Trong một loạt cuộc phỏng vấn của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông đã chế tạo một hệ thống vũ khí hạt nhân mà “chưa từng ai có được”. Tuy nhiên, sự phức tạp khi thiết kế vũ khí hạt nhân đã làm cho hệ thống mới này chỉ là một ảo tưởng bất khả thi trong vòng 3 năm cầm quyền của ông.
Nhưng có thể ông muốn nói đến việc cải biên đầu đạn W76, còn được gọi là W76-2, tạo ra ít ồn ào công luận hơn. Tổng thống Donald Trump đã nói như thế trong cuộc phỏng vấn của Bob Woodward và sau đó ông này đã viết quyển sách mang tên Rage (Nổi điên) vừa ra mắt. Trích đoạn phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Washington Post, trong đó ông nói với nhà báo nổi tiếng nhất nước Mỹ đã hai lần đoạt giải Pulitzer.
Tổng thống Donald Trump: Tôi đã tạo ra một hệ thống vũ khí hạt nhân mới mà ở nước này chưa từng ai có trước đó. Chúng tôi có cái mà anh chưa từng nhìn thấy hay nghe nói tới. Chúng tôi có cái mà cả Tổng thống Putin lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đều chưa từng nghe nói. Không ai cả. Cái mà chúng tôi có là không thể tin được.
Bob Woodward: Câu nói gây ra tò mò khi Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ chưa từng công bố phát triển loại vũ khí hạt nhân mới nào hay tìm kiếm ngân sách để thực hiện. Vũ khí hạt nhân là cực kỳ khó chế tạo và tốn kém vô cùng, và phải mất không dưới một thập niên nỗ lực, thậm chí còn lâu hơn nữa, kể từ lúc bàn cãi tính toán cho đến khi đưa vào kho chứa để sẵn sàng khai hỏa.
Vậy thì Tổng thống Donald Trump muốn nói đến cái gì? Có lẽ ông muốn ám chỉ đến W76-2, một loại đâu đạn hạt nhân mới thiết kế dành cho tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo Trident D-5 của Hải quân Hoa Kỳ. Hải quân Hoa Kỳ hiện đang có 12 đội tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỗi đội có khoảng 20 tàu ngầm Trident D-5, và mỗi chiếc D-5 có 4-5 đầu đạn W76. Mỗi đầu đạn có sức công phá 100 kiloton, khoảng gấp 6 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Với tầm bắn 4.600 dặm, một chiếc tàu ngầm Hoa Kỳ đậu ở ngoài khơi bờ biển Canada, có thể “trút mưa xuống” phía Tây nước Nga 80-100 đầu đạn hạt nhân!
Đầu đạn W76-2 được Chính quyền Trump nói đến lần đầu tiên vào tháng 2-2018 như một loại vũ khí “đối phó với bất cứ nhận thức sai lầm nào về lổ hỗng có thể khai thác được trong khả năng ngăn chận của nước Mỹ”. Các nhà hoạch định quân sự lo lắng Hoa Kỳ không có loại vũ khí hạt nhân nhỏ, chiến thuật, công suất thấp để đối phó nhanh chóng với một cuộc tấn công hạt nhân cấp thấp của Nga. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ bị giới hạn ở loại bom hạt nhân trọng lực thả ra từ máy bay, phải mất nhiều giờ để chuẩn bị trước khi phản công. Một chiếc tàu ngầm Trident D-5 có thể bắn ra loại bom cấp thấp như W76 -2 trong vòng vài phút, tạo ra những lằn xẹt xuyên qua hệ thống phòng thủ không lưu của kẻ thù, gần như bảo đảm trúng đích.
- Xem thêm: Cuộc đua vũ khí hoá không gian
Vũ khí nhiệt hạch như W76-2 được thiết kế để sử dụng 2 giai đoạn cho công suất nổ – sơ cấp và thứ cấp. Giai đoạn phân hạch sơ bộ là vũ khí hạt nhân cấp thấp để kích hoạt cho giai đoạn 2, nổ hợp nhân – khinh khí, mạnh hơn rất, rất, rất nhiều. Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia giải thích W76-2 chỉ là một W76 được cấu hình lại để “nổ ở giai đoạn sơ bộ”. Không ai bên ngoài Chính phủ Hoa Kỳ biết chắc giai đoạn sơ bộ của W76 nhỏ đến mức nào, nhưng có vẻ như trong khoảng 4-10 kiloton hay 4.000 đến 10.000 tấn TNT. Liên hiệp Khoa học gia Mỹ (FAS) ước tính giai đoạn sơ bộ sản sinh ra 5 kiloton.
Đầu đạn W76-2 chỉ là một W76 cải biên nên tương đối dễ dàng triển khai nhanh. Vào cuối năm 2019, nó đã được triển khai trên tàu ngầm tên lửa USS Tennessee. FAS ước tính Chính Phủ Mỹ đã tái chế 50 đầu đạn W76 thành W76-2, và mỗi tàu ngầm đều mang theo 1-2 tên lửa đặc biệt này trong mỗi chuyến tuần tra.
Ông Donald Trump mô tả W76-2 là một vũ khí “chưa ai có bao giờ”. Thế nhưng nhu cầu thực sự của W76-2 đã gây tranh cãi dữ dội bên ngoài Chính phủ, với nhiều quan sát viên tin rằng nó là “không cần thiết và nguy hiểm”. Liên hiệp Khoa học gia Mỹ tin rằng một đối thủ có thể nhìn thấy chiếc tàu ngầm Trident D-5 phóng đi tên lửa, nhưng không biết là nó mang đầu đạn hay W76-2 hay W76. Đầu đạn mới có thể xóa nhòa ranh giới giữa chiến trường cổ điển và toàn bộ kho vũ khí hạt nhân.
Với uy tín của một tổng thống, ông Trump không mô tả vũ khí mới của mình là mới, kỳ lạ hay chẳng nơi nào có được. Ông chỉ nói là quân đội Mỹ có thứ vũ khí mà bạn “chưa từng thấy hay nghe nói”.mà thôi! Chúng ta chưa có chìa khóa để biết chúng là gì, nhưng gần như chắc chắn là chúng có thật.
Nó đã thực sự ra biển
Ở đâu đó dưới đáy biển Đại Tây dương, chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Tennessee đang làm nhiệm vụ mà nó từng làm trước đó hàng mấy chục lần: ngăn chặn đối phương bất ngờ tấn công vào nước Mỹ. Nhưng lần này, nó mang theo một loại vũ khí mới được thiết kế để chứng minh Washington có thể đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật mà đối phương phát động từ lãnh thổ của mình.
Vũ khí đó là đầu đạn hạt nhân W76-2. Thông thường, những chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo như USS Tennessee ra biển với 20 tên lửa Trident II D-5 phóng đi từ đáy biển, mỗi chiếc mang theo 4-5 đầu đạn W76 hay W88. Mỗi đầu đạn W76 có công suất nổ 90 kiloton hay 90.000 tấn TNT, đủ để san phẳng một thành phố hay một vùng công nghiệp. Để so sánh, quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945 chỉ có 16 kiloton. Những tên lửa khác có thể mang đầu đạn W88 mạnh hơn: 455 kiloton.
Hoa Kỳ có 12 đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo giống như chiếc USS Tennessee, với một số trực chiến 24/24 giờ dưới đáy biển. Nhiệm vụ của chúng là ẩn mình dưới đáy sâu, chờ đợi tín hiệu báo Hoa Kỳ đang bị tấn công hạt nhân. Những chiếc tàu ngầm này được thiết kế để “đánh dạt” ra ngoài mọi tên lửa bắn tới và tấn công lại đối phương. Ý tưởng chiến lược là: “Không quốc gia nào có thể tấn công hạt nhân nước Mỹ bất ngờ, trừ phi nó biết chắc mình không bị trả đủa ngay trước khi đạt được mục tiêu”. USS Tennessee và những chiếc tàu khác phải bảo đảm đáp trả và đánh dạt được tên lửa của kẻ thù.
W76-2 hiện nay chính là một đầu đạn khinh khí điển hình được cải biên từ W76, nổ ở công suất thấp chỉ vào khoảng 5 kiloton hay 5.000 tấn TNT. Lầu Năm Góc tin rằng Nga đang cân nhắc một chiến lược trong đó bắn đi vũ khí hạt nhân chiến thuật để kết thúc một cuộc xung đột theo ý muốn của mình. Chiến lược “leo thang để xuống thang” này nhằm làm cho các đối thủ như Hoa Kỳ hay NATO kinh hãi, buộc họ phải đáp trả bằng toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình hay nhượng bộ.
- Xem thêm: ‘Quan tài hạt nhân’ của Mỹ
Lý luận nằm sau W76-2 là sẽ cung cấp cho Hoa Kỳ khả năng đáp trả vũ khí hạt nhân loại “bỏ túi” bằng chính loại mini, nhưng khủng khiếp hơn! Trên lý thuyết, nó ngăn chặn đối phương tấn công hạt nhân trước, khi biết chắc Washington cũng sẽ đáp trả y chang như vậy!
Tất cả những điều này có cần thiết? Có thể là không. Các nhà hoạt động kiểm soát vũ khí đang vất vả vận động chống lại W76-2, nói rằng đó không phải là một hệ thống vũ khí cần thiết. Nhưng Chính quyền Trump vẫn thúc đẩy phát triển nhanh và triển khai đều khắp cho đạo quân tàu ngầm của mình. Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ đang bàn luận sâu sắc về kỹ thuật, chiến lược và chính sách của loại đầu đạn mới này.
Từ nay W76-2 sẽ đi ra biển với tất cả các cuộc tuần tra tàu ngầm trong tương lai.
Phóng tên lửa từ dưới nước, chuyện không hề dễ dàng
Phóng tên lửa từ tàu ngầm không phải dễ dàng như ấn một cái nút đỏ to! Phải nắm vững khoa học về tên lửa và đạn đạo để bảo đảm nó xuất phát từ ống phóng dưới nước, đi thẳng vào quỹ đạo thấp của trái đất với tốc độ 13.000 dặm/giờ và có khi lại quay loạn xạ như chong chóng khi ra khỏi mặt nước! Dĩ nhiên, không phải lúc nào tàu ngầm cũng có thể bắn tên lửa vào không gian từ đáy nước thành công. Trong hai trận thế chiến, tàu ngầm được trang bị ngư lôi và súng phòng không hạng nhẹ. Tàu ngầm rải mìn cũng từng gây kinh hoàng trong nửa đầu thế kỷ 20.
Nhưng khi bắt đầu Chiến tranh lạnh, rõ ràng là tên lửa hạt nhân sẽ quyết định tương lai những cuộc xung đột trên thế giới. Các phiên bản sớm nhất của kỹ thuật này – như bom bay V1 và V2 của Đức Quốc xã để tấn công London – được sử dụng cho khởi đầu thiết kế. Các tên lửa này có tầm bắn vài trăm dặm, nghĩa là cần phải có máy bay hay tàu chiến mang nó đến gần mục tiêu. Tàu ngầm mang được tên lửa là một vũ khí hoàn hảo bởi vì có thể mang bom giết người hàng loạt đến gần mục tiêu mà đối phương không hề hay biết.
Năm 1947, Hoa Kỳ phóng tên lửa JB2-Loon sao chép trực tiếp từ V1 của Đức Quốc xã phóng từ boong tàu ngầm USS Cusk. Thử nghiệm thành công, nhưng sử dụng một hệ thống thô sơ và cồng kềnh. Năm 1953, chiếc USS Tunny được cải tiến thành một tàu ngầm phóng tên lửa thực sự, nhưng quy trình phóng lại rất lạc hậu. Nó phải trồi lên mặt nước, rồi tên lửa được khiêng từ kho chứa, đưa lên đường ray phóng trên boong tàu trước khi khai hỏa. Trong tiến trình này, tàu ngầm dễ dàng làm mồi cho máy bay từ trên cao. Lớp tàu ngầm Grayback được chế tạo để phóng tên lửa từ trên mặt nước.
Cho đến cuối thập niên 1950, khoa học vẫn chưa khống chế được kỹ thuật bắn tên lửa xuyên qua mặt nước. Đến đầu thập niên 1960, Hải quân Hoa Kỳ phát triển được tên lửa đạn đạo Polaris A1. Phóng đi thành công từ tàu ngầm George Washington là một cuộc cách mạng lớn vì cho phép nó vẫn chìm dưới đáy nước. Từ đó, những cải tiến liên tục diễn ra cho đến ngày nay. Tên lửa ngày càng gia tăng tầm xa, công suất nổ và mức độ chính xác. Polaris đầu tiên có tầm xa 1.000 dặm, mang một đầu đạn hạt nhân 600 kiloton, với mức chính xác là 1 dặm. Năm 1972, phiên bản mới Polaris B3, đổi tên thành Poseidon C3, đạt tầm xa 3.000 dặm, mang 12 đầu đạn! Năm 1979, đứa con cưng nhất của thần Biển ra đời: Trident C4 đạt tầm xa 4.600 dặm, với cùng số lượng đầu đạn, nghĩa là một tàu ngầm nấp ở giữa Thái Bình Dương có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Liên Xô!
Ngày nay, lớp tàu ngầm Ohio của Hoa Kỳ và lớp Vanguard của Anh được trang bị hệ thống vũ khí Trident đời thứ 6. Do công ty Lockheed Martin chế tạo, tên lửa Trident II D-5 là một ống hình trụ dài 13,2m, nặng gần 54 tấn, phóng đi bằng khẩu pháo hơi nước. Trước tiên, một trái nổ làm cho bồn chứa nước bốc thành hơi trong tích tắc. Áp lực hơi nước đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng, khiến nó rời khỏi mặt nước. Giai đoạn này hết sức nguy hiểm. Nhiều hệ thống an toàn được lăp đặt để vô hiệu hóa tên lửa nếu nó không rời khỏi được tàu ngầm. Tên lửa bị giảm tốc độ khi rời khỏi mặt nước và hấp lực kéo ghì nó xuống. Tiếp theo là tên lửa đầu tiên trong 3 tầng được khai hỏa. Nếu không may mắn, tai họa là ở giai đoạn này. Lần thử tên lửa Trident đầu tiên trên tàu ngầm USS Tennessee năm 1989 bị thất bại vì lớp nước bám theo phía sau tên lửa hòa trộn với vòi phun nước, khiến cho nó xoáy tròn như chong chóng trong vòng 4 giây trước khi nổ tung như cây pháo. Nếu ổn thỏa, tên lửa tầng 1 cháy trong vòng 65 giây. Trong giai đoạn này, nó triển khai một mũi nhọn khí động học để “làm mềm” lớp không khí ở phía trước đầu múm. Không có mũi nhọn này, tên lửa không thể “sống sót” để lao vào không khí, khi tầng 2 khai hỏa, tạo ra tốc độ cực nhanh và áp lực rất cao.
Ngay trong phút đầu tiên này là giai đoạn sinh tử. Nó lao lên khỏi mặt nước 600 dặm, rồi khai hỏa tầng 3, nhắm vào mục tiêu. Cũng không hề dễ dàng. Theo một báo cáo mới bị rò rỉ, tên lửa Trident của Anh phóng đi ở ngoài khơi Florida vào tháng 6.2016, dự định đi về hướng Đông, đến một mục tiêu ở gần châu Phi. Nhưng nó đã xoay đầu về hướng Tây, nhắm vào Hoa Kỳtrước khi bị phá hủy!