chơi với bạn là nhanh.
Người ta tìm bạn bè hay ho để học tập hoặc mở rộng mối quan hệ làm ăn, đằng này chơi toàn những người nghề ngỗng chẳng có, tài năng cũng không, chẳng hiểu quan hệ như vậy đem lại cái gì. Thành ra cô ấy cũng chẳng thấy tôn trọng những người bạn của chồng, thấy họ đến chẳng có gì hay ho để mà đón tiếp, giá như anh chồng đi vắng lại hay. Ở đời luôn có những kẻ vô tích sự như vậy.
Tôi nói: “Thì thế gian có người này người khác, ai cũng khôn ngoan thành đạt, làm gì cũng có mục đích, khôn tất cả thì lấy đâu ra”. Cô ấy nguýt: “Thế mới ế vợ cả đám trai trẻ dưới quê kia kìa.
Con gái có thèm lấy đâu. Họ nhìn thấy ngay tương lai: Anh chồng trẻ tay không, không vốn không nghề nghiệp, xong công việc một cái là chỉ có nhậu say xỉn, lúc nào cũng không có tiền. Con đẻ ra để nheo nhóc. Cho nên con gái có chút nhan sắc là đi khỏi làng.
Lên thành phố học nghề, buôn bán nhì nhằng, học hành chút đỉnh, tìm cơ hội ít ra thành người đô thị, biết chút son phấn, thời trang, may có anh nào để ý xin cho công ăn việc làm hoặc anh nào gia đình căn bản có nhà có cửa đổi đời.
Thế nên có nhà văn viết về “Gái miền Tây” bỏ đi lên thành phố “từng sư đoàn”. Tả cái cảnh tiễn đưa, con tàu đi trước, trai làng chèo ghe xuồng chạy phía sau, được ít đoạn đường sông thì phải quay lại, lên bờ… nhậu chứ làm gì được. Rồi nhạc sĩ ca cẩm… “làng tôi đất bán hết rồi, ngực cau nhu nhú đã vội đi xa” là vậy chứ đâu.
Là vì ở làng với mấy anh trai trẻ không văn hóa không nghề nghiệp, chỉ vài năm sinh con đẻ cái ra là tàn đời. Lên thành phố, may có chân dài thì đổi đời, không thì ngoi ngóp trong các xí nghiệp công nghiệp, phụ bán hàng, học đại học, chọn lấy mấy cái nghề “hot” như làm PR, truyền thông, nhảy việc như ngựa cũng được, cho đến khi ngoài ba mươi dưới bốn mươi thì mới tạm yên một chỗ.
Là vì ở độ tuổi ấy đa số nhà tuyển dụng liếc một cái là quẳng đơn xin việc vào sọt rác rồi, hết đoạn cành cao bay nhảy. Con đường vào đời, sự giáo dục chỉ được đến vậy, cho nên đời sống gia đình mới ra nông nỗi là chẳng có cô vợ nào ra hồn. Chồng chẳng ra chồng, vợ chẳng ra vợ, bỏ nhau xoành xoạch”.
Kể lể xong những sự thật khốn khổ đó, bà xã tôi nói: “Phải cho… sang Nhật, may ra mới cải tạo nổi. Người Nhật sống có nguyên tắc. Từ cách cúi chào cho đến ứng xử, học hành, cái gì cũng theo chuẩn mực hết, không bát nháo như ở nước ta.
- Xem thêm: “Xin đổi” sang làm… dân Nhật?
Loại thanh niên nam nữ ẩu tả như ở nước mình, cho sang đó, chắc có người chỉ vài giờ là… bị đuổi cổ về. Người ta chỉn chu, tươm tất từng chi tiết”. “Trời, vậy thì người Nhật… khổ nhất thế giới chứ sung sướng gì” – Tôi phản bác, “kỹ quá sống sao nổi, sướng gì đâu”.
Thế nên “dân ẩu tả” đâu có rủ nhau sang đó sống hay lao động đâu. Cuối cùng, tôi nói: “Chẳng đi đâu sướng bằng ở xứ ta. Muốn làm gì thì làm, từ quan đến dân đều… tùy hỷ!”.