Mông Cổ có một số tỷ lệ bạo lực tình dục tồi tệ nhất ở châu Á và văn hóa cũ khó thay đổi.
Bạo lực tình dục phổ biến ở Mông Cổ
Mặc một chiếc váy đen không tay và với mái tóc nâu duyên dáng cuốn thành búi tóc, Solongo nhấp ngụm trà trong một văn phòng ở trung tâm thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ và chậm rãi nói về những gì đã xảy ra khi cô 18 tuổi. Khi đi bộ từ nhà thờ vào các khu vực đồi núi phía Bắc thành phố, một người đàn ông đã tóm lấy cô, đe dọa sẽ giết chết và sau đó cưỡng hiếp cô.
“Tôi không gọi cảnh sát. Đó là bí mật của tôi” – nạn nhân nay đã 38 tuổi yêu cầu được giấu tên vì sự an toàn của mình, cho biết. Solongo đi bộ qua một khu vực nguy hiểm thay vì đi xe buýt – điều không phải là hiếm đối với phụ nữ Mông Cổ. Nhiều năm sau, người chồng không tin Solongo khi cô thú thật về vụ tấn công tình dục. Hai người chia tay sau khi anh ngoại tình.
Solongo không có việc làm và phải nuôi 2 đứa con trai 8 và 11 tuổi. Nữ chuyên gia tư vấn Yanjmaa Jutmaan chăm chú lắng nghe khi Solongo mô tả các vấn đề của cô. Jutmaan cho biết: “Tư vấn cá nhân gần như là một khái niệm chưa được biết đến ở Mông Cổ. Tôi đã giúp Solongo viết một cuốn tự truyện về hành trình từ một thiếu nữ bị tấn công tình dục đến giai đoạn trở thành nữ hiệu trưởng đại học đầu tiên của đất nước.
Trong những năm gần đây, Solongo xoay quanh việc giúp đỡ những phụ nữ bị xâm hại tình dục. Chúng tôi là một người khép kín, sống nội tâm. Tỷ lệ tự tử và tấn công tình dục cao. Mông Cổ là đất nước nghèo, và cuộc sống ở đây thật khó khăn”. Giống như nhiều phụ nữ Mông Cổ khác, Jutmaan cũng từng bị tấn công tình dục nên tin rằng đã đến lúc đất nước phải giải quyết vấn đề. Cuối năm 2017, Bolor Zaankhuu, 33 tuổi, đã xuất bản tài khoản #MeToo của riêng mình.
15 năm trước, trong khi đi thang máy lên căn hộ ở tầng 4, một người đàn ông đã túm lấy Bolor từ phía sau, cô viết trong một blog. Bolor vật lộn cho đến khi cửa thang máy mở ra và cô chạy ra khỏi cầu thang xuống tầng trệt. Khi cùng cha đến cảnh sát, Bolor bị khiển trách vì mặc áo hở hang. Đó là giữa mùa hè. Bolor sau đó xác định kẻ tấn công cô, nhưng hắn chỉ bị giam một đêm tại đồn cảnh sát trước khi được thả ra.
Bây giờ, Bolor chờ đợi cho đến khi không có người đàn ông nào ở quanh mới đi thang máy và cô không cho phép đứa con gái 10 tuổi của mình đi bất cứ đâu một mình. Năm 2017, Saranzaya Chambuu nhận được một cuộc điện thoại đau khổ từ em gái Naranzaya báo tin mình bị một người đàn ông hãm hiếp. Người đàn ông đó là Gantulga Dorjdugar – một nghị sĩ của đảng cầm quyền. Cuối cùng, nghị sĩ này đã bị buộc tội và phải từ chức tại Quốc hội.
Saranzaya và Naranzaya cũng đang cố gắng phục hồi từ từ. Họ đã chuyển đến một căn hộ mới và Naranzaya đã trở lại học tập để trở thành một giáo viên. Cô bắt đầu cảm thấy ổn trở lại. Đây là một trong những vụ bê bối chính trị cao cấp nhất ở Mông Cổ trong nhiều năm qua, và nêu bật cả sự tiến bộ và những thách thức trong một phong trào quyền phụ nữ non trẻ nhưng đang phát triển. Saranzaya là một trong những nhóm phụ nữ nhỏ bé nhưng ngày càng táo bạo kêu gọi đất nước của họ giải quyết bạo lực tình dục lan tràn.
Đối với một số người, đây là sự khởi đầu của phong trào #MeToo của Mông Cổ, mặc dù luật pháp yếu kém và văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân có nghĩa là nó còn một chặng đường dài. Saranzaya đặt vấn đề: “Một số người hỏi tại sao chúng ta không dừng lại và tại sao chúng ta lại chiến đấu vì điều này, Chúng tôi muốn mở ra con đường cho những người phụ nữ khác. Nếu điều này có thể thắng tại tòa và họ có thể mang lại công lý cho nạn nhân, chúng tôi có thể chứng minh hệ thống này là chính đáng và điều đó sẽ giúp các nạn nhân khác”.
Năm 2017, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) thực hiện một cuộc khảo sát lần đầu tiên về bạo lực trên cơ sở giới ở Mông Cổ, nơi có dân số hơn 3,1 triệu người. Phát hiện chính, được công bố vào tháng 6-2018, cho thấy Mông Cổ có một trong những tỷ lệ bạo lực tình dục cao nhất ở châu Á. Một trong ba phụ nữ Mông Cổ (chiếm 31,2%) đã từng có mối quan hệ bạo lực thể xác hoặc tình dục từ một đối tác trong cuộc đời của họ.
Nơi nguy hiểm nhất là nhà ở, sau đó là trên đường phố. Một trong số 10 phụ nữ cho biết bị xâm hại tình dục trước tuổi 15. Hai nguyên nhân chính là đối tác nam ghen tuông và say rượu. Tháng 7-2018, Mông Cổ đã phát động chiến dịch #HeForShe – một phần của phong trào quốc tế vì bình đẳng giới do Jutmaan lãnh đạo. Jutmaan cho rằng tỷ lệ bạo lực tình dục có thể cao hơn ước tính được đưa ra trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Jutmaan bình luận: “Đây là trải nghiệm phổ biến ở Mông Cổ. Thật là xấu hổ. Xã hội đổ lỗi cho người phụ nữ. Mọi người đều có vấn đề về tình dục, và cưỡng bức trong hôn nhân là phổ biến”.
Là mẹ của 4 đứa con trai, Yanjmaa Jutmaan có bằng tiến sĩ toán học tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) và từng làm nhà phân tích cao cấp cho chính phủ Mông Cổ về an ninh mạng, chính sách và phân tích dữ liệu. Nhưng Jutmaan đã chọn một con đường giúp đỡ những phụ nữ Mông Cổ đối mặt với bạo lực tình dục. Jutmaan đang cố gắng quyên góp tiền để mở một trung tâm tư vấn trên mảnh đất mà bà và chồng mua gần Vườn quốc gia Gorkhi-Terelj cách Ulaanbaatar khoảng 48,28km về phía Đông.
Trung tâm của bà hỗ trợ Trung tâm dịch vụ One Stop – nơi kết hợp giữa khu lưu trú dành cho phụ nữ bị bạo hành và phòng khám y tế và phụ nữ nạn nhân cũng có thể tiếp cận các dịch vụ pháp lý và tâm lý. UNFPA đã xây dựng một số trung tâm One Stop trên toàn Mông Cổ. Trung tâm thứ 15 đã mở cửa hoạt động vào tháng 11-2019.
Nhưng hầu hết các nhà quan sát thừa nhận rằng các trung tâm sẽ không bao giờ là đủ. Ariunzaya Ayush, nữ chủ tịch Cục Thống kê Quốc gia Mông Cổ (NSO), người đã giúp công bố báo cáo của UNFPA, cho rằng “đã đến lúc Mông Cổ phải cố gắng để không chỉ trao quyền cho phụ nữ mà còn giáo dục nam giới”. Ayush làm việc trong văn phòng ở tầng thứ 3 rộng rãi trong tòa nhà chính phủ xây dựng cách Quảng trường thành phố Sukhbaatar một khối nhà.
Ông nội của bà, Puntsagiin Jasrai, giữ chức vụ thủ tướng Mông Cổ từ năm 1992 đến năm 1996. Ariunzaya Ayush cho biết: “Tất cả bắt đầu từ trong căn nhà gia đình – 33% các cậu bé bị trừng phạt về thể xác so với 23% các cô gái. Cha mẹ dành nhiều thời gian hơn với con gái. Họ trừng phạt con trai nhiều hơn. Con trai cũng ít học. Theo văn hóa Mông Cổ, nam giới phải là anh hùng. Con trai không được khóc. Họ phải mạnh mẽ”.
Ý tưởng đó khuyến khích nam giới có quyền lực đối với phụ nữ. Từ đó, nhiều phụ nữ không nhận ra rằng những gì họ chịu đựng chính là bạo lực thể xác hoặc tình dục. Một cuộc điều tra cho thấy 35% phụ nữ đã từng trải qua bạo lực từ đối tác nói rằng người chồng có lý khi đánh vợ nếu cô ấy không chung thủy.
Số phụ nữ khác với tỷ lệ thấp hơn cũng chấp nhận hứng chịu bạo lực từ người chồng khi phạm các lỗi khác – như là không vâng lời, không chu toàn việc nhà, từ chối quan hệ tình dục, và nghi ngờ chồng không chung thủy. Ayush kết luận: “Phụ nữ Mông Cổ không coi bạo lực là một tội ác, vì vậy họ chấp nhận nó”.
Các trung tâm đón nhận nạn nhân của bạo lực gia đình đang thiếu hụt ở Mông Cổ
Trung tâm Quốc gia Chống Bạo lực (NCAV) là tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái và phi chính phủ được thành lập năm 1995 với mục tiêu chống bạo lực gia đình và tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở Mông Cổ. NCAV được thành lập đầu tiên với 3 nhân viên và 1 ngôi nhà nhỏ ở thành phố Ulaanbaatar.
Ngày nay, NCAV hoạt động ở cấp quốc gia, với 20 nhân viên và 100 tình nguyện viên tại 16 chi nhánh trong cả nước và điều hành 5 ngôi nhà trú ẩn dành cho nạn nhân của bạo lực gia đình và tình dục ở Mông Cổ. Trung tâm bình đẳng giới Mông Cổ (MGEC) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.
MGEC được thành lập năm 2002 để chống lại tội phạm buôn người ngày càng gia tăng. Chính phủ không tài trợ cho các nơi trú ẩn, đó là lý do tại sao NCAV tiếp cận Holt International – tổ chức phi lợi nhuận Cơ đốc giáo có trụ sở tại Oregon (Mỹ), để giúp tài trợ cho công việc của mình. Desert Rose – một tổ chức phi lợi nhuận khác của Cơ đốc giáo – điều hành một căn nhà an toàn ở vùng ngoại ô xa xôi của Ulaanbaatar, nơi chăm sóc 20 cô gái bị tấn công tình dục, bị bỏ rơi hoặc có cha mẹ có vấn đề sử dụng chất gây nghiện hoặc không thể chăm sóc họ.
Người ta phải đi bộ xuống một con đường đất để đến tòa nhà chính, bên ngoài có gạch giả màu xanh nhạt và một loạt các phòng dành cho các cô gái. Một tòa nhà liền kề có một thư viện rộng lớn, thoáng mát với ghế ngồi bên cửa sổ và sách bằng tiếng Mông Cổ và tiếng Anh.
Khi được hỏi những cô gái nạn nhân ở đó bao lâu, giám đốc Amarjargal Tsolmon và trợ lý giám đốc Suvdaa Jamsran cho biết: “Tất cả phụ thuộc vào mức độ của cô gái bị tổn thương, về thể chất, cảm xúc và tình dục. Lúc đầu, chúng tôi có rất nhiều thanh thiếu niên, nhưng gần đây chúng tôi tiếp nhận những nạn nhân nhỏ tuổi hơn. Chúng tôi nói với họ rằng họ là con người quý giá và những gì đã xảy ra không phải là lỗi của họ”.
Giám đốc Tsolmon nói thêm: “Chúng tôi có tuổi thơ tuyệt vời dưới chủ nghĩa xã hội trong thập niên 1980. Chúng tôi có thể tham gia bất kỳ loại thể thao hoặc nghệ thuật. Chúng tôi có bệnh viện miễn phí, trường học miễn phí, chúng tôi có thể tự đi bộ đến trường. Chúng tôi không thể tưởng tượng bất cứ điều gì xấu xảy ra. Bây giờ chúng tôi không thể gửi các cô gái một mình ở bất cứ đâu”.
Nền kinh tế Mông Cổ cũng chao đảo sau khi Liên Xô rút lui, và khi các nhà máy đóng cửa, tình trạng thất nghiệp và nghiện rượu tăng vọt. Bạo lực chống phụ nữ bắt đầu lan tràn. Trong nhiều năm, chính phủ đã thực hiện một vài bước để ngăn chặn bạo lực tình dục nhưng không thành công. Mọi thứ bắt đầu thay đổi, ít nhất là về kinh tế, vào năm 2010 khi Mông Cổ trải qua sự bùng nổ khai thác mỏ ở phía tây của đất nước.
Xuất khẩu than của Mông Cổ tăng 15% trong quý đầu tiên năm 2020 nhờ nhu cầu than cốc rất lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 30% dân số của đất nước sống trong nghèo đói, nhiều người trong số đó ở thành phố Ulaanbaatar đông đúc và ô nhiễm, gây áp lực to lớn cho các gia đình và từ đó dẫn đến vòng xoáy bạo lực.
Hiện tại, có thể là nhiều năm trước khi những người phụ nữ như Solongo có thể vượt qua tuổi thiếu niên mà không bị tấn công hay cưỡng hiếp. Số liệu của chính phủ cho thấy chỉ có 46% các cô gái tuổi thiếu niên Mông Cổ cảm thấy an toàn khi đi một mình trong khu phố của họ sau khi trời tối. Và cho đến khi văn hóa cũ thay đổi, các trung tâm tư vấn cũng như trại trẻ mồ côi và nhà trú ẩn dành cho phụ nữ luôn thiếu hụt trầm trọng…