Nhân chuỗi sự kiện thuộc dự án kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (1922 – 2022), tối ngày 12.2 vừa qua, tại Viện Pháp Hà Nội – L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời như: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán…
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 quê gốc Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhưng sinh tại Phúc Tằng, Việt Yên, Bắc Giang (nên có tên là Tằng Việt). Đời viết và sáng tạo của Hoàng Cầm trải qua khá nhiều chông gai của lịch sử.
Sau Cách mạng tháng Tám ông tham gia kháng chiến, làm Trưởng đoàn Văn công Quân đội. Khi hòa bình lập lại, ông tham gia Nhân văn Giai phẩm, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn từ năm 1958 mãi đến năm 1993 mới được phục hồi. Ông đạt Giải thưởng nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007. Hoàng Cầm là dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tác ông để lại rất phong phú, bao gồm tập thơ Về Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành, 99 Tình Khúc… truyện thơ Men đá vàng, kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan, Trương Chi, Bên kia sông Đuống.
Buổi tọa đàm là sự kiện đầu tiên trong chuỗi kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, nhưng đã cho người tham dự thấy một bức tranh gần gũi hơn, sâu sắc hơn về thi nhân tài hoa xứ Kinh Bắc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhận định Hoàng Cầm là thi sĩ đặc biệt: “Những lớp bụi thời gian phủ lên những tác phẩm giá trị như thơ Hoàng Cầm sẽ được gạt ra để hiển lộ những vẻ đẹp đích thực.” Ngay cả trước những khó khăn, phức tạp và nghịch cảnh, nhà thơ vẫn sống và viết một cách thuần khiết nhất.
Đồng ý với nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bày tỏ thơ Hoàng Cầm như một điệu quan họ, “vọng lại một đời sống đã vắng xa của vùng Kinh Bắc.” Ông cũng chia sẻ thêm khía cạnh đời sống “rất thi sĩ” của nhà thơ trong một chuyến đi Quy Nhơn.
Nhà thơ Hoàng Hưng và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tán thành Hoàng Cầm là nhà thơ đào sâu những vỉa tầng của truyền thống văn hóa Kinh Bắc, còn Về Kinh Bắc là một thế giới giao hòa giữa ảo và thực giữa cổ xưa và hiện đại, giữa âm và dương. Nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ lựa chọn tái bản Về Kinh Bắc vì đây là tập thơ toàn bích và tiêu biểu nhất của Hoàng Cầm, mang lối thơ, âm điệu, tạo hình và lối dẫn dắt tuyến thơ đặc trưng của nhà thơ. “Một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về vùng văn hóa Kinh Bắc” (Hoàng Hưng nhấn mạnh). Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói, qua Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm muốn nối lại một chiếc cầu văn hóa, “Ông hiện tại hoá quá khứ và quá khứ hoá hiện tại” và Về Kinh Bắc chính là một tư liệu văn hóa.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, người đam mê việc chụp ảnh chân dung và sở hữu một kho tàng tư liệu ảnh quý hiếm về các văn nghệ sĩ Việt Nam, đã đóng góp cho buổi tọa đàm 22 bức ảnh về nhà thơ Hoàng Cầm, những khoảnh khắc đặc biệt của nhà thơ cùng với các bạn văn, như: Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung… Mặc dù là người “thích chụp hơn nói,” nhưng tại buổi tọa đàm Nguyễn Đình Toán bộc bạch niềm yêu thích chụp các nghệ sĩ xuất phát từ sự nể trọng tài năng và nhân cách sống của họ, và Hoàng Cầm là một trong những nghệ sĩ mà ông gắn bó dài lâu và thân thiết nhất. Ông chia sẻ thêm một kỷ niệm đáng nhớ của mình với Hoàng Cầm, trong chuyến đi bộ xuyên Việt với nhà thơ Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc.
Đại diện cho gia đình nhà thơ, và cũng là một thành viên quan trọng trong dự án 100 năm Hoàng Cầm, chuyên gia truyền thông Bùi Huệ Chi xúc động chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc. Để tạo nên một cuốn sách kỳ phu, đẹp về hình thức lẫn nội dung là cả một câu chuyện không đơn giản, đầy thăng trầm và thử thách. Dự án 100 năm Hoàng Cầm không chỉ đơn thuần được làm ra chỉ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, mà còn để thế hệ sau thể hiện lòng tri ân và mong muốn lan tỏa về sự nghiệp của ông, và hứa hẹn trong tương lai sẽ có thêm những tác phẩm mới về nhà thơ được công bố, trong đó có cả hồi ký và phim tài liệu.
Trong buổi ra mắt, không thể thiếu một số trích đoạn thơ Hoàng Cầm được đọc, bên cạnh đó, còn có phần trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh của các liền anh, liền chị, một số ca khúc được các nhạc sĩ Phạm Duy, Hữu Xuân phổ nhạc từ lời thơ Hoàng Cầm cũng được trình diễn bởi các ca sĩ Quỳnh Hoa, Hiền Nguyễn, Vũ Thắng Lợi, cùng với phần biểu diễn đặc biệt trên dương cầu của nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Lee Bo Kyung với âm nhạc dân ca quan họ Bắc Ninh được chuyển soạn cho đàn piano bởi nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, tạo ra một không gian tọa đàm đặc sắc mang âm hưởng thiêng liêng nhưng giàu trữ tình của xứ Kinh Bắc, cái nôi của nhà thơ Hoàng Cầm.
Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc (Nxb Hội Nhà văn, 2022) gồm trọn vẹn tác phẩm thơ Về Kinh Bắc và cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của Hoàng Cầm, những bài viết chọn lọc của các tác giả Hoàng Hưng, Nguyễn Thuỵ Kha, Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang về tập thơ Về Kinh Bắc, và một số tư liệu quý về thơ Hoàng Cầm như ảnh chụp, tranh vẽ, thư và bản nhạc. Sự đặc biệt của cuốn sách nằm ở chỗ, Về Kinh Bắc được tổng hợp từ các dị bản năm 1959, 1960, 1982 và phiên bản được xuất bản qua các năm từ 1994 đến 2011.
Có thể nói, Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc không đơn thuần là một tác phẩm xuất bản văn học, mà còn là một tác phẩm xuất bản mỹ thuật sang trọng. Đây là công sức không nhỏ của Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm (HC100), ban biên soạn sách, các tác giả, nhà hảo tâm, bạn bè thân hữu và những người yêu thơ.
Cuốn sách sẽ được giới thiệu tới bạn đọc miền Nam tại Đường sách tại TP.HCM vào ngày 20.2 tới đây.
- Xem thêm: Thi sĩ Hoàng Cầm với định mệnh diêu bông