Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết đã rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn theo mục tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”.
Theo VOV đưa tin, các đơn vị chức năng cũng lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND thành phố Hà Nội.
Cũng theo nguồn thông tin trên, Thành phố đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận bảo trì, cải tạo, sửa chữa các biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 tại các số nhà: 72 Lý Thường Kiệt, 28A Điện Biên Phủ, 51 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài – 49 Trần Hưng Đạo, số 45 Quang Trung, 2 – số 4 Lê Phụng Hiểu; xem xét việc cải tạo, chỉnh trang các biệt thự 59 Hai Bà Trưng, 46 Phan Bội Châu, 51 Hàng Chuối, 12 Lê Quý Đôn, 22 Tăng Bạt Hổ, số 8 Nguyễn Biểu, 12 Cao Bá Quát, 46 Trần Hưng Đạo, 20 Hai Bà Trưng và 68 Thợ Nhuộm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước đó cũng đã ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28-11-2013.
Danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
Ba Đình là quận có số lượng biệt thự cũ nhóm 1 nhiều nhất với 111 biệt thự, tiếp đến là quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự nhóm 1.
Phân loại theo hình thức sở hữu và quản lý, có 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (Nhà nước, hộ dân) và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình. Nhiều nhà biệt thự không có hồ sơ quản lý, không cập nhật về tình trạng biến động, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn. Các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước. Tiền thuê nhà do Nhà nước thu được không đủ để sửa sữa, bảo trì biệt thự. Việc quản lý, khai thác, cho thuê biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa hiệu quả.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mong muốn việc ban hành quyết định lần này nhằm tăng cường và siết chặt việc quản lý, giúp cơ quan chức năng, cán bộ cơ sở dễ thực thi nhiệm vụ.
* Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và các công ty TNHH một thành viên: Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị – Bộ Quốc phòng chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự cũ trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sở Xây dựng cũng giao Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc, giám sát xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các biệt thự thuộc danh mục quản lý theo quy định hiện hành.
- Xem thêm: ‘Một nửa Hà Nội’ trong tôi