Miếng ngon nhớ lâu, nhất là miếng ngọt. Phải chăng vì thế mà chè trở thành món tráng miệng được ưa thích ở nước ta? Thường thì chè là món ăn dân dã, nhưng có lúc lại biến hóa thành “món hoàng cung”. Dẫu ở cung bậc nào, chè vẫn ngọt ngào, chứa đựng tình quê, hồn quê tha thiết…
Dân gian thường gọi những ai thích sự mềm mỏng, lời nói ngọt ngào là “người hảo ngọt”. Quả thực, vị ngọt thường mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng thức. Không ai đang nóng giận mà lại có cảm hứng tìm… một chén chè, hoặc giả dụ nếu có thì ăn cũng cảm thấy đắng ngắt, chẳng còn ngon lành gì.
Chè cũng như nhiều món ăn ngọt khác, có lẽ sinh ra để làm ngọt, làm tươi mới lòng người. Chỉ cần đối diện với ly chè, chén chè, dẫu không thèm ăn mà vẫn thấy ngọt ngào, lòng nhẹ nhàng đến lạ.
Vốn là đất nước có nền ẩm thực phong phú, đa dạng từ Bắc chí Nam, chè Việt cũng muôn hình vạn trạng. Có loại chè dùng nhiều nước đường loãng như chè trôi nước, chè thạch, chè đậu đỏ bánh lọt, cũng có thể nửa loãng nửa đặc như nước cháo (chè bưởi, chè khoai môn, chè kê…) hoặc đặc sệt như chè bà cốt, chè đậu xanh đánh…
Món chè cũng là cách thể hiện đậm nét sự phong phú của một nền ẩm thực đặc trưng, khi thành phần chính của chè thường là các loại ngũ cốc như đậu, gạo nếp… cùng với vị ngọt của đường mật mía.
Mỗi miền mỗi vị
Qua mỗi vùng miền, hương chè, vị chè cũng có phần đổi khác. Theo chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương thì người Bắc ăn chè có vẻ mộc mạc nhất, với cách thức chế biến chủ yếu là nấu ngũ cốc với đường mật mía đến khi thật mềm. Không cần thêm thắt nhiều phụ liệu, thậm chí không vị béo của dừa, nhưng chè Bắc tỏa hương rất thơm, khi thì thoang thoảng mùi hoa bưởi, hoa nhài, lúc lại nồng đượm hương dầu dừa, dầu chuối… Thế cũng đủ để người thưởng thức chén chè nhớ thật lâu.
Nếu xét về mức độ tinh tế thì chè Huế dẫn đầu. Người Huế xem chè như một món tráng miệng thường nhật nên tay nghề nấu chè của những người nội trợ Huế luôn ở mức “thượng thặng”. Có một thời, chè Huế rộ lên như một phong cách ăn chè độc đáo ở nhiều thành phố lớn suốt từ Bắc vào Nam, với nhiều biển hiệu như “Chè Huế”, “Chè Cung đình”… Quán nào cũng có hàng chục nồi chè lớn nhỏ, bày la liệt ở mặt tiền quán như một cách phô diễn sự phong phú của món chè đất kinh kỳ.
- Xem thêm: “Thực đơn” bánh Huế
Đại diện cho dòng sang trọng có chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè đậu ngự…, còn cho dòng bình dân thì có chè bắp, chè đậu ván, chè môn, chè khoai mài… Dẫu nhiều nhưng hương vị chè Huế không hề lẫn lộn, ví như vị ngọt gắt của chè bắp hoàn toàn khác với vị ngọt nhẹ của chè kê. Riêng các loại chè nước trong như chè bột lọc, chè nhãn, chè sen lại mang hương thơm và vị thanh mát rất nhẹ nhàng. Tất cả tỉ mỉ từ hình thức đến hương vị như tính cách đài các, chỉn chu của người xứ Huế.
Ở Huế có hai địa chỉ ăn chè nổi danh là các quán chè Hẻm nằm khuất sâu trên đường Hùng Vương, bán đến vài chục loại chè khác nhau và những quán chè dọc hai bên bờ sông Hương, dưới chân cầu Tràng Tiền, thường thu hút du khách bằng món chè mặn đặc sắc: chè bột lọc bọc heo quay. Hương chè thanh ngọt, hòa với vị béo của thịt quay bọc trong lớp vỏ bột khi cắn vào thấy dai dai, sừn sựt. Nhiều người ăn không quen thì vẫn thấy thú vị vì… lạ miệng, để khi về cũng có chút vấn vương như một kỷ niệm khó quên.
Hảo ngọt kiểu phương Nam
Người Sài Gòn ăn chè cũng phóng khoáng như tính cách của họ. Không cần thiết phải môn ra môn, khoai ra khoai, người Sài Gòn thường chuộng nhất món chè thập cẩm, nghĩa là ăn một ly chè có thể thưởng thức đầy đủ vị béo của nhiều loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ…, thêm những sợi rau câu, rong biển giòn giòn, có cả những hạt lựu hồng tươi, bánh lọt nhiều màu khá phong phú.
Ly chè Sài Gòn không thể thiếu vị ngọt béo của nước cốt dừa nấu đặc sệt, thơm lừng – nét đặc trưng dễ mến của sản vật phương Nam. Lại có cả những loại trái cây như chuối, bưởi, củ năng, thậm chí là chôm chôm, sầu riêng… thành chè. Có ý kiến cho rằng người phương Nam hảo ngọt và xét về mặt ẩm thực thì điều đó cũng chẳng sai.
- Xem thêm: Ăn ở chợ: ngon mà rẻ
Đất Nam bộ vốn nhiều ngày nắng nóng, chè lạnh cũng được xem là món tráng miệng, giải nhiệt vừa ngon vừa bổ. Cầm ly chè thập cẩm nhiều màu sắc, đá bào phủ đầy đến hơn nửa ly, người thưởng thức dẫu chưa kịp ăn đã cảm nhận được hơi lạnh ngọt ngào xuyên qua bàn tay, như một làn gió mát hây hây giữa trời nắng nóng.
Ăn chè ở miền Nam còn có màn “xin thêm” rất đặc biệt. Cả người ăn và người bán đều rất dễ tính, vì chỉ cần thấy món gì hấp dẫn, người ăn có thể xin thêm vào ly chè và người bán cũng hào phóng cho, không cần câu nệ thứ thêm vào đó có “quái” không.
Bởi ở đây, ăn là để vui, để thỏa mãn sự hiếu kỳ một lần. Nếu áp dụng phương cách này ở Huế hay Hà Nội, có thể người xin sẽ nhận được cái liếc mắt hoài nghi của những người xung quanh: “Ăn chè gì kỳ lạ vậy!”.
- Xem thêm: Món ăn Việt vươn tới “Top 50” thế giới