Đã bao giờ bạn nghe nói hay chứng kiến một điệu múa mà người múa cứ xoay tròn liên tục như một con cù trong hàng chục phút chưa? Nếu rồi thì hẳn đó là điệu múa xoay tròn Sema hay vũ điệu của phái Sufi của đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ XIII, ở đây đã có điệu múa Whirling Dervishes, trong đó vũ công là các thầy tu, và họ sẽ xoay tròn không nghỉ cho tới khi buổi lễ kết thúc.
Với người Sufi, múa không phải là để phô diễn vẻ đẹp bên ngoài hay tìm thú vui cho cuộc sống, mà là một phương pháp giúp buông bỏ mọi thứ phàm trần, cho lòng được sạch trong, tĩnh tại, biết yêu thương, nhận biết chân lý, đạt tới cảnh giới thần tiên hay đến gần với Thượng đế hơn. Bằng việc vừa xoay tròn vừa niệm danh Đức Allah cùng kinh Quran, người ta tin rằng có thể giao hòa cùng ngài, lĩnh hội tình yêu thiêng liêng của ngài đối với sự sống và lan tỏa nó đi muôn nơi qua những vòng xoáy huyền diệu.
Whirling Dervishes được biết là do Mevlana Jalaluddin Rumi, nhà thơ, nhà thần bí người Ba Tư truyền lại. Chuyện kể rằng, vì quá đau buồn trước sự qua đời của tôn sư, ông đã sáng tác nên một tập thơ, cầu xin Đức Allah hãy che chở và ban phát phúc lành cho mọi tín đồ, và trong khi đọc đã bước vào một trạng thái mê ly với nhiều động tác xoay người mỗi lúc một nhanh, cứ thế 3 ngày, 3 đêm mới nghỉ.
Thế nhưng nhà thơ không hề bị đau đớn, chóng mặt, mệt mỏi hay gặp chuyện gì về sức khỏe, và đó như là một phép lạ mà Thượng đế đã ban cho ông. Rumi đã mang điệu múa ấy dạy các học trò, và đến nay các Dervishe đều dễ dàng xoay tròn từ nửa tiếng tới 6 tiếng hoặc hơn. Kỳ thực, điệu múa chính là một nghi lễ để hướng tới Đấng sáng tạo, và mọi người cùng xoay tít như một làn gió nhằm “bay” tới bên ngài, và những vòng xoay cũng là sự mô phỏng của các hành tinh quay quanh mặt trời.
- Xem thêm: Những nàng thơ nhảy múa giữa đời thường
Dù đứng ở đâu, bạn vẫn được tiếp kiến Thượng đế, dù ở phương nào cũng thấy mặt trời. Rumi đã dạy các học trò rằng, có rất nhiều con đường để đến với Đức Allah, song ông chọn con đường của múa và âm nhạc. Tuy vậy, trước tiên, mỗi người cần phải làm lễ Dhikr, gồm ca ngợi Đức Allah, cầu kinh, niệm kệ và vinh danh ngài trong những vòng tròn, đường thẳng và việc xoay người, lấy tình yêu và vũ điệu làm cầu nối tới thiên đàng.
Sau khi phổ biến khắp đế chế Seljuk và Ottoman, điệu múa này đã được gọi là lễ Sema, và mỗi người múa đều có tên là Semazen. Để tưởng nhớ Rumi, nhà hiền triết vĩ đại, hàng năm vào đêm ông từ trần – ngày 17 tháng 12- người Sufi đều đổ về thành Konya, quê hương của ông, nhằm kỷ niệm ngày hợp hôn Seb-I Arus, ngày ông hợp nhất với Thượng đế.
Lúc đầu, chỉ có nam giới múa Sema, song do đạo Hồi công nhận quyền nam nữ bình đẳng nên chỉ sau một thời gian ngắn, phụ nữ cũng được múa chung cùng nam nhân. Về đại thể, điệu múa được chia thành 3 kỳ. Giai đoạn đầu Naat là sự hiểu biết về Thượng đế, với việc mọi người đọc kinh Quran, cầu nguyện, ngồi thiền, đón nhận sự chúc phúc của một nguyên lão.
Kế đó, một ca sĩ, xưa là ca sĩ mù sẽ hát một ca khúc để ca ngợi Đức Allah, Nhà Tiên tri Muhammad, và rồi những nhạc cụ truyền thống độc đáo của Thổ Nhĩ Kỳ như sáo ney, đàn quả lê, trống ấm, chũm chọe… sẽ vang lên, đồng thời các vũ công cũng xuất hiện. Đây là lúc mọi người sẽ được tiếp kiến Thượng đế trong giai đoạn thứ hai Devr-i Veled.
Theo đó, ngài sẽ truyền hơi thở vào mỗi người, và họ bắt đầu múa quanh một vũ công chính giữa, những người múa bên ngoài có ý nghĩa như một vầng trăng, còn người múa trung tâm là mặt trời. Ai nấy xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ, và những vạt váy bay lên tỏa sáng huyền ảo như một dòng sông tình yêu ôm lấy vạn vật, cho tất thảy hòa vào vũ trụ bao la.
Diễn tiến của một buổi lễ thường như sau: trong tiếng nhạc réo rắt, tưng bừng, người chủ lễ Sheikh sẽ bước vào lễ đường, mang một tấm da cừu màu đỏ, ôm hôn, rồi nó trải giữa sàn. Theo sau ông là một đoàn tu sĩ khoác áo dài đen hirka, vận váy trắng tennure, đội mũ nỉ sikke nâu hoặc nhiều màu cho tới xám đen tùy theo phẩm cấp. Nhưng riêng mũ của người vũ công chính luôn có màu trắng và của Sheikh có thêm một vành khăn quấn quanh để đánh dấu cấp bậc cao hơn, ví dụ màu xanh chẳng hạn. Sheikh đứng ngay phía trước tấm da cừu, còn các thành viên khác đứng hai bên.
Họ quỳ xuống, cúi lạy Thánh Allah, rồi cùng đứng lên, đi đầu là Sheikh bước ngược chiều kim đồng hồ theo một vòng tròn lớn rộng rãi. Khi đến gần tấm da cừu, từng Dervish quay ngược nửa vòng cúi chào người đi phía sau và lại quay về hàng. Họ đi vòng quanh lễ đường 3 lần, cũng đồng nghĩa chào Sheikh 3 lần (vì ông là thầy của họ).
Lúc này, một tiếng sáo ngân vang, và tất cả cùng cởi bỏ chiếc áo choàng đen, hôn nó và thả xuống đất. Việc bỏ đi chiếc áo đen có nghĩa là bỏ đi những gì phàm tục, bấy giờ chỉ còn chiếc váy trắng thể hiện một linh hồn trinh bạch, vượt qua nỗi đau của thể xác, cái chết để bay lên trời. Sau khi rũ sạch những gì vướng bận, mỗi vũ công chắp tay trước ngực lên tới vai và di chuyển về phía trước theo các xoáy tròn.
- Xem thêm: Một thoáng xinh đẹp kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ
Vũ công chính đến bên Sheikh, hôn tay ông, và vị này cũng nghiêng người có vẻ thì thầm vào tai anh, song kỳ thực là một nụ hôn biểu tượng. Mỗi người đều nhận được một nụ hôn và cũng là sự truyền hơi thở. Cũng từ đây, họ bắt đầu mở rộng hai cánh tay, với bàn tay phải ngửa lên trên trời, còn tay trái úp xuống dưới đất. Khi xoay, lấy chân trái làm trụ, chân phải lướt đi, vừa xoay, vừa gọi tên Alll-ahhhh, Alll-ahhhh, Alll-ahhhh hàng chục lần, mỗi lần xoay là một lần gọi tên Allah, và có lẽ tới lần thứ 99 thì họ không còn xoay với ý nghĩa ở trên mặt đất nữa mà đã thăng thiên.
Như trái đất, mỗi Dervishe luôn xoay theo hai quỹ đạo, một là quanh mình và một là quanh vòng tròn. Cả hai quỹ đạo đều ngược chiều kim đồng hồ và cho người xem một cảm giác hết sức thú vị như một cơn lốc đang cuốn đi mọi thứ song rất dịu dàng, duyên dáng. Mỗi Dervishe thường xoay trong 30 phút, với điệu múa được chia làm 3 đợt, mỗi đợt 10, 15 phút nhưng cũng có khi đến bảy, tám tiếng – một khả năng vô địch – vì người thường chỉ xoay một phút đã chóng mặt, mất thăng bằng.
Trông mỗi vũ công – thầy tu đều thấy họ rất ngây ngất, say sưa, song không phải là họ đã mất hết cảm giác, nhận thức mà rất tỉnh táo, nhạy cảm. Bằng chứng là không ai chạm vào nhau, cho dù nhiều người thường nhắm mắt và múa ở khoảng cách gần, trên một sàn diễn có đến vài chục người. Khi xoay, mỗi Dervishe thường giữ tư thế đầu thân chân thẳng, với hai tay ôm lấy vai để tạo thành con số một, thể hiện cho sự duy nhất hoặc thống nhất của Thượng đế và chỉ sự tôn kính, thờ phụng hết lòng đối với ngài.
Đồng thời khi múa, họ cũng luôn giữ bàn tay phải ngửa ở trên cao để đón nhận ân huệ, phúc lành từ Đức Allah trên thiên đàng và bàn tay trái úp xuống dưới đất để tưới rải hòa bình, hạnh phúc, thịnh vượng khắp nhân gian, và đều là những tri thức bác học, những nguồn năng lượng tích cực, quý báu giúp muôn loài tiến hóa và phát triển. Là người nắm giữ những ân huệ ấy, song Dervishe không giữ gì cho riêng mình, mà phân phát hết cho mọi người, nhất là những người xem ngay cạnh.
- Xem thêm: Bursa, cố đô xinh đẹp của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Sema có nghĩa là nghe và cảm nhận mọi thứ xung quanh, và Dervishe là cánh cửa để bước ra thế giới, nên điệu múa này chính là một phép ẩn dụ về khả năng đi giữa hai thế giới vật chất và tinh thần. Dân gian tin rằng, trong quá trình múa Dervishes, linh hồn sẽ rời khỏi thân thể, thoát khỏi những u buồn, nhu cầu, trói buộc thế tục để đi tới những tầm cao mới của sự tiến hóa, và khi trở lại giúp ta có được nhiều hiểu biết, trí tuệ. Với những tín đồ trung thành, họ xem đây là một cách liên hệ với thần thánh.
Khi nhạc dứt, buổi lễ cũng dừng lại. Các Dervishe sẽ trở về vị trí của mình, nhặt áo và mặc vào. Mọi người sau đó cùng cầu nguyện, ôm hôn thắm thiết. Tất cả cùng hô vang Huuuuuuuu, có nghĩa là “Người duy nhất” hay Thượng đế. Vị chủ lễ Sheikh sẽ nói: Salaam aleykum (Bình an cho các anh em) và vũ công chính cũng đáp lại lời chúc như vậy. Vì sự độc đáo, linh thiêng và huyền bí, vào năm 2008, UNESCO đã công nhận vũ điệu này là Di sản phi vật thể của nhân loại.