Phục hưng là một thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật của thế giới bởi vì cùng lúc xuất hiện nhiều thể loại tranh tượng, cũng như phong cách mới lạ, táo bạo, đậm chất hiện thực – nhân văn.
Hoạt động chính của nó là phục hồi các giá trị văn hóa cổ đại, nhất là hai nền văn minh Hy Lạp – La Mã đã từng phát triển rất rực rỡ và phồn thịnh ở phương Tây, đồng thời làm mới mỹ thuật nhờ các phát minh khoa học như phối cảnh xa gần, vẽ bằng sơn dầu hay nhiều màu sắc sặc sỡ. Thay vì chỉ khắc họa con người theo kiểu thần thánh, ước lệ, nhiều tác phẩm đã thiên về tả thực, cụ thể hóa họ trong nhiều hoạt động thế tục, sinh động, gần gũi.
Sở dĩ như vậy vì thời Phục Hưng đến ngay sau thời Trung cổ, một giai đoạn cực kỳ đen tối với hàng loạt dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh; và từ những gì đau thương- mất mát ấy, người xưa đã quyết định tái cơ cấu xã hội, kiến tạo nó ngày càng tươi đẹp hơn, trong đó lấy các nhân vật trong huyền thoại, thần thoại và Kinh thánh, làm trung tâm của những sáng tác, song lại nói về hiện tại và những người thật.
Kéo dài suốt thế kỷ XIV tới thế kỷ XVII trên khắp châu Âu, thời Phục hưng được biết nhiều nhất là tại thành phố Florence, vùng Tuscany của Ý, nơi phát sinh của tư tưởng phục hồi các tinh hoa văn hóa cổ điển, hay nói cách khác là cái nôi của mỹ thuật Phục hưng. Thành phố đã ra đời từ năm 59 trước Công nguyên, dưới thời Julius Caesar của La Mã.
Julius Caesar đặt tên nó là Florentia, tức sự nở rộ, và quả thực nhờ nằm ở một vùng đất màu mỡ, Florentia sau đó đã trở thành một tuyến đường thương mại quan trọng nhất, rồi thành phố sầm uất nhất đương thời. Kế tiếp là thủ phủ của Tuscany, miền Trung và được bảo hộ bởi nhiều thế lực, bao gồm dòng họ Medici. Trong thành cũng tồn tại nhiều nghề, gồm vẽ tranh, điêu khắc và kiến trúc. Các thương nhân, địa chủ, quý tộc giàu có sẵn sàng bỏ ra vô số tiền bạc để mua tranh tượng, các phát minh mới nhằm giải trí, thưởng thức nghệ thuật lẫn khoa học, với mỗi người đều rất am hiểu hoặc yêu thích chúng.
Trước khi có lối sống mới, đầy lạc quan, mơ mộng, trí thức, thành phố Florence đã phải trải qua không ít nghịch cảnh. Thứ nhất là bệnh dịch hạch lan tràn khắp châu Âu, cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số lục địa. Thứ hai là nạn đói triền miên, cũng do chuột và sự phân chia giàu nghèo bất công. Cuối cùng là các cuộc thập tự chinh, khiến trai tráng phải đi chinh chiến suốt.
Quá kinh hãi trước đại dịch, người dân chỉ còn biết cầu nguyện Thiên Chúa và làm gia tăng lòng mộ đạo cũng như nảy sinh chủ nghĩa nhân văn, đề cao vẻ đẹp nhân ái hay vẻ đẹp của tâm hồn, thể hiện qua nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc. Sau đại dịch, thức ăn bỗng nhiều lên, tiền của cũng dư thừa, nên nhiều người có điều kiện sửa sang, trang hoàng nhà cửa, và dĩ nhiên là sáng tác tranh, tượng, thơ nhạc.
Việc chinh phạt khắp nơi trong các cuộc thánh chiến cũng giúp họ hiểu biết, tiếp thu được nhiều cái mới, trong đó có các chất liệu, công cụ, màu sắc, kỹ thuật, quan niệm áp dụng trong mỹ thuật. Nhiều người bắt đầu nghiên cứu lại văn hóa Hy Lạp, La Mã và văn hóa các dân tộc khác, và qua đó tái hiện chúng trên tranh tượng, gồm tranh tường, tranh vải, tranh thờ, tranh sinh hoạt… nhằm tô điểm cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Nhờ thế, mỹ thuật giai đoạn này không chỉ nở hoa, mà văn hóa- kinh tế- chính trị cũng phát triển rực rỡ.
Với vị thế là một thành phố lâu đời và giàu có nhất nước Ý, với lắm cảnh đẹp, người xinh, Florence đã thu hút đông đảo các họa sĩ, kiến trúc sư từ mọi miền đất nước đến trổ tài, và cho ra số lượng tác phẩm khổng lồ, chiếm một phần ba tranh tượng kinh điển của thế giới. Ai nghĩ ra được ý tưởng nào, hay đơn giản là vẽ được bức tranh gì, liền đưa ra trao đổi. Đặc biệt, Giáo hội là nhà bảo trợ cho khá nhiều danh họa và thường thuê họ trang hoàng cả năm cho các thánh đường, tu viện bằng nhiều tuyệt phẩm.
Thành thử, mỗi họa sĩ đều rất hồ hởi, và từ sáng tác riêng lẻ đã biến nó trở thành một trào lưu rộng khắp châu Âu. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh từ đây, mà phải kể tới là Brunelleschi (1377-1446), Ghiberti (1378-1455), Donatello (1386-1466), Fra Angelico (1395-1455), Masaccio (1401-1428), Sandro Botticelli (1445-1510), Michelangelo (1475-1564), Giorgio Vasari (1511-1574), Leonardo da Vinci (1452-1519), Raphael (1483-1520), Titian (1488-1576)…
Mỗi ngôi nhà ở Florence đều là một tuyệt tác kiến trúc Phục hưng, và bảo tàng trưng bày tác phẩm hội họa, điêu phù. Trong hàng trăm địa chỉ nổi tiếng của Florence, có một số địa chỉ được lưu ý nhất vì gìn giữ được nhiều kiệt tác vô giá hoặc các bộ sưu tập khủng đẹp.
Chẳng hạn như Bảo tàng quốc gia Bargello, tên gốc là Cung điện Palazzo del Bargello. Xuất hiện từ năm 1255, đây vốn là một pháp đình, nhà giam và từ năm 1859 làm bảo tàng quy tụ hàng trăm tuyệt tác, trong đó chủ yếu là tượng, như tượng David của Donatello, Bacchus (Michelangelo), Mercury (Giambologna), Ceres (Bartolomeo Ammannati), Ganymede (Benvenuto Cellini) hay Jason (Pietro Francavilla)… Nhà điêu khắc thời tiền Phục hưng Donatello là một nghệ sĩ có nhiều tác phẩm điêu khắc nhất tại bảo tàng này.
Đặc biệt ông có hai pho tượng rất hấp dẫn là tượng đá và đồng David, cùng kể về chiến thắng của cậu bé David trước người khổng lồ Goliath, và ở pho tượng đồng khỏa thân, nghệ sĩ tả một cậu bé khá nhỏ nhắn, còn ít tuổi song đã biết dùng trí khôn và cầm một thanh kiếm khá to, chặt phăng đầu của Goliath và dẫm chân lên cái đầu to sụ của hắn . Tượng thể hiện một tuổi trẻ dồi dào, dũng cảm, đầy kiêu hãnh trước quân địch, giống như Florence đã từng can trường vượt qua mọi thử thách.
Gallery Uffizi lại là một phòng tranh lâu đời nhất tại Florence đã mở cửa từ năm 1560-80, với hai tầng dài hình chữ U để làm văn phòng, rồi trưng bày hội họa, mà đến nay đủ mọi thời kỳ từ thời Trung cổ tới hiện đại, song nhiều nhất vẫn là tranh Phục Hưng. Một số tác phẩm tiêu biểu ở Gallery Uffizi là Primavera của Sandro Botticelli, Đức Mẹ, Chúa Hài đồng cùng hai thiên thần (Fillippo Lippi), Lễ truyền tin báo mộng Đức Mẹ Đồng Trinh mang thai (Leonardo da Vinci), Lòng sùng kính của các vị vua (Lorenzo Monaco), Lễ tấn phong Đức Mẹ Maria (Fra Angelico) và Doni Todo (Gia đình thánh) (Michelangelo)…
Họa sĩ thiên tài Sandro Botticelli cũng để lại cho thời kỳ đầu của phong trào Phục hưng nhiều họa phẩm tuyệt diệu. Vào năm 1482, ông có bức tranh Primavera (Mùa xuân) và 4 năm sau có Sự ra đời của thần Vệ Nữ. Cả hai đều nói về vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ, song rất quyến rũ của người thiếu nữ, trong đó có người là nữ thần hoa cỏ, nữ thần mùa xuân, nữ thần tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc. Ở bức tranh đầu tiên, các nàng hiện lên, mang tới mùa xuân cho cả thế giới, với đầy cỏ cây, hoa quả, những làn gió, những âm thanh vi vu và các hoạt động nhảy múa, tụ hội.
Tọa lạc cạnh Viện Mỹ thuật Florence, Gallery Accademia cũng là một bảo tàng quan trọng của thành phố. So với Gallery Uffizi, nó nhỏ hơn nhưng chuyên biệt hơn, vì thường xuyên trưng bày tranh tượng, nhất là 7 pho tượng của Michelangelo- nhà điêu khắc, danh họa cuối thời đại. Tòa nhà được Đại Công tước xứ Tuscany xây dựng năm 1784, làm ký túc xá cho học sinh Trường Mỹ thuật học tập, tạo mẫu, rồi thành phòng trưng bày tranh tượng phác thảo của Michelangelo.
Tuy nhiên, đến nay nó đã được chia thành nhiều sảnh nhằm lưu giữ nhiều di sản nghệ sĩ khác nhau, gồm sảnh tượng lớn Colossus chứa tượng David của Michelangelo, mô hình thạch cao cho tượng Vụ cưỡng đoạt phụ nữ Sabine của Giambologna…, sảnh tượng nhỏ Gipsotecca Bartolini với hàng dãy tượng bán thân của nhà điêu khắc Lorenzo Bartolini, sảnh tù đày bày các tác phẩm đẽo gọt dang dở về nô lệ của Michelangelo, sảnh âm nhạc lưu trữ nhiều nhạc cụ, bản nhạc hay, hiếm có…
Thế nhưng, cuốn hút nhất vẫn là tượng David của Michelangelo, và các bức tranh như Lễ hạ trần của Andrea Orcagna, Cây sự sống (Pacino di Buonaguida), Cristo in Pietra (Chúa Jesus) (Andrea del Sarto), Ba vị thánh (Domenico Ghirlandaio), Những giai kỳ trong cuộc đời tu hành (Paolo Uccello)… Được xem là kiệt tác của cả thời Phục hưng, tượng David của Michelangelo là một tác phẩm điêu khắc con người vô song vì sự cân đối, hài hòa, chân thực và gợi cảm.
Hoàn thành năm 1504, cao 5,14 mét, bằng đá cẩm thạch, nó cũng đặc tả người anh hùng David trong Kinh Thánh, song thay vì khắc họa một thiếu niên mới lớn như trong tác phẩm của Donatello, ở đây cho thấy một thanh niên cường tráng, có hình thể lý tưởng tuyệt đẹp. Anh không cầm vũ khí sắc bén, song vẫn là biểu tượng của trí dũng và nền cộng hòa Florence chống lại ngoại xâm, vì lúc đó Florence là một bang quốc độc lập đang bị nhòm ngó. Tượng vốn nằm ở quảng trường Piazza della Signoria, và đến năm 1872 thì rời về đây.
Là một vương cung thánh đường đầu tiên ở Florence vào thế kỷ XIII- XIV, nhà thờ Santa Maria Novella cũng là nơi bảo tồn nhiều kiệt tác hội họa, trải dài thành từng khu riêng của các họa sĩ. Tại Santa Maria Novella, mỗi nhà nguyện đều có một loạt tranh tường của mỗi danh họa, như nhà nguyện Cappella Tornabuoni có bích họa của Domenico Ghirlandaio, mà học trò của ông chính là Michelangelo.
Các bức tranh trong nguyện đường đã xuất hiện từ các năm 1485-90 và tường thuật huyền thoại về cuộc đời của Đức Mẹ và Thánh John Baptist. Filippo Strozzi lại có tranh của Fillippo Lippi với chủ đề Tông đồ Philip và Saint James, trong khi Cappella Strozzi di Mantova có tranh của Nardo di Cione về thiên đường và thuộc loại tranh tường sơ khởi của thánh cung. Ngoài tranh tường, hai thánh giá mang hình ảnh Chúa Jesus của Giotto và Brunelleschi cũng luôn khiến người xem xúc động.
Trong nhà thờ Santa Maria del Carmine, nguyện đường đẹp nhất là nguyện đường Brancacci, vì trên tường trang trí rất nhiều bích họa hoành tráng của Masolino, Masaccio và Filippino Lippi… Một số bức tranh nổi bật là Adam và Eva bị cám dỗ (Masolino), Lễ rửa tội của tân tín hữu (Masaccio), Cuộc tranh luận (Filippino Lippi), Ra khỏi vườn Địa Đàng, Tiền pháp định, Thánh Peter thuyết giảng, Thánh Peter chữa bệnh, Thánh Peter thăm Thánh Paul…
Với diện tích tới 32.000 m2, Cung điện Palazzo Pitti hiện là một bảo tàng mỹ thuật lớn nhất của Florence với hàng trăm họa phẩm tuyệt vời. Cung điện này vào năm 1457 đã từng là nhà của một chủ ngân hàng giàu có, và rồi trở thành hành dinh của gia tộc Medici, người cai trị Florence nên được trang hoàng rất lộng lẫy.
Cả dinh thự được chia thành tám bảo tàng và gallery nghệ thuật đặc sắc, trong đó thú vị nhất là Gallery Palatine, sảnh trưng bày chính của cung điện với 20 phòng, treo hơn 500 kiệt tác hội họa, như tranh Ba lứa tuổi của con người (Giorgione), Sự thương tiếc Chúa Jesus (Fra Bartolomeo), Đức Mẹ dưới vòm cửa cổng (Raphael), Đức Mẹ sầu bi cùng các thánh (Andrea del Sarto), Mary Magdalene (Titian), Bốn đại triết gia (Pieter Paul Rubens),…
Ngoài ra, còn có khá nhiều nơi trưng bày mỹ thuật hấp dẫn nữa như Capelle Medicee, Casa Buonarroti, Casa Martelli, Museo Degli Innocenti, Museo Leonardo Da Vinci, Museo Opera del Duomo, Palazzo Medici Riccardi, Palazzo Strozzi, Palazzo Vecchio…