Hơn hai trăm nữ họa sĩ đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng “hiện diện trong sắc màu” tại cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1 – khai mạc chiều 24-6). Đây là lần gặp gỡ thứ 10 của nữ giới hoạt động mỹ thuật, do Hội đồng Nữ họa sĩ quốc tế (INWAC) đề xướng, đã từng diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Với chủ đề chung “Sự hiện diện của nữ giới trong sắc màu” (Her presence in colours), triển lãm đầu tiên năm 1993 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chỉ có sự góp mặt khá khiêm tốn của bảy tác giả đến từ Penang và Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hongkong (Trung Quốc); lần thứ hai tại Penang số tác giả đã tăng lên 12; và theo thời gian các triển lãm cứ dần dà tăng thêm số lượng họa sĩ cũng như mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động; sau hai lần liên tiếp được tổ chức tại Penang, lần lượt đến Bangkok, Sheffield (Anh), Melbourne (Úc), Dague (Hàn Quốc), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Portland (bang Oregon, Mỹ). Nếu như triển lãm lần thứ chín (2010) tại Portland có sự tham gia của 84 họa sĩ đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ thì lần này tại TP. Hồ Chí Minh là cuộc gặp gỡ đông vui nhất.
Nhiều hoạt động bên cạnh triển lãm tác phẩm
Theo tiến sĩ Yuen Chee Ling, người sáng lập và hiện là Chủ tịch INWAC, các triển lãm được tổ chức nhằm thúc đẩy – nuôi dưỡng mối quan tâm về bản chất độc đáo của mỹ thuật nữ trong mối liên quan với những cảm xúc và nhận thức của nữ giới. Bên cạnh triển lãm tác phẩm, các cuộc gặp gỡ còn là dịp để các nữ họa sĩ trao đổi trong các cuộc hội thảo, dự các chuyến tham quan văn hóa – du lịch – mỹ thuật.
Tại cuộc hội ngộ lần này ở TP. Hồ Chí Minh, một loạt chương trình tham quan đã được tổ chức trước và sau ngày khai mạc triển lãm như: tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc cổ theo phong cách Baroque vừa được công nhận là di sản văn hóa và là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị; đi tour một vòng thành phố để tham quan chùa Giác Lâm, nhà thờ Đức Bà, bưu điện Sài Gòn, dinh Thống Nhất…; đi tour một vùng sông nước Nam bộ bằng thuyền, thưởng thức ca nhạc tài tử, thăm vườn cây ăn trái… Đặc biệt, vào ngày 23-6 cả đoàn nữ họa sĩ đã đến tham quan cơ sở gốm sứ Minh Long tại Bình Dương và tham gia vẽ tranh trên gốm. Trong ngày 25-6, một cuộc hội thảo với chủ đề “Mỹ thuật dành cho phụ nữ – hướng đi mới cho văn hóa toàn cầu” được tổ chức tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, qua đó các tham luận và phát biểu “thể hiện tầm nhìn chung và sứ mệnh của các nữ họa sĩ cũng như khát vọng của họ về sự phát triển của một nền văn hóa thế giới mới, chú trọng vào các khía cạnh nhân văn trong đời sống và những mối quan tâm của họ đến việc thực hiện một môi trường bền vững”.
Một triển lãm đa dạng
Để trưng bày trọn vẹn vài trăm tác phẩm của 212 nữ họa sĩ, trong đó có 134 họa sĩ quốc tế và 79 họa sĩ Việt Nam, phải cần toàn bộ không gian của tòa nhà mới cải tạo trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Và để nắm bắt được vẻ đẹp của các tác phẩm người xem cần phải dành nhiều thời gian. Tuy nhiên, có thể cảm nhận ngay những dấu ấn rõ nét mà tác phẩm của nhiều họa sĩ nước ngoài mang đến triển lãm này. Nếu như hầu hết họa sĩ bản xứ vẫn quen thuộc với tranh giá vẽ hai chiều thì nhiều tác giả bạn thể hiện những kỹ năng nghệ thuật đa dạng và công phu. Nói cách khác, tác phẩm của nữ họa sĩ đến từ nhiều nước có cách bày tỏ “3D”, sinh động hơn, thu hút hơn. Chẳng hạn, tác phẩm Hương sen của họa sĩ – giáo sư Ji-Hee Kim (Hàn Quốc) được làm bằng vải với các thành phần thuốc nhuộm từ thiên nhiên. Là giám đốc bảo tàng về nghệ thuật nhuộm tự nhiên và giảng dạy về chuyên ngành này tại Đại học Daegu, bà Ji-Hee Kim đã giới thiệu một công trình nghệ thuật đầy trí tuệ và thẩm mỹ. Hay tác phẩm Luận thuyết của Shirley MacGregor, một nghệ sĩ Mỹ chuyên sáng tác với kỹ thuật khâu chằm (quilting) mà bà học được từ gia đình thời thơ ấu và sau này tiếp tục phát triển, hoàn thiện kỹ năng khi đến sống tại Nhật, Hàn Quốc vốn có thế mạnh về nghề khâu chằm. Từng viết nhiều sách về kỹ thuật và nghệ thuật khâu chằm, bà Shirley MacGregor giới thiệu tại triển lãm một tác phẩm lạ mắt và đầy sáng tạo.
Có thể kể nhiều hơn về tranh thủy mặc khá đặc sắc của những tác giả đến từ Trung Quốc, tranh dán giấy (collage) của Alice Lee (Singapore ) và Dorothy Riggs (Mỹ) – loại tranh rất dễ “nhà quê” nếu tay nghề không cao, tranh in kỹ thuật số trên vải của Park Nam Hee (Hàn Quốc) và các kỹ thuật tổng hợp, kết hợp nhiều hình thức thể hiện…
Bên cạnh những đề tài lớn, thể hiện “những cảm nhận sâu thẳm, những suy nghĩ nhằm hướng tới sự thúc đẩy nền hòa bình toàn cầu, cũng như sự hòa hợp tiến bộ xã hội nói chung, phản ánh nguyện vọng của mình cho một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai” như phát biểu khai mạc của tiến sĩ Yuen Chee Ling, có thể thấy trong tranh của các bà, các cô dù sống ở phần đất nào trên trái đất này cũng đầy những tình cảm đằm thắm của nữ giới: họ vẽ về gia đình, con cái, tình yêu thương, thời thơ ấu đẹp đẽ… hay có khi chỉ là cái bếp thân thuộc của mình như tác phẩm Cảnh bếp của Jan Aileen Carpenter (Mỹ)…
Hội đồng Nữ họa sĩ quốc tế (INWAC) được thành lập vào năm 1999 với trụ sở chính tại Viện Mỹ thuật Penang là một mạng lưới toàn cầu với 17 khu vực tiểu trung tâm (INWAA). Họa sĩ Nguyễn Thị Quang Vinh và họa sĩ Đặng Thị Dương hiện là đồng chủ tịch INWAA – Việt Nam.
Dự triển lãm lần thứ X của INWAC tại Việt Nam, có các nữ họa sĩ quốc tế đến từ Anh, Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Israel, Trung Quốc lục địa, Ai Cập, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).