Trong suốt thời Nữ hoàng Victoria (1837-1901), không chỉ riêng Vương quốc Anh mà cả châu Âu điên cuồng dùng đỉa trị liệu.
Người ta tin rằng những con đỉa hút máu có thể chữa được bách bệnh, từ đau đầu cho đến bệnh tâm thần. Chỉ riêng tại Pháp, hơn 1 tỉ con đỉa đã được sử dụng để chữa bệnh mỗi năm.
Những lúc đắt đỏ, 100 con đỉa cũng có giá tới 5 đôla, tương đương với 100 USD ngày nay, tức là vào khoảng 2,3 triệu đồng.
Và để giữ những con đỉa quý giá ấy, giới thủ công sáng tạo ra một kiểu bình gốm có nắp độc đáo. Trên tất cả, những bình gốm này được trang trí cực kỳ công phu, lắm khi còn được mạ vàng.
Có từ thời cổ đại
Trong thực tế, việc sử dụng đỉa để chữa bệnh đã không đợi đến thế kỷ 19 mới thực hành. Trong văn bản y thuật cổ đại Sushruta Samhita, tài liệu được xem như “cha đẻ của phẫu thuật tạo hình”, viết bằng tiếng Phạn vào khoảng năm 800 trước Công nguyên, trị liệu bằng đỉa đã được đề cập đến. Nó phân đỉa ra làm sáu loại, tùy theo mức độ độc và không có độc.
Về cơ bản, đỉa là một sinh vật sống dưới nước thuộc ngành Giun đốt (Annelida). Chúng là loài thân mềm, có nhớt, rất giỏi di chuyển trong nước, ưa hút máu các loài động vật và con người.
Trong quá trình hút máu, đỉa tiết ra chất chống đông, khiến cho “con mồi” dù đã thoát khỏi cái miệng giác hút của chúng rồi vẫn tiếp tục bị chảy máu.
Đối với y học cổ truyền phương Đông, chuyện dùng đỉa để chữa bệnh cũng chẳng phải chuyện gì lạ. Ít nhất thì Thần nông Bản thảo Kinh, bộ sách y thuật đầu tiên của Trung Quốc, cũng đã nhắc đến phương pháp này.
Và là dù ở phương Đông hay phương Tây, chuyện sử dụng đỉa chữa máu bầm, máu tụ, mụn nhọt… vẫn được duy trì rải rác dọc theo dòng lịch sử.
Chỉ là vào thế kỷ 19, nó bất chợt rộ lên ở cả châu Âu lẫn châu Mỹ. Đầu đuôi cũng vì bài thuyết giảng quá sức hùng hồn của Francois Joseph Victor Broussais, một bác sĩ quân y Pháp.
Sinh thời, Broussais (1772-1838) cực kỳ tín nhiệm “nhà đỉa”. Dù chỉ bị đầy bụng, khó tiêu thôi, ông cũng thả cả 50-60 con đỉa lên người, cho chúng hút máu đến 15 lần.
Như quan niệm cân bằng thể dịch cố hữu của người phương Tây ngày trước (cho rằng sự cân bằng trong cơ thể người được quyết định bởi bốn yếu tố thể dịch là máu, đờm, mật đen và mật vàng), Broussais cũng tin rằng trích máu là cách hữu hiệu nhất để nhanh chóng trị lành nhiều bệnh tật.
- Xem thêm: Nghệ phẩm chạm khắc giấy Mexico
So với việc bị châm bằng kim hay cắt bằng dao thì để đỉa hút có vẻ nhẹ nhàng, ít sợ hơn. Thế nên ông liên tục rao giảng về tác động thần kỳ của đỉa chữa bệnh, khiến liệu pháp điều trị bằng đỉa mỗi ngày một lan ra nhanh chóng.
Phát cuồng vì đỉa
Tin vào Broussais, người ta cũng tin đỉa có thể chữa khỏi mọi thứ bệnh tật trên đời, từ đau đầu cho đến tâm thần phân liệt.
Rất nhanh, đỉa trở thành mặt hàng y tế được tìm kiếm khắp mọi nơi. Tại Pháp, nơi bắt đầu của con sốt đỉa trị liệu, mỗi năm đều có đến hơn 1 tỉ con đỉa được dùng cho mục đích chữa bệnh.
Khắp châu Âu, hằng năm cũng có từ 50-100 triệu con đỉa được các thầy thuốc chữa bệnh rong ôm đi khắp nơi. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, quần thể đỉa hoang dã ở châu Âu đã bị bắt đến cạn kiệt, gần như tuyệt chủng.
Từ châu Âu, cơn sốt đỉa lan sang châu Mỹ. Cứ đến mùa xuân và mùa thu, người câu đỉa lại lấy chính “cặp giò” của mình ra làm mồi, kéo ống quần lội xuống nước, chờ đỉa bơi tới cắn rồi thu hoạch.
Một số ngại “mất máu” thì lấy thịt động vật cột vào đầu gậy nhúng xuống ao, đầm, “mồi chài” đám đỉa đói. Nếu thuận lợi, một người câu đỉa có thể bắt được 100-150 con/buổi.
Chuyện dùng đỉa trị liệu khá đơn giản, chỉ việc đặt chúng lên vị trí cơ thể cần được hút máu của bệnh nhân là xong. Sau khi hút no, chúng sẽ tự rời ra.
Đỉa vốn là loài tiêu hóa chậm. Vì hiếm khi có cơ hội được ăn nên chúng ăn “một lần cho dài lâu”. Với cái bụng căng tròn, chúng nhẩn nha tiêu hóa trong vòng cả vài tháng.
Có điều ở giữa cơn sốt đỉa, các thầy lang không thể đợi được cho đến lúc mớ đỉa của mình tiêu hóa xong. Thế nên khi gấp rút, họ bôi muối vào miệng những con đỉa đang no mòng, buộc chúng phải ói ra máu vừa nuốt.
Tất nhiên là đỉa chữa bệnh cũng được phân loại, nhưng không phải theo tiêu chí có độc hay không có độc trong Sushruta Samhita, mà là theo khả năng phàm ăn và hiệu suất hút máu.
- Xem thêm: Những bia gỗ rực rỡ ở nghĩa trang Merry
Đỉa Thụy Điển và đỉa Đức tốt hơn cả, mỗi con có thể hút được chừng 50ml máu và háu đói đến nỗi vừa đặt xuống da là cắm miệng hút liền.
Các bác sĩ phải bỏ ra cả 5 đôla, tương đương với 100 USD ngày nay (khoảng 2,3 triệu đồng) để mua được 100 con đỉa Thụy Điển. Chia ra thì chỉ 1 con đỉa thôi cũng đáng giá 23.000 đồng.
Dùng hẳn bảo bình để nuôi đỉa
Đỉa là một con vật dễ nuôi nhưng khó giữ. Nhờ cơ thể trơn trượt, vừa bơi được dưới nước lại vừa bò trườn được trên cạn, chúng có thể di chuyển đi bất cứ đâu.
Dù chậm chạp chẳng khác gì ốc sên khi ở ngoài nước, song với khả năng nhịn đói cả hàng tháng, chúng vẫn chinh phục được quãng đường tìm tới nơi sinh sống mới.
Thế kỷ 19 cũng là thời kỳ thịnh vượng của hoạt động “chữa bệnh dạo”. Bởi đất rộng người thưa nên các thầy thuốc cũng phải huy động đôi cẳng mà đi tìm người cần chữa bệnh.
Điều trị bằng đỉa lại chẳng phải là phương pháp gì khó khăn nên nó cũng sớm sản sinh ra cả một đội ngũ thầy thuốc ôm đỉa đi chữa bệnh rong.
Để thuận tiện, họ cần một công cụ nhốt đám đỉa của mình. Những cái lọ bình thường sẽ không thích hợp bởi có nắp thì kín, gây chết ngạt, mà không có nắp thì đỉa thoải mái bò ra ngoài trốn mất.
Khi đỉa hoang mỗi lúc một khan hiếm thì mớ đỉa mà các bác sĩ có cũng là “đỉa quý”. Chúng cần được nuôi giữ cẩn thận và tái sử dụng thường xuyên.
Nắm bắt được nhu cầu, nghề gốm trên khắp châu Âu và châu Mỹ lập tức sáng tạo ra kiểu bình chứa đỉa chuyên dụng.
Nói chung, chúng cũng không khác các loại bình gốm có nắp khác, chỉ là phần nắp được đục nhiều lỗ nhỏ để không khí có thể ra vào.
Khi cơn sốt đỉa lên cao, các thầy thuốc còn chú trọng cả dáng vẻ lẫn chất lượng của bình đựng đỉa nữa. Chúng phải được làm thật đẹp, thật sang, để sao cho vừa nhìn vào là thích ngay lập tức.
Họ không tiếc tiền bạc mua những cái bình được làm công phu, trang nhã. Bình giữ đỉa không còn là món đồ gốm tầm thường, trái lại được nâng lên đẳng cấp mới: bình quý.
Một bình giữ đỉa bình thường của thế kỷ 19 thôi cũng đủ khiến chúng ta phải trầm trồ ngưỡng mộ vì kiểu dáng tao nhã, hoa văn trang trí mỹ lệ.
Lũ đỉa trong bình cũng được chăm sóc kỹ lưỡng, thay nước mỗi ngày vào mùa hè và mỗi tuần vào mùa đông. Dưới đáy bình, các chủ sở hữu cũng không quên rải một lớp sỏi hoặc thả rong rêu cho đỉa chơi.
Một bình giữ đỉa có thể chứa được tối đa 250 con. Nhưng người ta làm thế nào để bắt đám đỉa ra khỏi cái bình (thường là cổ thắt) ấy thì vẫn chưa ai biết. Phương Tây cũng chưa từng thấy vật dụng nào có tên là “que bắt đỉa” cả.
Rất dễ để nhận ra một chiếc bình giữ đỉa bởi nó được in logo “LEECHES” (đỉa) bự chảng trên thân. Khoảng giữa thế kỷ 19 chính là thời điểm “sốt” đỉa trị liệu nhất.
Tất nhiên, nó cũng kéo theo cơn sốt công cụ giữ đỉa. Ngoại trừ những bình đủ loại đẹp mê hồn, phương Tây còn có cả hồ đỉa, nhà đỉa, chum đỉa…
Trên khắp châu Âu và châu Mỹ, các thầy lang tự hào khoe chiếc bình đỉa của mình. Cái bình càng sang trọng, bắt mắt bao nhiêu thì càng khiến người bệnh ưng bấy nhiêu, gật đầu chấp thuận cho chữa liền.
Nhưng cũng như kim tiêm không nên tái sử dụng vì nguy cơ lây truyền bệnh, đỉa “dùng lại” đi kèm hậu quả tương tự.
Càng lạm dụng đỉa chữa bệnh bao nhiêu thì khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm, ví dụ giang mai, sốt puerperal, càng cao bấy nhiêu.
Đến cuối thế kỷ 19, sau nhiều sự cố lây lan bệnh vì đỉa trị liệu, cơn sốt đỉa dần lắng xuống. Sang đầu thế kỷ 20, nó gần như “đứt bóng”.
Gần đây, chuyện sử dụng đỉa làm phương pháp chữa trị lại lần nữa quay trở lại. Qua sự kiểm soát của y tế, nó không tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như trước nữa, còn được sử dụng đúng bệnh, đúng người một cách chính xác. Chỉ là những bình quý chứa đỉa thì đã vắng bóng thật rồi.