Năm 2005, giải Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren nhờ công phát hiện ra vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P.) là nguyên nhân thường gây viêm loét dạ dày – tá tràng (DDTT).
Sau khi giải thưởng này được công bố, nhiều bệnh nhân rất phấn khởi vì xem đây là một thành tựu khoa học mới và tìm đến thầy thuốc để xin được điều trị vi khuẩn H.P. Thật ra, việc phát hiện H.P. đã được công bố từ lâu, nhưng mãi 22 năm sau, thành quả lao động của hai nhà khoa học trên mới được công nhận một cách xứng đáng.
Ngày nay, vi khuẩn H.P. bị định rõ là tác nhân thường gây viêm loét dạ dày – tá tràng và làm cho bệnh này rất dễ tái phát nếu không được tiệt trừ tận gốc. Hơn nữa, H.P. còn có khả năng làm biến đổi cấu trúc mô học của niêm mạc dạ dày, làm phát sinh ung thư ở dạ dày. Vì vậy, việc điều trị tiệt trừ H.P. có tác dụng hạn chế sự tái phát của bệnh và phòng ngừa ung thư dạ dày. Đặc biệt, nếu loại ung thư mô lymphô ở dạ dày được phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi nhờ sử dụng kháng sinh.
Cũng giống như các bệnh nhiễm trùng khác, nhiễm H.P. ở dạ dày được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh để tiệt trừ H.P. không đơn giản. Vi khuẩn H.P. có khả năng chui sâu và sống bên trong lớp nhầy phủ trên bề mặt dạ dày, nhờ vậy nó được che chở và ít bị tấn công bởi kháng sinh. Mặt khác, môi trường axít trong dạ dày khá cao, có thể phá hủy hoặc làm bất hoạt các kháng sinh. Do đó, chỉ có một số ít kháng sinh mới có đủ điều kiện tiêu diệt được H.P. như Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole, Tinidazole, Ztetracycline…
Vấn đề đặt ra là các kháng sinh này cũng thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm họng, viêm xoang, viêm đường tiểu… Nếu sử dụng tràn lan và không đúng cách, người dùng dễ bị kháng thuốc. Trên thực tế, tỷ lệ kháng thuốc của H.P. đối với Metronidazole có thể lên đến trên 90%, với Clarithromycin vào khoảng 13%… Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị vẫn còn có kết quả H.P. dương tính.
Vả lại, ở những trường hợp kháng thuốc, người ta bắt buộc phải phối hợp thêm nhiều kháng sinh nên sẽ làm gia tăng tác dụng phụ và chi phí điều trị sẽ cao hơn. Vậy khi điều trị H.P. lần đầu tiên, người bệnh phải hết sức chú ý và tuân theo những nguyên tắc như sau: Cần điều trị sớm và nhất thiết phải chọn một phác đồ kháng sinh thật hiệu quả. Một phác đồ hiệu quả bắt buộc phải kết hợp ít nhất hai loại kháng sinh, nên chọn lựa những kháng sinh đảm bảo chắc chắn về chất lượng và hàm lượng, ít bị kháng thuốc trong cộng đồng.
- Xem thêm: 7 bí quyết bảo vệ dạ dày không bị loét
Phác đồ kháng sinh thường được chọn đầu tiên là Clarithromycin (500mg x 2 lần/ngày) và Amoxicillin (1.000mg x 2 lần/ngày). Nhiều trường hợp vì lý do kinh tế, người ta giảm bớt liều của Clarithromycin, chỉ còn 250mg x 2 lần/ngày, nhưng liều này không được khuyến cáo chính thức vì có nguy cơ gia tăng tỷ lệ kháng thuốc. Ngoài ra, người ta còn dùng thêm các thuốc ức chế tiết axít mạnh để làm mau lành ổ loét và tạo điều kiện cho kháng sinh tác dụng tốt hơn.
Thành công của điều trị còn tùy thuộc vào sự tuân thủ của bệnh nhân, nghĩa là phải uống thuốc đủ số lần trong ngày, đủ liều lượng và phải dùng trong một thời gian ít nhất là 7 ngày mới hy vọng đạt được hiệu quả tiệt trừ H.P. và ngăn ngừa sự kháng thuốc.