Thông tin thời sự về giải Nobel Vật lý năm 2019 được trao cho các nhà nghiên cứu vũ trụ học và thiên văn học, bất chợt, tôi liên tưởng đến cuộc triển lãm Nhịp điệu vũ trụ của họa sĩ Trương Bé cũng vừa diễn ra trước đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Vũ trụ, thiên văn là câu chuyện của các nhà khoa học. Nhưng, có phải từ lâu, nó luôn mang lại nguồn cảm hứng cho những người sáng tác văn học, nghệ thuật?
Độc đáo “Nhịp điệu vũ trụ”
Ngày 9 tháng 10 năm 2019, ông Goran K. Hansson, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã tuyên bố 3 nhà khoa học được vinh danh trong lễ công bố giải Nobel Vật lý 2019: James Peebles, Michel Mayor và Didier Queloz. Giải thưởng được chia làm hai nhóm công trình.
Một nửa giá trị giải thưởng Nobel Vật lý 2019, được trao cho nhà khoa học James Peebles về những phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ vật lý: nghiên cứu vũ trụ nơi có hàng tỉ thiên hà và cụm thiên hà. Khung lý thuyết của ông, đã được phát triển qua hai thập kỷ, là nền tảng cho nhận thức hiện đại của chúng ta về lịch sử vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang cho đến nay.
Một nửa giá trị giải thưởng được trao cho 2 ông Michel Mayor và Didier Queloz. Hai nhà khoa học này đã khám phá Dải Ngân hà, tìm kiếm “những thế giới chưa biết đến”. Năm 1995, hai ông là những người đầu tiên phát hiện một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời với quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với Mặt trời, được đặt tên là 51 Pegasi. Khám phá của hai nhà khoa học này đã khởi đầu một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiên văn học, hơn 4.000 hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời đã được tìm thấy trong Dải Ngân hà.
Vũ trụ, thiên văn là câu chuyện của các nhà khoa học. Nhưng, có phải từ lâu, nó luôn mang lại nguồn cảm hứng cho những người sáng tác văn học, nghệ thuật?
Huy Cận là nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam. Năm nay, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1919-2019). Tài năng thơ của ông đã bộc lộ từ phong trào Thơ Mới những năm 1930-1945.
Trong sự nghiệp thơ ca, vũ trụ là một trong những đề tài nổi bật và cũng là cảm hứng nghệ thuật của Huy Cận (từ giai đoạn sáng tác trước Cách mạng tháng Tám đến giai đoạn sáng tác về sau). Cảm hứng vũ trụ là một trong những nhân tố, tạo “gam màu riêng” cho phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận. Qua nhiều bài thơ, vũ trụ, bầu trời, mặt đất, thiên nhiên, mưa, nắng… là ngôn từ nghệ thuật được Huy Cận nhắc đến nhiều lần và cũng là thế giới đặc thù, biểu trưng không gian vũ trụ độc đáo của thơ Huy Cận.
Có thể nhắc đến một số câu thơ liên quan đến vũ trụ: Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn (Giấc ngủ chiều); Mắt sâu sáng thắp đèn soi vũ trụ/Và tai rền thu cất nhạc không gian/ (Thân thể). Ta gặp hồn ta trong vũ trụ (Xuân hành), Ta đã đi trong lòng vũ trụ/Nhìn Đất yêu thương xứ sở Người (Tao phùng)… Cảm hứng không gian vũ trụ mênh mang và nỗi cô đơn hòa quyện trong nỗi sầu vạn kỷ thể hiện rõ trong Lửa thiêng; rồi lại reo vui trong Vũ trụ ca. Tuy vậy, vũ trụ của Huy Cận là một vũ trụ rất gần gũi với cuộc đời, nặng tình đời.
- Xem thêm: Nghệ thuật bích họa
Nhà thơ Huy Cận từng học ở Huế trước Cách mạng tháng Tám; còn họa sĩ Trương Bé đến Huế công tác, sau ngày hòa bình lập lại, năm 1975. Không biết từ sự ngẫu nhiên nào, Huy Cận và Trương Bé đã có điểm gặp gỡ chung qua đề tài và cảm hứng vũ trụ? Tất nhiên, ở những năm đầu thế kỷ XXI, quan niệm về vũ trụ của họa sĩ Trương Bé mang tính khoa học rõ nét hơn.
Con người đã có những khám phá mới của khoa học vật lý vũ trụ, thiên văn học hiện đại. Từ vụ nổ lớn Big Bang sinh ra vũ trụ; rồi, những đám mây bụi khổng lồ hình thành các vì sao, các hành tinh, các thiên hà. Những va chạm giữa các hành tinh, các thiên hà tạo ra nguồn năng lượng khủng khiếp tràn ngập trong vũ trụ. Vũ trụ chứa đầy năng lượng đang vận hành, theo quy luật huyền bí của nó. Cảnh tượng huy hoàng rực rỡ của vũ trụ, tạo ra biết bao cảm hứng cho con người khi nhìn lên bầu trời…
50 tác phẩm sơn mài, sơn dầu của họa sĩ Trương Bé với chủ đề Nhịp điệu vũ trụ, được trưng bày khá hoành tráng, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng. Cả phòng tranh là “một vũ trụ hội họa” của họa sĩ, xét ở hai khía cạnh: đề tài sáng tác và quan niệm, cách thể hiện nghệ thuật của ông.
Nhịp điệu vũ trụ là gì? Từ các tác phẩm sơn mài và sơn dầu, dường như cho thấy họa sĩ đã chọn cách lý giải vũ trụ bằng vốn sống, vốn kiến thức, sự hiểu biết khoa học phong phú và cả triết lý tôn giáo, như một quá trình chiêm nghiệm, tâm tưởng, suy tưởng, được thể hiện khá phù hợp qua phong cách trừu tượng, đầy cảm xúc.
Nghiên cứu dày công cả hình thức, kỹ thuật “chứa đựng” nội dung trừu tượng, Trương Bé thường chọn cách thể hiện bằng chất liệu sơn mài truyền thống thật đẹp, độc đáo, sáng tạo, gợi nhiều tưởng tượng, rộng mở. Cuộc sống luôn vận động, có lẽ vì vậy, trong tranh, dường như sự dịch chuyển được thể hiện khá dồi dào bằng nhiều đường cong, nhiều cấu trúc màu sắc đan xen, nhiều lớp lang của chất liệu, cùng tỉ lệ hạt cẩn trứng lớn nhỏ, lúc xoay tròn, xoắn ốc, lúc trải dài, tạo nhịp điệu, chuyển động cuồn cuộn, mạnh mẽ. Trong mắt người xem, Nhịp điệu vũ trụ nổi bật với tính chất “động” trong không gian, trong thời gian.
Dừng lại bên tác phẩm sơn dầu của Trương Bé, có lúc người xem ngẩn ngơ trước thế giới sắc màu của ông trong Hòa sắc I, Hòa sắc II, Giao hòa; lạ lùng trước Cõi xưa, Màu thời gian, cố nhiên, những tác phẩm này không phải thể hiện theo kiểu trường phái Tượng trưng của thế kỷ XX mà là của nghệ thuật đương đại, đầu thế kỷ XXI. Người xem càng ngạc nhiên trước suy nghĩ của họa sĩ về con người, đời người, sự tồn tại của con người trong xã hội, qua Mầm sống, Cây sự sống, Cây nhân sinh, Sức sống; đôi lúc, có “gợn” chút chút bâng khuâng trước triết lý Phật giáo qua các tác phẩm: Sat Na, Thiền, Ảo diệu…
Nhưng, ý nghĩa lớn trong Nhịp điệu vũ trụ còn thể hiện chính qua những tác phẩm sơn mài khổ rộng. Họa sĩ Trương Bé vận dụng hết tâm huyết, tâm tưởng, kinh nghiệm, bản lĩnh sáng tạo đưa người xem du hành vào một vũ trụ hội họa kỳ vĩ, lấp lánh ánh sáng, đầy bí ẩn. Nhịp điệu vũ trụ là nguồn cảm hứng, là sản phẩm của cảm xúc tâm hồn, là tư duy của trí tuệ.
Mạch nguồn sáng tạo tuôn trào liên tục trong quá trình sáng tác và cũng là “kungfu thượng thừa” của sự miệt mài lao động nghệ thuật trong nhiều năm dài. Một cuộc “thám hiểm vũ trụ” bằng cái Đẹp của nghệ thuật sơn mài Việt Nam thật độc đáo! Ở đó, người xem đã gặp được Vũ trụ hạt, Sóng hạt, Cột bụi vũ trụ, Tiểu hành tinh, Chòm sao Chức Nữ, Chòm sao Bạch Dương, Chòm sao Bò Cạp, Cụm Thiên hà, Thiên hà, Huyền âm, Trầm tích, Những đường cong, Năng lượng đen, Hố đen…
Xem tranh trừu tượng cần chiêm nghiệm. Tuy vậy, đôi khi, người ta chỉ cần cảm nhận. Chúng tôi thật bất ngờ khi nghe Đào Phương Anh, cô sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân dẫn một người bạn Malaysia tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã nhận xét, ví von: Con người ta thật bé nhỏ như những hạt cát tí hon khi đứng trước bức tranh hoành tráng, thể hiện Nhịp điệu vũ trụ của họa sĩ Trương Bé! Trong vũ trụ, các vì sao có lực hấp dẫn, gặp nhau, va chạm; còn con người – những hạt cát tí hon gặp nhau trong khoảnh khắc, cũng tạo nên một “mối duyên thú vị”…
Những trang đời chân thực, lãng mạn, nghị lực
“Mối duyên thú vị” này đã tiếp tục kết nối từ chị Trần Thị Thu Hương, một nhà sưu tập tranh và cũng là người đại diện nghệ thuật của họa sĩ Trương Bé. Sau khi triển lãm kết thúc, chúng tôi thật cảm động nhận được quyển sách Họa sĩ Trương Bé – Cuộc đời và nghệ thuật, do họa sĩ gởi tặng, trước khi ông trở ra xứ Huế.
Quyển sách được trình bày trang nhã, in ấn đẹp; nội dung gồm ba phần chính: Phần 1: Cuộc đời, Phần 2: Tác phẩm, bút ký, Phần 3: Hội họa của Trương Bé cùng tư liệu, hình ảnh. Khác với thế giới bay bổng trong tranh Nhịp điệu vũ trụ, những trang viết của Trương Bé được thể hiện thật chân thực, giàu cảm xúc.
Từ trí nhớ sâu sắc, nhớ kỹ nhiều chi tiết, khung cảnh, không gian, màu sắc, những tình tiết còn lưu giữ đầy cảm xúc, Trương Bé có cách kể chuyện thật sinh động, hấp dẫn. Ví dụ một phần câu chuyện ở chương 1:Trong những năm chiến tranh chống Pháp, cha mẹ của ông đã mang con cái lên chiến khu Ba Lòng, làm rẫy, sinh sống.
Tuổi thơ của Trương Bé ở nương rẫy, núi rừng thật phong phú nhưng khá vất vả. Ông mô tả: “Mùa mưa ở Ba Lòng thật khủng khiếp. Mưa rừng dài lê thê, hết ngày này sang ngày khác…”. Năm 1953, nước sông Thạch Hãn dâng cuồn cuộn, gây trận lũ lụt lịch sử, để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của cậu bé 12 tuổi.
Còn khá nhiều câu chuyện sau này khi Trương Bé xa gia đình, sống trên đất Bắc và cả những năm tháng trở lại Vĩnh Linh, xúc động gặp lại mẹ già sau gần 20 năm xa cách. Năm 1973, công tác ở Đông Hà, ông gặp nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họa sĩ Trần Thanh Lâm; cũng năm này, ông cùng anh em tuyên truyền, vẽ tranh cổ động, chuẩn bị đón đồng chí Fidel Castro, lãnh tụ Cuba sang thăm vùng giải phóng Đông Hà; kế tiếp là những trang hồi ký về khoảng thời gian sống ở Huế sau ngày miền Nam giải phóng; rồi thời gian ở xứ người, ông du học tại đất nước Hungary…
Có thể nói, số phận của một con người gần như đã nằm trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đan xen qua những câu chuyện nghề nghiệp còn có những nỗi thăng trầm khó đoán định! Chúng tôi thích một trang đời thường của ông, kể về chuyện tình yêu đầu đời – một mối tình đằm thắm, lãng mạn, trong veo và cũng đầy nuối tiếc. Ngày ấy, anh học trò mới lớn đã thầm yêu cô gái cạnh nhà.
Cuối cùng, anh cũng lấy hết can đảm, tỏ tình bằng cách vẽ bức chân dung tặng nàng, trước khi từ giã Vĩnh Linh ra Hà Nội học trường Trung cấp Mỹ thuật. Con người ta, có lẽ, không gì hạnh phúc bằng yêu và được yêu lại. Được cô gái tiếp nhận tình yêu nhưng ngày trở lại Hồ Xá, Vĩnh Linh thăm cô, anh học trò trường mỹ thuật chưa một lần dám nắm tay và chưa một lần dám hôn người yêu! Để rồi, khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh phá hoại, đánh phá ác liệt miền Bắc, họ đã xa cách nhau lại càng bị cách xa biền biệt! Cuộc tình của họ bị dang dở! Mãi đến 10 năm sau gặp lại nhau, dù bùi ngùi nhưng rất may, “ai nấy đều đã có bến bờ hạnh phúc”…
Tất nhiên, ngoài phần cuộc đời, phần quan trọng của một nghệ sĩ còn là sự nghiệp. Những trang về nghệ thuật, về hội họa Việt Nam, hội họa thế giới, Trương Bé viết khá sâu sắc, uyên bác và cũng bộc lộ niềm đam mê, sáng tạo. Khi bắt đầu chọn con đường hội họa, ông thật kiên trì và nỗ lực, luôn tìm tòi, thể nghiệm, khám phá không ngừng nghỉ.
Sau này dù đã thành danh trong sáng tác và thành công trong sự nghiệp giảng dạy, đào tạo ở trường Đại học Nghệ thuật Huế, ông vẫn không bao giờ bỏ quên niềm đam mê hội họa. Bước ngoặt nghệ thuật lớn của ông chính là lúc chuyển sang hội họa trừu tượng, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ở Học viện Mỹ thuật Budapest, Hungary (1983-1986). Trương Bé đã chứng tỏ được tài năng, tài hoa, cá tính sáng tạo mạnh mẽ và những nỗ lực phi thường của một họa sĩ đam mê, dành hết một đời người vì nghệ thuật.
Với bản lĩnh mỹ thuật sâu sắc, dày kinh nghiệm nghiên cứu, vốn tri thức uyên bác, quan niệm nghệ thuật độc đáo và nguồn cảm hứng dồi dào, ông đã chọn lựa chất liệu sơn mài dân tộc tương thích với phong cách hội họa trừu tượng. Đó là một sự sáng tạo thành công. Sự đóng góp của họa sĩ Trương Bé vào nền hội họa Việt Nam hơn 50 năm qua, thật không nhỏ.
Ông xứng đáng là một bậc thầy tài năng về nghệ thuật sơn mài Việt Nam đương đại. Điều ấy đã khẳng định theo thời gian, qua những lần trình làng tác phẩm hội họa, ông được nhiều ý kiến đánh giá cao, nhận định xác đáng của giới chuyên môn, của các nhà phê bình mỹ thuật, bạn bè nghệ sĩ, các chuyên gia, nhà báo: Nguyễn Quân, Hoàng Đăng Nhuận, Đặng Mậu Tựu, Việt Hùng, Nguyễn Trọng Tạo, Linh Huyền, Lương Công Tuyên, PGS-TS Phan Thanh Bình, Jean – Francois Hubert, TS Kinh tế Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Chí Thành, My Tran, Trần Thị Thu Hương, Phạm Diệu Hương…
Trương Bé là một nghệ sĩ giàu tình cảm, giàu nghị lực! Chị Trần Thị Thu Hương, người đại diện nghệ thuật của ông cho biết: vừa qua, ông đã vượt qua bao nỗi đau quằn quại của những cuộc đại phẩu của tuổi già, vượt qua những hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc sống thường nhật để cố gắng hoàn tất những tác phẩm đầy tâm huyết cho cuộc triển lãm Nhịp điệu vũ trụ. Đây là cuộc triển lãm cá nhân lần cuối cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh, một nơi để ông có dịp hội ngộ, giao lưu cùng bạn bè nghệ thuật và tri ân công chúng yêu mến mỹ thuật ở phương Nam.
Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942, tại Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1974; học Sau Đại học ở Học viện Mỹ thuật Budapest, Hungary (1983-1986).
Ông từng là Phó Hiệu trưởng và là Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế khoảng thời gian 1988-2000; từng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam ba nhiệm kỳ từ 1994-2009; nhiều lần ông được mời làm Chủ tịch Hội đồng cuộc thi hội họa của tập đoàn Philip Morris ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á…
Tranh của ông được một số bảo tàng sưu tập và trưng bày như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và có tranh trong một số bộ sưu tập cá nhân của các nhà sưu tập trong, ngoài nước…