Những công trình kiến trúc ở đô thị là di sản văn hóa vật thể, trở thành ký ức cộng đồng – di sản văn hóa phi vật thể…
Khu vực Nhà Thờ Lớn là nơi rất quen thuộc với người Hà Nội. Tôi thường ngồi quán cà phê ở quanh đó, ngắm nhìn những bức tường cao xám cũ kỹ đầy vẻ uy nghi nhưng xung quanh những bậc thềm rộng rãi lại là một hàng rào sắt. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày tôi còn nhỏ những bậc thềm này là nơi người ta có thể tụ tập chuyện trò vui vẻ… Người có đạo hay không cũng thấy Chúa rất gần dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Bây giờ khi có cái hàng rào chỉ cao ngang ngực nhưng ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách Gotic trung cổ châu Âu với mái vòm uốn cong hướng lên bầu trời. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Cũng giống Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – trung tâm chính trị văn hóa ngàn đời của vùng đất mới bị chiếm làm thuộc địa nên người Pháp chọn kiểu kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị.
Nếu Nhà thờ Đức Bà Paris có cả một quảng trường rộng rãi phía trước để làm “nhẹ đi” hình khối to lớn đồ sộ xây bằng vật liệu “vĩnh cửu”, thì Nhà thờ Lớn Hà Nội lại có những con đường nhỏ rợp cây xanh bao quanh mang lại vẻ thân thiện cho nó. Đặc biệt Phố Nhà Thờ nhìn thẳng ra Hồ Hoàn Kiếm có lòng đường và vỉa hè thẳng và rộng rãi giống những con đường ở “khu phố Tây”, kết nối với khoảng không gian trước Nhà Thờ để trở thành một “quảng trường” vào dịp lễ trọng.
Người Hà Nội vẫn coi khu vực Hồ Gươm – Nhà Thờ Lớn là trung tâm thành phố, nhưng từ đây cũng có thể nhận ra “hai nửa” của Hà Nội: một bên là 36 phố phường cổ xưa hình thành từ thời kinh đô Thăng Long, một bên là “khu phố Tây” người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Trong khoảng hơn nửa thế kỷ, để chứng tỏ vai trò cai trị và thể hiện mong muốn biến Hà Nội – thủ phủ của Liên bang Đông dương – thành một “Paris thu nhỏ”, người Pháp đã quy hoạch và phát triển khu vực phía tây, nam và đông nam của “phố cổ” thành “khu phố Tây” theo những tiêu chí đô thị một cách chặt chẽ. Về cơ bản có thể nhận biết “một nửa” mới này cấu trúc ô phố bàn cờ, lòng đường rộng, có vỉa hè rộng lát đá sạch sẽ, trồng cây xanh đô thị – loại cây lâu năm có tán lá rộng mát. Hạ tầng cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng hoàn thiện hơn khu phố cổ. Các công trình trong khu vực – nhất là mặt tiền các con đường – có kiến trúc kiểu châu Âu gồm biệt thự, dinh thự, công sở, công trình văn hóa, giáo dục, công trình công cộng… các công trình tách biệt xen vào đó là không gian xanh rộng rãi.
Những đặc điểm này ngày nay còn nhận biết được khá rõ, tuy nhiều công trình kiến trúc – nhất là biệt thự – đã biến dạng do quá trình chuyển đổi chức năng, do nhu cầu cư trú “tập thể” phải cơi nới và sửa chữa. Điều đáng mừng là từ đầu những năm 2000 đến nay việc bảo tồn và trùng tu nhiều công trình kiến trúc ở “khu phố Tây” đã được thực hiện và mang lại một diện mạo mới cho trung tâm Hà Nội: hiện đại mà cổ điển, thanh lịch mà vẫn thân thiện, gần gũi.
Việc người Pháp quy hoạch và xây dựng các đô thị thuộc địa thành “hai nửa” có diện mạo cảnh quan, kiến trúc khác nhau mà vẫn tạo ra mối liên kết do chức năng kinh tế – xã hội, do nhu cầu của cuộc sống… đã thể hiện rõ ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Sài Gòn.
Thành phố Sài Gòn hình thành từ “hai nửa”: khu vực hành chính – chính trị Thành Gia Định (Bến Nghé) trở thành khu phố mới theo kiểu phương Tây, có “ba đỉnh” là Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định và nhà thờ Huyện Sĩ. Khu vực kinh tế là Chợ Lớn “phố Tàu” về cơ bản giữ cấu trúc cũ nhưng chỉnh sửa và mở rộng đường phố.
Cũng vậy, ở Hà Nội bên cạnh “khu phố cổ” buôn bán và thủ công nghiệp, là “khu phố Tây” hành chính – văn hóa, cũng có ba cái mốc là Nhà thờ Cửa Bắc, Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long. Cả hai “phố Tây” ở Sài Gòn và Hà Nội đều là khu vực làm việc, cư trú chủ yếu của người Pháp và tầng lớp giàu có. Tuy nhiên về không gian và cấu trúc, “hai nửa” của Hà Nội có thể phân biệt được nhưng không quá tách biệt và khác biệt nhau như Sài Gòn và Chợ Lớn.
Những ngôi nhà thờ kể trên là những dấu chỉ (landmark) – một đặc điểm thường có của đô thị phương Tây. Vì vậy, tuy xa Hà Nội đã nhiều năm nhưng trong ký ức của tôi là nhà thờ Hàm Long rộn rã đêm Giáng sinh, tiếng chuông buổi lễ ngân dài theo con đường vàng lá rụng nơi Nhà thờ Cửa Bắc, và lòng nao nao khi nhớ về Nhà thờ Lớn vắng lặng sớm mùa đông Hà Nội mù sương…
Những công trình kiến trúc ở đô thị là di sản văn hóa vật thể, trở thành ký ức cộng đồng – di sản văn hóa phi vật thể. Tập ký họa này như một sự di truyền ký ức và cảm xúc, đã góp phần bảo tồn và lưu giữ một phần tinh túy của di sản đó…