Thời gian trôi đi, mâu thuẫn này phát sinh mâu thuẫn kia, lại thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền. Người lãng mạn cách mấy cũng không tài nào nhớ nổi tại sao ngày xưa hai người yêu nhau đến vậy! Hỏi mười bà vợ thì hết chín đều khẳng định ông chồng không còn như ngày xưa.
Sinh nhật vợ chẳng nhớ, vợ cắt tóc, mặc quần áo mới chồng cũng không quan tâm, ngược lại thì bị trách cứ rằng ra đường thấy bao nhiêu cô gái trẻ xinh đẹp trong khi vợ mình sao mà luộm thuộm, lôi thôi… Đến nỗi, nhiều người trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhìn lại hôn nhân họ chỉ còn cảm giác… rùng mình, không muốn dấn thân lần nữa.
Có thể thấy rõ một điều rằng, hôn nhân không phải là một con đường bằng phẳng. Có đi qua một cuộc hôn nhân mới biết thế nào đủ bộ “tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố” dù chỉ ở hai con người mà ngày xưa đã thề non hẹn biển, sống chết cùng nhau.
- Xem thêm: Những cách giúp bảo vệ hôn nhân
Nhiều người từ kinh nghiệm của chính mình nói rằng, trong hôn nhân không có “cái tôi”. Phải dẹp “cái tôi” đi thì mới trụ được. “Cái tôi” quan trọng cỡ nào và ảnh hưởng của nó phải ghê gớm lắm mới gây ra đổ vỡ một gia đình (cho dù là rất bền chặt) như vậy?
Để nuốt “cái tôi” xuống, là một việc rất khó khăn! Một bà mẹ khuyên con gái rằng, hai người trong nhà không nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sĩ diện. Vợ chồng sống với nhau, sĩ diện quan trọng lắm sao?
Một bà vợ từ kinh nghiệm của chính mình đã phán một câu xanh rờn rằng, đừng bao giờ hỏi chồng về những chuyện “lăn tăn ngoài luồng” để không phải nghe lời nói dối, hãy cứ ngẫm từ cuộc hôn nhân của chính mình đi rồi sẽ biết gia giảm lòng vị tha.
Một bà vợ khác còn dũng cảm tuyên bố rằng, cho dù biết rõ mười mươi việc ông chồng có “đối tác” thì cũng cần thật bình tĩnh giải quyết vấn đề. Thậm chí, hãy coi đàn ông là đứa trẻ con thích những gì mới lạ, cả thèm và chóng chán.
Tuy nhiên, cần quan sát trong một chừng mực cho phép nào đó rồi mới ra tay kéo “đứa trẻ con” về một cách tế nhị. Nếu cần có thể tỏ ra vẻ thờ ơ, coi việc của chồng là chuyện đùa, hay không đáng quan tâm (thật ra trong đầu rất quan tâm) và để cho người đàn ông thấy rằng, chẳng có ai hơn người vợ của mình cả. Cái gì rồi cũng sẽ kết thúc. Càng say đắm càng mau kết thúc. Bà vợ này quả thật cao tay ấn!
Không ai là hoàn hảo cả. Hôn nhân cũng vậy. Trên con đường đi dài của hôn nhân, thỉnh thoảng người bạn đồng hành có lúc mải chơi, hái hoa bắt bướm rẽ ngang, bước dọc… Vấn đề là phải biết xử lý tình huống và quan trọng là phải thật bình tĩnh, sáng suốt.
Bà vợ cao tay ấn còn đưa ra một triết lý, đừng tò mò xem điện thoại chồng có những cuộc điện thoại đi đến “số lạ” nào, nếu nửa đêm chồng có tin nhắn thì cũng nên coi đó là chuyện của chồng.
Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải nhắc khéo chồng không làm ảnh hưởng đến “hòa bình thế giới” rồi từ từ giải quyết vấn đề một cách kín đáo, tế nhị. Các bà vợ phải hiểu một điều rằng, chẳng ông chồng nào dại dột bỏ vợ cái con cột, chỉ đến khi tự các bà đẩy các ông vào cuộc thi trắc nghiệm phải chọn phương án sai mà thôi.
Tất nhiên, hiếm có bà vợ nào đạt được “trình độ” kể trên. Tuy nhiên, phải thấy một điều rằng, để giữ vững cuộc hôn nhân, các bà vợ phải luôn cố gắng và vị tha là tiêu chí hàng đầu. Nhà văn Colombia nổi tiếng, người đoạt Nobel văn học 1982, Gabriel García Márquez cho rằng: “Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc, mà là sự bền vững”. Mới thấy, để có cái kết “bền vững” đòi hỏi ở cả hai vế. Xây dựng gia đình đã khó, giữ cho nó bền vững khó gấp bội!