Núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi cao nhất ở Nam bộ, nên còn được gọi là núi Một. Ngọn núi giống như hình chiếc lá khổng lồ úp giữa cánh đồng bằng phẳng, bạt ngàn xanh tốt, ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn.
Dãy núi dài 6km, rộng 4km, trong đó núi Bà Đen cao nhất (884m), núi Heo (335m) ở phía Tây; núi Phụng (núi Cậu, 600m) ở phía Nam, thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng. Cùng với núi Thị Vãi, Bà Rịa, Thùy Vân, Bà Kéc, Bà Rá, Sam, Thoại Sơn… núi Bà Đen tạo thành những ngọn núi thiêng ở Nam bộ, gắn liền với tâm thức dân gian của cư dân vùng đất này.
Những tên gọi khác nhau
Gia Định thành thông chí (1820) chép về ngọn núi này như sau: “Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía Tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm người Thổ và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Tứ hay chuông tìm được ở Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn 1 trượng, ẩn hiện bất thường, là do khí linh tụ lại, chứ không phải việc quái đản”.
Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Tự Đức (1848-1883) cũng có ghi chép tương tự về núi Bà Đen, chỉ thêm chi tiết: “Núi này có một tên nữa là núi Điện Bà Sơn. Năm Tự Đức thứ 3 đổi là Linh Sơn, có đăng vào tự điển”.
Những ghi chép trong thư tịch cho thấy sự “tụ thiêng” của ngọn núi này ở khu vực Đông Nam Bộ, những mối giao lưu văn hóa của các tộc người cư trú ở đây với những hình thức tín ngưỡng của họ.
Trương Vĩnh Ký trong Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ (1875) gọi ngọn núi này với các tên: “ngọn Bà Đen (Ba đinh, Chiêng Bà Đen”, “núi Bà Đinh”, “núi Điện Bà” hoặc núi “Chơn Bà Đen”. Tên chữ Hán là “Bà Đinh Sơn”.
Huỳnh Tịnh Của viết về núi Bà Đen trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895) như sau: “Núi Chiêng Bà Đen: tên núi ở phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, trên có chùa thờ bà thần tên là Đen”.
Theo Việt Nam bách khoa từ điển (1960), thì núi Bà Đen là “tên một quả núi ở Tây Ninh (Nam Việt)”.
- Xem thêm: Tản mạn tín ngưỡng dân gian
Trong sách Đất Việt trời Nam (1960), Thái Văn Kiểm cho biết trên triền núi Bà Đen có nhiều động vật và một đền thờ Bà Đen, có lẽ là Uma, nữ dạng của thần Shiva, rất linh thiêng. Núi này thường có mây phủ nên gọi là Vân Sơn.
Sách Sổ tay địa danh Việt Nam (1998) của Nguyễn Dược và Trung Hải viết: “Tên núi bắt nguồn từ truyền thuyết về một người phụ nữ có da ngăm đen. Vì Bà linh hiển, có công cứu dân độ thế nên để nhớ công ơn bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ trên núi và gọi là núi Bà Đen”.
Đinh Xuân Vịnh trong sách Sổ tay địa danh Việt Nam (2002) mô tả về ngọn núi này: “Bà Đen (hay Bà Đinh): núi đá hoa cương, còn gọi là núi Linh Sơn, xưa là núi cao nhất của xứ Gia Định, nay ở tỉnh Tây Ninh, vì hay có mây phủ, nên có tên gọi là Vân Sơn, cách thị xã Tây Ninh khoảng 10km về phía Đông Bắc, cao đột khởi giữa đồng bằng (986m). Đường bậc thang lên chùa Bà Đen ở độ cao 280m. Chùa và núi lấy tên một người con gái tên là Bà Đen, tên thật là Lý Thiên Hương, văn võ song toàn và tinh thần nhân hậu, có công chống giặc ngoại xâm, không may sa vào tay giặc, bà đã tự tử để tròn danh tiết”.
Một cuốn sách khác là Từ điển địa danh văn hóa du lịch Việt Nam (2002) của Nguyễn Văn Tân còn cho biết núi Bà Đen còn có các tên là Bà Đanh, Bà Đinh, Điện Bà, Linh Sơn, Vân Sơn vì hay có mây bao phủ.
Lê Trung Hoa (2013) đưa ra các cách giải thích về địa danh liên quan đến ngọn núi Bà Đen ở Tây Ninh như sau. “Bà Đen là tên dịch địa danh gốc Chăm Chơk Juk “núi đen” – tên bà mẹ xứ sở, có vương hiệu là Po Inư Nagar”. “Núi cách thị xã Tây Ninh 15km, cao 986m, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi là núi Bà”. Nhà địa danh học này tiếp tục đưa ra 5 giả thuyết cắt nghĩa về địa danh này:
- “Nàng Đênh quyết chí đi tu trên núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen”.
- “Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu”.
- “Nàng Rê Đeng cùng chàng đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, núi nàng đắp trở thành tên núi”.
- “Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thành núi Bà Đen”.
- “Có một nữ thần của người Khmer, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmau), mà hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen; hiện trên núi còn dấu chân này” (Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam). Lê Trung Hoa đã chọn giả thuyết thứ 5, cho là “hợp lý nhất” (?), khi ông đến đó, trông thấy dấu chân khắc trên đá.
Do là ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ, nên núi Bà Đen còn được gọi là núi Một, như cách gọi địa danh Thủ Dầu Một là “thủ có cây dầu cao nhất”.
Những truyền thuyết về Bà Đen
Có nhiều truyền thuyết xoay quanh câu chuyện về Bà Đen, xuất phát từ những lớp tín ngưỡng khác nhau, nhằm giải thích về địa danh cũng như nguồn gốc tín ngưỡng vị nữ thần được thờ phượng nơi đây của các tộc người.
Trong kho tàng truyện cổ Khmer Nam bộ, có câu chuyện giải thích về địa danh Bà Đen như sau. Hai bên nam nữ tranh chấp với nhau, không bên nào chịu đứng ra cưới bên kia. Nàng Rê Đeng [thực ra là Mê Đeng, Đênh] rủ chàng trai mạnh nhất trong vùng thi đắp núi với mình, mỗi người đắp một quả núi trong một đêm, ai đắp xong thì được đốt một ngọn đèn trên đỉnh núi để báo hiệu thắng cuộc và bên thua phải đi cưới bên thắng. Chàng trai ỷ khỏe nên chỉ lo ca hát, ăn uống. Còn nàng Rê Đeng thì bắt tay ngay từ khi sao hôm mọc. Đến nửa đêm, nàng đã đắp xong và thắp ngọn đèn trên đỉnh núi.
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Núi đó là Bà Đen, đọc trại ra từ Rê Đeng (?). Biết thua cuộc, chàng trai sai voi trắng của mình đến phá núi, nhưng voi chưa kịp phá núi thì Rê Đeng làm phép biến voi thành đá. Chàng trai liền cho bầy heo rừng của mình đến ủi núi, nhưng số phận cũng giống như voi trắng. Chàng trai lại sai bầy gà trống đến bới núi, nhưng đều cũng bị hóa đá. Voi, heo rừng, gà trống đều hóa đá thành núi Tượng, núi Heo, núi Gà. Cuối cùng, chàng trai tự đến phá núi, hốt đất vãi tứ tung ra cánh đồng phía Tây núi Bà Đen thành những đồi cát ngày nay bên chân núi Bà Đen (Nguyễn Hữu Hiếu, Nam Kỳ cố sự, 1997). Câu chuyện này có cùng motif với truyện thi đào ao ở ao Bà Om của người Khmer ở Trà Vinh.
Người Chăm ở xã Đông Tác (Tây Ninh) còn có sự tích khác kể về Bà Đen. Sau cuộc chiến giữa hai nước, hoàng đế Champa cưới hoàng hậu nước Việt. Vị hoàng hậu vì muốn giúp nước mình, nên khuyên vua Chăm đốn bỏ cây thần mọc trước cung điện. Vua nghe lời, đốn cây thần, dùng gỗ chế tạo một chiếc tàu chiến. Mỗi lần ra quân, quân Chăm luôn chiến thắng quân Việt, chiếc tàu vẫn được Bà che chở. Quân Việt phải tìm cách cắm cừ giữa sông, chiếm được chiếc tàu, mới chiến thắng quân Chăm (!) (Toan Ánh, Nếp cũ Hội hè đình đám, 1969).
Một sự tích kể về việc thành lập Điện Bà. Cũng theo Toan Ánh, khi Bà Đen đã hiển thánh, thì chưa có nơi nhang khói để thờ phụng. Vào cuối thời kỳ Tây Ninh còn thuộc đất Cao Miên, có vị tu sĩ tên là Đạo Trung đến trú ẩn trên núi Bà, khai khẩn nơi đây. Ông lo tụng niệm kinh Phật suốt 31 năm, bỗng một ngày trông thấy Bà hiển hiện trên đỉnh núi và ít lâu sau vị tu sĩ tìm thấy chân dung bằng đá của Bà, đem về núi lập động thờ phụng. Điện Bà có từ đó.
Truyền thuyết xưa kể rằng, vùng đất này vốn thuộc Cao Miên, viên quan trấn thủ sinh được cô con gái hiền thục là nàng Đênh, năm 13 tuổi cho theo học đạo với một nhà sư người Hoa. Vì có ý nguyện xuất gia, nên khi con trai tri huyện Trảng Bàng cầu hôn, nàng Đênh lẻn lên núi, bị cọp ăn thịt, chỉ tìm được khúc chân kẹt trong hang đá. Từ đó bà trở nên hiển thánh.
Trong một câu chuyện khác, Toan Ánh kể về việc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt đuổi trên đường sứ, từ Tây Ninh sang Lào đi Xiêm để cầu viện (?). Lúc Nguyễn Ánh ngang qua trảng Mảng Chà, vùng Bùng Binh, Lê Văn Duyệt được lệnh của chúa đến núi cầu Bà cứu giúp. Bà báo mộng, chỉ đường vòng qua núi Bà thoát nạn. Sau khi lên ngôi, Gia Long cho đúc cốt tượng Bà Đênh bằng đồng đen và giao cho quan trấn thủ đưa lên núi tại động thờ Bà, đồng thời sắc phong là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, người dân gọi động đó là Linh Sơn Tiên Thạch Động. Dân chúng gọi núi Tây Ninh là núi Chân Bà Đênh, rồi sau gọi tắt và trại ra thành núi Bà Đen.
Trong quyển địa chí Tây Ninh xưa và nay (1972), Huỳnh Minh thuật lại câu chuyện về cô Lý Thị Thiên Hương là người thông thạo văn chương, biết võ nghệ, hay lên núi lễ Phật. Cô có diện mạo đen đúa nhưng duyên dáng, khiến lòng người say đắm. Chàng trai giỏi võ trong vùng Lê Sĩ Triệt đem lòng yêu thương. Con trai một viên quan để ý nàng, tìm cách bắt cóc về làm thiếp nhưng đã được Lê Sĩ Triệt giải cứu. Chàng trai lên đường tòng quân, bọn gia nô của con vị quan đến vây bắt nàng. Thiên Hương đã gieo mình xuống núi tuẫn tiết. Nàng hiện hình thành người con gái mặt đen về báo mộng cho vị sư. Chuyện đến tai Lê Văn Duyệt và nàng cũng đã hiển linh trước mặt ngài. Thiên Hương đã giúp quân Nguyễn Ánh thoát nạn Tây Sơn trong một lần bị rượt đuổi qua núi Bà Đen.
Lý giải về địa danh Bà Đen
Đền Mariamman (45 Trương Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) còn gọi là chùa Bà Ấn giáo, chùa Bà Đen, thực chất là ngôi đền Hindu do cộng đồng người Ấn tại Sài Gòn xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Ngôi đền lại được xây trên nền của ngôi miếu nhỏ của người Việt thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Việc cộng đồng người Ấn đã từng có thời gian lên cúng ở Điện Bà trên núi Bà Đen (Tây Ninh) càng cho thấy mối “quan hệ lịch sử” trong tín ngưỡng thờ Mariamman và Bà Đen, không phải là ngẫu nhiên.
Tín ngưỡng Niềng Khmau (Bà Đen) phổ biến trải rộng từ miền Nam Việt Nam sang Campuchia, Thái Lan, vì có thể nữ thần Chao Mae Tuptim ở Bangkok cũng là một dạng cải biên của tín ngưỡng thờ nữ thần Uma. Sự tích về Me Khmau được thờ trong ngôi đền Pich Nil nằm gần cảng Sihanoukville (Campuchia) có hơi hướng như sự tích Lý Thị Thiên Hương của Việt Nam. Chuyện kể Niềng Khmau là một phụ nữ Khmer, chồng là Tà Kry (Ông Kry), một tướng soái của Campuchia đang chinh chiến xa nhà chống quân Xiêm xâm lăng. Do nhớ chồng, bà đón thuyền đi tìm. Khi đến gần kinh đô một cơn bão lớn xảy ra, người trên thuyền cho rằng Niềng Khmau làm thần linh nổi giận do bà đang có mang, phạm phải điều cấm kỵ khi lên thuyền. Niềng Khmau xin lỗi mọi người rồi trầm mình xuống biển, cơn bão cũng lập tức biến mất. Bà trở nên linh thiêng, được dân chúng thờ, dân đánh cá tôn là thần biển. Đây là tín ngưỡng cổ xưa liên quan đến những hóa thân của Uma như Kali và Durga. Tín ngưỡng thờ Niềng Khmau của ngư dân Campuchia được hình thành từ hình tượng Uma, Kali đã được dân gian hóa bằng truyền thuyết liên quan đến biển.
Ở tỉnh Takeo (Campuchia) có ngôi đền bằng gạch thời tiền Angkor (thế kỷ VII-IX) được người địa phương gọi là đền Niềng Khmau (đền Bà Đen). Trên đỉnh Bokor (Tà Lơn, Kampot) có tượng Yeay Khmau (Bà Đen), một điểm hành hương của du khách khi đến ngọn núi này. Ngôi đền Phnom Chisor xây dựng dưới triều Suryavarman I cũng tìm thấy pho tượng Phật đội vương miện, người địa phương gọi là Niềng Khmau (Phan Anh Tú, Điêu khắc thần Visnu và Shiva trong văn hóa Đông Nam Á, 2016).
Ngư dân đảo Bali (Indonesia) cũng thờ cúng nữ thần Kali như một dạng Bà Đen, thịnh hành trên đảo Java thời kỳ tiền Islam giáo.
Vương Hồng Sển giải thích về nguồn gốc của Bà Đen trong Tự vị tiếng Việt miền Nam (1991): “Viết bà đinh, mà đọc Bà Đen; không viết Bà Đen, theo tôi, vì e hiểu lầm và đổi ra Hán tự thanh Hắc Sơn. Người cơ me gọi bà này là “yéay khmau” (yéay: mụ, lão bà; khmau: đen. Tỷ dụ Tưk khmau: Cà Mau: xứ nước thâm đen). Tương truyền bà là một nữ thần gốc người Thổ (Chàm hay Miên) vì có công trợ giúp chúa Nguyễn buổi mông trần, nên khi tức vị rồi thì phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, và vì chữ “linh” và chữ “vân” gần giống nhau, nhứt là lối ghi bản gỗ bên Trung Quốc khắc đem về, đã lầm lạc rồi, nên ông Aubaret và ông Nguyễn Tạo đều dịch “Vân Sơn”.
- Xem thêm: Nữ thần lúa ở Đông Nam Á
Câu chuyện này không phản ánh đúng thực tế lịch sử là Nguyễn Ánh đã từng hoạt động ở Tây Ninh thời còn đánh nhau với Tây Sơn ở đất Gia Định. Và địa danh Tưk khmau không phải là “xứ nước đen” như cách hiểu lâu nay, mà chính là cách gọi các địa danh gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà Đen của người Khmer ở Nam Bộ (Nieng Khmau, Yéay Khmau) như ta thấy địa danh Cà Mau còn có ở Cai Lậy (Tiền Giang), huyện Chợ Mới (An Giang), vốn là những vùng đất cao, không bị ngập úng (Lê Công Lý, Thử giải thích lại địa danh Cà Mau, tập san Đồng Tháp xưa và nay, số 60). Do vậy, nó chỉ rõ ra nguồn gốc Khmer của vị nữ thần này, dù Vương Hồng Sển có phân vân về nguồn gốc Chăm hay Khmer.
Trong tiếng Khmer, núi Bà Đen được viết là Phnom Khmau, trong đó phnom có nghĩa là “núi, đồi, gò”, khmau là “đen”. Bản đồ quân sự của Mỹ trước năm 1975 cũng ghi địa danh núi Bà Đen là Srey Khmau (srey: bà, phụ nữ).
Trương Vĩnh Ký cũng cho biết núi Bà Đinh [Bà Đen] ở Tây Ninh gọi là Bà Đinh Sơn (Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ), cũng gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen; còn Aubaret gọi là Ba Din (Giadinh thung chí, 1863). Trong tập di cảo Le Cisbassac, Trương Vĩnh Ký viết tên ngọn núi này là “phnom cơn bà đèn”. Đỉnh chót núi, tiếng Khmer gọi là kompul choeung là “bàn chân trên núi”.
Có nhiều truyền thuyết để giải thích về địa danh Bà Đen, chung quy lại có mấy nguồn: Việt (núi Bà, núi Một, núi Bà Đen, núi Bà Đanh, núi Điện Bà), Hán (Bà Đinh Sơn, Linh Sơn, Vân Sơn), Khmer (Bà Đênh/ Đinh, Ba Din, Chơn Bà Đen, Chiêng Bà Đen, Phnom Chơn Bà Đen), Chăm (Chơk Juk). Những tên gọi này đều cho thấy địa danh này bắt nguồn từ vị nữ thần có yếu tố “đen” hay “thâm” (Việt) và yếu tố Đênh, Chiêng/ Chơn (Khmer) được đặt cho ngọn núi. Người Chăm gọi ngọn núi này là Chơk Juk (núi đen). Ngay truyền thuyết về đắp núi thi ở đây cũng liên quan đến nàng Mê Đen. Như vậy, địa danh Bà Đen ở đây có nguồn gốc từ Khmer cả về âm lẫn nghĩa.
Qua đây cho thấy tính chất cũng như nguồn gốc của vị nữ thần này trong văn hóa Hindu, đó là tín ngưỡng thờ Mariamman, Kali (Ấn Độ, Indonesia), Niềng Khmau (Campuchia). Câu chuyện về người con gái mặt đen (Lý Thị Thiên Hương) là sự vay mượn từ truyền thuyết Niềng Khmau và Tà Kry của Campuchia, đồng thời là cái lớp văn hóa Nho giáo sau này phủ lên chỉ để nhằm giải thích nguồn gốc tên gọi ngọn núi thiêng Bà Đen ở Tây Ninh.