Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Pablo Picasso (25.10.1881-8.4.1973), họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha, từ trần, nhân loại vẫn điên cuồng say mê các sản phẩm sáng tạo của bậc thầy lập thể.
Tranh của Picasso luôn được đấu giá với giá lên đến hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu USD. Gần đây, bức tranh vẽ “Nàng thơ” Jacqueline Roque, người vợ thứ 2 của Picasso, cũng được trả 32,5 triệu USD, tương đương 740 tỷ VNĐ. Điều gì tạo nên sức hấp dẫn vượt thời đại của danh họa Picasso?
1. Hồi sinh nhờ khói thuốc
“Cha tôi đập vỡ mọi khuôn mẫu và tạo ra góc nhìn mới”, Claude, con trai của Picasso nhận định. Sinh ngày 25.10.1881 tại Málaga, Tây Ban Nha, Picasso là đứa trẻ tưởng đã bị chết ngạt từ lúc vừa lọt lòng. Nhưng, như Picasso kể, vì mùi khói xì gà của chú Salvador, cậu nhóc mềm oặt như lá héo ấy bất chợt hắt hơi và thế là sống sót.
Trong nhạc điệu bài Man Man La Mancha âm vang khắp nhà thờ Santiago, cậu bé sơ sinh may may mắn thoát chết nhận nước thánh và tên gọi chính thức Pablo Ruiz Picasso.
Giữa Quảng trường De la Merced rộng lớn, danh họa tương lai phất nét bút thứ nhất. Chim bồ câu xinh tươi đậu trên tảng đá. Sóng biển Alboran tới tấp vỗ bờ.
Trên mảnh đất Málaga, văn minh Phoenicia, La Mã, Do Thái, Moor, Thiên Chúa giáo, Tây Ban Nha giao thoa, phát triển rầm rộ. Khắp nơi, mùi hương đặc trưng và màu sắc độc đáo đua nhau khoe mình.
Cây cam trĩu quả chín vàng mọng. Tán phượng tím chen chúc những chùm hoa tím xanh. Đá cuội viên màu xám, viên màu trắng lố nhố.
Đôi mắt non tơ của Picasso nhìn ngắm say sưa. Khối óc ngây thơ tận sức ghi nhớ tất cả, mỗi ngày một lấp đầy thêm kho ký ức vô hình.
Lời đầu tiên cậu bé Picasso thốt lên không phải tiếng gọi “mẹ” hay “cha” mà là “bút chì” (piz), mẫu thân Picasso, bà María Picasso López tự hào khoe như thế.
Rõ ràng, cậu bé đáng yêu của bà đã cho cả nhà biết cậu mong mỏi được vẽ như thế nào. Giống như thiên tài âm nhạc Mozart của Áo được gia đình “hướng nghiệp” từ bé, thần đồng Picasso cũng lớn lên trong cái nôi nghệ thuật, được cha mẹ nuôi dưỡng tài năng từ khi vừa chập chững tập đi.
Cha Picasso, ông José Ruiz Blasc, vừa là họa sĩ, vừa là thầy dạy vẽ đầu tiên của con trai. Ông bảo rằng từ lúc còn ngây ngô như chú chim non chưa biết bay, tài năng nghệ thuật của Picasso đã vượt qua cả cha.
2. Thiên tài kiêu ngạo
Theo David Henry Feldman (Mỹ), nhà tâm lý học nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề thần đồng thì thần đồng là một hiện tượng bất thường, có thể còn là điều “ngoài mong muốn và nguy hiểm” nữa.
Lý do là vì một thần đồng luôn phải trưởng thành sớm hơn bạn bè cùng trang lứa. Trong khi những đứa trẻ khác vui vẻ chơi đùa thì thần đồng lại loay hoay giải toán, mày mò vẽ tranh hay sáng tác.
Chúng không thể dừng lại bởi tâm trí bị khát khao khám phá chiếm hữu, ép buộc phải tìm hiểu đến gốc đến rễ mới chịu thôi.
Nhiều người sẽ khiêm tốn từ chối tự nhận mình là thiên tài, nhưng Picasso thì khác. Ông ngạo mạn đến mức, vào năm 1946, sau khi đi xem một cuộc triển lãm nghệ thuật cho thiếu nhi ra về, đã thốt lên: “Ngay cả lúc mới 12 tuổi, tôi đã vẽ được như Raphael (danh họa Ý) rồi”, còn thề “không bao giờ tốn thời gian cho những buổi triển lãm như thế này nữa”.
Theo lời kể của người nhà Picasso, Picasso vẽ liên tục. Cậu cứ múa bút cho đến khi kiệt sức gục xuống mới thôi. Thi thoảng, nếu anh chị em họ hàng xêm xêm tuổi tác nhờ vẽ hộ, Picasso cũng đồng ý.
Cha mẹ Picasso cẩn thận cất giữ từng bức họa của con trai. Nổi tiếng nhất trong những tranh vẽ đầu tay của Picasso khi dưới 10 tuổi có lẽ là bức Le Picador vẽ một người đánh ngựa.
Những năm thiếu niên, Picasso vinh dự trở thành họa sĩ truyền thần của cả nhà. Cậu cũng vẽ tranh chân dung cho bạn bè. Năm 16 tuổi, Picasso nhập học Học viện Mỹ thuật Hoàng gia danh giá.
Kể từ đó, cậu nghiêm túc nghiên cứu hội họa của các bậc thầy Tây Ban Nha như Diego Velázquez và El Greco. Cũng trong khoảng thời gian này, ngoài vẽ ra, Picasso chưa quan tâm bất cứ thứ gì khác.
3. Mở ra thời đại mới
Chỉ một số ít các thần đồng sẽ trở thành thiên tài khi lớn lên, Picasso nằm trong số ít đó. Ông lao về phía trước nhanh và mạnh như một con bò đấu. Bằng bức Les Demoiselles d’Avignon vẽ năm 26 tuổi, Picasso ấn định bản sắc cá nhân.
- Xem thêm: Một bảo tàng mới cho Picasso
Les Demoiselles d’Avignon là bức tranh vẽ 5 phụ nữ khỏa thân trong một ổ điếm. Khuôn mặt của tất cả bọn họ đều méo mó, còn cơ thể thì góc cạnh.
Rất nhanh, bức tranh độc đáo này trở thành nền tảng cho một phong trào nghệ thuật mới là chủ nghĩa lập thể. Không chỉ thế, nó còn vượt lên đứng đầu danh sách những bức họa ấn tượng nhất của thế kỷ XX.
Thật không ngoa khi nói rằng chính vào khoảnh khắc Les Demoiselles d’Avignon ra đời, Picasso đã phá vỡ mọi quan niệm về nghệ thuật đương đại.
Dù vẽ liên tục như phát điên phát cuồng, Picasso chưa bao giờ cảm thấy đủ. Ông bất chấp thị hiếu của số đông, chỉ vẽ thứ mình muốn vẽ. Thay vì làm vừa lòng người thưởng thức, Picasso trông đợi họ sẽ quan tâm và chấp nhận sự phá cách của mình.
Trong một thử nghiệm khám phá thần kinh học, nhà thần kinh học Edward Vessel (Mỹ) tiến hành quét não người ngắm tranh và xếp hạng phản ứng theo thang điểm từ 1->4.
Ông phát hiện: chỉ khi đứng trước những bức tranh đặc biệt đẹp hoặc đặc biệt nổi bật, não bộ mới kích hoạt vùng não mặc định “default mode network” viết tắt là DMN.
Vùng não này liên quan tới các hoạt động không tập trung tự phát, ví dụ như mơ mộng giữa ban ngày hay suy tư lung tung. Nó cho phép chúng ta “phiêu” theo những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân thầm kín nhất.
Thử nghiệm của Vessel kết luận: một tác phẩm nghệ thuật chỉ trở thành tác phẩm sống mãi với thời gian khi nó có khả năng đánh động DMN. Và tranh của Picasso luôn làm được điều đó. Nhưng còn một điều hết sức ngạc nhiên ở đây.
Đó là trước thử nghiệm của Vessel từ rất lâu, Picasso dường như đã biết đến kết luận ấy. “Bức tranh chỉ sống qua đôi mắt người chiêm ngưỡng”, ông từng bày tỏ.
4. Sức sáng tạo vô hạn
Ngoài việc được cha mẹ quan tâm nuôi dưỡng tài năng, Picasso còn được vô số bậc thầy mỹ thuật góp công dạy dỗ.
Tại quán cà phê Quatre Gats ở Barcelona, cậu bé Picasso gặp gỡ nhiều danh họa giàu kinh nghiệm, được họ nhiệt tình truyền đạt kiến thức.
Ở Paris, nơi chàng thanh niên Picasso chuyển đến vào năm 22 tuổi và vẫn còn là một họa sĩ nghèo rớt mùng tơi, anh kết giao với 2 nhà văn hàng đầu (Guillaume Apollinaire của Ba Lan và Gertrude Stein của Mỹ) và 3 họa sĩ thành danh của Pháp (Henri Matisse, André Derain, Georges Braque).
Qua lại với toàn các “nhân vật lớn” như thế nên Picasso cũng sớm được giới thiệu trong làng nghệ thuật. Nhưng chính xác là nhờ tài năng hội họa tột đỉnh, ông mới bước vào vị trí trung tâm.
Suốt cả cuộc đời, Picasso quay cuồng trong khát khao thể hiện tài năng thiên bẩm. Không có, lần nào danh họa đánh mất đam mê làm chủ nguồn cảm hứng vô tận.
“Nó gần như một kiểu bệnh thần kinh ấy”, Diana Widmaier Picasso, sử gia nghệ thuật Pháp, đánh giá. Vì khát khao ấy, Picasso hăng say sáng tạo không ngừng nghỉ. Ngoài vẽ tranh, ông còn điêu khắc, làm gốm, thậm chí chế tác đồ trang sức.
Trong khối óc của Picasso, hàng ngàn ý tưởng đua nhau bùng nổ. Những thứ đã được hiện thực hóa qua đôi bàn tay và cây cọ mới chỉ là một phần nhỏ xíu mà thôi. Như câu “Lực bất tòng tâm”, cái mà Picasso luôn thiếu lại là sức lực.
“Nếu phải so sánh thì Picasso giống hệt như một miếng bọt biển”, Emilie Bouvard, nhà nghiên cứu nghệ thuật đương đại người Pháp, nói.
Ông có khả năng ghi nhớ vô biên y như bọt biển hút nước. “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, cả tài năng lẫn cơ hội, cá tính, sự ủng hộ, Picasso đều có.
Hơn tất cả, Picasso biết rõ tầm vóc và sự ảnh hưởng của mình. Ông chắc chắn chính bản thân mới là cột trụ nghệ thuật đặc biệt quan trọng trong tương lai.
5. Hiến tế thân nhân
Có mọi thứ nhưng Picasso cũng không chống được thời gian. Để áp chế nỗi lo sợ cái già đã đến trên đầu, ông quay ra quyến rũ phụ nữ.
“Picasso luôn tỏa sáng, như thể ông ấy có một ngọn lửa ở bên trong cơ thể vậy”, Fernande Olivier, người chung sống với danh họa từ những năm 1905-1912 tại Paris thừa nhận. Nhưng Fernande cũng sẽ sớm hối hận vì đã để bản thân bị mê hoặc. Với Picasso, nghệ thuật luôn là ưu tiên thứ nhất.
Không một ai được phép đến gần Picasso trong lúc ông đang làm việc. Nếu ai đó cứ cố tình, Picasso sẽ coi họ như rác rưởi.
Ông thậm chí còn dọa sẽ ném nữ họa sĩ Francoise Gilot (Pháp) xuống sông và định làm thế thật khi bà cứ cố nói chuyện với ông trong lúc ông đang mải mê suy nghĩ.
Picasso có khá nhiều con cháu, nhưng không quan tâm tới bất cứ đứa nào. Ông cũng có nhiều hơn một “nàng thơ” song nàng nào nàng ấy đều bất hạnh y như nhau.
Người tình Marie-Thérèse Walter thì treo cổ tự vẫn. Nhân ngãi Dora Maar rơi vào trầm cảm nặng. Ngay cả vợ cả Olga Khokhlova cũng phải sống trong cảnh chăn đơn gối chiếc, không một lần được chồng tới thăm nom những 20 năm.
Tuy nhiên, Jacqueline là “nàng thơ” tội nghiệp hơn cả. Bà dành trọn thời gian yêu thương, chăm sóc Picasso khi ông sắp gần đất xa trời.
Vậy mà Picasso cũng chẳng tốt gì với người vợ thứ hai này cho lắm. Cuối cùng, sau khi Picasso mất không lâu, Jacqueline cũng kết thúc cuộc sống bằng cách tự nã một viên đạn vào đầu.
Suốt cuộc đời, Picasso “hiến tế những phụ nữ ông yêu để nuôi nghệ thuật”. Ông cần họ để xoa dịu nỗi cô đơn, tràn dâng niềm cảm hứng, nhưng lại quăng bỏ tức thì một khi hết cần như người ta vứt rác.
Các con cháu của Picasso còn khốn khổ hơn nữa. Không người nào trong số họ từng cảm nhận được hơi ấm từ cha, từ ông.
Cái kiểu cách đối xử lạnh nhạt, xua đuổi tàn nhẫn của Picasso thậm chí còn khiến cháu nội là Pablito uất ức đến mức chọn tự vẫn luôn cho ông nội vừa lòng. “Nghệ thuật của ông ấy đòi hỏi sự hiến tế”, Marina Picasso, một cháu nội khác của Picasso kể lể.
“Ông ấy kéo mọi người đến gần mình chỉ để khiến họ tuyệt vọng mà thôi và rồi nhấn chìm họ”. Con đường từ một thần đồng trở thành thiên tài hội họa của Picasso chính xác là đã được trải đầy hoa.
Nhưng với những người yêu thương ông chân thành, mớ hoa ấy chẳng khác nào gai nhọn. Chúng thi nhau đâm vào gan bàn chân họ, để lại nỗi đau buốt suốt đời.